Nỗi niềm đồng phục con nhà nghèo

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

Nỗi niềm đồng phục con nhà nghèo

17/08/2012 06:33 AM
432

Ngày đầu tiên đưa con đến trường, cũng như nhiều ông bố bà mẹ khác, chị L.T.A, có con học ở Trường tiểu học Kim Đồng (Q. Gò Vấp, TPHCM) đến điểm bán đồng phục chọn mua cho con. Trong khi người nào người nấy đều mua vài bộ mỗi lại cho đồng phục hàng ngày, đồng phục thể dục, đồng phục ngủ… mới đủ cho dùng thì chị chỉ có thể mua mỗi loại một bộ, riêng đồng phục đi học thì chọn hai bộ để con tiện thay đổi. Vậy mà cũng đã hết mấy trăm nghìn đồng.

Phụ huynh chọn mua đồng phục tại trường tiểu học cho con
Phụ huynh chọn mua đồng phục tại trường tiểu học cho con.

Một chút ngại ngần, chị A cho hay, số lượng như thế này con chị sẽ không đủ mặc nhưng may là kiểu mẫu vẫn như mọi năm nên chị sẽ tận dụng đồng phục cũ của năm trước, dù bây giờ cháu cao hơn trước. Nhà trường không yêu cầu phải thay hoàn toàn đồ mới nhưng con mặc đồ quá cũ để đến trường chị cũng rất chạnh lòng, nhất là mặt bằng học sinh của trường rất khá giả.

“Đầu năm hai đứa con đi học, nhà mình không khá giả gì mà có quá nhiều thứ cần đến tiền. Trước mắt chỉ có thể mua cho con như vậy, sau này có tiền thì tính tiếp”, chị A ngậm ngùi.

Anh Nguyễn Văn Tý, có con học ở Trường tiểu học Xóm Chiếu (Q.4) cho hay, do điều kiện eo hẹp nên đầu năm anh cũng chỉ có thể sắm cho con một bộ đồng phục. Còn sử dụng thêm một bộ đồ cũ, luân phiên để mặc nên chiều nào con đi học về anh cũng lập tức giặt đồ để tới ngày cháu có đồng phục tới trường. 

Tuy nhiên, người cha này không mấy phiền lòng vì học sinh ở trường hầu hết đều là con em gia đình khó khăn, nhiều nhà trong tình cảnh như nhau nên cũng thoải mái. “Chứ nếu con tôi mà rơi vào trường học con nhà khá giả thì không biết xoay ra làm sao vì mình không lo nổi, mà xài đồ cũ thì rất thương cháu mà chắc gì trường đã chịu. Khiếp quá, có những trường đồng phục tiền triệu”, người bố xuýt xoa.

Đồng phục học sinh được các trường đưa ra với “cái mác” loại bỏ sự phân biệt giàu nghèo trong môi trường học đường. Không chỉ quần áo, tại không ít trường còn có đồng phục giày dép, cặp sách và đồ dùng học tập, thậm chí là thay đổi giữa các năm. Đồng phục được thiết kế riêng, trường bán nên không nói ra phụ huynh (PH) cũng hiểu rằng chỉ có thể mua từ trường.

Với các gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, việc sắm đồng phục cho con không quá phức tạp. Nhưng ở không ít trường điểm hay thi tuyển thì dù hầu hết các em khá giả cũng không thiếu các em con nhà khó khăn - trừ các trường quốc tế vào học theo điều kiện. Khi đó việc sắm sanh đồng phục được theo yêu cầu là một “bức bí” với nhiều gia đình. Đồng phục chẳng khác nào một nỗi ám ảnh với nhiều học sinh và PH.

Chưa kể việc mua đồng phục ở trường theo các PH thường đắt hơn giá bên ngoài mà có khi chất lượng, màu sắc quá tệ. Nếu được chọn mua đồng phục, đồ dùng học tập ở ngoài, PH sẽ tiết kiệm được nhiều, đúng sở thích của con hơn.

Một học sinh lớp 11 ở Q.1, TPHCM chia sẻ rằng đồng phục của trường mình rất đắt nên cả năm học vừa rồi bố mẹ chỉ có thể mua cho em một bộ để đến trường. Tối về là phải giặt, hong khô để mai mặc tiếp, trong khi chất vải kém nên rất nhanh nhàu cũ, có nhiều bữa em phải mặc đồ còn chưa khô đến lớp.

“Điều đó làm em cảm thấy không tự tin và thoải mái vì bộ đồ của em mặc hoài, cũ rất nhanh ai cũng nhìn thấy, đến học kỳ 2 em mới sắm thêm được bộ mới. Giá như được mua ở ngoài theo mẫu của trường thì bố mẹ có thể sắm được nhiều bộ đồ hơn cho em”, cậu học trò bày tỏ.

Trường tiểu học Huỳnh Mẫn Đạt, Q.5 không yêu cầu HS phải có đồng phục mới
Trường tiểu học Huỳnh Mẫn Đạt, Q.5 không yêu cầu HS phải có đồng phục mới.

Cám cảnh đồng phục thể hiện rõ nhất ở các trường tập trung con em của dân nhập cư, dân lao động nghèo. Ở đó, không ít hoàn cảnh PH mua thêm cho con một đồng phục mới là chuyện không thể khi mà lo nổi cho con đến trường với họ đã quá nan giải. Đồng phục nhiều em mặc cũ nát, chật ních vì tận dụng từ năm này qua năm khác. Khi đó, điều họ cần nhất là sự thông cảm, chia sẻ từ nhà trường.

Cô Huỳnh Thị Bực - hiệu trưởng Trường tiểu học Huỳnh Mẫn Đạt, một trong những trường khó khăn nhất ở Q.5 cho hay, học sinh của trường tập trung con em gia đình lao động nghèo khó của địa bàn. Có những em mặc liên tục ba năm từ lớp 1 đến hết lớp 3 một bộ đồng phục, nhìn là thấy cũ, chật ních.

“Ở trường có nhiều em mặc quần thể dục chật căng ra vì bố mẹ không có tiền để mua đồ mới dù chỉ 80.000 đồng/bộ, rất thương. Nhà trường không thể yêu cầu PH sắm đồ mới cho con chỉ nhắc nhở họ cho trẻ ăn mặc tươm tất, sạch sẽ. Ngoài ra cũng động viên PH cố sắm cho con bộ đồng phục hàng ngày mới để mặc trong những dịp lễ”, cô Bực nói.

Đầu năm nay, Sở GD-ĐT TPHCM quy định, hiệu trưởng nhà trường không được để HS nào vì chưa có đồng phục mới hoặc chưa kịp mua đồng phục mà không được vào trường học. Vào năm học, không bắt buộc học sinh phải mua đồng phục mới (chỉ cần mặc sạch) để khuyến khích tiết kiệm cũng như tận dụng đồng phục của anh chị em trong gia đình. Thay vì “sáng tạo” ra đủ thứ đồng phục "đốt tiền" PH, nếu các trường đều thực hiện theo quy định sẽ giảm được lo lắng cho nhiều gia đình khi con vào năm học.

Hoài Nam

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý