Những tuyệt sắc giai nhân trong cuộc đời đại gian thần Hòa Thân

vuongxinh vuongxinh @vuongxinh

Những tuyệt sắc giai nhân trong cuộc đời đại gian thần Hòa Thân

Sự chiều chuộng hết mực của Hòa Thân đã khiến những người phụ nữ xung quanh Hòa Thân đều dựa dẫm vào y, coi y như bậc thánh nhân. Vì thế, khi Hòa Thân bị Hoàng đế Gia Khánh ban tội chết, rất nhiều người vợ bé của Hòa Thân đã tự vẫn chết theo…

22/11/2014 08:29 PM
1,717

Cuộc hôn nhân sâu nặng

Trước khi trở thành một quan tham lừng danh sử sách Trung Quốc, Hòa Thân từng là năng thần mẫn cán và tài năng, đồng thời cũng là một “mỹ nam tử” được xung tụng là “Mãn Châu đệ nhất tuấn nam” (người đẹp trai nhất xứ Mãn Châu).

Vốn xuất thân con nhà dòng dõi, đồng thời bằng sự nỗ lực của bản thân từ khi còn nhỏ, Hòa Thân đã được chọn vào học tại trường học dành cho con cháu quan lại ở Cung Hàm An. Chính tại đây, chàng trai trẻ, tài năng và đẹp trai Hòa Thân đã lọt vào mắt xanh của Phùng Anh Liêm – một vị đại thần đang muốn tìm cho cháu gái mình một chàng rể lý tưởng.

Anh Liêm khi đó đang giữ chức Thượng thư Bộ Hình kiêm Tổng đốc Trực Lệ, những chức vụ cực kỳ quan trọng trong triều đình Thanh triều lúc bấy giờ. Không may mắn là, con trai và con dâu của Anh Liêm mất sớm, để lại cho ông một cô cháu gái tên là Phùng Tế Tế. Vì thế, bao nhiêu tình cảm yêu thương dành cho con trai, Phùng Anh Liêm đều dành cả cho cô cháu gái này. Do vậy, khi Phùng Tế Tế đến tuổi trưởng thành, Anh Liêm quyết tâm sẽ tìm cho cô một chàng rể thật xứng đáng. Và người được vị thượng thư lựa chọn chính là Hòa Thân.

Năm Hòa Thân đủ 18 tuổi, Anh Liêm đã đứng ra tổ chức hôn lễ cho Hòa Thân và cháu gái mình. Cuộc hôn nhân này là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời cũng như sự nghiệp của Hòa Thân. Trước khi kết hôn, Hòa Thân chỉ là một thư sinh vô danh tiểu tốt ở Cung Hàm An. Sau khi kết hôn, Hòa Thân là một ngôi sao mới trong giới thượng lưu quý tộc của triều đình nhà Thanh. Sự nghiệp đình đám của Hòa Thân cũng bắt đầu từ đây.

Cho tới nay, không có nhiều sử liệu chính thức ghi lại về cuộc sống hôn nhân giữa Hòa Thân và Phùng Tế Tế. Tuy nhiên, từ những gì còn lưu lại có thể khẳng định, Hòa Thân thực lòng dành tình cảm cho cô cháu gái của Anh Liêm chứ không hề coi đây là bàn đạp để thăng tiến. Người ta nói rằng, vào khoảng năm Gia Khánh thứ 3, tức năm 1798, sau khi đứa con trai nhỏ qua đời, Phùng Tế Tế suy sụp, nằm liệt giường không dậy nổi. Trong thời gian này, Hòa Thân vô cùng lo lắng.

Vào tết Thất lịch năm đó, Hòa Thân đã tổ chức một lễ cầu nguyện thánh thần linh đình và cực kỳ tốn kém nhằm giúp vợ mình khỏi bệnh. Đáng tiếc, lễ cầu nguyện diễn ra suốt 2 ngày 2 đêm mà bệnh tình của Phùng Tế Tế vẫn không biến chuyển. Tuy vậy, Hòa Thân vẫn không chịu khuất phục. Vào tiết rằm tháng 7, đúng tiết cô hồn, Hòa Thân lại tiếp tục tổ chức một lễ cúng các loại ma quỷ, cô hồn nhằm cầu xin cho vợ mình nhanh chóng khỏe lại. Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực của Hòa Thân, Phùng Tế Tế vẫn không qua khỏi. Chưa đầy 1 tháng sau, người vợ kết tóc se tơ với Hòa Thân qua đời.

Cái chết của Phùng thị là một cú sốc thực sự đối với Hòa Thân. Cho tới nay, người ta vẫn còn lưu lại 3 bài thơ mà Hòa Thân đã làm để bày tỏ nỗi thương xót đối với người vợ quá cố. Tuy nhiên, tình cảm mà Hòa Thân dành cho Phùng thị không chỉ có vậy. Sau khi mai táng Phùng thị, Hòa Thân ra lệnh tất cả mọi đồ đạc, vật dụng của Phùng thị trong nhà đều phải để nguyên và không ai được phép vào sống tại căn phòng mà Phùng thị từng ở. Người ta kể rằng, suốt nhiều năm sau đó, Hòa Thân thường tới căn phòng này một mình để tưởng nhớ người vợ đã khuất.

Những cô vợ bé trung thành

Những gì Hòa Thân làm với Phùng Tế Tế chứng tỏ tình cảm mà viên tham quan nổi tiếng này dành cho vợ mình không hề nông cạn. Có điều, cùng với tình cảm sâu nặng dành cho Phùng thị, Hòa Thân cũng lấy không ít vợ bé và cô nào cũng được Hòa Thân hết sức yêu chiều.

Thực tế, điều này chẳng có gì lạ. Vào thời điểm đó, Hòa Thân vẫn đương là một viên quan trẻ tuổi, tài năng và quan trọng nhất là điển trai. Một người như vậy phụng sự hoàng đế thì hoàng đế vừa lòng, yêu chiều phụ nữ thì phụ nữ mãn ý. Theo cách lý giải thông thường, mẫu người như Hòa Thân vào thời điểm đó được phụ nữ đặc biệt yêu thích. Chính vì thế, dưới sự “ủng hộ” của Phùng Tế Tế, Hòa Thân trước sau đã nạp rất nhiều vợ bé. Điều đáng nói là những cô “vợ bé” của Hòa Thân cũng không phải loại tầm thường mà đều là những bậc đại mỹ nhân.

Nhiều người nói rằng, mặc dù thê thiếp đầy nhà song Hòa Thân vẫn chưa cho rằng như vậy là đủ. Khi quyền lực trong tay đã đến mức tột đỉnh, Hòa Thân có ý nhòm ngó mỹ nhân trong hậu cung của Càn Long. Trong những chuyến tuần du phương Nam của Càn Long, các địa phương tiến cống không ít mỹ nhân. Trong số này, Hòa Thân thích mê một cô gái do Phủ Giang Ninh tiến cống, có biệt hiệu là Hoa Hồng Đen. Tuy nhiên, do Hoa Hồng Đen quá xinh đẹp nên Càn Long đã nhanh tay chiếm trước.

Mặc dù vậy, Hòa Thân Cũng không chịu ngồi yên để người đẹp vuột khỏi tay mình. Do khi đó, Càn Long tuổi tác đã cao nên mỗi năm đều “thải loại” một số cung nữ ra khỏi cung. Hòa Thân nắm được điều này đã dùng quyền lực ép thái giám tổng quản nhân cơ hội “thải loại” cung nữ để đưa Hoa Hồng Đen ra khỏi hậu cung. Sau khi Hoa Hồng Đen được đưa ra khỏi cung thì ngay lập tức được chuyển thẳng tới phủ của Hòa Thân, trở thành một người vợ bé của y.

Chuyện Hòa Thân lấy cung nữ được hoàng để sủng ái về làm vợ bé hầu như ai cũng biết, song do Hòa Thân rất được Càn Long trọng dụng nên không ai dám tố cáo. Tuy nhiên, cuối cùng Hòa Thân vẫn phải trả giá vì chuyện này. Sau này, khi bị Hoàng đế Gia Khánh trừng phạt, thì một trong những “trọng tội” mà Hòa Thân mắc phải là: “Lấy cung nữ được đưa ra khỏi cung về làm vợ bé, không màng liêm sỉ. Đó là tội lớn thứ 4. Người cung nữ mà bản hạch tội nhắc tới không ai khác chính là Hoa Hồng Đen.

Với tiền bạc và quyền lực ngày càng nhiều, Hòa Thân cũng nghĩ ra đủ cách để chiều chuộng các cô vợ bé xinh đẹp của mình. Có thể nói, Hòa Thân không tiếc ngàn vàng chỉ để đổi lấy nụ cười của người đẹp. Người ta kể rằng, để làm vừa lòng một người thiếp yêu, Hòa Thân đã dùng đất đai của hoàng tộc xây dựng một tòa lầu nhỏ và đặt tên là “Mê lầu”. Mê lầu được trang trí cực kỳ xa hoa tráng lệ và sau đó được dùng làm nơi Hòa Thân nghỉ ngơi, hưởng lạc cùng với người thiếp này. Một chuyện khác kể rằng, một người thiếp của Hòa Thân rất thích ăn vải. Để chiều lòng người đẹp, Hòa Thân đã ra lệnh cho thuộc hạ cho người dùng ngựa liên tục chuyển vải từ Quảng Đông và kinh thành Bắc Kinh, lặp lại câu chuyện của Đường Minh Hoàng lấy lòng Dương Quý Phi năm xưa.

Sự chiều chuộng hết mực của Hòa Thân đã khiến những người phụ nữ xung quanh Hòa Thân đều rất dựa dẫm vào y, coi y như bậc thánh nhân. Vì thế, khi Hòa Thân bị Hoàng đế Gia Khánh ban tội chết, rất nhiều người vợ bé của Hòa Thân đã tự vẫn chết theo. Vào ngày 18 tháng giêng năm 1801, Hòa Thân treo cổ tự sát, người vợ bé của y là Đậu Khấu sau khi nghe tin đã để lại một bài phú thương tiếc rồi nhảy lầu chết theo. Hai ngày sau đó, một người thiếp khác tên là Khanh Liên cũng làm 10 bài thơ nói rõ tình cảm của mình dành cho Hòa Thân rồi treo cổ tự vẫn.

Phong Nguyệt

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý