Nữ đại gia thủy sản vụ lừa đảo trên 1.000 tỷ đồng ở Cà Mau lĩnh án

remember1 remember1 @remember1

Nữ đại gia thủy sản vụ lừa đảo trên 1.000 tỷ đồng ở Cà Mau lĩnh án

Liên quan đến vụ chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của ngân hàng, TAND tỉnh Cà Mau đã tuyên 16 năm tù đối với bà Đặng Thị Ngợi nguyên nữ giám đốc Xí nghiệp kinh doanh chế biến thủy sản và xuất kh

11/07/2017 09:14 AM
159

Liên quan đến vụ chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của ngân hàng, TAND tỉnh Cà Mau đã tuyên 16 năm tù đối với bà Đặng Thị Ngợi - nguyên nữ giám đốc Xí nghiệp kinh doanh chế biến thủy sản và xuất khẩu Ngọc Sinh dù vắng mặt với lý do sức khỏe.

Báo Vnexpress đưa tin, chiều 10/7, TAND tỉnh Cà Mau tuyên án sơ thẩm đối với giám đốc 7 công ty thủy sản ở Cà Mau, cùng 8 người từng là cán bộ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB - Chi nhánh Minh Hải) tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Vụ án được xét xử suốt hơn tháng qua.

Nguyên nữ giám đốc Xí nghiệp kinh doanh chế biến thủy sản và xuất khẩu Ngọc Sinh Đặng Thị Ngợi bị kết án cao nhất với 16 năm tù giam, dù vắng mặt với lý do sức khỏe. Những người còn lại chịu án treo và án tù, từ 1 năm đến 14 năm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nữ đại gia thủy sản vụ lừa đảo trên 1.000 tỷ đồng ở Cà Mau lĩnh án - Ảnh 1Phóng to

Bị cáo Trịnh Tuấn Mẫn nghe HĐXX tuyên án - Ảnh: Gia Bách/ Thanh Niên

Cựu Giám đốc VDB Minh Hải Trịnh Tuấn Mẫn lĩnh 12 năm tù giam; Phó giám đốc Vũ Văn Hoan nhận 7 năm tù. Riêng 6 người nguyên là cán bộ ngân hàng chịu án treo và án tù, từ 18 tháng đến 7 năm tù giam về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

HĐXX còn buộc 7 giám đốc các doanh nghiệp hoàn trả lại hơn 1.000 tỷ đồng đã chiếm đoạt cho ngân hàng. Trong đó, bà Ngợi phải hoàn trả số tiền cao nhất, hơn 300 tỷ đồng.

Liên quan đến vụ việc, báo Công an Nhân dân trích dẫn cáo trạng thể hiện, từ năm 2009-2011, lợi dụng chính sách của Nhà nước, các doanh nghiệp thủy sản ở Cà Mau là Ngọc Sinh, Việt Hải, Ngọc Châu, Minh Châu, Đại Dương, Nam Thành và Nhật Đức đã lập hồ sơ không đúng sự thật nhằm mục đích vay vốn tín dụng xuất khẩu tại VDB Minh Hải. Sau khi được ngân hàng giải ngân, các doanh nghiệp dùng nguồn tiền này để trả nợ đến hạn tại VDB Minh Hải và các ngân hàng thương mại khác.

Những đại gia thủy sản đã dùng tiền vay sử dụng vào mục đích cá nhân dẫn đến mất khả năng thanh toán. Từ đó, số tiền mà lãnh đạo 7 công ty thủy sản và thuộc cấp giúp sức, chiếm đoạt của Nhà nước lên trên 1.000 tỷ đồng.

Trong đó, DNTN Ngọc Sinh của bà Ngợi được cho là chiếm đoạt số tiền lớn nhất và bị buộc trả cho VDB Minh Hải 362 tỷ đồng. Tiếp đến là Công ty Nhật Đức của đại gia Huỳnh Minh Trung (241,8 tỷ đồng), Công ty Đại Dương (184,8 tỷ đồng), Công ty Minh Châu và Ngọc Châu (cùng một Giám đốc là Phan Xuân Minh, 55,1 tỷ đồng), Công ty Việt Hải (152 tỷ đồng) và Công ty Nam Thành phải trả cho ngân hàng 58 tỷ đồng.

Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009):

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ  sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một  trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây,  thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Điều 179. Tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng

1.  Người nào trong hoạt động tín dụng mà có một trong các hành vi sau đây gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến bảy năm:

a) Cho vay không có bảo đảm trái quy định của pháp luật;

b) Cho vay quá giới hạn quy định;

c) Hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về cho vay trong hoạt động  tín dụng.

2.  Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc liên quan đến hoạt động tín dụng từ một năm đến năm năm.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo

(Tổng hợp)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý