Phá giá tiền đồng có thể khiến nhập siêu trở nên trầm trọng hơn?

baybykiu baybykiu @baybykiu

Phá giá tiền đồng có thể khiến nhập siêu trở nên trầm trọng hơn?

Việc phá giá tiền đồng đối với nền kinh tế nhập siêu như Việt Nam có thể khiến nhập siêu trở nên trầm trọng hơn mà lợi ích do kích thích xuất khẩu đem lại không thể bù đắp được.

05/03/2015 08:43 AM
985

Đề xuất phá giá tiền đồng từ 3-4%

Thông tin trên báo VnEconomy, các chuyên gia Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Đại học Kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội lại đề xuất phá giá tiền đồng tại Báo cáo kinh tế Việt Nam quý 4/2014 vừa được công bố.

Theo VEPR, trong năm 2014, tỷ giá USD/VND dao động tuơng đối lớn, buộc Ngân hàng Nhà nước can thiệp hai lần vào thị trường tiền tệ. Trong năm qua, tỷ giá chính thức tăng khoảng 1,4% và nằm trong giới hạn điều hành, trong khi tỷ giá tự do tăng hơn 2%.

Không dưới hai lần Ngân hàng Nhà nước can thiệp vào phía cung với lượng ngoại tệ bán ra khoảng 1,5 - 2 tỷ USD.

Theo VEPR, một lượng vốn lớn dưới dạng tiền gửi rút ra khỏi thị trường nội địa trong quý 2/2014 (một báo cáo khác của VEPR đề cập đến quy mô khoảng 3,6 tỷ USD) và nhu cầu ngoại tệ gia tăng cuối quý 4/2014 là hai trường hợp đáng chú ý.

So với nhiều đồng tiền tại thị trường mới nổi khác, đồng Việt Nam tỏ ra tương đối ổn định so với đồng USD. Cơ chế neo đồng VND vào USD được đảm bảo bằng việc can thiệp chủ động trên thị trường tiền tệ, kết hợp với dự trữ ngoại hối tương đối lớn và rủi ro vĩ mô thấp cho phép Việt Nam chủ động giới hạn độ mất giá của tiền đồng.

Thế nhưng, báo cáo của VEPR đưa ra nhận định: “Một bất cập của chính sách này là hậu quả tăng giá của VND so với USD và các ngoại tệ khác. Xu hướng này âm thầm diễn ra trong nhiều năm qua làm suy yếu sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước trước hàng nhập khẩu và hàng hóa trên thị trường quốc tế, và gián tiếp trợ giá cho tiêu dùng hàng nhập khẩu tại thị trường trong nước”.

Báo cáo cũng đưa ra đánh giá rằng, việc điều chỉnh tỷ giá với biên độ hẹp trong nhiều năm gần đây là quá thận trọng và tiếp tục làm suy yếu khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước nên chủ động phá giá tiền đồng từ 3 - 4% trong vòng 2-3 năm tới, thông qua một số bước với biên độ 1-1,5%, để trả lại sức cạnh tranh cho hàng hoá sản xuất nội địa”, VEPR khuyến nghị.

Ở đây, báo cáo dường như có sự mâu thuẫn giữa đánh giá và khuyến nghị của mình. Một mặt cho rằng việc điều chỉnh tỷ giá nhiều năm gần đây có biên độ hẹp, trong khi khuyến nghị phá giá 3 - 4% cho khoảng thời gian 2 - 3 năm thì cũng không hẳn là lớn. Mặt khác, mức độ điều chỉnh đó cũng gần với các bước Ngân hàng Nhà nước đã và đang định hướng ở chính sách điều hành tỷ giá.

 - Ảnh 1

Đề xuất phá giá tiền đồng lại được các chuyên gia Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Đại học Kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội nêu ra tại Báo cáo kinh tế Việt Nam quý 4/2014 vừa được công bố. (Ảnh minh họa).

Trước đó, vào đầu năm 2013, VEPR cũng đã đưa ra đề xuất tương tự nhưng không được Ngân hàng Nhà nước chấp nhận vì cho rằng không có lợi cho nền kinh tế. Vào thời điểm đó, Ngân hàng Nhà nước cho rằng nếu tăng tỷ giá sẽ làm giá các mặt hàng nhập khẩu tăng, gây áp lực lạm phát trong nước. Bên cạnh đó, tăng tỉ giá sẽ ảnh hưởng đến nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp và Chính phủ do cơ cấu đồng tiền nợ vay chủ yếu bằng USD. Nguy cơ khác cũng phải tính đến khi tăng tỷ giá VNĐ là khả năng ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư nước ngoài vì lợi nhuận của họ bị giảm đi do rủi ro tỷ giá. Bên cạnh đó, đối với nền kinh tế nhập siêu như Việt Nam thì phá giá VNĐ có thể khiến nhập siêu trở nên trầm trọng hơn mà lợi ích do kích thích xuất khẩu đem lại không thể bù đắp được.

Năm 2014, tỷ giá chính thức được điều chỉnh tăng khoảng 1,4%, nằm trong giới hạn điều hành của Ngân hàng Nhà nước (1,53%), trong khi tỷ giá tự do tăng 2%. Riêng trong quý 4, tỷ giá chính thức tăng gần 1%, lên mức hơn 21.400 đồng/USD trong khi tỷ giá tự do là 21.600 đồng/USD. Tỷ giá dao động tương đối lớn buộc Ngân hàng Nhà nước phải 2 lần can thiệp vào thị trường tiền tệ.

Nên để tỉ giá tự điều chỉnh trên thị trường?

Bày tỏ quan điểm trên báo Người Lao Động, TS Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, cho rằng trong bối cảnh Việt Nam vừa tạo lập được thế ổn định của thị trường tiền tệ sau nhiều năm có những bất ổn của kinh tế vĩ mô thì tỷ giá hối đoái nên tiếp tục ổn định. Bằng chứng của sự ổn định tỷ giá hối đoái là xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng cao.

“Cho nên nói rằng cần phải phá giá đồng tiền để hỗ trợ xuất khẩu, về lý thuyết có vẻ đúng nhưng trong lúc này cần phải lựa chọn ổn định tỷ giá hối đoái. Đương nhiên, ổn định không có nghĩa là cứng nhắc không tăng lên 1%-2% và tỉ lệ đó tùy thuộc các điều kiện thị trường, lạm phát, các dòng vốn đầu tư trực tiếp, gián tiếp, lãi suất...” - TS Trương Văn Phước phân tích.

Theo TS Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia, với chủ trương khuyến khích xuất khẩu thì điều chỉnh tỷ giá xuống cũng là hợp lý. Tuy nhiên, phải rất chú ý đến bối cảnh kinh tế Việt Nam là nợ cao, nhập khẩu nguyên vật liệu, trang thiết bị ngày càng nhiều để phục vụ cho phát triển. Trong bối cảnh đó, tỷ giá cao quá sẽ thiệt chứ không có lợi. “Ví dụ các doanh nghiệp đang vay mấy chục tỷ USD, nay điều chỉnh lên 1 đồng thì phải gánh tiền nợ tương đối lớn. Gánh nặng này lại dồn vào chi phí doanh nghiệp, giá thành sản phẩm, khi đó sức cạnh tranh hàng hóa bị kéo xuống. Nếu phá giá VNĐ 2%-3% trong vòng 2 đến 3 năm thì không vấn đề gì. Nhưng với biên độ đó mà dồn vào một lúc thì có thể gây sốc, cần phải xét thời điểm thích hợp để nhích lên 0,5%- 1% mỗi lần điều chỉnh. Dự báo năm 2015, kinh tế có khả năng phục hồi và ổn định hơn nên tỷ giá có thể điều chỉnh trên dưới 2%” - TS Kiêm nói.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng tuy áp lực tăng tỷ giá trên thị trường đã có nhưng không đến mức trầm trọng buộc phải phá giá tiền đồng. “Tại thời điểm này, với tỷ giá tương đối ổn định trong biên độ hợp lý trên dưới 1% thì nên để tỷ giá tự điều chỉnh trên thị trường hơn là chính thức tăng tỷ giá” - ông Hiếu nêu ý kiến.

Ngọc Anh (Tổng hợp)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý