Nóng vấn đề cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư

mesu mesu @mesu

Nóng vấn đề cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư

Giấy chứng nhận bào chữa được xem như chìa khoá, giấy thông hành cho luật sư tham gia vào quá trình tố tụng, bảo đảm quyền bào chữa cho bị can, bị cáo.

07/07/2015 04:45 PM
160

Thời gian qua dư luận xôn xao về tin tức các luật sư không được TAND Quận 1 cấp giấy chứng nhận người bào chữa vì toà cho rằng bị cáo đã thành niên thì phải chính bị cáo viết đơn nhờ luật sư.

Sự việc trở nên nghiêm trọng khi vị Phó chánh án TAND Quận 1 đòi xử lý hai luật sư này vì cho rằng đã "nói xấu" toà trên Facebook.

Sau khi báo chí phản ánh về sự việc đã có rất nhiều ý kiến phân tích vấn đề pháp lý xoay quanh vấn đề này. Bởi giấy chứng nhận bào chữa được xem như "chìa khoá", "giấy thông hành" cho luật sư tham gia vào quá trình tố tụng, bảo đảm quyền bào chữa cho bị can, bị cáo.

Sự việc ngã ngũ khi vào chiều ngày 6/7/ TAND Quận 1 đã đồng ý cấp Giấy chứng nhận bào chữa cho các luật sư. Vụ việc đã được xử lý thấu lý đạt tình, các bên đã tìm được tiếng nói chung.

Tuy nhiên việc cấp giấy chứng nhận bào chữa một số nơi vẫn còn gây khó khăn cho người bào chữa, không riêng gì vụ việc vừa xảy ra tại TAND Quận 1 như vừa qua.

Mới đây Văn phòng Luật sư Hoa Sen nhận bào chữa phúc thẩm cho bị cáo Nguyễn P.N, bị TAND TP.HCM xét xử 20 năm về tội giết người. Khi luật sư xuất trình đơn yêu cầu luật sư bào chữa của vợ bị cáo thì toà án yêu cầu phải chính bị cáo viết thì mới chấp nhận vì bị cáo đã thành niên.

Tuy nhiên bị cáo thì đang bị tạm giam mà lịch thăm nuôi thì mỗi tháng thân nhân chỉ gặp mặt một lần nên việc nhắn bị cáo viết đơn từ trại tạm giam chuyển đến luật sư dễ quá ngày xét xử.

Tương tự Văn phòng Luật sư Hoa Sen cũng bào chữa phúc thẩm cho bị cáo Nguyễn V.T bị TAND tỉnh Long An xét xử sơ thẩm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Khi xuất trình đơn yêu cầu luật sư của vợ bị cáo thì cũng bị từ chối và phải yêu cầu chính bị cáo viết. Vậy là lại phải tiếp tục để người nhà nhắn bị cáo viết và gửi cho luật sư từ trại tạm giam.

Cũng chính bị cáo Nguyễn P.N, khi bào chữa ở cấp sơ thẩm luật sư xuất trình đơn yêu cầu của vợ bị cáo cho TAND TP.HCM thì được chấp nhận và cấp giấy chứng nhận bào chữa trong thời hạn luật định.

Tương tự khi bào chữa sơ thẩm cho bị cáo Nguyễn V.T tại TAND tỉnh Long An, đơn yêu cầu luật sư cũng do vợ bị cáo viết, ký tên đã được toà án chấp thuận.

   - Ảnh 1

Luật sư Nguyễn Tấn Thi, Trưởng Văn phòng luật sư Hoa Sen.

Luật sư Nguyễn Tấn Thi, Trưởng Văn phòng luật sư Hoa Sen chia sẻ: "Ngoài ra chúng tôi cũng từng tham gia bào chữa cho các bị cáo ở các TAND tỉnh An Giang, Sóc Trăng và đặc biệt có vụ được dư luận khá quan tâm là vụ Võ Văn Minh, Tiền Giang thì thân nhân yêu cầu luật sư vẫn được các cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận.

Chúng tôi cũng từng nhận bào chữa cho các bị cáo tại TAND TX Dĩ An, và TAND Q. Thủ Đức. Vì khi nhận được yêu cầu của thân nhân bị cáo chúng tôi chưa sắp xếp được thời gian trực tiếp đến Toà để làm thủ tục nên gửi trước bằng đường bưu điện. Vài hôm sau khi đến làm việc trực tiếp thì đã được cấp sẵn giấy chứng nhận rồi. Chúng tôi hết sức bất ngờ và cảm kích trước tinh thần trách nhiệm của các toà này".

Qua những vụ việc như trên cho thấy công tác cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho luật sư chưa được thực hiện thống nhất. Chính trong một địa phương còn có nhiều cách hiểu và làm khác nhau.

Trong khi đó trong tố tụng hình sự, giới hạn về thời gian là rất quan trọng. Quan trọng bởi ảnh hưởng đến thời hạn tạm giam, quyết định hình phạt, ảnh hưởng đến quyền tự do, quyền được bào chữa của người bị tạm giũ, tạm giam. Mặt khác Bộ luật tố tụng hình sự đã quy định về thời hạn tố tụng rất chặt chẽ.

Quyền bào chữa đã là quyền cơ bản và quan trọng đầu tiên của người đang bị các cơ quan tiến hành tố tụng hướng đến buộc tội. Xét về địa vị pháp lý thì họ là người yếu thế hơn cần được bảo vệ, và trong các giai đoạn này họ chỉ mới là "nghi can" mà thôi.

Xét về bản chất, giấy chứng nhận người bào chữa chỉ là nhằm để xác định ai, người nào bào chữa cho người nào mà thôi. Tự thân nó không chứa đựng một sự cho phép nào của các cơ quan tiến hành tố tụng. Do đó chỉ nên xem nó như một chứng từ hành chính, là chứng từ ghi nhận sự đăng ký bào chữa của luật sư hoặc người khác cho bị can, bị cáo. Và khi đã xem là việc đăng ký bào chữa thì cơ quan điều tra phải chấp nhận.

Thiết nghĩ nên có một cơ quan đăng ký bào chữa tách hẳn ra khỏi cơ quan tiến hành tố tụng thì mới thật sự khách quan và bảo đảm về quyền tư pháp của con người. Nên chăng cần nghiên cứu giao thẩm quyền cho cơ quan tư pháp địa phương tiếp nhận việc đăng ký bào chữa và phát hành giấy đăng ký bào chữa cho luật sư để làm xuất trình khi làm việc với các cơ quan tiến hành tố tụng hay các cơ quan khác trong quá trình thực hiện công tác bào chữa.

Luật sư Nguyễn Tấn Thi

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý