Ồ ạt làm nhà máy điện nhưng bỏ ngỏ hàng rào kỹ thuật?

baybykiu baybykiu @baybykiu

Ồ ạt làm nhà máy điện nhưng bỏ ngỏ hàng rào kỹ thuật?

Mặc dù là chủ đầu tư của rất nhiều nhà máy nhiệt điện, nhưng suốt thời gian qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn chưa thể xây dựng cho mình một hàng rào kỹ thuật để kiểm tra, chọn lọc công nghệ, thiết bị.

24/07/2014 11:31 AM
2,625

Tổn thất không nhỏ
Hẳn dư luận còn chưa quên sự cố hai nhà máy nhiệt điện ở phía Bắc có quy mô hoành tráng do nhà thầu Trung Quốc thực hiện với những tổn thất không hề nhỏ.

Hai dự án là nhiệt điện Quảng Ninh 1 (Tập đoàn điện khí Thượng Hải làm tổng thầu) và nhiệt điện Hải Phòng 1 (tập đoàn điện khí Đông Phương làm tổng thầu) sau khi đưa vào vận hành đã thiếu ổn định, bị cháy lò, hỏng hóc thiết bị.

Theo chủ đầu tư dự án Hải Phòng 1 là Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng, Tổ máy 1 phát điện từ tháng 9/2009 nhưng chỉ sau một tháng hoạt động đã gặp sự cố hư hỏng bộ quá nhiệt (nhà thầu buộc phải thay thế 90 ống quá nhiệt và hệ thống điện) và các sự cố khác như xì hơi đường ống, trục trặc hệ thống tuần hoàn nước...

Đáng nói, nếu điểm tên các nhà thầu Trung Quốc đang thực hiện dự án nhiệt điện tại Việt Nam, nhiều người không khỏi giật mình nếu như những sự cố trên không bị lặp lại.

Cụ thể, nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 (Trà Vinh) do Tập đoàn điện khí Đông Phương làm tổng thầu EPC với trị giá hợp đồng khoảng 1,4 tỷ USD. Nhà thầu này cũng được cho phép mở rộng làm thầu dự án Duyên Hải 3; nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (Bình Thuận) do nhà thầu Shanghai Electric Group Company Ltd (SEC) làm tổng thầu EPC; dự án nhà máy nhiệt điện Hải Phòng I và II với 4 tổ máy, với tổng công suất 1.200 MW.

Gói thầu chính (EPC) do liên doanh nhà thầu tập đoàn điện khí Đông Phương (Trung Quốc) và Marubeni (Nhật Bản) làm tổng thầu; dự án nhiệt điện Quảng Ninh 1 và 2 do nhà thầu SEC làm tổng thầu EPC; dự án Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương do Tập đoàn Tân Tạo chủ đầu tư, nhà thầu China Huadian Engineering (CHEC) làm tổng thầu EPC, gói thầu trị giá 2 tỷ USD.

Dẫn lời ông Dương Văn Cận, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam: "Công bằng mà nói nhà thầu Việt còn rất nhiều vấn đề, nhưng thầu ngoại kém năng lực cũng không phải ít. Hàng loạt dự án nhà thầu ngoại trúng thầu do bỏ thầu thấp bị chậm tiến độ, chất lượng kém, cho thấy thực trạng đáng buồn này. Đã đến lúc cần có sự sàng lọc bằng một hàng rào kỹ thuật đối với các nhà thầu".

Cũng theo ông Cận, với tình hình hiện nay có thể thấy rõ một viễn cảnh rất xấu là các nhà thầu sẽ không có công ăn việc làm. Đa phần các nhà thầu Việt Nam hiện nay đang thực hiện 30-40% phần sản lượng, đây là mức thấp nhất để cầm cự.
Nhưng một doanh nghiệp mà chỉ thực hiện được 30% sản lượng coi như "chết" rồi. Mặc dù chưa doanh nghiệp nào tuyên bố phá sản nhưng tình trạng "chết lâm sàng" hay mấp mé phá sản, ngừng thi công rất nhiều.

Nếu Nhà nước không có chính sách để mở ra cho các nhà thầu nội tình hình sẽ càng khó khăn. "Hiện nay, nhiều công ty xây dựng, cơ khí, lắp máy chỉ giữ lại công nhân kỹ thuật và giải tán những lao động thời vụ, cắt giảm nhân công", ông Cận nói.
Một lãnh đạo Bộ Công thương trả lời báo Đời sống và Pháp luật với điều kiện giấu tên, cho rằng: "Việt Nam hầu như không có hàng rào kỹ thuật đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc, từ yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với thực phẩm đến các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn sử dụng đối với máy móc, thiết bị, đồ gia dụng.

Do đó, hàng hóa của Trung Quốc bất kể chất lượng, phẩm cấp thế nào vẫn nhập khẩu được vào Việt Nam. Ngược lại, Trung Quốc thì ngoài hàng rào kỹ thuật còn yêu cầu hàng Việt Nam sang Trung Quốc buộc phải qua một số cửa khẩu do Trung Quốc chỉ định (như hải sản chỉ được đi qua Móng Cái, cao su chỉ được đi qua Móng Cái, Lục Lầm, hoa quả tươi chỉ được qua Lào Cai, Lạng Sơn). Đó là điểm yếu mà chúng ta luôn bị thất thế khi giao thương với Trung Quốc".

  - Ảnh 1
Dù đã làm chủ đầu tư rất nhiều nhà máy nhiệt điện nhưng EVN vẫn chưa lập được hàng rào kỹ thuật trong lĩnh vực này.

Năng lực chủ đầu tư có vấn đề?!

Trao đổi với PV, nhiều chuyên gia kinh tế đều có chung nhận định: Khâu giám sát, kiểm soát của chủ đầu tư phía Việt Nam quá hạn chế. Có thể, trong hồ sơ, chúng ta yêu cầu về chất lượng, thiết bị phải là của Trung ương, là sản phẩm EU nhưng trên thực tế, thiết bị được đưa vào công trình lại là thiết bị cấp địa phương. Cũng phải công nhận rằng, một số công trình ở ta, nhà thầu Trung Quốc làm chất lượng có vấn đề.

"Để hạn chế việc này, khâu kiểm tra, giám sát của chúng ta phải nâng cao hơn. ở nhiều nước khác, khi sản xuất ra thiết bị cho dự án, chủ đầu tư phải đi đến tận nơi, xem xét thiết bị chất lượng ra sao.

Thậm chí, chủ đầu tư cần yêu cầu, kèm theo thiết bị cung cấp cho dự án, phải có giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm. Ví dụ, công nghệ Trung Quốc nhưng chứng nhận chất lượng phải là cấp trung ương, chứ không phải là hàng địa phương sản xuất. Trên thực tế, chúng ta đã có quy định về điều kiện chất lượng thiết bị nhưng chưa cụ thể", một chuyên gia kinh tế khẳng định.

Dẫn lời ông Trần Hồng Mai, Viện phó viện Kinh tế xây dựng cho thấy, năng lực chủ đầu tư vẫn là nút thắt bằng các quy định pháp luật. Với các dự án vốn ngân sách, luật cần quy định rõ chủ đầu tư phải đáp ứng và tuân thủ đầy đủ các quy định về chuyên môn, trình độ kỹ thuật. Nếu chủ đầu tư không đủ điều kiện phải giao cho đơn vị có năng lực và bàn giao lại khi dự án đã hoàn thiện.

Với các chủ đầu tư tự ứng vốn thì phải làm đúng quy trình. Theo thông lệ quốc tế, những dự án lớn cần thời gian chuẩn bị tới 3-4 năm, tính toán đầy đủ mọi yếu tố công nghệ, môi trường, xã hội, nhưng chủ đầu tư của ta vì chạy theo chỉ tiêu kế hoạch nên đôi khi thời gian chuẩn bị cho dự án chưa đầy một năm, hệ lụy là đầu bài mời thầu thường sơ sài. "Điều này một phần do chế tài của chúng ta về chất lượng dự án chưa chặt", ông Mai nói.

Còn theo một chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu, nếu ban quản lý dự án có "nghề", sẽ nhìn thấy ngay được vấn đề ẩn khuất trong bài thầu của các nhà thầu kém. Chỉ cần đặt câu hỏi tại sao móng, thiết bị này lại rẻ như vậy là có thể truy ra được, không chấp nhận thắng thầu dù giá của nhà thầu đó là rẻ nhất.

"Thực tế có những công trình khuất như đóng cọc, làm xong đổ đất rồi chả lẽ moi cọc lên để xem. Bởi thế, trong quá trình thi công, chủ đầu tư phải giám sát, để mắt liên tục đến nhà thầu, và phải chọn được tổ giám sát thi công có trình độ nhưng cũng phải có cái tâm", vị này nói.

Cũng theo vị chuyên gia, quan trọng nhất là chủ đầu tư khi bị lệ thuộc vào phần vốn vay là phải chọn ra được ban quản lý dự án. Chủ đầu tư có thể không có nghề, nhưng phải có những kỹ sư hiểu nghề về nhiệt điện, xây dựng, móng, kết cấu thép tham gia.

Vấn đề là trách nhiệm của chủ đầu tư có nghiêm túc thực hiện điều này hay không. Trong đấu thầu, nếu thực hiện theo đúng luật, công khai, minh bạch thì dù có bỏ rẻ mà chất lượng kém cũng khó trúng thầu.

Nhà thầu có thể chào thầu giá rẻ, nhưng đó mới chỉ là giá chào của nhà thầu. Chủ đầu tư phải chấm, đưa ra giá đánh giá để xếp hạng hồ sơ dự thầu. Trong giá đánh giá đã bao hàm yếu tố hiệu quả của cả đời dự án, còn giá rẻ chỉ ảnh hưởng đến chi phí đầu tư.

Ông Dương Văn Cận, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam:
"Hàng rào kỹ thuật trong thương mại là những biện pháp kỹ thuật cần thiết để bảo vệ người tiêu dùng trong nước, lợi ích quốc gia, bảo hộ sản xuất trong nước. Tuy nhiên, khiếm khuyết ở chỗ chúng ta chưa có hàng rào kỹ thuật để kiểm tra công nghệ, thiết bị của nhà thầu Trung Quốc. Nhà thầu chính Trung Quốc sau khi thắng thầu đa phần đều giao cho nhà thầu nhỏ hơn nên chất lượng từng gói thầu đến đâu chưa dễ khẳng định".
Ông Vũ Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam:
"Xét thầu là một công việc hết sức quan trọng, đòi hỏi chủ đầu tư phải có đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và thậm chí cả bản lĩnh nữa để chấm thầu cho thực sự sòng phẳng. Nếu chấm thầu mà tính đến hiệu quả của cả đời dự án thì chắc chắn những nhà thầu giá rẻ sẽ không thể tồn tại".

Trần Quyết - Văn Chương

Xem thêm video clip : Giá xăng ở Việt Nam đắt hơn ở Mỹ và rẻ hơn ở Lào

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý