NSDN Lê Khanh: Xóa tan suy nghĩ lối mòn về múa rối

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

NSDN Lê Khanh: Xóa tan suy nghĩ lối mòn về múa rối

Vừa qua NSND Lê Khanh đã có chuyến đi tu nghiệp hơn hai tháng tại Nhật Bản. NSND Lê Khanh đã dành thời gian và chia sẻ cho PV NĐT điều thú vị về chuyến đi này.

08/05/2016 07:19 PM
29

Tới nhà hát Tuổi Trẻ vào một ngày cuối tháng tư, vẫn phong thái nhẹ nhàng của người con gái gốc Hà Nội, nghệ sỹ Lê Khanh chia sẻ cho tôi về lý do tại sao lại tin và chọn Xứ sở Hoa anh đào là điểm dừng chân trong chuyến tu nghiệp, hợp tác văn hóa vừa qua.

  NSDN Lê Khanh: Xóa tan suy nghĩ lối mòn về múa rối - Ảnh 1

NSND Lê Khanh khi thực hiện vai diễn của mình trong Vịt trời trúng độc

“Việt Nam có múa rối với tuổi đời nhiều năm và phát triển phong phú các loại hình như rối nước, rối cạn, rối dây, nhưng tới giờ phút này cha ông ta để lại di sản múa rối như thế nào thì chúng ta vẫn "tôn trọng" cha ông tuyệt đối.

Chúng ta cũng chỉ nhận định múa rối vẫn chỉ là một loại hình nghệ thuật giải trí, mua vui mà không bao giờ nghĩ rằng nghệ thuật múa rối có thể truyền tải thông điệp sâu sắc, triết lý lớn trong các tác phẩm kinh điển thế giới. Và nghệ thuật rối dây của Nhật Bản đã làm được điều đó”, nghệ sỹ chia sẻ.

  NSDN Lê Khanh: Xóa tan suy nghĩ lối mòn về múa rối - Ảnh 2

NSND Lê Khanh chụp ảnh cùng áp phích Vịt trời trúng độc

NSND Lê Khanh cũng nhấn mạnh: “Khác với suy nghĩ truyền thống của Việt Nam múa rối là một trò đơn giản, gọn nhẹ, múa rối chỉ dành cho thiếu nhi. Nhưng trong suy nghĩ của người Nhật, múa rối có thể làm được nhiều hơn vậy. Hợp tác văn hóa với Nhật Bản như một lời khẳng định về tiềm năng không giới hạn của các loại hình nghệ thuật đặc biệt trong múa rối. Chúng tôi được học và thực tế lộ trình tư duy từ truyền thống đến hiện đại của các nghệ sỹ Nhật Bản, học cách kể một câu chuyện kịch theo cách mới để thay đổi cách quen xem thuộc của khán giả về một tác phẩm”.

Các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi Trẻ đã có gần hai tháng hợp tác lao động nghệ thuật cùng các nghệ sĩ Nhà hát múa rối cổ truyền Youkiza, Nhật Bản. Vở kịch kết hợp rối dây Vịt trời trúng độc đã được công diễn ở Nhà hát Metropolitan, Tokyo, Nhật Bản trong 6 đêm từ 16 đến 21/3.

  NSDN Lê Khanh: Xóa tan suy nghĩ lối mòn về múa rối - Ảnh 3

Đây là vở diễn được đạo diễn Sakate Yoji xây dựng dựa trên nguyên tác kịch bản văn học Con vịt trời của nhà viết kịch nổi tiếng Na Uy Henrick Ibsen. “Nữ hoàng sân khấu” Lê Khanh cũng chia sẻ thêm, đây không phải lần đầu tiên Việt Nam dựng các tác phẩm của thế giới. Trước đó, chị cũng đã chủ động đề nghị với Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam dựng tác phẩm Chú vịt con xấu xí của Andersen. Nhưng tác phẩm đó vẫn giới hạn trong một kịch nhỏ, đơn giản, tác phẩm vẫn thiên về minh họa là chính chứ không truyền tải thông điệp sâu sắc. Sự kết hợp vẫn đơn thuần là pha trộn, “người vẫn là người và vịt vẫn là vịt”.

Nhưng, Vịt trời trúng độc sẽ là một tác phẩm có được sự hài hòa giữa các thể loại, sự đan xen nghệ thuật múa rối dây cổ điển Nhật Bản và nghệ thuật kịch nói hiện đại.

“Cái hiện đại này sẽ kết hợp với cái rất truyền thống, truyền thống múa rối dây gần 400 năm của Nhật Bản và kịch nói của Việt Nam. Các nghệ sỹ Nhật sẽ thấy được sự phát triển kịch của Việt Nam với thế mạnh đi sâu vào khả năng diễn suất của diễn viên. Còn Nhật Bản thì sử dụng thủ pháp Nô - một loại hình nghệ thuật nguyền thống của Nhật Bản.

Đạo diễn Nhật Bản cũng sử dụng mảng miếng của kịch shakespeare trong Hamlet, âm nhạc ngẫu hứng tại chỗ để tạo nên một Vịt trời trúng độc mới. Tác phẩm này đã xóa tan cách nhìn: rối không chỉ có thế và kịch cũng không phải chỉ có vậy”, nghệ sỹ Lê Khanh thông tin thêm.

Hy vọng sắp tới, khán giả nước nhà sẽ được thưởng thức những tác phẩm kinh điển trên sân khấu Việt Nam.

Phương Anh

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý