Những góc khuất trong quan hệ Campuchia và Trung Quốc hiện nay

vuongxinh vuongxinh @vuongxinh

Những góc khuất trong quan hệ Campuchia và Trung Quốc hiện nay

Trung Quốc đang đổ hàng tỷ USD vào Campuchia để tạo lập một đồng minh mạnh mẽ trong khối ASEAN nhưng quan hệ hai nước vẫn còn nhiều trở ngại.

14/10/2014 07:00 PM
1,703

Chưa bao giờ dễ dàng để vẽ một bức tranh màu hồng về mối quan hệ Campuchia-Trung Quốc. Mặc dù có nhiều trao đổi ngoại giao cấp cao và các hình ảnh về một mối quan hệ hữu nghị vững chắc, sự mất lòng tin giữa hai nước vẫn còn sâu sắc và phổ biến. Điều mỉa mai là Trung Quốc đã mất hàng tỷ USD viện trợ, cho vay và đầu tư cho Campuchia trong những năm qua nhưng không thể khắc phục sự mất lòng tin này.

Lịch sử có vẻ là hữu ích để giải thích câu hỏi hóc búa này. Trong thế kỷ trước, quan hệ hai nước này có vẻ thân mật khi ông hoàng Norodom Sihanouk quyết định áp dụng một chính sách trung lập nhưng lại có quan hệ vô cùng gần gũi với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Trong suốt sự nghiệp chính trị của mình, ông đã duy trì mối quan hệ mạnh mẽ của Campuchia với Trung Quốc.

 - Ảnh 1

Thủ tướng Hun Sen của Campuchia và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Dưới thời Khmer Đỏ khét tiếng gian ác đã giết 1,7 triệu người và phá hủy đất nước Campuchia, Trung Quốc vẫn tiếp tục là một trong số ít các quốc gia ủng hộ và hỗ trợ cho Campuchia. Nước này lại tiếp tục hỗ trợ lực lượng tàn quân Khmer Đỏ sau khi nó bị Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia (CPP) lật đổ.

Việc ký kết Hiệp định Hòa bình Paris ngày 23/10/1991 đã chấm dứt cuộc nội chiến giữa Khmer Đỏ và Chính quyền Campuchia nhưng quan hệ Trung Quốc – Campuchia đã không được khôi phục ngay lập tức. Các nhà lãnh đạo Campuchia đã duy trì cảnh giác với Trung Quốc vì các mối quan hệ rắc rối của quá khứ. Chỉ sau năm 1997, quan hệ 2 nước mới bắt đầu cải thiện.

Trung Quốc nhận ra họ phải xem xét lại chiến lược trong quá khứ và bắt tay với các nhà lãnh đạo của CPP nếu muốn phục hồi quan hệ ngoại giao với Campuchia. Kết quả là, Trung Quốc nhanh chóng nổi lên như một nhà tài trợ quan trọng nhất của Phnompenh. Quan trọng hơn, Trung Quốc hoàn toàn không can thiệp vào lợi ích của các tầng lớp cầm quyền cũng như không đặt điều kiện về dân chủ nhân quyền khi viện trợ.

Bên cạnh sự hỗ trợ tài chính, Trung Quốc cũng hỗ trợ cho Campuchia trong việc tăng cường năng lực an ninh và đã cung cấp các thiết bị quân sự trị giá hàng triệu USD. Ví dụ trong năm 2010 Trung Quốc đã cung cấp 257 xe tải quân sự và 50.000 bộ đồng phục cho quân đội Campuchia. Ngoài ra còn thêm 1000 khẩu súng ngắn và 50.000 viên đạn cho cảnh sát nước này.

Năm 2013 trong cuộc bầu cử mà phe đối lập tố cáo có gian lận thì Trung Quốc cũng là một trong số ít các nước ủng hộ chiến thắng của CPP. Một tháng sau cuộc bầu cử, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đến Phnom Penh và hứa hẹn “Trung Quốc sẽ hỗ trợ vững chắc cho Campuchia để tránh các xáo trộn từ nước ngoài”.

Đổi lại các hỗ trợ của Trung Quốc, các nhà lãnh đạo CPP ủng hộ chính sách “một nước Trung Quốc”. Năm 1997 họ đóng cửa Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc với lý do văn phòng này có liên quan đến hoạt động khủng bố.

Năm 2012, Campuchia cũng bị cộng đồng ASEAN cáo buộc là đã sử dụng ghế Chủ tịch luân phiên để ngăn chặn việc ra một tuyên bố mạnh mẽ về vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông nhằm làm hài lòng Trung Quốc. Kết quả là lần đầu tiên sau 45 năm tồn tại, ASEAN không ra được tuyên bố chung trong một cuộc hội nghị. Nhiều người đã chỉ trích Campuchia đặt lợi ích của họ lên trên sự đoàn kết ASEAN.

Những sự việc này cho thấy mối quan hệ Campuchia và Trung Quốc là thân mật hơn bao giờ hết. Có vẻ Phnom Penh sẽ là đồng minh thân cận để giúp Trung Quốc duy trì ảnh hưởng ở Đông Nam Á.

 - Ảnh 2

Chiếc trực thăng của Campuchia rơi hôm 14/7 là hàng của Trung Quốc chế tạo.

Tuy nhiên, quan hệ này là rất mong manh. Trung Quốc đã đưa hàng tỷ USD đến cho giới tinh hoa Campuchia nhưng nếu họ muốn duy trì mối quan hệ mạnh mẽ và lâu dài với nước này, họ cần phải ủng hộ hào phóng cho lợi ích của người dân và đất nước Campuchia.

Trong thập kỷ qua, nền kinh tế Campuchia đã phát triển với tốc độ nhanh chóng giúp hàng triệu người thoát đói nghèo. Tuy nhiên nước này vẫn phải đối mặt với sự thiếu hụt kỹ năng nghiêm trọng. Ở đây Trung Quốc có thể giúp đỡ bằng cách cung cấp thêm kinh phí cho các chương trình đào tạo và học bổng học nghề. Điều này cũng có ích cho hàng trăm công ty Trung Quốc đang vật lộn để tuyển dụng được các lao động tay nghề cao ở Campuchia.

Mặc dù vậy, vấn đề bị phàn nàn nhất trong hoạt động viện trợ của Trung Quốc cho Campuchia là chất lượng các dự án. Ví dụ đã có khiếu nại rằng cầu đường do công ty Trung Quốc xây chất lượng rất kém. Điều này làm trầm trọng thêm sự thiếu tin cậy vào sự giúp đỡ của Trung Quốc.

Hoặc phản ứng công khai đầu tiên khi một trực thăng quân sự bị rơi ngày 14/7 vừa qua ở Phnom Penh, người ta nói rằng vì nó do Trung Quốc sản xuất. Đó là một lời nhắc nhở tàn nhẫn với Trung Quốc buộc họ phải suy nghĩ lại cách tiếp cận của mình với hoạt động viện trợ.

Sự thiếu hiểu biết về thực tại Campuchia cũng là một trở ngại lớn với Trung Quốc. Để giải quyết điều đó, Bắc Kinh cần thay đổi cách tiếp cận hiện nay của họ và xem xét lại những mối quan tâm và lợi ích cảu người dân thường Campuchia. Chỉ khi đó, Trung Quốc mới có thể khắc phục được sự mất lòng tin của người dân Campuchia.

Trần Vũ (Theo Diplomat)

Xem thêm video clip : Hai con kangaroo “đấu quyền anh” trên phố

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý