Những địa điểm nên đến tại Bắc Ninh

scubi scubi @scubi

Những địa điểm nên đến tại Bắc Ninh

Bắc Ninh cách Hà Nội chỉ khoảng hơn 30 km, là địa điểm hoàn hảo cho một chuyến đi trong ngày. Dưới đây là những địa điểm nên đến tại Bắc Ninh cho các bạn tham khảo.

29/01/2015 10:37 AM
751

1. Chùa Dâu

Đi theo đường 5 qua khu đô thị Đặng Xá Gia Lâm thì rẽ trái theo đường Nguyễn Huy Nhuận (lối đi chợ Sủi), bạn đi thẳng, đến ngã 3 rẽ vào đường tỉnh lộ 282. Theo Tỉnh lộ 282 bạn sẽ gặp chợ Dâu tại ngã 4 cắt với tỉnh lộ 283. Chùa Dâu cách chợ Dâu khoảng 500m.

Chùa Dâu là ngôi chùa Phật giáo cổ nhất Việt Nam, là nơi giao lưu của hai luồng văn hóa Phật giáo, một từ Ấn Độ sang, một từ phương Bắc xuống. Chùa được xây dựng từ thế kỷ thứ 2 (khởi công xây dựng năm 187 và hoàn thành năm 226) dưới thời Sĩ Nhiếp làm thái thú.

Tại chùa Dâu, bạn sẽ có cơ hội lễ chùa, tìm hiểu về tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Ở đây cũng có những bức tượng cổ độc đáo như: tượng La Hán, tượng Bà Pháp Vân, tượng Kim Đồng Ngọc Nữ.

Nét đặc biệt là các pho tượng La Hán này cũng như hầu hết các pho tượng trong chùa Dâu đều được đắp bằng giấy bồi và đất sét.

Trong khu vực chùa Dâu còn có một giếng to tròn, tương truyền là dấu tích chiếc gậy của Khâu Đà La tặng Man Nương. Man Nương đã chọc gậy xuống đất tạo thành giếng làm cho nước phun ra, lấy nước chống hạn cho dân. Tháp Hòa Phong là nét đặc trưng nhất của chùa Dâu.

2. Chùa Bút Tháp

Chùa Bút Tháp đã nổi tiếng bởi vẻ đẹp độc đáo về nghệ thuật kiến trúc, lịch sử lâu đời, cũng như phong cảnh hữu tình. Chùa có pho tượng Quan Thế Âm nghìn mắt nghìn tay bằng gỗ lớn nhất Việt Nam và tòa cửu phẩm liên hoa với những giai thoại kỳ bí của dòng thiền Mật Tông.

Đặc biệt là ngọn Bảo Tháp bằng đá rất đẹp. Nếu đi theo đường ven đê, thì bạn sẽ dễ dàng nhận ra ngọn Bảo Tháp này, và dễ dàng tìm được đường vào chùa. Đây là ngôi chùa rất thân thuộc với nhiều người Việt Nam, nhất là người dân miền Bắc.

Đây cũng là nơi được nhiều đạo diễn phim truyền hình chọn làm bối cảnh cho các bộ phim. Ở chùa Bút Tháp, độc đáo nhất là tòa Quan Âm thiên thủ thiên nhãn (nghìn mắt nghìn tay), kiệt tác độc nhất vô nhị về tượng Phật và nghệ thuật tạc tượng, được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2012.

3. Đình Bảng

Đến với Bắc Ninh, khách du lịch nên ghé thăm Đình Bảng đó là một ngôi đình nằm ở làng Đình Bảng (xưa là làng Cổ Pháp hay tên Nôm là làng Báng), thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Đình được xây dựng vào cuối thế kỷ 18, thờ các vị thành hoàng gồm Cao Sơn Đại vương (thần Núi), Thủy Bá Đại vương (thần Nước) và Bách Lệ Đại vương (thần Đất) đồng thời thờ sáu vị có công lập lại làng vào thế kỷ 15. Đình Bảng là một trong những ngôi đình có kiến trúc đẹp nhất còn tồn tại đến ngày hôm nay.

4. Đền Đô

Một ngôi đền cổ lâu đời, được xây dựng từ thời Lý Công Uẩn, đến nay đa số các hạng mục công trình đã được khôi phục và xây mới lại.

Đây là nơi thờ tám vị vua nhà Lý, có thể nói đây chính là nơi hội tụ của những con mang họ Lý. Đền tọa lạc tại làng Đình Bảng, Tiên Sơn, Bắc Ninh, đây cũng là làng có làng nghề làm bánh Phu Thê truyền thống.

Tại Đền Đô, lễ hội Đền Đô được tổ chức vào ngày 15 tháng 3 âm lịch hàng năm, đúng ngày Lý Công Uẩn đăng quang (15- 3 năm canh Tuất, 1010).

Lễ hội đền Đô là một lễ hội truyền thống có từ lâu đời, là nơi để những người con Đất Việt hướng về cội nguồn dân tộc, tưởng nhớ những vị vua Lý anh minh, đã có công xây dựng đất nước Việt.

5. Làng Tranh Đông Hồ

Làng tranh Đông Hồ là làng nghề nổi tiếng về tranh dân gian, thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cách Hà Nội khoảng 35 km. Làng Đông Hồ (đôi khi dân địa phương chỉ gọi là làng Hồ) nằm trên bờ nam sông Đuống, cạnh bến đò Hồ, nay là cầu Hồ.

Tranh Đông Hồ, hay tên đầy đủ là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, là một dòng tranh dân gian Việt Nam với xuất xứ từ làng Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Trước kia tranh được bán ra chủ yếu phục vụ cho dịp Tết Nguyên Đán, người dân nông thôn mua tranh về dán trên tường, hết năm lại lột bỏ, dùng tranh mới.

Đến với làng tranh Đông Hồ bạn sẽ được tìm hiểu về qui trình sản xuất tranh, hiện nay chỉ còn lại 2 nhà còn lưu giữ và sản xuất tranh. Các hộ gia đình còn lại thường làm Vàng Mã, xuất đi các tỉnh thành ở miền Bắc.

6. Làng Gốm Phù Lãng

Làng Phù Lãng (thuộc xã Phù Lãng), nằm ở phía đông huyện Quế Võ, cách huyện lỵ khoảng 10 km và cách sông Lục Đầu khoảng 4 km. Phù Lãng nằm bên bờ sông Cầu và có nhiều bến đò ngang suốt ngày chở khách qua lại. Phù Lãng còn có nhiều ngọn núi đẹp, tạo nên cảnh sơn thuỷ hữu tình ít có trên đất Bắc Ninh.

Sản phẩm chính của nghề gốm Phù Lãng là chum vại, chậu nồi, ấm đất, chậu sành, tiểu sảnh. Khác với gốm Thổ Hà, gốm Phù lãng được phủ một lớp men có hoa văn màu da lươn trông vừa thanh nhã vừa bền đẹp.

Tới Phù Lãng bạn đừng ngại đi lòng vòng vào các làng, bởi trong làng bạn mới có thể tận mắt nhìn thấy những lò Gốm và tìm hiểu cách làm Gốm ở đây. Nếu bạn thích nhiếp ảnh thì sẽ có khá nhiều góc máy để sáng tác.

Phương Thảo (tổng hợp)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý