Nữ họa sỹ Nhật Bản bị Tết Việt Nam thôi miên bằng Triết học

baybeface1 baybeface1 @baybeface1

Nữ họa sỹ Nhật Bản bị Tết Việt Nam thôi miên bằng Triết học

Những ngày cuối năm, dù khá bận rộn nhưng gia đình họa sỹ Saeko Ando vẫn dành một khoảng thời gian để trang hoàng lại ngôi nhà chuẩn bị đón Tết.

07/02/2016 08:49 PM
12

(ĐSPL) - Những ngày cuối năm, dù khá bận rộn nhưng gia đình họa sỹ Saeko Ando vẫn dành một khoảng thời gian để trang hoàng lại ngôi nhà chuẩn bị đón Tết.

Bà rất thích đi chợ xuân để cảm nhận không khí Tết ngập tràn trên khắp phố phường Hà Nội. Nữ họa sỹ Nhật Bản nói rằng, văn hóa và con người ở dải đất hình chữ S đã “thôi miên” khiến bà mê đắm. Bà và gia đình luôn coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình. 

Ngấm văn hóa Việt lúc nào không hay

Tốt nghiệp đại học ngành Triết học tại Nhật Bản, khi được đi thực tế, bà Saeko Ando (SN 1968, tỉnh Aichi, Nhật Bản) đã quyết định đến Việt Nam. Sau khi đặt chân đến mảnh đất hình chữ S, bà đã hoàn toàn bị mê hoặc bởi đất nước và con người nơi đây. Đặc biệt, nghệ thuật sơn mài đã níu kéo bà ở lại và theo đuổi đam mê đến cùng. Nữ họa sỹ Saeko chia sẻ, bà rất tò mò về dải đất hình chữ S nhỏ bé đã đi qua hai cuộc chiến tranh ác liệt.

Bên cạnh đó, bà muốn tận mắt nhìn thấy và tìm hiểu về con người Việt Nam, những anh hùng dũng cảm và gan dạ mà truyền thông quốc tế ca ngợi. Hơn nữa, bạn bè của Saeko khi nhắc đến dải đất hình chữ S phải thốt lên rằng, văn hóa và con người Việt Nam rất đặc biệt. Họ khuyên bà cứ đến và cảm nhận văn hóa cũng như sự thanh lịch của con người Việt Nam. Có lẽ, chính Saeko cũng không ngờ rằng, mình lại có nhiều “duyên nợ” với Việt Nam đến thế.

Nữ họa sỹ Nhật Bản bị Tết Việt Nam  thôi miên bằng Triết học - Ảnh 1Phóng to

Họa sỹ Saeko Ando. 

Đây là năm thứ 20 Saeko đón Tết tại Việt Nam. Với bà, phong tục truyền thống của người Việt rất đặc biệt. Bà nói rằng: “Tết ở Việt Nam phải có: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Bên cạnh đó, cứ đến cuối năm, không khí ở mọi nhà rất rộn ràng, vui vẻ. Trẻ nhỏ háo hức được mua quần áo mới, được lì xì lấy may, được ba mẹ dẫn đi chơi”.

Hơn 20 năm sống ở Việt Nam, vốn từ và khả năng giao tiếp tiếng Việt của Saeko rất tốt. Với cách nói chuyện nhẹ nhàng, ăn mặc rất “Việt Nam”, ai mới gặp lần đầu đều nghĩ bà là người Việt. Nữ họa sỹ Saeko tự nhận mình bị “đồng hóa” và “ngấm” văn hóa Việt lúc nào không hay. Bà coi Hà Nội như quê hương thứ hai của mình. Hai chục năm qua, năm nào gia đình Saeko cũng đón Tết Nguyên đán như bao gia đình Việt khác. Tết đến, bà cũng chuẩn bị mọi thứ để mời bạn bè đến nhà ăn cơm và chúc nhau những điều tốt đẹp nhất.

Nói chuyện với chúng tôi, nữ họa sỹ Saeko khoe năm nay gia đình bà chuẩn bị Tết chu đáo hơn mọi năm. Bởi đây là năm thứ 20 bà sống ở mảnh đất hình chữ S. Bà Saeko tâm sự: “Không khí chuẩn bị Tết cổ truyền ở Việt Nam rất tấp nập. Sắc xuân tràn ngập từ nhà tới chợ, len lỏi vào từng con phố. Đặc biệt, những cành đào mới hé lộc, cây quất sai trĩu quả, mọi người chuyện trò bàn tán rôm rả.

Đâu đó mùi bánh chưng thoang thoảng ở khắp các khu phố. Không khí Tết rộn ràng và thật đầm ấm. Tôi vẫn còn nhớ lúc chưa lập gia đình. Lần đầu đón Tết cổ truyền Việt Nam tại nhà một người bạn ở Hà Nội, tôi cảm thấy mọi thứ rất lạ. Ngày đó, vốn tiếng Việt của tôi vẫn còn hạn chế nên chưa hiểu hết ý nghĩa mọi người nói. Tôi tự đặt câu hỏi trong đầu, vì sao Tết lại phải có cành đào, cây quất, bánh chưng xanh. Tết ở Việt Nam thật lạ và thú vị”.

Nữ họa sỹ Nhật Bản bị Tết Việt Nam  thôi miên bằng Triết học - Ảnh 2Phóng to

Họa sỹ Saeko Ando đại diện tranh sơn mài Việt Nam tại hội thảo quốc tế diễn ra tại Thái Lan (Saeko Ando đứng giữa).

Nữ họa sỹ chia sẻ, không giống như Việt Nam hay nhiều nước châu Á, Nhật Bản đón Tết theo lịch dương. Dù đón Tết dương lịch nhưng Nhật bản vẫn mang đậm nét đặc trưng văn hóa truyền thống của xứ sở hoa Anh đào. Bà Saeko Ando kể: “Xa xưa, người Nhật cũng đón Tết theo lịch âm, nhưng dần dần chuyển sang Tết dương lịch. Và đến nay, tại Nhật Bản, Tết âm không còn nữa. Vào những ngày cuối năm, người Nhật cũng sẽ dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, sắp đặt đồ đạc trong nhà gọn ghẽ, ngăn nắp. Không có đào, quất, người Nhật đặt ở cửa Kadomatsu, tức là ba ống tre tươi chặt vát chéo và một vài cành thông. Có nhà thì treo Shimenawa, có ý nghĩa đón tiếp vị thần năm mới và trừ tà ma. Các món ăn của người Nhật được gọi chung là Osechi. Trong đó có món bánh dày ozoni giống như bánh chưng Việt Nam và gia đình nào cũng ăn trong ngày Tết.

Cũng theo nữ họa sỹ Saeko, Tết Việt Nam và Tết Nhật cơ bản là giống nhau. Đó là thời điểm để người thân quây quần bên nhau cầu mong một năm mới hạnh phúc, bình an, điều tốt đẹp sẽ đến. Họ cùng chuẩn bị những món ăn, vật trang trí đơn giản tuy khác nhau nhưng giàu ý nghĩa tượng trưng, cầu ước vạn sự tốt lành trong năm mới. Dịp Tết cũng là thời điểm để tri ân, thăm hỏi những người mình mang ơn, chúc nhau mạnh khỏe, tốt đẹp. Tết Nhật cũng tặng phong bao lì xì, nhưng chỉ tặng cho trẻ nhỏ, còn ở Việt Nam tặng lì xì cả người già.

Mê bánh chưng Việt Nam

Bà Saeko rất thích bánh chưng Việt Nam. Bà nói rằng gia đình mình có thể ăn bánh chưng quanh năm mà không chán. Đặc biệt, hai cậu con trai rất “mê” món bánh chưng rán. “Hai con trai của tôi đều sinh ra ở Nhật Bản. Nhưng với chúng, Việt Nam như quê hương thứ hai vậy. Một năm gia đình tôi sang Nhật Bản vài ngày, sang Anh vài ngày rồi quay trở về Việt Nam. Con tôi coi Việt Nam là nhà, còn đến Nhật và Anh như khách du lịch. Chúng đi vài ngày lại đòi về Việt Nam”, nữ họa sỹ nói.

Nữ họa sỹ Nhật Bản bị Tết Việt Nam  thôi miên bằng Triết học - Ảnh 3Phóng to

Bánh chưng tự tay họa sỹ Saeko Ando làm để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán.

Kể từ khi quyết định ở lại Việt Nam, Saeko vẫn còn nhớ như in kỷ niệm ban đầu đặt chân đến mảnh đất hình chữ S. Nữ họa sỹ nhớ lại: “Mới đầu đến Việt Nam, với tôi cái gì cũng lạ, từ món ăn đến con người. Nơi tôi đặt chân đến đầu tiên là TP.HCM. Cuộc sống ở đó tấp nập và nhộn nhịp, con người thì thân thiện. Trước đó, nhiều người bạn nói với tôi rằng, đến Việt Nam nên sống ở Thủ đô Hà Nội để tận hưởng không khí bốn mùa và cảm nhận nét thanh lịch của người Tràng An. Sống ở Sài Gòn một thời gian, tôi khăn gói ra Hà Nội, thuê một căn phòng nhỏ ở phố Cầu Gỗ. Đây là một tuyến phố nhộn nhịp và náo nhiệt nằm ở phố cổ. Ban đầu không quen với khí hậu miền Bắc, tôi bị ốm, trong khi đó chỉ có một mình. Điều khiến tôi xúc động và nhớ mãi, đó là tấm lòng của bà chủ nhà. Bà đã quan tâm và chăm sóc tôi như người thân trong gia đình vậy. Chính điều đó đã khiến tôi trì hoãn trở về Nhật và sau này quyết định ở lại để tìm hiểu về đất nước, văn hóa và con người Việt Nam”. 

Họa sỹ Nhật mê tranh sơn mài Việt Nam

Chính tại dải đất hình chữ S, bà Saeko đã gặp và nên duyên vợ chồng với một chuyên gia xây dựng người Anh. Hiện, vợ chồng bà sống hạnh phúc bên hai con trai tại khu đô thị Ciputra (Hà Nội). Saeko rất mê tranh sơn mài Việt Nam. Nhờ sự am hiểu văn hóa Việt, Saeko đã theo học nghệ thuật tranh sơn mài của những nghệ nhân nổi tiếng. Đến nay, nhiều tranh sơn mài của họa sỹ Saeko được công chúng đón nhận và đánh giá cao. Đặc biệt, nhiều tác phẩm của bà được làm từ chất liệu và kỹ thuật sơn mài Việt Nam nhưng lại toát lên linh hồn Nhật Bản. Sự kết hợp giữa hai nền văn hóa vào tranh sơn mài đã tạo nên những tác phẩm đặc sắc và độc đáo. Nhờ những đóng góp của mình, Saeko đã vinh dự là người nước ngoài đầu tiên được gia nhập hội Mỹ thuật Hà Nội.

 Vũ Phương

Xem thêm video tin tức:

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý