Những thói quen làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường

remember1 remember1 @remember1

Những thói quen làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường

(Sức khỏe) Có những thói quen tưởng chừng như vô hại và không hề liên quan gì đến bệnh tiểu đường. Thế nhưng đó lại là những mối nguy hại lớn làm tăng nguy cơ mắc bệnh này.

15/04/2014 10:44 AM
61,405

1. Ngủ quá ít

Giấc ngủ quan trọng với sức khỏe không kém gì chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên. Theo các nhà khoa học thì cách thức chúng ta ngủ có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, các hormone kiểm soát sự thèm ăn và thậm chí ảnh hưởng đến khả năng nhận thức của não đối với các loại thực phẩm. Hơn thế nữa, việc thiếu ngủ còn làm suy yếu khả năng đáp ứng của các tế bào mỡ với insulin.

Do đó, những người ngủ ít thường phải đối mặt với các nguy cơ rủi ro về sức khoẻ, bao gồm cả béo phì và bệnh tiểu đường loại 2.

2. Bỏ bữa sáng

Câu nói : “Hãy ăn sáng như một ông vua, ăn trưa như một hoàng tử và ăn tối như một người ăn mày” đã chỉ ra tầm quan trọng của bữa sáng. Tuy nhiên, không ít người đã đảo lộn thứ tự đó, kết quả là họ lại ăn quá nhiều vào buổi tối và thường ăn sáng qua quít với chỉ một cốc nước cam. Chính thói quen này sẽ dẫn tới nguy cơ tiềm ẩn của bệnh béo phì và theo sau đó là tiểu đường vì mức insulin trong cơ thể bị rối loạn.

thói quen tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường

3. Ăn quá nhanh

" Những người ăn quá nhanh sẽ có nguy cơ bị bệnh tiểu đường cao gấp 2,5 lần so với những người ăn chậm ", đây là kết luận của các nhà khoa học Ấn Độ.

Ăn quá nhanh khiến cho dạ dày và não bộ không kịp "giao tiếp", làm cho cơ thể không nhận được tín hiệu no, dẫn đến việc lượng thực phẩm đưa vào cơ thể nhiều hơn bình thường. Lượng thức ăn vào cơ thể liên tục khiến cơ thể không kịp xử lý gây ra tình trạng ứ đọng chất béo, đường... từ đó ảnh hưởng đến sự điều tiết insullin và hậu quả là làm tăng nguy cơ bệnh tiểu đường.

4. Thích ăn đồ ngọt

Những món tráng miệng ngọt, ngon, đẹp mắt nhưng lại là “thủ phạm” gây tăng cân. Khi ăn những món ăn này thì các phân tử đường gắn với từng sợi protein trong mỗi tế bào. Tiếp đó, cơ thể sẽ chuyển hóa các phân tử đường, quá trình này được gọi là glycation. Glycation làm làn da mất đi vẻ đẹp rạng rỡ, đồng thời, lượng đường dư thừa còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Do vậy, để tránh bệnh tiểu đường, bạn cần biết về giới hạn sử dụng đường an toàn. Bạn nên hạn chế những món ăn nhiều đường vì nó có thể gây ra các rủi ro cho sức khỏe.

5. Thích đồ ăn nhanh

Nếu bạn thường xuyên ăn thực phẩm chứa nhiều dầu, mỡ như Pizza, bánh kếp hoặc gà rán, bạn sẽ phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Lý do bởi những thực phẩm này làm tăng axit béo và triglycerid. Các axit béo dư thừa trong máu và triglyceride ức chế hoạt động của insulin, dẫn đến lượng insulin trong máu vẫn bình thường hoặc hơi tăng nhưng lượng đường huyết lại ở trong tình trạng cao.

Hãy hạn chế những món ngon có hại này và tìm đến những thực phẩm lành mạnh hơn như đồ ăn được chế biến với dầu ô liu, pho mát ít béo, đậu phụ...

6. Stress và thừa cân

Theo các nhà nghiên cứu Thụy Điển thì sự phiền muộn, chán nản, lo lắng trong một thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường ở nam giới.

Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường sẽ càng tăng lên ở những người "sở hữu" cả hai yếu tố stress và thừa cân. Chất epinephrine (sinh ra khi thần kinh bị kích động, stress) sẽ có tác dụng đánh tan mỡ thừa trong cơ thể, dẫn đến việc dư thừa axit béo. Khi cơ thể hoạt động, các axit béo này sẽ tiêu hao, như vậy glucose trong cơ thể sẽ bị dồn lại, không được đốt cháy. Glucose không bị đốt cháy sẽ dư thừa, dẫn đến lượng đường trong máu tăng, lâu dần thành bệnh tiểu đường.

Vì vậy, nếu bạn đang bị thừa cân, hãy thận trọng với những cơn stress. Và nếu bạn lại thường xuyên bị stress thì nên kiểm soát chặt chẽ lượng đường trong máu, để giảm thiểu nguy cơ mắc tiểu đường loại 2.

7. Hút thuốc lá

Hút thuốc chính là một trong số những "thủ phạm” làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường loại 2 bởi vì khi hút thuốc lá, chất nicotin sẽ kích thích lên hệ thần kinh trung ương và toàn cơ thể. Càng hút nhiều, cơ thể bị kích thích tiết ra các chất nội tiết tố liên tục cho đến khi các chất này bị cạn kiệt, lúc ấy thay vì có cảm giác sảng khoái, người bệnh lại thấy mệt mỏi hơn, rối loạn các hoạt động chức năng của các bộ phận trong cơ thể.

Từ đó, cơ thể bị giảm sức đề kháng, kể cả sức đề kháng với tác động của chất insullin cũng không được đảm bảo (insulin là một hormone điều chỉnh sự hấp thu đường của các tế bào). Hoặc cơ thể có sản xuất insulin nhưng không đủ để giữ đường (glucose) trong máu ở mức bình thuờng, dẫn đến bệnh tiểu đường.

thói quen tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường

8. Ăn uống thất thường

Nếu bạn ăn ít nhất 3 bữa/ngày, ăn 6 bữa vào ngày kế, ngày tiếp theo không ăn gì và duy trì thói quen ăn uống “một mình một kiểu” như vậy trong thời gian dài, cơ thể bạn sẽ bị rối loạn trao đổi chất. Đây là nguyên nhân dẫn tới lượng insulin thiếu ổn định và là tiền đề cho bệnh tiểu đường, rối loạn tiêu hóa...

9. Uống nhiều rượu

Thói quen uống rượu gây hại nhiều hơn là có lợi cho cơ thể. Loại calo cơ thể tích trữ trong những cuộc nhậu nhẹt là không tốt. Vì thế, cơ thể ngay lập tức chuyển lượng calo thành chất béo dự trữ và trong khi bạn say sưa thưởng thức những món ăn trên bàn tiệc cũng là lúc cơ thể bạn đang tiến gần đến bệnh tiểu đường.

Rượu làm tình trạng hạ đường máu ở bệnh nhân tiểu đường nặng hơn và khó hồi phục hơn. Khi một người có đường máu hạ thấp, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách tăng cường giải phóng đường glucose dự trữ tại gan. Thế nhưng rượu sẽ ức chế quá trình này.

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý