Nơi người dân phải “nhịn” thở mà sống

vuongxinh vuongxinh @vuongxinh

Nơi người dân phải “nhịn” thở mà sống

Việc phát triển tràn lan trang trại chăn nuôi (TTCN) heo, gà, cơ sở sản xuất (CSSX) phân bón, sơn PU, mực in, đồ nhựa... khiến tình trạng ô nhiễm môi trường ở xã Sông Xoài, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu lên mức báo động đỏ.

26/07/2014 03:29 PM
826

Một trang trại chăn nuôi ở xã

Nằm ngủ phải đeo khẩu trang

Năm 2003, xã Sông Xoài xuất hiện trại heo của ông Nam, gồm 700 con nái và 1.200 heo thịt. Tuy chưa đảm bảo điều kiện về môi trường nhưng lúc đó ô nhiễm còn thấp. Khoảng bốn năm nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho phép xã mở trang trại vừa và lớn, từ đó trại gà, heo mọc lên nhan nhản, đa số hợp đồng lại với công ty của Thái Lan. Theo quy định, các TTCN, CSSX phải cách xa khu dân cư, nhưng ở xã này thì ngược lại!

Nhiều trại xây tường rào kín mít và không ghi bảng hiệu. Người dân phát hiện, ngăn cản thì chủ trại lấp liếm rằng xây bờ bao thả cá; nhưng khi làm xong, họ lại nuôi heo, gà. Thay vì phải xây hệ thống thu gom, xử lý khí, chất thải bằng công nghệ lạnh, họ lại đặt máy quạt lớn để “đẩy” mùi hôi ra môi trường, hoạt động 24/24 giờ cho đến khi gà xuất chuồng!

Lúc mới lập, các chủ trang trại cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường. Hứa là vậy nhưng tình trạng ô nhiễm từ các cơ sở này ngày càng nghiêm trọng. Tại một số trang trại ở đây, chúng tôi thấy nước thải xả ra đen ngòm, bốc mùi nồng nặc. Nhiều nơi không có hệ thống xử lý chất thải kín, chỉ đào những cái hố lộ thiên phía sau chuồng để chứa. Tiếp cận nơi này, chúng tôi bị rất nhiều ruồi, muỗi tấn công.

Ông Ngô Đức Lộc (SN 1954, ngụ tổ 1, ấp Sông Xoài 1) bức xúc: “Trước đây xã Sông Xoài được tỉnh quy hoạch thành vùng chuyên canh cây công nghiệp lâu năm, nhưng không hiểu sao họ lại cho làm trại chăn nuôi? Từ đó, ngày cũng như đêm mùi hôi thối bốc ra nồng nặc. Chúng tôi phải “nhịn” thở mà sống. Đi làm về mệt nhưng vừa đến đầu ngõ là mùi hôi xộc tới ngộp thở, chịu không nổi. Nằm ngủ có lúc cũng phải... đeo khẩu trang!”.

Từ khi trại gà mọc lên, cả khu vực này thành ổ ruồi, muỗi, nhất là lúc trời mưa xuống. “Dọn cơm ra, người chưa kịp ăn ruồi đã xơi trước rồi. Nhà nào có đám tiệc đành chia phần mang về vì anh em ngồi lại lai rai là ruồi bâu kín. Ban ngày không khí nóng còn đỡ, mỗi khi chiều về cho đến sáng hôm sau thì chịu không thấu”, cầm trên tay ba tấm giấy đánh bã chi chít ruồi, bà Hà Thị Hồng - vợ ông Lộc - ngán ngẩm.

Thời gian gần đây, ở xã xuất hiện thêm CSSX phân vi sinh Huy Bảo. Ông Tạ Quý Sơn (SN 1948, ngụ tổ 1, ấp Sông Xoài 1) phản ánh: “Mỗi lần cơ sở này dùng xe thu gom phân từ các trang trại, do che chắn không kỹ nên để vương vãi khắp đường, có lúc rớt cả bao xuống bốc mùi khắp xóm. Đang ăn cơm mà gặp lúc cơ sở đưa phân tươi lên sấy thì phải bỏ bữa vì ngửi một lúc là buồn nôn, đau đầu không chịu được”.

Trên địa bàn xã còn có một số CSSX sơn PU, mực in, nhất là Công ty hóa nhựa Việt Mỹ. Ông Trần A Sy (SN 1960, người địa phương) kể: “Lúc đầu chúng tôi nghe tin công ty sản xuất thùng nhựa xuất khẩu nên đến ngăn. Họ bảo chỉ xây xưởng mộc, không ngờ... Họ đốt thứ gì đó có mùi khét như dây điện cháy, ngửi một lúc là nhức đầu dữ lắm nên chúng tôi tiếp tục phản đối. Phía Việt Mỹ hứa sẽ xây dựng hệ thống xử lý chất thải đảm bảo môi trường, nhưng bao năm nay chẳng thấy đâu! Đó là chưa kể mỗi khi công ty này hoạt động lại xả khói đen ngòm...”.

Tiểm ẩn mầm dịch bệnh

Xã Sông Xoài có chín trại gà, bảy trại heo, trong đó hai trại quy mô lớn, nuôi từ 1.900 - 22.000 con. Riêng các tổ 1, 2, 3 có ba trại gà, ba trại heo, một công ty hóa nhựa, một cơ sở sản xuất sơn PU, sắp tới có thể thêm hai trại gà được xây dựng. Những chủ TTCN và CSSX này phần lớn từ nơi khác đến nên ý thức bảo vệ môi trường rất kém.

Người dân cho biết, nguồn nước sinh hoạt tại địa phương bắt đầu ô nhiễm nặng. Do đa số TTCN, CSSX nằm đầu nguồn suối Sông Xoài, suối này đổ về hồ chứa nước Đá Đen, cung cấp nước sạch cho thành phố Bà Rịa. Nhà nước bỏ ra hàng chục tỷ đồng để xử lý nước sinh hoạt cho dân, nhưng với việc xả thải vô tội vạ từ các TTCN, CSSX này thì không chỉ gây tổn hại ngân sách mà còn tiềm ẩn mầm bệnh rất cao.

Chịu không nổi sự ô nhiễm từ các trại chăn nuôi này, không ít người phải tìm nơi khác sống. Một số muốn bán đất cũng không được vì người mua thấy cảnh ô nhiễm trầm trọng chỉ biết lắc đầu chào thua. Dân bức xúc phản ánh thì chủ trại gà đổ lỗi cho trại phân, trại phân “bắn” trách nhiệm sang trại heo và nơi này lại quay sang chỉ trích trại gà. Ai cũng gây ô nhiễm nhưng chẳng ai nhận trách nhiệm!

Điều khó hiểu là không biết các chủ TTCN, CSSX “phù phép” thế nào mà rất nhiều cơ quan về khảo sát, kiểm tra nhưng không thấy xử lý? Nhiều lần họ hứa sẽ giải quyết dứt điểm nạn ô nhiễm tại đây nhưng mấy năm qua chỉ toàn hứa!
Ông Nguyễn Văn Bút, Chủ tịch xã Sông Xoài, cho biết: “Tình trạng gây ô nhiễm môi trường ở các TTCN, CSSX khiến dư luận bất bình. Tuy nhiên, hầu hết đều do Phòng Nông nghiệp huyện quản lý nên việc kiểm tra rất khó thực hiện. Ủy ban xã đã nhiều lần nhắc nhở, huyện cũng có văn bản buộc các chủ cơ sở này thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường. Sắp tới, xã sẽ tham mưu cho Phòng Nông nghiệp huyện cương quyết buộc các chủ trang trại xây dựng hệ thống xử lý khí thải sau quạt hút, trả lại môi trường trong sạch cho bà con”.

Theo Congan.com.vn

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý