Nhường nhà cho anh trai rồi dắt cả gia đình vào rừng 30 năm

msstit msstit @msstit

Nhường nhà cho anh trai rồi dắt cả gia đình vào rừng 30 năm

Sau khi lập gia đình, ông đã dắt vợ vào rừng sinh sống cách xa mọi người. 30 năm qua, cuộc sống gia đình chỉ dựa vào cây củ của rừng và 1 ít lúa trồng được.

16/09/2014 07:33 AM
5,523

 

Hạnh phúc ở rừng

30 năm ở rừng, người đàn ông ấy chẳng biết gì ngoài việc ngày ngày phơi mình trên nương rẫy làm lụng, cũng chẳng có khái niệm khổ cực hay sung sướng của đời người nữa. Nơi ông chọn để làm chốn định cư, chốn hạnh phúc cho mình và vợ cùng 4 đứa con là khoảnh rừng giáp ranh giữa Ban quản lý rừng phòng hộ Tuy Phong (huyện Tuy Phong) và Ban quản lý  rừng phòng hộ Sông Mao (huyện Bắc Ninh), cách nới ông ở khoảng 5h đi bộ, tương đương với 20km đường rừng đối với những người thương xuyên đi lại đường rừng, còn nếu với người bình thường thì chắc cũng phải mất cả ngày mới tới nơi được.

A Sáng (50 tuổi) có nước da màu nâu đồng đặc trưng của những người dân lam lũ, đôi mắt sáng và cái miệng hay cười nhưng chẳng hay nói. Chỉ có người vợ là Nguyễn Thị Hường tươi cười chào đón khách. Chẳng biết sự đày đọa của cuộc đời, hay do chính sự lựa chọn hy hữu mà A Sáng chọn cái đất này để làm chốn nương thân, nơi đúng nghĩa với cái từ “khỉ ho cò gáy”, quanh năm suốt tháng họa hoằn lắm mới thấy mặt người này.

Nơi A Sáng sinh ra là thôn Hải Thủy, xã Hải Ninh, huyện Bắc Bình (Bình Thuận), cha mẹ qua đời sớm nên A Sáng sống nương nhờ vào chòm xóm láng giềng, rồi tự mình làm lụng nuôi sống bản thân bằng nghề khuân vác thuê. Ngày ấy, thôn Hải Thủy còn là bìa rừng, cũng là nơi luân chuyển dầu thông từ các ngả rừng về với đồng bằng. Lớn lên bằng nghề khuân vác dầu thông, năm 18 tuổi A Sáng quyết định vào dựng chòi ở luôn trong rừng để mưu sinh.

Để đến được “thế giới hạnh phúc” của A Sáng theo cách gọi của người đàn ông này thì phải mất cả ngày đường để vượt qua 5 ngọn núi, xuyên qua từng tán cây, bụi rậm, những con dốc thẳng đứng. Căn nhà tồi tàn của A Sáng lọt thỏm giữa những cây cổ thụ đường kính mấy vòng tay người ôm, nhưng yên bình và đầy chim hót. Giữa cánh rừng già không người qua lại, chỉ có cây cỏ và muông thú làm bạn, có những con người sống lặng lẽ bên nhau.

Đại gia đình của A Sáng mấy chục năm qua sống trong căn nhà dựng bằng tre, bạt theo kiểu một gian, hai chái nằm gọn trong một khoảnh đất bằng phẳng hơn trăm mét vuông. Có chuồng gà, giàn mướp, có chiếc bàn gỗ đặt bên một góc sân để mỗi chiều, A Sáng ngồi nghe chim hót thanh tịnh. A Sáng nói đó là chốn thiên đường của mình. Cứ thế, cuộc sống của A Sáng chủ yếu dựa vào rừng.

 - Ảnh 1

Ảnh minh họa.

“Nhưng không phải gia đình A Sáng chỉ ở tịt trong rừng đâu. Mỗi sáng, một hai lần, A Sáng băng qua những dãy núi đem theo những sản vật của rừng về đồng bằng bán lấy tiền mua gạo, nhu yếu phẩm cho cả nhà đấy. Một ngày cả nhà ăn gần 5 kg gạo, nên phải có cái gì đổi được mà nuôi cả nhà chứ. A Sáng cũng gặp nhiều người, họ cũng bảo A Sáng về lại làng sống, nhưng về thì không có đất, không có ruộng nương gì cả, biết lấy gì sống. Thôi thì vợ chồng con cái A Sáng cứ túc tắc sống trong ngày cũng được!”, A Sáng bộc bạch bằng cái ngữ điệu của người ít khi nói chuyện như thế.

Không phải A Sáng không muốn về làng cũ sinh sống, bởi ở làng cũ vẫn có một người anh trai sinh sống, nhưng chẳng ai biết được rằng A Sáng vì thương anh quá nên không đành lòng trở về. Chuyện cũng chỉ vì miếng đất hương hỏa cha mẹ để lại cho anh em A Sáng, nhưng vì anh trai A Sáng lấy vợ sinh con, sống ngay trên căn nhà cũ của cha mẹ nên A Sáng nhường cho anh để rồi chọn cho mình chốn nương thân nơi góc rừng ấy. “Thấy tôi và vợ con quá khó khăn, nó mới tự động chịu cảnh khổ ở rừng để nhường cho gia đình tôi căn nhà này!”, người anh trai Nàm Sáng của A Sáng kể lại nghẹn ngào như vậy.

“Người rừng” và 3 đời vợ

Sống gần hết đời người giữa rừng, ấy vậy mà A Sáng lại là người có số đào hoa khi có tới 3 người phụ nữ tự nguyện đến làm vợ, sống ở lõi rừng như thế. Người vợ đầu tiên của A Sáng là một nữ “đồng nghiệp” khuân vác thuê trong rừng. Một ngày đẹp trời, người phụ nữ ấy quyết định ở lại với A Sáng giữa rừng già. Thế là hai người nên nghĩa vợ chồng.

Tự tay A Sáng đỡ đẻ hai lượt con, nhưng chỉ một bé trai chịu được cái khắc nghiệt của rừng, còn một bé yểu mệnh qua đời. Quãng đường từ nơi ở đến bệnh xã huyện cũng khá dài để A Sáng có thể cứu được vợ của mình trong một lần sốt cấp tính. Vợ chết, A Sáng gà trống nuôi con giữa núi rừng, hàng ngày vác dầu thuê cho đến khi gặp người vợ thứ 2, cũng là một “đồng nghiệp” quên nhau ở rừng. Sau khi sinh tiếp cho A Sáng một con gái, người vợ thứ 2 cũng tiếp tục bỏ lại A Sáng, mang theo một đứa con trong bụng do vượt cạn không thành.

Cám cảnh gà trống nuôi con giữa rừng, lại thương cháu, dì ruột của con gái A Sáng chấp nhận nối duyên cùng ông, chính là người vợ Nguyễn Thị Hường bây giờ. Tính ra, từ ngày vào rừng, qua mấy chục mùa rẫy, A Sáng đã có 3 đời vợ. Tất nhiên chỉ là nương tựa nhau mà sống chứ chẳng có đám cưới, cũng chẳng có một lần đăng ký kết hôn. A Sáng bảo: “Ở rừng, cần gì!”. Còn bà Hường thì lỏn lẻn: “Phần thương cháu, phần thương A Sáng, bạn bè cũng cứ góp chuyện nên đồng ý ở lại đây với A Sáng luôn, vậy mà cũng đã gần 20 năm rồi!”.

A Sáng có tất cả 6 đứa con, 2 đứa con lớn nhất đã rời rừng đi làm thuê kiếm tiền ở đâu không rõ, vì chẳng mấy khi chúng về nhà. Đó là hai đứa con của hai bà vợ trước. Với người vợ bây giờ như bà Hường cũng có được 4 đứa con  mà A Sáng tự tay đỡ đẻ là Sám Tày, A Long, A Dậu và cô con gái út Linh Chi. 4 anh em sống quanh quẩn giữa rừng. Từ khi sinh ra đến khi lớn lên, lũ trẻ không quen hơi người, cứ thấy người lạ là chúng chạy vô nhà núp hết chứ không dám gặp. Giờ thì các em cứ đứng sau lưng mẹ cười bẽn lẽn.

Không có cộng đồng, không được học hành, ngôn ngữ của mấy anh em chỉ quanh quẩn có mấy câu giao tiếp cơ bản nói với cha mẹ hàng ngày và những người hàng xóm vãng lai. Tiếng phát âm của các em thường chỉ bật ra mấy tiếng ậm ừ, “không”, “có”... đơn giản chứ ít khi nói được một câu tròn trịa. Cái thế giới “mở” duy nhất với lũ trẻ có chăng chỉ là những lần không may ốm đau được cha mẹ cõng về làng chữa trị, và là cái tiếng radio đài Ninh Thuận chạy pin mà A Sáng mở mỗi tối mà thôi.

Bà Hường kể có không ít lần con đổ bệnh, cả hai vợ chồng thay phiên nhau cõng con vượt rừng ngay trong đêm về làng để chữa trị. Thế nhưng cũng có đứa không qua khỏi vì đoạn đường đi lại quá xa xôi, vất vả. Có đêm cõng con về làng chữa bệnh, A Sáng trượt chân ngã xuống vách núi, đến khi mò về được trạm y tế thì A Sáng được cấp cứu trước con vì mất quá nhiều máu.

Người hàng xóm gần gũi và thường xuyên qua lại với A Sáng có lẽ là các kiểm lâm thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Tuy Phong. Cứ đôi ba tháng một lần, các kiểm lâm viên lại đi tuần tra ngang qua đều ghé đều ghé vào thăm vợ chồng A Sáng. Ông Lê văn Tư – Trạm trưởng Trạm 2, Ban quản lý rừng phòng hộ Tuy Phong kể lại: “Khoảng đầu những năm 1990, trong quá trình đi vòng quanh kiểm tra cây gỗ và truy quét lâm tặc, chúng tôi đã gặp A Sáng cùng vợ con của mình ở quanh quẩn khu vực này. Cuộc sống của A Sáng khổ lắm, tới mức phải dắt vợ con vào rừng như vậy đó. Chính quyền địa phương thì xác nhận A Sáng là người của địa phương, nhưng mấy chục năm rồi chẳng mấy khi xuất hiện nên ngay cả danh sách trong xã cũng chẳng có chứ nói gì là danh sách hộ nghèo và được hỗ trợ”.

Thế rồi, như một phép màu khi nhiều người biết tới hoàn cảnh của A Sáng đã vận động và quyên góp, ngay cả chính quyền địa phương cũng đã tổ chức nhiều lần quyên góp. Vận động A Sáng đưa gia đình về quê để cho lũ trẻ được học hành, được hòa nhập cùng cộng đồng.

Một nhóm thành viên mạng xã hội facebook đã quyên góp được 25,5 triệu đồng vào rừng hỗ trợ A Sáng. Đến thời điểm này, các nhà hảo tâm đã giúp đỡ cho gia đình ông với số tiền trên 100 triệu đồng để xây nhà trên mảnh đất cũ của cha mẹ ông, bên cạnh gia đình của anh trai. A Sáng cũng đã gom góp số tiền ông dành dụm được trong nhiều năm qua để xây căn nhà 2 phòng ngủ cho 4 người con và hai vợ chồng ông về xuôi sinh sống, thoát cảnh đời sống núi rừng tách biệt.

Quan trọng hơn là sau khi xây nhà xong, A Sáng có điều kiện đưa 4 người con ở trên rừng về xuôi học hành, hòa nhập với cộng đồng. Hiện tại, chính quyền các cấp của tỉnh Bình Thuận cũng đang vận động kinh phí để giúp đỡ gia đình A Sáng. UBND xã Hải Ninh sẽ tiến hành xét trợ cấp các chế độ chính sách phù hợp cho gia đình này bắt đầu từ năm 2015.

Nguyên Nam


 

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý