Ô sin: Chuẩn bị khăn lau nước mắt trước khi xem

biettuot biettuot @biettuot

Ô sin: Chuẩn bị khăn lau nước mắt trước khi xem

(GDVN) Sau Người giàu cũng khóc, Giaoduc.net.vn giới thiệu đến độc giả bộ phim tiếp theo từng để lại ấn tượng sâu đậm trên màn ảnh Việt, đó là Ô sin.

12/05/2012 08:01 AM
6,721

LTS: Những năm cuối 1980 và thập niên 1990, phim truyền hình dài tập nước ngoài mới bắt đầu "bỡ ngỡ" đến với khán giả Việt Nam. Và đặc biệt là, hầu hết mỗi bộ phim được phát sóng đều đã trở thành những dấu ấn, kỷ niệm khó quên trong lòng lứa khán giả sinh ra lớn lên đầu thập niên 1980 trở về trước. Giáo dục Việt Nam thực hiện loạt bài này với mong muốn gợi lại những xúc cảm bùi ngùi, những kỷ niệm đẹp trong lòng độc giả từng xem và trải nghiệm những bộ phim như thế. Tiếp theo với phim "Oshin".

Đặc biệt: Mời bạn đọc cùng viết bài cảm nghĩ, bình luận, ý kiến về bộ phim nước ngoài "kinh điển" nước ngoài một thời trên màn ảnh nhỏ Việt Nam, ví dụ như: Người giàu cũng khóc, Ô sin, Nô tì Isaura, Chuyện nữ tiếp viên hàng không v.v. Tòa soạn sẽ tặng quà là 500 nghìn đồng tiền mặt cho tác giả bài viết nhận được nhiều lượt đọc nhất sau khi loạt bài kết thúc.

Để gửi thư từ, bài vở, ; HOẶC gửi về email: vanhoa@giaoduc.net.vn



Bộ phim truyền hình nhiều tập của Nhật Bản với tên Oshin (297 tập) kể về cuộc đời của người phụ nữ tên Shin sinh vào cuối thời kỳ Meiji (Minh Trị) đến đầu thập niên 1980. Trong tiếng Nhật, để thể hiện sự tôn trọng Shin được gọi là "Oshin" (từ "Shin" là "Shin" trong "Shinbo" nghĩa là tâm bão, nói rộng ra là sự đắng cay, sự nhẫn nại và kiên trì). Khi công chiếu ở Việt nam, tên phim được phiên âm thành "Ô sin", và dựa vào cuộc đời của nhân vật chính, khán giả Việt Nam dùng từ "ô sin" để chỉ một loại công việc, nghề nghiệp trong xã hội là nghề giúp việc.

Phim từng được công chiếu ở 59 quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Sri Lanka, Indonesia, Philippines, Đài Loan, Hồng Kông, Việt Nam, Afghanistan, Singapore, Ai Cập, Iran… với phụ đề tiếng Anh, và tiếng Ả-rập, một số nước thì lồng tiếng hoặc có thuyết minh viên. Năm 1984, đạo diễn Sanrio đã cho dựng thành phim hoạt hình về Oshin thời trẻ.


Đoạn mở đầu phim với bản nhạc quen thuộc trong phim Oshin.



Việt Nam là quốc gia thứ 41 chiếu bộ phim này khi được Đài truyền hình Việt Nam chiếu trên kênh VTV1 từ mùa hè năm 1994 và kéo dài khoảng một năm. Có chuyện thú vị là, trong quá trình phát sóng, trước mỗi tập phim nhiều khán giả bảo nhau rằng "chuẩn bị khăn để lau nước mắt đi, đến Ô sin rồi". Đủ thấy bộ phim có sức lay động đến thế nào.

Nội dung phim

Năm 1983, nhân vật Shin Tanokura (Oshin về già) đã quyết không cho gia đình biết khi một mình đi du lịch trên một chuyến tàu hỏa và bỏ cả buổi lễ khai trương chuỗi cửa hàng thứ 17 của gia đình. Cả gia đình đều không ai hay biết bà đi đâu ngoại trừ Kei - cháu nội của bà Shin, khi anh bỗng nhiên nhớ tới câu chuyện con búp bê gỗ Kokeshi mà bà đã từng kể cho anh. Bằng linh tính, Kei đã tìm ra bà nội sau khi nhớ lại câu chuyện con búp bê của bà Shin. Khi hai bà cháu gặp lại nhau, bà nội anh đã kể lại toàn bộ kỷ niệm trong suốt cuộc đời bà và cũng là những thời khắc thăng trầm nhất của đất nước Nhật Bản thế kỷ 20.

Năm 1907, khi Oshin lên 7 và bị cha mình cho đi ở để cải thiện cuộc sống khó khăn của cả gia đình - nhiệm vụ của cô bé là giữ trẻ cho một gia đình ở vùng khác khá xa nơi ở của cô bé. Ban đầu Oshin rất sợ nhưng cứ ở nhà như thế này thì cả nhà cũng nguy khốn hơn, Oshin cũng chấp nhận. Khi thấy mẹ và bà quá lo lắng và khóc vì không biết đứa bé 7 tuổi thì làm được việc gì, làm sao xoay xở được khi ra ngoài. Oshin biết quay sang an ủi bà và mẹ yên tâm.


Hình ảnh Oshin trên chiếc bè tre khi được đem cho đi ở đợ khiến nhiều người xem rớt nước mắt.



Oshin ra đi trên một chiếc bè tre, hình ảnh cô bé quay lại gào thét gọi mẹ gọi cha khiến nhiều người xem lặng thắt trong tim... Người cha ngoài mặt cứng rắn, độc đoán nhưng trong lòng ông cũng tràn đầy tình thương con, lén ra tiễn con trong tâm trạng bất lực hay có lúc đắp chăn cho con ngủ. Công việc của Oshin khi đi ở là lo việc vặt trong nhà cho tới giặt quần áo và cõng em. Mặc dù bị nhà chủ đánh đập và hành hạ nhưng Oshin vẫn ráng sức chịu đựng vì những lúc đó em đều đến gia đình, mong muốn cha mẹ và các em đỡ khổ.

Có lần thấy trẻ con trong vùng đi học, Oshin tò mò đi theo đến trường, lén đứng bên ngoài học ké. Thầy giáo thấy tội nghiệp nên đã giúp Oshin hết mực. Do mải học nên Oshin về nhà trễ, nhà chủ lo lắng đi tìm, trong khi đó em đói khóc nên cô bé đã bị mắng té tát. Từ đó Oshin sợ và không còn dám nghĩ đến việc đi học nữa. Nhưng thầy giáo đã đến tận nhà thuyết phục được chủ nhà cho Oshin đi học, với điều kiện Oshin vẫn phải cõng em. Oshin vào lớp học, trong khi em hết khóc lại rồi đi vệ sinh khiến đám học trò trong lớp chê cười. Nhiều lúc, Oshin phải ra khỏi lớp thay tã cho em, nghe trong lớp đọc toán cộng 6 + 5  = 11, ở ngoài hành lang Oshin cũng ngóng cổ đọc theo "juichi" (mười một – pv), cảnh tượng thật cảm động.

Bị bạn bè hăm dọa, bắt nghỉ học nhưng Oshin vẫn cố gắng tự học, nhiều lúc lén học. Về sau Oshin cũng viết được thư bằng chữ Katakana và nhờ người đưa về cho gia đình khiến cả gia nhà ai cũng ngạc nhiên không tin nổi. Thời đó, là con bé đi ở đợ với nhiệm vụ giữ em mà học được chữ, nhớ được bốn phép toán cộng, trừ, nhân, chia là điều không ai ngờ.

Xa nhà, nhớ mẹ, nhớ bà, mỗi khi ngồi giặt áo bên sông, Oshin vẫn thường hay nói chuyện một mình vì cô bé ngây thơ tin rằng tiếng nói của mình sẽ theo dòng nước đến với mẹ và bà. Có lần Oshin phải giặt quần áo giữa mùa đông lạnh cóng tay, bị cho là giặt không sạch và bị bắt phải đi giặt lại, uất ức quá, Oshin bỏ đi giữa cơn bão tuyết và ngất xỉu.

Có lần, Oshin bị chủ nhà nghi là ăn cắp tiền của họ khiến cô bé 7 tuổi không thể chịu đựng được nữa bèn trốn về với mẹ. Trên đường bỏ về nhà, Oshin không may gặp phải bão tuyết đến nỗi em gần như bỏ mạng vì giá rét. Oshin ��ược một người đàn ông cứu sống, chính ông cũng là người đang bị truy đuổi, phải bỏ trốn và hai người đồng cảnh ngộ đã trú lại chờ cho đến khi tuyết tan.

Khi về được đến nhà, mẹ và bà ra mừng, còn cha thì đánh em một trận nên thân vì Oshin bỏ đi thì phía chủ nhà sẽ tới đòi lại gạo. Nhà quá nghèo lại gặp lúc mất mùa, bà ngoại thì đã già, nghĩ bản thân lại vô dụng, sống chỉ tốn cơm nên bà Oshin đã ra bờ sông định tự tử. Khi thấy hai em khóc, lại không thấy bà đâu, Oshin vội chạy đi tìm và cứu được bà....

Cha Oshin lại cho em đi ở tận vùng Kaga-ya thuộc Sayaka, mẹ Oshin cũng phải ra tỉnh làm gái bán hoa. Ở Kaga-ya, em kết bạn với con gái chủ nhà và Oshin đã sống ở Kaga-ya đến khi em 16 tuổi. Sau khi trở về nhà, cha của Oshin vẫn bắt cô phải làm việc cho một quán bar. Oshin thừa hiểu nơi đây chỉ là vỏ bọc của một động mại dâm, vì vậy cô đã theo chị gái bỏ lên Tokyo theo nghề thợ làm đầu.

Công việc cũng dần ổn định, Oshin gặp và kết hôn với người chồng sau này của cô. Năm 1923, một trận động đất lớn ở Tokyo đã phá hủy toàn bộ nhà và cửa hàng của hai vợ chồng Oshin. Mặc dù sống sót nhưng tất cả cơ ngơi đã bị phá hủy và mất trong cơn địa chấn vừa rồi nên hai vợ chồng quyết định quay về nhà chồng. Do cuộc hôn nhân của hai người không được mẹ chồng chấp nhận, vì vậy Oshin đã phải chịu rất nhiều gian khổ cũng như sự đay nghiến của mẹ chồng. Oshin từng bị gãy tay và sảy thai do công việc đồng áng nặng nhọc và vất vả.

Sau đó, Oshin đã cùng chồng đem theo đứa con mới chào đời khi cô quyết định rời bỏ nhà chồng để xây dựng lại cuộc đời mình mà không cho chồng biết. Oshin đã phải làm đủ nghề như mở một quán ăn nhỏ, làm bánh, bán cá... Sự nghiệp của cô cũng được bồi đắp khi công việc kinh doanh dần trở nên thuận buồm xuôi gió. Cùng sự giúp đỡ của chồng, Oshin đã gây dựng được một cửa hàng bán hải sản có quy mô vừa nhưng rất được lòng khách hàng và ai cũng tin tưởng, quý mến cô...

Cuộc đời Oshin còn phải trải qua nhiều thăng trầm, một mình gây dựng sự nghiệp, nuôi dạy con cái trưởng thành, làm ăn phát đạt cho đến thời điểm hiện tại, năm 1983.

Xuất xứ của Oshin

Bộ phim dựa trên câu chuyện thật về một phụ nữ Nhật Bản, mẹ của Kazuo Wada, một thương nhân Nhật, người sáng lập tập đoàn Yaohan và là chủ của một loạt các siêu thị tại ở đất nước mặt trời mọc, dựa theo những bức thư nặc danh do nhà viết kịch Sugako Hashida sưu tầm được.

Hashida cho biết, "Câu chuyện kể về những ký ức thăm trầm của một người phụ nữ trước lúc lâm chung. Tôi hiểu được nỗi thống khổ của bà khi làm việc như một người học việc cho một nhà chứa mà bà ta từng trải qua, điều này cũng được coi như trách nhiệm lớn lao và vinh dự đối thế hệ những người phụ nữ thời đó".

Tuy nhiên, bối cảnh bộ phim quá chân thật và sống động khiến các đài truyền hình của Nhật khi đó từ chối trình chiếu bộ phim, trong đó có cả Đài NHK. Về sau, khi một quan chức trong chính phủ là Mikio Kawaguchi phê duyệt thì Oshin đã chính thức được trình chiếu rộng rãi trên khắp nước Nhật khi người dân Nhật vừa trải qua những năm tháng hậu chiến nặng nề và nền kinh tế bắt đầu có chuyển biến tích cực. Mục đích của bộ phim là muốn gợi nhớ lại những gian khổ của những thế hệ đi trước phải chịu đựng để các thế hệ sau có thể có được cuộc sống như ngày hôm nay.

Oshin và ảnh hưởng bên ngoài nước Nhật

Oshin được xem như một phụ nữ huyền thoại, một biểu tượng của sự kiên nhẫn và không bao giờ chịu khuất phục ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Oshin không chỉ được chính người dân Nhật Bản yêu mến mà còn làm vỡ òa hàng triệu trái tim của những người cùng khổ ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Tại Nhật, khi nói đến Oshin là nói đến tính kiên nhẫn, chịu đựng và biết vượt qua khó khăn. Takanosato, một võ sĩ sumo được gọi là Oshin Yokozuna để thể hiện lòng dũng cảm và nghị lực khi anh đã chiến thắng được căn bệnh tiểu đường và giành được những đỉnh cao với môn võ sumo. Cụm từ "Oshin Diet" phổ biến ở Nhật những năm 1980 khi người dân nước này vượt qua thời kỳ kinh tế bong bóng và ăn uống khổ cực chỉ với cơm và củ cải.

Oshin cũng phổ biến ở châu Á khi các đài truyền hình ở những quốc gia này trình chiếu bộ phim. Ở Iran, từ Oshin cũng được thể hiện trong cuốn tiểu thuyết Persepolis của nhà văn Marjane Strapi.

Các diễn viên thể hiện Oshin

Có 3 nữ diễn viên thể hiện vai diễn Oshin qua các thời kỳ Oshin khi còn nhỏ, Oshin trưởng thành và Oshin lúc về già.

Nữ diễn viên Kobayashi Ayako thể hiện vai Oshin nhỏ (từ 6 - 10 tuổi) với tên gọi Shin Tanimura, một cô bé sinh ra trong một gia đình nhà nông nghèo khó ở tỉnh Yamagata. Shin xinh xắn, chăm chỉ và hiền lành.

Diễn viên Tanaka Yūko vào vai Oshin khi trưởng thành (16 – 46 tuổi), một phụ nữ biết phấn đấu vươn lên trở thành thợ làm đầu giỏi, phải vượt qua nhiều khó khăn do tình hình kinh tế của đất nước và chiến tranh.

Vai Oshin về già (50 – 84 tuổi) với tên gọi Tanokura Shin do nữ diễn viên Otowa Nobuko đóng, một người đàn bà nhân từ, phúc hậu, đầy nghị lực và quyết đoán trong lĩnh vực kinh doanh đầy mới mẻ.


Tập 7 bộ phim Oshin với nội dung Oshin bắt đầu phải đi ở.


* Còn tiếp: Kỳ tiếp theo sẽ giới thiệu với bạn đọc về 3 diễn viên thể hiện nhân vật Oshin và thông tin bên lề bộ phim này ở Việt Nam...

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý