Những vụ bê bối sản phẩm "hãi hùng" nhất năm 2015

sakura1 sakura1 @sakura1

Những vụ bê bối sản phẩm "hãi hùng" nhất năm 2015

Làm hàng giả, trộn chất cấm vào sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm giả,... là những điển hình về bê bối sản phẩm gây chấn động trong năm 2015...

28/12/2015 08:38 AM
42
(ĐSPL) - Làm hàng giả, trộn chất cấm vào sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm giả,... là những điển hình về bê bối sản phẩm gây chấn động trong năm 2015...

80% công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi sử dụng chất cấm

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát vừa có thư khen gửi các lực chức năng gồm Cục Cảnh sát phóng chống tội phạm về môi trường (C49 Bộ Công an), Phòng cảnh sát điều tra tội phạm Kinh tế và chức vụ (PC 46 Công an TPHCM) và Chi cục Quản lý thị trường TPHCM, do trong đợt cao điểm phát động chất cấm trong chăn nuôi (từ cuối tháng 10 đến nay), các lực lượng này đã phát hiện bảy công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi chứa chất cấm.

Bao gồm: Công ty TNHH thức ăn chăn nuôi Trường Phú (Hải Dương), Nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi và thủy sản Thăng Long (Khu công nghiệp Phố Nối, Hưng Yên), Công ty TNHH Thiên Tôn (Hải Dương), Công ty Vimark (Bắc Giang), Công ty Đại An Tín (Hải Dương), gần nhất là ngày 25-11 phát hiện tại Công ty TNHH Tino và Công ty Menon (quận Bình Tân, TPHCM).

Theo thư khen của Bộ trưởng, qua kiểm tra thức ăn chăn nuôi của các công ty kể trên, các chất cấm thường thấy là chất tạo nạc và vàng O (chất tạo màu cho thịt gà và heo, có thể gây ung thư và di truyền qua các thế hệ).

Bộ trưởng Phát cũng cho biết hàng trăm tấn thức ăn chăn nuôi quá hạn sử dụng, chứa chất cấm đã bị ngăn chặn không kịp đưa ra thị trường.

Theo Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 80% các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi được thanh tra và phát hiện có sử dụng chất cấm hoặc thừa nhận đã từng sử dụng một loại chất cấm.

Phát hiện cả một công ty làm nước khoáng Lavie giả ở Hà Nội

Những vụ bê bối sản phẩm "hãi hùng" nhất năm 2015 - Ảnh 1Phóng to

Thông tin trên báo Công an Nhân dân, hồi 15h ngày 24/12, Đội 6, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an TP Hà Nội phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra (tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an quận Hoàng Mai đấu tranh khám phá chuyên án, bắt quả tang Phạm Thanh Bình (29 tuổi), trú tại huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ điều khiển xe máy BKS: 30F6 – 7186 đang vận chuyển 10 bình nước khoáng thiên nhiên Lavie nghi là hàng giả.

Tiến hành khai thác nhanh, Bình thừa nhận đang vận chuyển bình nước khoáng thiên nhiên Lavie của Công ty Cổ phần Hoàng Sa Việt Nam, có trụ sở và xưởng sản xuất tại số 26, ngõ 230 Định Công, phường Định Công (Hoàng Mai) do Phạm Kim Thành làm giám đốc.

Tiến hành khám xét tại xưởng sản xuất nước uống đóng chai của công ty có địa chỉ nêu trên, cơ quan Công an đã phát hiện tại đây rất nhiều nhãn Lavie và Capseal (màng co) nghi là giả. Trong đó, nhãn mác Lavie có loại đã qua sử dụng, có loại chưa sử dụng. Tại khu vực rửa bình, đóng nước vào bình, dây chuyền chiết rót đóng nắp và nơi để thành phẩm, bao bì rất nhiều nhãn mác Lavie và Capseal (màng co).

Khám xét khẩn cấp nơi ở của Phạm Kim Thành và nhân viên của công ty tại ngõ 202, Định Công Hạ, phường Định Công, cơ quan Công an tiếp tục phát hiện các loại nhãn Lavie và Capseal (màng co) và một số thành phẩm nước khoáng thiên nhiên Lavie loại 19 lít nghi là hàng giả.

Tang vật thu giữ gần 300 nhãn mác của các thương hiệu nước uống trên. Ngay sau đó, cơ quan điều tra đã mời Phạm Kinh Thành; Đoàn Thị Thắm - kế toán; Lương Văn Tiến nhân viên sản xuất; Lương Mạnh Hùng nhân viên sản xuất, vận chuyển; Phạm Thanh Bình nhân viên vận chuyển và Đào Văn Nam lái xe ô tô cho công ty đến trụ sở Công an làm việc.

Chiều 25/12, tại cơ quan điều tra, Thành khai nhận, tháng 2/2015 anh ta tiếp quản công ty, lợi dụng việc công ty có xưởng sản xuất nước uống đóng chai Aloha và ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm Lavie với Công ty TNHH Lavie nên đã nghĩ ra cách làm giả nước đóng bình Lavie.

Với thủ đoạn, lấy vỏ bình nước khoáng thiên nhiên Lavie đóng nước vào, sau đó các đối tượng vận chuyển bình đã đóng về nơi ở của Thành và nhân viên để dán Capseal (màng co) và nhãn Lavie lên miệng bình, đưa đi tiêu thụ với giá ngang bằng sản phẩm thật là 55 nghìn đồng/bình.

Để tránh bị phát hiện, các đối tượng sản xuất làm nhiều đợt, bán hết lại sản xuất tiếp. Theo trinh sát của Đội 6, các đối tượng rất tinh vi khi nhằm vào người tiêu dùng không để ý đến những thay đổi ở nắp bình và ở cổ bình nước khoáng thiên nhiên Lavie 19 lít.

Nhức nhối nạn phân bón giả

Những vụ bê bối sản phẩm "hãi hùng" nhất năm 2015 - Ảnh 2Phóng to

Khoảng 4.000 vụ bắt giữ về vi phạm kinh doanh phân bón mỗi năm, nhưng chỉ có 10 vụ khởi tố, truy tố; cả nước có khoảng 1.000 doanh nghiệp (DN) sản xuất phân bón nhưng có tới hơn 10.000 nhãn mác, khiến thị trường phân bón như “ma trận” làm người tiêu dùng khó có thể phân biệt được chất lượng sản phẩm…

Tuy nhiên, điều đáng nói là nạn sản xuất phân bón giả, kém chất lượng mang lại cho những kẻ gian lận lợi nhuận rất lớn, nhưng khi bị phát hiện lại chỉ bị phạt hành chính, hoặc bị tước giấy phép, nên không đủ sức răn đe. Từ thực tế này cho thấy, nạn phân bón giả đã đến mức báo động.

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389), vài năm trở lại đây, nạn sản xuất, kinh doanh (SXKD) phân bón giả, kém chất lượng có chiều hướng gia tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Lực lượng chức năng của các bộ, ngành đã triển khai nhiều đợt kiểm tra chất lượng phân bón đang sản xuất và lưu hành trên thị trường, qua đó phát hiện có đến gần 50% số mẫu phân bón không đạt chỉ tiêu chất lượng như đăng ký và công bố trên bao bì.

Phân bón giả không có giá trị dinh dưỡng, gây mất mùa, phá hoại môi sinh, mà còn khiến nước ta thiệt hại mất 2 tỷ USD/năm. Đó mới chỉ là tính toán theo khoản tiền mất đi chưa tương xứng với hàm lượng chất dinh dưỡng được công bố trên bao bì. Còn những thiệt hại vô hình và hậu quả do sử dụng phân bón giả, phân kém chất lượng gây ra với mùa màng, môi trường, sức khỏe cộng đồng và uy tín của thương hiệu nông sản Việt Nam thì còn nguy hại khôn luờng. Tuy nhiên, công tác quản lý và thanh-kiểm tra còn nhiều bất cập và hàm chứa cả những tiêu cực. Thực trạng nhức nhối này ai cũng thấy, nhưng cách xử lý và giải pháp khắc phục tới nay vẫn chưa hiệu quả.

Trung bình mỗi năm lực lượng QLTT cả nước bắt giữ khoảng 4.000 vụ vi phạm, thu giữ hàng nghìn tấn phân bón các loại. Có thể kể đến nhiều vụ điển hình như, Công an Hà Nội bắt hơn 60 tấn phân bón NPK giả; Công an tỉnh Hòa Bình bắt giữ 50 tấn phân bón giả tại huyện Lạc Sơn và Yên Thủy; tại Đồng Tháp, cơ quan chức năng đã thu giữ 775 bao thành phẩm (50 kg/bao)… cùng nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng khác, song chỉ rất ít trong số vụ vi phạm bị khởi tố, truy tố. Thường thì sau rất nhiều bước thanh, kiểm nghiệm, tranh cãi, vụ việc được chốt lại bằng hình thức xử phạt hành chính.

Tiêu huỷ 1.234 sản phẩm thời trang giả mạo nhãn hiệu Charles & Keith và Pedro

Những vụ bê bối sản phẩm "hãi hùng" nhất năm 2015 - Ảnh 3Phóng to

Sáng ngày 15/12, Thanh tra Bộ Khoa học – Công nghệ đã phối hợp với Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lí kinh tế và chức vụ (PC46 – Công an TP Hà Nội) tổ chức tiêu huỷ 1.234 sản phẩm thời trang (túi xách, ví, giày…) giả mạo nhãn hiệu Charles & Keith và Pedro đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Nhãn hiệu Charles & Keith của công ty Charles & Keith International Pte. Ltd (Singapore) được bảo hộ theo giấy chứng nhận đăng kí nhãn hiệu số 89025 cấp ngày 19- 9- 2007. Trong khi đó, nhãn hiệu Pedro của Pedro Group Pte. Ltd (Singapore) được bảo hộ theo đăng kí quốc tế số 924706 cấp ngày 8- 2- 2007. Toàn bộ 1.234 sản phẩm giả mạo nhãn hiệu Charles & Keith và Pedro được tịch thu, tiêu huỷ theo Nghị định số 99/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp.

Tại Việt Nam, vi phạm về sở hữu công nghiệp ngày càng có dấu hiệu tinh vi và phức tạp hơn. Chỉ tính riêng trong năm 2015, Thanh tra Bộ Khoa học – Công nghệ đã triển khai 54 cuộc thanh tra về sở hữu công nghiệp trên phạm vi toàn quốc. Qua thanh tra đã phát hiện 40 cơ sở vi phạm, chủ yếu là về sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại…Trong số đó, 39 cơ sở bị phạt tiền với tổng số tiền trên 1,6 tỉ đồng; 1 cơ sở bị phạt cảnh báo. Bên cạnh việc phạt hành chính, Thanh tra Bộ cũng tiến hành tịch thu để tiêu huỷ 1.292 sản phẩm thời trang giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng như Hermes, Gucci, LV; buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên 73.000 sản phẩm gồm dược phẩm, mĩ phẩm, kem đánh răng, xe đạp điện, xe máy điện…

100% hàng điện tử Huyndai ở Việt Nam là hàng giả

Những vụ bê bối sản phẩm "hãi hùng" nhất năm 2015 - Ảnh 4Phóng to

Đó là khẳng định của Tập đoàn Huyndai ngày 10/11 tại lễ ký đối tác sở hữu thương quyền chính thức tại VN với CTCP Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (TIG).

Thông tin trên báo Tuổi trẻ, thông cáo của Huyndai khẳng định hiện nay trên thị trường VN đang bán nhiều sản phẩm điện tử của Huyndai, đặc biệt là sản phẩm máy lọc nước, bếp từ, cây nước nóng lạnh, sản phẩm gia dụng… và chúng đều là hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc…không hề được Huyndai sản xuất và đưa vào VN.

Ông Kim Sung Soo, phó chủ tịch Tập đoàn Huyndai cho biết đã quyết định phải ký hợp đồng thương quyền, ủy nhiệm cho TIG thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để ngăn chặn các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng nhái mang thương hiệu Huyndai… nhằm bảo vệ thương hiệu và làm trong sạch thị trường.

Theo ông Nguyễn Phúc Long, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc TIG, qua tìm hiểu, hiện sản phẩm điện tử mang thương hiệu Huyndai hầu hết là “hàng trắng” do các doanh nghiệp sản xuất hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc không nhãn mác, đem ra thị trường dán nhãn Huyndai, không đảm bảo chất lượng.

Các đại lý do sản phẩm rẻ, chiết khấu cao nên đã bán ra, lừa dối người tiêu dùng. Ông Long cho biết sắp tới sẽ phối hợp cơ quan chức năng như công an, quản lý thị trường để chống lại hàng giả, hàng nhái và không rõ nguồn gốc…

Tiêu hủy 13 tấn hàng nhái, hàng giả và cấm

Những vụ bê bối sản phẩm "hãi hùng" nhất năm 2015 - Ảnh 5Phóng to

Theo thông tin từ Chi cục Quản lý thị trường TPHCM, chiều hôm qua, 9-12 đơn vị này đã tổ chức tiêu hủy 13 tấn hàng hóa là hàng giả, hàng nhái và hàng cấm bị thu giữ từ đầu năm 2014.
Tiêu hủy 13 tấn hàng nhái, hàng giả và cấm

Hàng hóa vi phạm thuộc rất nhiều danh mục, bao gồm hóa chất, thực phẩm chức năng, đường, thuốc lá, mũ bảo hiểm, đồ chơi trẻ em, giày dép, mỹ phẩm… Những sản phẩm này là hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, đa phần xuất xứ từ Trung Quốc.

Trong đó có 7 tấn hàng hóa bao gồm 4.500 ký hóa chất các loại, đa phần xuất xứ từ Trung Quốc, thực phẩm chức năng, đường, bánh kẹo, sữa và các loại thực phẩm có gắn nhãn mác Nhật Bản.

Sáu tấn hàng hóa còn lại bao gồm 25.000 sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu của nhiều thương hiệu, không có số công bố của Sở Y tế TPHCM; hơn 2.100 món đồ chơi trẻ em, đồ chơi bạo lực,… chủ yếu xuất xứ từ Trung Quốc; gần 2.700 mũ bảo hiểm, tem nhãn của mũ bảo hiểm; hơn 48.500 bao thuốc lá lậu...

Cơ quan quản lý cũng đã tiêu hủy nhiều loại túi xách, giày dép, đồng hồ… nhái đủ các thương hiệu nổi tiếng như LV, Channel, Gucci…

Theo đại diện Chi cục quản lý thị trường TPHCM, càng về cuối năm, nhất là thời điểm giáp tết, tình hình nhập lậu hàng giả, hàng nhái càng trở nên phức tạp.

Phát hiện công ty "tuồn" chất cấm cho chăn nuôi

Những vụ bê bối sản phẩm "hãi hùng" nhất năm 2015 - Ảnh 6Phóng to

Lực lượng thanh tra chuyên ngành vừa phát hiện một công ty buôn bán chất cấm Salbutamol và hai cơ sở giết mổ lợn sử dụng chất cấm trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Theo ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau khi nhận được thông tin qua đường dây nóng về buôn bán chất cấm trong chăn nuôi, ngày 16/12, lực lượng chức năng đã kiểm tra đột xuất 2 cơ sở giết mổ gia súc là Út Hảo và Tân Bình (tỉnh Bình Dương) và phát hiện lợn đưa vào giết mổ có sử dụng chất cấm Salbutamol.

Tại các cơ sở này, hàng trăm con lợn đang chuẩn bị được đưa đi giết mổ. Sau khi lấy mẫu xét nghiệm có 5/10 mẫu dương tính với chất cấm Salbutamol. Đặc biệt là có trường hợp lợn vừa được sử dụng Salbutamol đã đưa ngay vào giết mổ, khiến tỷ lệ Salbutamol có trong sản phẩm vượt hơn 171 lần ngưỡng cho phép.

Nguồn lợn giết mổ của 2 cơ sở này được thu mua từ các trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. Trung bình mỗi cơ sở giết mổ từ 130 đến gần 400 con/ngày.

Ông Phạm Tiến Dũng cũng cho biết, trước đó 1 tuần, qua nguồn báo của quần chúng, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan chuyên ngành phát hiện Công ty Minh Anh (tỉnh Bình Dương) sử dụng Salbutamol đậm đặc tới 98% bán cho cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi.

Chủ cơ sở Minh Anh đã khai, từ tháng 3/2014 và tháng 10/2015, Công ty đã được phép nhập khẩu 3,225 tấn Salbutamol. Tuy nhiên, sau đó Công ty đã phân phối Salbutamol cho một số công ty không có chức năng dược phẩm, trong đó có công ty TNHH Seabird – chuyên sản xuất thức ăn thủy sản.

Qua kiểm tra cơ quan chức năng phát hiện 1 thùng 25 kg chứa Salbutamol 98% dạng nguyên chất đang dùng dở và đã sử dụng 7,5 kg. Nguồn cung cấp, nhập khẩu phân phối của Công ty Minh Anh. Đoàn thanh tra đã thu hồi dược 17,5 kg và đã niêm phong chờ xử lý.

Hiện nay cơ quan công an đang điều tra làm rõ nguồn cung cấp, nhập khẩu và phân phối dược phẩm của Công ty Minh Anh. Như vậy, một trong nguồn mà cung cấp chất cấm trong chăn nuôi Salbutamol ra thị trường hiện nay là do bên ngành dược, y tế cho phép nhập khẩu, xuất bán ra ngoài nhưng chưa quản lý được.

Aquafina dùng nước công cộng đóng chai

Những vụ bê bối sản phẩm "hãi hùng" nhất năm 2015 - Ảnh 7Phóng to

Trang tin USA Today (Mỹ) vừa đưa tin về việc hãng nước đóng chai Aquafina đã thừa nhận lấy nước lã công cộng để đóng chai. Theo đó, sản phẩm nước khoáng tinh khiết đóng chai Aquafina cũng không khác gì so với nước vòi thông thường.

Aquafina là một sản phẩm của PepsiCo. Sau những thông tin về nguồn nước sản xuất, hãng này đã buộc phải thêm vào dòng chữ "P.W.S" (Public Water Source - Nguồn nước công cộng) vào nhãn mác của mình.

Trước sự việc này, đại diện hãng Aquafina đã lên tiếng đính chính. Họ thừa nhận việc Aquafina sử dụng nguồn nước công cộng để đóng chai. Nhưng theo họ đó không phải là loại nước xả có ở các nhà vệ sinh, công viên. Mà nước của Aquafina đã trải qua quá trình thanh trùng tinh khiết bằng công nghệ 7 bước, có tên gọi là Hydro-7.

Theo USA Today, ngành công nghiệp nước đóng chai có thể mang lại doanh thu lên tới gần 12 tỷ USD từ 10 tỷ gallon nước trong năm 2012. Con số này tương đương với khoảng 1,22 USD/gallon trên toàn cầu, gấp 300 lần so với nước vòi bình thường.

Từ trước đến nay, ngành công nghiệp nước đóng chai đã thu về khoảng 11,8 tỷ USD từ 9,7 gallon nước hàng năm. Điều này tương đương với 1 gallon nước có giá 1,22 USD, đắt khoảng 300 lần so với nước vòi bình thường. Tuy nhiên, nếu tính cụ thể cả dung tích chai nước khoảng 500ml bán ra thị trường, thì số tiền phải trả sẽ bị đội lên tới 7,5 USD/gallon, gấp 2.000 lần so với nước thường.
Nói cách khác, người tiêu dùng đang phải bỏ ra khoản tiền “đội” lên gấp 2.000 lần để sử dụng nước lã đóng chai.

Ngọc Anh (Tổng hợp)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý