Những phát ngôn ấn tượng tại phiên chất vấn của Quốc hội

remember1 remember1 @remember1

Những phát ngôn ấn tượng tại phiên chất vấn của Quốc hội

Trong phiên chất vấn Kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIV (16 đến 18/11), có nhiều phát ngôn đáng chú ý.

20/11/2017 12:28 PM
185

Trong phiên chất vấn Kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIV (16 đến 18/11), có nhiều phát ngôn đáng chú ý.

"Chính phủ nói không với xin tăng trần nợ công"

Trong phiên chất vấn sáng 16/11, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trình bày thực trạng tình hình nợ công và quan điểm của Chính phủ về vấn đề này. Phó Thủ tướng cho biết, năm 2015 nợ công sát trần là 65%, dư nợ Chính phủ trên 53% tức là vượt trần cho phép, tỷ lệ chi trả nợ vay là 27,3%, vượt tiêu chuẩn cho phép của quốc tế là 25%. Nhiều thành viên của Chính phủ, một số đại biểu Quốc hội và chuyên gia khuyến cáo Chính phủ nên nghiên cứu để trình Trung ương, Quốc hội nới trần nợ công để có vốn cho đầu tư phát triển ngày càng cao khi kinh tế còn khó khăn nhằm đảm bảo an ninh, xóa đói giảm nghèo.

"Chính phủ và Thủ tướng đã tính toán rất kỹ và thấy rằng trần nợ công chỉ là một yếu tố thôi, còn quan trọng là khả năng trả nợ. Tổng trả nợ của chúng ta, kể cả trả nợ trực tiếp từ ngân sách và vay đảo nợ đã quá 25% so với tổng thu ngân sách hàng năm. Vì vậy, Chính phủ nói không với việc tăng trần nợ công", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Những phát ngôn ấn tượng tại phiên chất vấn của Quốc hội - Ảnh 1Phóng to

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Ảnh: Vietnamnet

"Nợ công không xấu mà đầu tư không hiệu quả mới thiệt hại kép"

Tranh luận với Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng về vấn đề nợ công, ĐBQH TP Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn cho rằng, điều quan trọng là hiệu quả của đầu tư công. Bởi lẽ, vấn đề về số vốn chỉ là bên ngoài còn linh hồn mới chính là hiệu quả của đầu tư công, bởi nợ công không xấu mà đầu tư không hiệu quả mới thiệt hại kép.

"Bộ trưởng nói nhiều đến kìm hãm sự phát triển hay tăng tốc của nợ công mà chúng ta thành công trong thời gian vừa rồi. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta quan tâm đến hiệu quả của đầu tư công. Vấn đề về số vốn chỉ là bên ngoài còn linh hồn chính là hiệu quả của đầu tư công bởi nợ công không xấu mà đầu tư không hiệu quả mới thiệt hại kép. Thiệt hại thứ nhất là chúng ta áp được để trả nợ tiền gốc và tiền lãi. Bên cạnh đó, chúng ta phải bù lỗ cho các doanh nghiệp mà chúng ta đầu tư không hiệu quả, điển hình là 12 doanh nghiệp đội vốn đầu tư và gây thất thoát nhiều tiền, Chúng ta cũng bù lỗ cho quá trình hoạt động như vậy gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe kinh tế và ảnh hưởng uy tín nước ta trên trường quốc tế", Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn tranh luận.

"Người Việt Nam quá dễ dãi khi sử dụng internet"

Tại phiên chất vấn chiều 17/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, hiện nay về xếp hạng ứng dụng công nghệ thông tin, Việt Nam đứng ở mức trung bình. Nhưng về an toàn thông tin, Việt Nam chỉ đứng ở mức trung bình yếu. Đặc biệt, trong đó có những chỉ số liên quan đến ý thức, hành vi của người dân, Việt Nam đứng ở hạng yếu nhất trên thế giới.

“Tôi hỏi các chuyên gia quốc tế, họ nói “người dùng Việt Nam dễ dãi”, chúng ta không nhận thức được nguy cơ, chỉ cần một tin nhắn trên máy tính, điện thoại đều bấm "ok" ngay, mà không biết các thông tin cá nhân đã được thu thập, có thể bị sử dụng cho mục đích xấu”, Phó thủ tướng nói và cho rằng đây là điều đáng báo động nhất cho an toàn, an ninh thông tin.

Điều tra án tham nhũng khó khăn do tội phạm có thủ đoạn, có quan hệ

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng, công tác phát hiện, điều tra tội phạm tham nhũng trong thời gian qua còn có một số hạn chế, chưa đạt được mong muốn của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Nguyên nhân chủ yếu là tội phạm tham nhũng là loại tội phạm có chủ thể đặc biệt, có trình độ chuyên môn, có quan hệ rộng và có nhiều thủ đoạn tinh vi để che dấu hành vi phạm tội, gây khó khăn cho công tác phát hiện điều tra của các cơ quan chức năng.

Những phát ngôn ấn tượng tại phiên chất vấn của Quốc hội - Ảnh 2Phóng to

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Ảnh: Tri thức Trực tuyến

Thời gian điều tra án tham nhũng kéo dài, khó khăn do việc điều tra các vụ án có yếu tố nước ngoài thường phải thông qua các hoạt động tương trợ tư pháp hình sự, liên quan đến nhiều cơ quan chức năng cũng dẫn đến thời gian phải kéo dài.

Ngoài ra, công tác giám định tư pháp, nhất là giám định tài chính, kế toán, xây dựng còn nhiều bất cập vướng mắc. Thời gian giám định dài, một số cơ quan cá nhân được trưng cầu giám định với nhiều lý do khác nhau đã từ chối giám định hoặc kéo dài thời gian giám định. Trình độ chuyên môn của một số giám định viên cũng chưa đáp ứng được yêu cầu kết luận giám định và phải trưng cầu giám định nhiều lần, dẫn đến thời hạn điều tra một số vụ kéo dài, thậm chí có những vụ chưa xử lý được, kéo dài do kết luận của giám định xác định về chứng cứ.

Đầu tư ít, lỗ nhiều, nợ thuế lớn có nên tiếp tục thí điểm Uber, Grab?

Chất vấn Bộ trưởng Tài chính, đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cho biết, kỳ họp trước ông chất vấn về thử nghiệm Uber, Grab nhưng câu trả lời lại nhấn mạnh ưu thế. Do đó, lần này, ông muốn tiếp cận câu chuyện về nguồn thu, thị trường của Uber, Grab thì lớn, nhưng thuế đóng góp thấp.

Ông đặt câu hỏi sắp kết thúc thử nghiệm đối với các loại hình này thì có tiếp tục hay không, khi mà đầu tư ít, lỗ nhiều, nợ thuế lớn.

“Bản thân chủ ở nước ngoài lĩnh đủ, tất cả hệ luỵ ở trong nước”, đại biểu Dương Trung Quốc nói.

"Bà Châu Thị Thu Nga khai chi tiền cho hội đồng bầu cử địa phương"

Tại phiên chất vấn sáng 18/11, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, khi dư luận báo chí nêu về việc trong vụ án Châu Thị Thu Nga, hội đồng xét xử không cho bị cáo có khai việc "chạy" tiền vào Quốc hội, rồi còn có báo nói cắt điện 30 giây… ông đã lập tức cho yêu cầu kiểm tra. Ông Bình khẳng định, phòng xét xử vẫn diễn ra bình thường, không có sự cố gì.

Về việc chủ tọa phiên tòa yêu cầu dừng, không cho bị cáo Nga khai tiếp thông tin liên quan đến việc "chạy" đại biểu Quốc hội, theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, vì vụ án này đã được tách ra thành một vụ riêng.

Những phát ngôn ấn tượng tại phiên chất vấn của Quốc hội - Ảnh 3Phóng to

Bà Châu Thị Thu Nga. Ảnh: Dân Trí

Chánh án TAND tối cao khẳng định, về lời khai "chạy" tiền để vào Quốc hội của bà Châu Thị Thu Nga đã có trong hồ sơ, và đây là việc không có gì phải giấu giếm.

"Việc chi tiền như bị cáo Nga khai là chi cho hội đồng bầu cử địa phương để có tên trong danh sách, thứ hai là chi cho báo chí để không đề cập đến chuyện bằng cấp của bà Nga (không đi học mà vẫn có bằng tiến sĩ-PV)", Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.

Về cách chi, bà Châu Thị Thu Nga khai có biết một doanh nhân buôn bán vàng và đã chủ động gặp, đưa tiền cho anh này nhiều lần, có lần 100.000 USD, có lần 200.000 USD, đưa ở nhiều địa điểm khác nhau. Còn doanh nhân này mang tiền đi đâu làm gì thì không ai biết, chỉ có 2 người biết và không có ai biết thêm.

Mục tiêu xuyên suốt trong chỉ đạo điều hành là đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, lòng tin và lợi ích của người gửi tiền

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Đinh Duy Vượt (đoàn Gia Lai) về việc người dân bất an với quá trình hợp nhất, sáp nhập, mua bán một số ngân hàng 0 đồng, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định: Quan điểm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ là trong bất cứ trường hợp nào khi xử lý các phương án đối với các tổ chức tín dụng thì mục tiêu đầu tiên là đảm bảo an ninh kinh tế, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, giữ được lòng tin của người gửi tiền và hệ thống ngân hàng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.

"Bất cứ khi nào và chọn bất cứ giải pháp nào thì mục tiêu đó là phải đảm bảo an toàn. Chính vì vậy, trong luật tổ chức tín dụng sửa đổi, Chính phủ đã đề xuất nội dung rất cụ thể chúng tôi đã báo cáo Chính phủ. Rất mong các đại biểu Quốc hội xem xét những chính sách giải pháp trong luật tổ chức tín dụng để có cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ để xử lý trong các tình huống khác nhau, có những giải pháp khác nhau, đáp ứng được nhu cầu. Mục tiêu xuyên suốt trong chỉ đạo điều hành là đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, lòng tin và lợi ích của người gửi tiền" - Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho hay.

"Chỉ còn 31% hộ kinh doanh đi đêm với cán bộ thuế"

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình), Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng xác nhận năm 2015 có đến 63% hộ kinh doanh "đi đêm với cán bộ thuế". Tuy nhiên, năm 2016, tỷ lệ này đã giảm còn 31%.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho rằng, thực trạng này không thể đổ lỗi cho khách quan, mà chính là sự suy thoái trong đội ngũ cán bộ và Bộ Tài chính quyết tâm xử lý. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cho rằng cần rà soát, sửa đổi lại chế độ chính sách. Sau vụ An Giang, Bộ cũng báo cáo Chính phủ đề xuất không cho hoàn thuế của mặt hàng nông lâm thủy sản chưa qua chế biến nữa.

Hoàng Yên (T/h)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý