Nơi lưu giữ bí quyết luộc bánh chưng bằng nước “giếng thần"

daikieu daikieu @daikieu

Nơi lưu giữ bí quyết luộc bánh chưng bằng nước “giếng thần"

Cứ mỗi độ xuân về, làng Bờ Đậu, xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên lại rôm rả, tấp nập người ra vào.

05/02/2016 09:19 PM
33

(ĐSPL) - Cứ mỗi độ xuân về, làng Bờ Đậu, xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên lại rôm rả, tấp nập người ra vào. Người ta gọi Bờ Đậu là làng bánh chưng, bởi từ xa xưa, vùng quê này đã lưu giữ bí quyết để làm ra những chiếc bánh chưng được đặt tên là thượng hạng.

Phải mất nhiều thời gian, PV mới tìm hiểu được bí kíp làm bánh chưng độc đáo của người dân Bờ Đậu. Đó chính là nguồn nước ở “giếng thần”.

Bánh chưng ngon bởi nước giếng đặc biệt

Không biết từ bao giờ, người làng Bờ Đậu đã quen dùng nước được lấy từ con suối trên núi đá phía sau làng, mà họ vẫn quen gọi đó là nước “giếng thần”. Chính vì thế, họ cho rằng, trong mỗi chiếc bánh chưng nơi đây đều ẩn chứa sự thiêng liêng mang bản sắc riêng của Bờ Đậu. Dân làng vẫn truyền tai nhau, nó là thứ nước trời cao ban tặng nên trong vắt và tinh khiết đến không ngờ. Sau 12h trưa, từng tốp phụ nữ nô nức sánh vai nhau đi gánh nước. Bởi đó là thời gian rảnh và cũng là “giờ thiêng” để người dân lấy nước “giếng thần” về rửa lá dong, luộc bánh.

Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thị Tâm (67 tuổi) cho biết: “Bánh chưng ở đây được luộc với nước “giếng thần” nên có màu lá xanh mướt, càng luộc lại càng thắm chứ không bị nhũn và mất màu như các nơi khác. Thậm chí, nhiều hộ dân cách đây mấy chục cây số, Tết đến, khi làm bánh chưng họ cũng đến “giếng thần” để chở nước về. Họ bảo, nếu luộc bằng các loại nước khác, bánh chưng không thơm, không có màu xanh ngọc.

Đặc biệt, nước ở “giếng  thần” lúc nào cũng trong vắt, dân làng lấy bao nhiêu cũng không cạn. Theo phong tục nơi đây, với mẻ bánh được nấu vào đêm giao thừa, già trẻ trong nhà lại nắm tay nhau cất vang câu ca: “Bánh chưng luộc nước “giếng thần”/Thơm ngon mùi vị có phần trời cho...”, để cảm tạ thần linh đã ban nước quý”.

Về nơi lưu giữ bí quyết luộc bánh chưng bằng nước “giếng thần”  - Ảnh 1Phóng to

Những chiếc bánh vuông vắn gói không cần khuôn. 

Để góp phần đưa bánh chưng Bờ Đậu vươn ra thị trường, không thể không nhắc đến các vị tiền bối, trong đó có cụ Thái. Được biết, có được thương hiệu như ngày nay, những thế hệ như cụ Thái đã bỏ không ít công sức và tâm huyết. Đến nhà cụ, nhìn phong thái minh mẫn và cách chỉ dạy con cháu làm bánh chưng, chúng tôi không nghĩ rằng cụ đã bước qua tuổi 90.

Vóc dáng khỏe khoắn, mái tóc bạc được búi gọn gàng phía sau, miệng bỏm bẻm nhai trầu, cụ Thái kể cho chúng tôi về truyền thống làm bánh chưng của làng Bờ Đậu. “Ban đầu, khi làng Bờ Đậu còn chưa nổi tiếng, biết bao khó khăn cực nhọc cứ bám lấy người dân nơi đây.

Không chỉ vất vả làm bánh, các nguyên liệu như thóc nếp, đỗ, lạt, lá dong, chúng tôi phải đạp xe lên tận chợ Đu (huyện Đại Từ), có khi phải lên tận chợ huyện Phú Lương cách nhà gần 20km mới mua được. Sau đó chúng tôi giã thóc, lọc vỏ đỗ, rửa lá, chẻ lạt, tẩm gia vị vào thịt ba chỉ, gói vuông vắn rồi mới đem luộc. Ngày ấy, hoàn thiện được dăm ba cặp bánh, mất cả ngày trời. Phố phường thưa thớt nên tôi làm bánh ra cũng ít người mua. Vậy mà thấm thoắt đã hơn nửa thế kỷ rồi. Giờ đây, bánh chưng Bờ Đậu trở nên có thương hiệu và giúp cuộc sống của người dân thêm phần sung túc”, cụ Thái kể.

Theo cụ Thái, để có chiếc bánh chưng ngon, đẹp màu lá, phải có những thực phẩm chất lượng và qua nhiều công đoạn cầu kỳ. Gạo nếp phải là nếp cái hoa vàng, đỗ xanh đều hạt có mùi thơm, thịt ba chỉ tươi từ lợn gia đình tự nuôi. Lạt được làm từ ống giang dài, chẻ mỏng, to bản. Từ lúc cho bánh chưng vào nồi luộc đến lúc vớt ra cần phải đều lửa, ngập nước trong vòng 7 – 8 tiếng đồng hồ. Muốn có chiếc bánh xanh thì chọn lá dong bánh tẻ để bọc gạo. Khi bánh chín, bóc ra, ta thấy màu xanh non của cốm, bên trong có màu trắng của gạo, màu vàng của đỗ mới đẹp mắt.

Không khuôn mà bánh vẫn vuông

Hiện, gia đình cụ Thái có tới 6 người con nối nghiệp cha làm nghề bánh chưng gia truyền. Với làng Bờ Đậu, đến nay đã có nhiều cơ sở nổi tiếng như cửa hàng của anh Tâm Quang, chị Hương Liên, Oanh Sỹ, chú Tuấn Ngọc hay anh Phương Đông... Đó là những thành viên nổi tiếng trong hơn 60 thành viên của làng nghề bánh chưng Bờ Đậu. Được biết, không chỉ làm bánh chưng, người dân còn  phát triển các nghề khác để tăng thu nhập. Hàng năm làng nghề tiêu thụ khoảng 240 tấn gạo nếp, 40 tấn đỗ và trên 50 tấn thịt lợn.

Để tìm hiểu rõ hơn về những công đoạn làm bánh chưng Bờ Đậu, chúng tôi tìm vào cơ sở Tuấn Ngọc. Trong khoảng sân rộng, có gần chục lao động đang cần mẫn làm việc. Vừa rảo tay chao nếp, rắc đều lên lớp lá dong xanh, bà chủ tên Ngọc chia sẻ: “Bánh ngon còn ở cách chế biến. Gạo nếp gói bánh phải được ngâm, đãi rồi lọc qua ba lần nước. Đỗ làm nhân phải là đậu xanh được đồ chín, sau đó nắm tròn lại. Với nhân thịt, cần luộc mềm, thái dày, trộn đều với hạt tiêu.

Công đoạn quan trọng nhất là xử lý lá dong để gói bánh được vuông vắn mà không cần dùng đến khuôn. Điều này bắt buộc người gói bánh phải nhúng lá qua nồi nước nóng. Có như vậy khi gói, những đường gấp của nó sẽ không bị gãy, gây rách lá làm gạo nếp rơi ra ngoài. Không những thế, việc chọn điểm gấp, cách xếp để tạo ra đường hoa văn của lá mà vẫn không bị chéo cũng là  một nghệ thuật mà chỉ riêng người Bờ Đậu mới làm được. Sau đó bánh được đem luộc với nước lấy từ “giếng thần””.

PV tiếp tục gặp gỡ một số gia đình có truyền thống làm bánh lâu năm trong làng. Ông Lê Thành Nam (52 tuổi) cho biết: “Trước đây, kỹ thuật gói bánh không cần khuôn chỉ có người trong làng mới nắm rõ. Nhiều gia đình giữ bí quyết này cho con trai trong nhà, không truyền lại cho con gái và con dâu. Tuy nhiên do nhu cầu thị trường, ngày nay phương pháp làm bánh được phổ biến rộng rãi hơn. Nhưng có một điều lạ là bánh được làm ra dưới tay người thợ làng Bờ Đậu thì mới vuông vắn, không bị mất đi góc cạnh. Nhiều người ở tận Tuyên Quang, Hà Giang xuống học nghề mấy tháng liền nhưng khi về địa phương, họ gói vẫn không được như ý”.

Để phù hợp với yêu cầu thị trường, những người thợ khéo léo của Bờ Đậu đã sáng kiến ra nhiều mẫu mã bánh khác nhau. Ngoài bánh vuông truyền thống, làng nghề còn sản xuất loại bánh có hình tam giác, lục giác hay trụ tròn giống bánh tét Nam Bộ để người tiêu dùng có nhiều lựa chọn. Mỗi cặp bánh loại nhỏ, vừa có giá 20.000 – 30.000 đồng. Đối với bánh chưng vuông to, trong ngày Tết thường được bán với giá 50.000 đồng/chiếc.

Đến với làng bánh những ngày giáp Tết, chúng tôi cảm nhận được cuộc sống sung túc của người dân vùng quê này. Trên khắp đường làng, hoa xuân đã đua nhau khoe sắc, báo hiệu một cái Tết no ấm, sum vầy.  

1 trong 5 làng bánh chưng nổi tiếng nhất miền Bắc

Từ xưa, làng Bờ Đậu đã được đánh giá là 1 trong 5 làng nghề bánh chưng nổi tiếng nhất miền Bắc. Có 3 làng nghề khác ở Hà Nội gồm: Làng bánh chưng Tranh Khúc (xã Duyên Hà, Thanh Trì), làng bánh chưng Lỗ Khê (xã Liên Hà, huyện Đông Anh) và bánh chưng Làng Bạc (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ). Bên cạnh đó, bánh chưng làng Đầm (thuộc xã Liêm Tuyền, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) cũng nằm trong danh sách này.

 Trung Dũng

Xem thêm video tin tức:

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý