Ông lão có tấm lòng “Bồ Tát” và hành trình chắp nối ước mơ

baybeface1 baybeface1 @baybeface1

Ông lão có tấm lòng “Bồ Tát” và hành trình chắp nối ước mơ

Hơn 15 năm qua, ông Hà Xuân Định rong ruổi khắp nơi trên chiếc xe đạp cọc cạch, hành trang chỉ vài ba bộ quần áo để tìm những đứa trẻ khuyết tật, bất hạnh.

24/05/2016 03:47 PM
12

(ĐSPL) - Hơn 15 năm qua, ông Hà Xuân Định (SN 1930, ở thôn Thượng, xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, TP.Hà Nội) rong ruổi khắp nơi trên chiếc xe đạp cọc cạch, hành trang chỉ vài ba bộ quần áo để tìm những đứa trẻ khuyết tật, bất hạnh. Ông giúp chúng được học nghề, có việc làm để có thể tự mưu sinh. Lão ông này luôn tâm niệm, giúp được một người phúc đẳng hà sa.

Chiếc xe cà tàng của ông lão phúc hậu

Ở cái tuổi lẽ ra phải được nghỉ ngơi, vui vầy cùng con cháu nhưng ông Định luôn canh cánh trong lòng về những đứa trẻ kém may mắn. Dù đã hơn 80 tuổi, ông lão vẫn rong ruổi trên chiếc xe cà tàng đi khắp làng trên xóm dưới, tìm, vận động những đứa trẻ tật nguyền để đưa chúng đến cơ sở học nghề. Mỗi chuyến đi xa, hành trang của ông chỉ vài bộ quần áo.

Cho đến thời điểm này, ông đã tìm và giúp đỡ được 2.500 trẻ khuyết tật. Người dân Phú Xuyên gọi ông là lão “khùng”. Mặc dù gọi là vậy nhưng họ luôn cảm phục sự hy sinh thầm lặng để giúp đỡ những trẻ em thiệt thòi của ông Định.

Ông lão có tấm lòng “Bồ Tát” và hành trình chắp nối 2.500 ước mơ - Ảnh 1Phóng to

Ông Định rong ruổi trên chiếc xe cà tàng.

Chúng tôi tìm đến nhà ông Định trong một ngày giữa tháng Năm. Thật may mắn vì hôm nay ông không đi “công tác”. Rót ly trà mời khách, ông bắt đầu kể về công việc mà mình đang theo đuổi. Được biết, ông Định cũng là một người có tuổi thơ nhọc nhằn. Ông mồ côi cha từ nhỏ, mẹ thì bị bệnh tật đeo bám. Gia đình quá nghèo, không thể lo được bữa ăn hằng ngày nên ông phải đi ở đợ. Tuổi thơ của ông trải qua bao cay đắng, tủi hờn. Đó cũng là động lực để ông làm một điều gì đó nhỏ nhoi giúp những đứa trẻ bất hạnh.

Nói về 15 năm đi tìm kiếm, giúp đỡ những đứa trẻ khuyết tật, ông Định nhớ lại: “Năm 2001, có một tổ chức về làng tôi tuyển tình nguyện viên đi tìm những đứa trẻ lang thang, tật nguyền đưa về HTX dạy nghề. Họ đến nhà trưởng thôn để nhờ giúp đỡ. Khi nghe mục đích của họ, tôi tình nguyện làm công việc này. Họ không đồng ý vì khi đó tôi đã 70 tuổi, nhìn hom hem nên không thể đi xa được. Nhưng tôi thuyết phục họ rằng, mình còn sức khỏe, có thể đi xa vài trăm cây số, tìm những đứa trẻ khuyết tật mà không đòi hỏi bất cứ khoản thù lao nào. Thấy sự chân thành cũng như quyết tâm của tôi, họ đã đồng ý để tôi làm công việc này”.

Quyết định của ông Định khiến nhiều người trong gia đình ngỡ ngàng. Thậm chí, không ít người còn phản đối vì lo ông tuổi già, sức yếu. Làng trên xóm dưới cho rằng ông có lợi lộc khi đứng ra nhận công việc vất vả này. Mặc kệ thiên hạ đàm tiếu, ông vẫn quyết tâm làm vì cái tâm của mình.

Ông bảo với mọi người, chân mình còn khỏe, có thể đi khắp thế gian và rồi ông đi khắp các vùng miền tìm những đứa trẻ khuyết tật để chúng được học nghề, có công ăn việc làm. Dường như những số phận đã gắn ông Định với những đứa trẻ bất hạnh.

Ông bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm của mình. Ban đầu, ông đi khắp các huyện thuộc tỉnh Hà Tây cũ (nay thuộc TP.Hà Nội). Sau đó, ông đạp xe ngược lên các tỉnh Tuyên Quang, Bắc Giang, Phú Thọ, Cao Bằng... để đưa những đứa trẻ bất hạnh về cơ sở dạy nghề.

“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”

Hơn 15 năm qua, “ông tiên” chân đất đã đưa được 2.500 đứa trẻ khuyết tật, bất hạnh về cơ sở đào tạo nghề của Hợp tác xã sơn khảm Ngọ Hạ, thôn Ngọ (xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội). Đây là việc làm khiến nhiều người khâm phục.

Ông kể lại, để tìm được những đứa trẻ này là cả một hành trình gian nan nhưng ông không cho phép mình lùi bước, nản lòng. Bởi, vẫn còn có rất nhiều đứa trẻ khuyết tật đang chờ ông. Lúc đầu, ông đi đến đâu người ta cũng không tiếp. Bởi thấy một ông già hom hem, đi chiếc xe đạp cà tàng, đội mũ bạc màu, họ nghĩ ông có thể là kẻ lừa đảo.

“Có lần, tôi đạp xe lên tận Tuyên Quang, cách nhà hơn 200km. Vào tới một xã, sau khi liên lạc với chính quyền địa phương, các thôn, tôi đi đến từng nhà có cháu bị khuyết tật để vận động. Nhưng đến gia đình nào họ cũng đuổi. Sau khi đi hết 18 thôn tôi đã thấm mệt, đói, xin ngủ nhờ người dân thì ai cũng nói nhà chật lắm. Tôi đành dắt xe ra ven đường ngồi, uống nước cầm hơi để mai tiếp tục vận động họ. Tôi trụ lại đó cả tháng trời. Mưa dầm thấm lâu, với tấm lòng chân thành của mình, họ đã đổi ý để con, em mình được đi học nghề. Làm công việc này, một tình nguyện viên như tôi phải đặt cái tâm lên hàng đầu”, ông Định tâm sự.

Ông lão có tấm lòng “Bồ Tát” và hành trình chắp nối 2.500 ước mơ - Ảnh 2Phóng to

Trong hàng ngàn số phận kém may mắn, ông Định cho biết mỗi cháu đều có một hoàn cảnh riêng. Khi chúng học xong nghề, có công ăn việc làm, tự nuôi sống được bản thân, với ông như vậy là được trả công xứng đáng.

Ông kể rằng, trong số các cháu ông đã gặp, ông nhớ nhất là cháu Phan Thế Út, quê Thanh Oai (Hà Nội). Tháng 7/2004, trong cái nắng oi ả, ông Định đi đến Thanh Oai để tìm kiếm các cháu tật nguyền và dừng chân tại một quán nhỏ ven đường uống nước. Chưa kịp ngồi, ông nghe thấy tiếng cô bé quán bên cạnh nói với sang: “Ông sang nhà cháu uống nước”. Thấy cô bé mời nhiệt tình, ông bèn sang trò chuyện cùng. “Trong suốt quãng thời gian nói chuyện, tôi không thấy cô bé đứng dậy, đi lại.

Khi tôi hỏi, cô bé òa khóc. Thì ra cô bé bị liệt hai chân, ngồi trông quán cho bố mẹ đi làm đồng. Sau khi nghe tôi kể về công việc của mình, mắt Út sáng lên, nói muốn xin tôi đi học nghề để tự nuôi sống bản thân. Cô bé không muốn làm gánh nặng cho gia đình nữa. Quả thực cháu Út vô cùng thông minh. Chỉ sau một năm học đã thành thạo nghề tại Hợp tác xã sơn khảm Ngọ Hạ.

Đến năm 2004, cháu về địa phương, tự mở một xưởng sản xuất dạy nghề thường xuyên cho những người khuyết tật khác. Cháu cũng đã kết duyên với một thanh niên cùng lớp học”, ông Định vui vẻ nói.

Bản thân ông cũng không nhớ mình đã đi bao nhiêu tỉnh, thành, chỉ nhớ rằng có một lần đi Cao Bằng để tìm những đứa trẻ kém may mắn, vì xa quá, ông đi bằng xe khách. Chủ xe thấy ông già cả nên mới hỏi ông đi đâu. Ông thật thà kể rằng mình đang đi tìm kiếm những đứa trẻ tật nguyền. Thấy vậy, họ không những không lấy tiền xe còn giới thiệu ông với một số người nhà, họ hàng có con em bị khuyết tật.

Kể từ đó, hầu hết các tuyến xe phía Bắc, đều biết mặt, biết tên và gọi ông bằng “bố”. Nói đến đây, ông cười hiền: “Quả thực, nghe họ nói vậy tôi vui lắm. Chỉ mong rằng với sự chân thành của mình sẽ có nhiều người giúp đỡ, giới thiệu những đứa trẻ khuyết tật để danh sách những đứa trẻ thêm nối dài. Khi làm việc này, tôi cũng không mong những đứa trẻ ấy nhớ đến, biết ơn mình mà chỉ cần chúng có việc làm, tự mình kiếm sống. Như vậy là tôi vui, hạnh phúc lắm rồi”.

Cảm phục “ông tiên” của 2.500 đứa trẻ khuyết tật

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Vui – Chủ nhiệm Hợp tác xã sơn khảm trai Ngọ Hạ cho biết: “Hơn 15 năm qua, không quản nắng mưa, ông Định đạp xe lặn lội nhiều nơi đi tìm và giúp đỡ hàng ngàn cháu bé khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn. Các cháu hiện giờ đã ra trường, có tay nghề và kiếm được việc làm. Ở đây, ai cũng khâm phục và tôn trọng những gì ông Định đã và đang làm. Những đứa trẻ đều biết ơn, yêu quý ông như người thân của mình”.

Tấm gương để nhiều người noi theo

Ông Nguyễn Văn Lại, trưởng thôn Thượng (xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) khẳng định: “Việc làm của ông Định khiến nhiều người nể phục. Dù đã hơn 80 tuổi nhưng hàng ngày ông vẫn đi khắp nơi, làm việc thiện, giúp đời. Ông đã cưu mang được nhiều cháu, giúp các cháu được học nghề, có công ăn việc làm. Việc làm của ông Định rất đáng quý, để mọi người trong cộng đồng noi theo. Ông Hà Xuân Định đã vinh dự được Chủ tịch UBND TP.Hà Nội và UBND huyện Phú Xuyên trao tặng danh hiệu Người tốt – Việc tốt”.

MAI HẰNG

Nguồn: Người đưa tin

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý