Nước mắt xứ Đài-Kỳ 2: Dở dang giấc mộng đổi đời

mesu mesu @mesu

Nước mắt xứ Đài-Kỳ 2: Dở dang giấc mộng đổi đời

(Công lý) Trong một thời gian ngắn, đã có nhiều lao động người Việt bỏ mạng ở Đài Loan. Nỗi đau nối tiếp nỗi đau, những gia đình có con em bỏ mạng ở xứ người đang từng phút mòn mỏi ngóng trông, chờ nhận thi thể người thân trở về.

22/04/2015 12:43 AM
601

Cạn nước mắt chờ đón con về

Vượt gần 300km, chúng tôi tìm đến nhà anh Ngô Sỹ Hải (sinh năm 1990, trú khối 3, TT Yên Thành, Nghệ An) - nạn nhân mất vì tai nạn lao động ở Đài Loan vào ngày 27/03 vừa qua.

Một không khí ảm đạm, tang thương bao trùm khắp ngôi nhà bé nhỏ của Hải, rất đông người thân của anh đang ngày đêm túc trực ở sân nhà với đôi mắt đỏ hoe, rớm lệ ngóng về phía xa, cầu mong cho thi thể anh sớm được trở về với quê cha đất tổ.

Chị Trần Thị Nhung (SN 1968, mẹ của Hải), nằm bẹp ở giường, đôi mắt trũng sâu, khô khốc, cạn nước mắt vì khóc thương, chờ đợi được nhận thi thể con về an táng.

Chị Nhung nấc nghẹn, nén nỗi đau

Gặp chúng tôi, chị òa khóc nức nở: "Các cô, các chú ơi, em nó tội lắm, chết cô đơn, lạnh lẽo lắm, sao mà đời tôi khổ thế này hả trời?".

Rồi chị kể, năm 18 tuổi, chị gặp và kết duyên cùng anh Ngô Sỹ Minh (SN 1966). Năm 1990, đứa con trai đầu lòng Ngô Sỹ Hải ra đời, nối tiếp là Ngô Tuấn Anh (SN 1991) và 2 cô con gái sinh đôi năm 1994.

Tai ương ập đến, năm 2005, anh Minh bỏ lại mẹ con chị ra đi trong một cơn bạo bệnh, từ đó một mình chị quần quật với ruộng đồng nuôi 4 đứa con.

Mới 15 tuổi, nhìn mẹ đầu tắt mặt tối nuôi 4 anh em, Hải thương mẹ vô cùng nên quyết định bỏ học, thay cha cùng mẹ gánh vác việc nhà, việc đồng áng, mong kiếm thêm thu nhập.

Nhìn anh, nhìn mẹ lưng đẫm mồ hôi, cháy nắng cơ cực, 2 đứa Ngô Tuấn Anh, Ngô Thị Vân, cũng lần lượt bỏ học, mọi hy vọng dồn vào cô út Ngô Thị Huyền Trang. 

Năm 2012, bằng sự nỗ lực, Trang đậu trường Đại Học Sư Phạm Huế, cả gia đình ôm nhau mừng mừng tủi tủi. Ngày Trang nhập trường, chị Nhung chạy vạy, vay mượn khắp nơi lo tiền ăn, tiền sách vở, mong con học hành thành tài.

Nhận thấy, làm ruộng, làm thuê quanh năm vẫn không thoát nghèo, Hải không ngừng mơ ước đến một tương lai sáng hơn, không còn phải lo đến cái ăn, cái mặc.

Lúc này, phong trào xuất khẩu lao động đang nở rộ, nhìn chúng bạn cùng trang lứa đi 2 - 3 năm về, có tiền sắm sửa đồ đạc, xây nhà khang trang, Hải thèm khát được một lần xuất ngoại.

Hải bàn với mẹ, sau nhiều đêm trăn trở, chị Nhung quyết định thế chấp sổ đỏ, cho Hải xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Năm 2012, Hải từ biệt mẹ lên đường.

Anh Hải nằm cô đơn lạnh lẽo nơi xứ người chờ ngày trở về với mẹ

Với bản tính siêng năng, ham học hỏi, cầu tiến, sau một thời gian làm việc ở Đài Loan, Hải đã tích cóp được ít tiền gửi về nuôi em ăn học, giúp mẹ sửa sang lại căn nhà cấp 4 tồi tàn, đồng thời trả bớt tiền nợ. Cuộc sống của gia đình khốn khó ấy tưởng chừng sẽ sung túc hơn, đầy đủ hơn, nhưng một lần nữa tai họa lại ập xuống.

Vào trưa ngày 27/03/2015, vừa đi làm đồng về, chị nghe chuông điện thoại reo, chị vội vã bắt máy: "Hải hả con, đi làm về rồi à, mệt không?". Nhưng đáp lại, ở đầu dây bên kia là sự im lặng đáng sợ rồi cúp máy.

Chừng 30 phút sau, chuông điện thoại lại vang lên, đầu dây bên kia giọng đứt quãng: "Cô Nhung ạ, cháu là bạn làm cùng với Hải, cô phải thật bình tĩnh để nghe cháu nói, Hải…vừa mất sáng nay...." , nghe đến đó, chiếc điện thoại trên tay chị rớt xuống đất, đầu óc quay cuồng, rồi ngã quỵ.

Những người bạn làm cùng Hải cho biết, Hải là thợ Cơ khí, chuyên vận hành sửa chữa máy. Vào đêm 26/03/2015, Hải đi làm như thường lệ, đến rạng sáng ngày 27/03, trong lúc vận hành máy dập hàng, Hải đã bị tai nạn, mặc dù được các bác sỹ tận tình cứu chữa, nhưng Hải đã không qua khỏi.

Từ khi xảy ra sự việc đến nay, thi thể Hải vẫn chưa thể chuyển về Việt Nam, nguyên nhân một phần lớn là vì gia đình chưa đủ kinh phí, đang cố gắng vay mượn khắp nơi, kêu gọi sự ủng hộ của đồng hương bên xứ Đài.

Hải mất đi, nguy cơ đứa em út phải bỏ học, chị Nhung phải bán nhà để trả nợ bày ra trước mắt, bởi lẽ, để có tiền lo cho Trang ăn học, lo cho Hải đi xuất ngoại, chị Nhung đã đẩy tổng số nợ của mình lên đến ba, bốn trăm triệu đồng mà chưa biết nhìn vào đâu.

Hiện giờ chị Nhung chỉ biết nằm bẹp một góc, nước mắt ướt đầm chiếu ngóng trông con...

Chết tức tưởi nơi xứ người

Khác với anh Hải, Phạm Văn Trung (sinh năm 1991, trú  thôn Trung Trinh, xã Việt Xuyên, Thạch Hà, Hà Tĩnh) lớn lên trong một gia đình thuần nông, cấy cày là nguồn thu nhập chính.

Trung là con trai duy nhất trong gia đình có 6 chị em, bố là Phạm Văn Long (SN 1961), mẹ là Nguyễn Thị Lục (SN 1962) quanh năm ốm đau, bệnh tật.

Khi sinh ra, Trung đã mang thể trạng yếu ớt. Lên 16  tuổi Trung bỗng nhiên thấy tê nhức chân tay, các khớp cứng lại không tài nào nhúc nhích được.

Bố mẹ Trung đã đưa con đi chữa  trị khắp nơi và được biết Trung bị bệnh viêm khớp cấp, phải có phác đồ điều trị lâu dài và rất tốn kém. Nằm liệt một chỗ nhưng Trung vẫn theo học văn hóa, thường xuyên tự co duỗi chân tay, tập đứng để có thể thoát khỏi chiếc giường tự đi bằng đôi chân của mình.

Mẹ anh Trung đớn đau, ngất lịm

Sau những khổ luyện phi thường, Trung đã nhích được những bước đầu tiên trong sự mừng vui của toàn gia đình. Để có tiền cho Trung ăn học, nuôi 2 em nhỏ, nuôi bà nội ngoài 80 tuổi và chữa trị căn bệnh thoái hóa cột sống mãn tính của bố, bệnh đau thần kinh và gai cột sống của mẹ, 2 chị của Trung là Phạm Thị Phương  (SN 1985) và Phạm Thị Mai (SN 1988). cùng em gái Phạm Thị Thủy (SN 1995) đã bảo nhau bỏ học vào nam làm thuê, người đi may, người làm ô sin…

Hết lớp 12, bệnh tình của Trung thuyên giảm nhờ tự tập luyện hằng ngày. Nhìn cha già, mẹ yếu mà vẫn nén đau, giấu bệnh, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời kiếm từng hạt gạo, củ khoai nuôi bà, nuôi 2 em nheo nhóc, Trung quyết định gác bỏ ước mơ trên giảng đường đại học, theo các chị vào Nam làm ăn.

Nhưng, để kiếm ra đồng tiền không phải dễ, thấy chúng bạn thi nhau đi xuất khẩu lao động, Trung quyết định sang Đài Loan lập nghiệp.

Để có tiền cho Trung xuất cảnh, ông Long bà Lục đã vay mượn khắp nơi, bán hết trâu bò, bán đàn lợn giống, thế chấp những gì có thể. Tháng 7/2014 Trung chính thức có mặt tại Đào Viên (Đài Loan).

Sau 7 tháng làm việc, nhờ tiền của Trung gửi về, ông Long bà Lục đã có thể duy trì cuộc sống ổn định, yên tâm trị bệnh, 2 đứa út cũng được ăn học đàng hoàng.

Bố anh Trung cũng nằm bẹp một chỗ không chịu ăn uống

Nhưng cuộc đời lắm éo le, vào một ngày giữa tháng 3/2015, khi cả nhà ông Long đang quây quần bên mâm cơm thì nhận được hung tin Trung qua đời. Cả nhà gần như quỵ ngã, bố mẹ Trung ngất lịm.

Chúng tôi tìm đến ngôi nhà lụp xụp của ông Long, bà Lục trong một ngày đầu hè tháng 4, khi cái nóng của miền Trung đang đổ lửa. Nhiệt độ ngoài trời không là gì so với sự căng thẳng, tang thương trong gia đình nhỏ bé của Trung.

Đã 20 ngày, kể từ khi sự việc xảy ra, mọi người trong nhà Trung vật vã túc trực, mong ngóng đón Trung từ xứ người trở về. Ông Long, bà Lục, bà nội hơn 80 tuổi lịm đi trong đớn đau, nằm bẹp một chỗ.

Anh Định bàng hoàng kể lại sự việc

Có mặt tại nhà Trung, anh Nguyễn Hữu Định (SN 1993, cùng quê, người chứng kiến toàn bộ sự việc) từ Đài Loan trở về đau đớn kể lại, vào lúc 19h30 ngày 15/03/2015, anh Định cùng Trung và 11 người khác tới quán 37 ở Đào Viên (Đài Loan) ăn uống. Khoảng 30 phút sau, anh Phan Tất Hữu (Yên Thành, Nghệ An) vừa đi ra cổng thì bất ngờ bị 5 đến 6 đối tượng xông vào dùng dao đâm 2 nhát, 1 gần phổi, 1 gần tim. Thấy vậy, Trung và Lâm nhảy vào can thì lãnh trọn 4 nhát dao, 1 nhát trúng trán Lâm, 3 nhát còn lại đâm xuyên qua tay, hông, lưng của Trung.

Thấy hỗn chiến, mọi người trong quán ào ra thì nhóm đối tượng kia đã tẩu thoát. Khoảng 2 phút sau, công an Đào Viên có mặt, gọi xe cấp cứu đưa 3 người bị thương vào bệnh viện. Do vết thương của Trung quá nặng, mặc dù đã được các y bác sỹ tích cực cứu chữa nhưng vẫn không qua khỏi.

Trung là con trai duy nhất, là chỗ dựa vững chắc cho toàn thể gia đình, giờ đây Trung mất đi, gánh nặng lại đè lên đôi vai gầy guộc của ông Long, bà Lục, hai con người luôn triền miên trong bệnh tật.

Cũng như gia đình chị Nhung ở Yên Thành (Nghệ An), căn nhà xiêu vẹo của gia đình Trung rồi đây cũng phải bán đi để bố mẹ Trung trả bớt nợ nần, nguy cơ hai đứa em út phải bỏ học là không tránh khỏi. Bố mẹ Trung sẽ phải làm gì để trả hết số nợ khổng lồ, khi quần quật làm nông nghiệp mà không đủ ăn, rồi còn chăm lo cho đứa con thơ dại và mẹ già đã ở bên kia sườn dốc? 

Còn tiếp...

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý