Phát hành 15.000 phiếu điều tra mức hài lòng của dân

mesu mesu @mesu

Phát hành 15.000 phiếu điều tra mức hài lòng của dân

Tới đây, Bộ Nội vụ sẽ phát hành 15.000 phiếu điều tra xác định chỉ số hài lòng của người dân với cơ quan hành chính nhà nước...

25/04/2015 03:01 PM
339

Tuy nhiên nhiều người cho rằng, quan trọng là giải pháp nào để người dân đỡ khổ hơn với HÀNH và CHÍNH!

Bao giờ hết cảnh “hành là chính”?

Theo kế hoạch lần này, việc khảo sát sẽ được thực hiện trên 6 lĩnh vực giải quyết thủ tục hành chính, trong đó có 3 lĩnh vực thực hiện ở cấp huyện là: Cấp giấy chứng minh nhân dân, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cấp giấy phép xây dựng nhà ở.

Ba lĩnh vực th���c hiện ở cấp xã là: Cấp giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh và chứng thực. Phiếu điều tra gồm 6 nhóm tương đương với 6 dịch vụ hành chính công, được thực hiện tại 108 đơn vị hành chính cấp xã và 36 huyện trên 10 tỉnh, thành: Lai Châu, Tuyên Quang, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Đà Nẵng, TP.HCM, Tây Ninh, Cà Mau. Riêng 3 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng sẽ khảo sát tại 15 huyện, 15 xã. Bảy tỉnh còn lại sẽ khảo sát ở 3 huyện, 9 xã. Thời gian tiến hành và công bố kết quả khảo sát kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10 năm nay.

Mục đích của việc tổ chức khảo sát lần này, theo Thứ trưởng bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn là nhằm đánh giá khách quan chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công, dựa vào đó để đề xuất biện pháp cải thiện chất lượng nhằm nâng cao sự hài lòng và lợi ích của người dân, tổ chức.

   - Ảnh 1

Nhiều người dân cho rằng, chất lượng dịch vụ hành chính công ở nhiều nơi vẫn đang tồn tại tình trạng “hành là chính”. (Ảnh minh họa)

Sẽ không có gì để băn khoăn, nếu như ở những khảo sát đo mức độ hài lòng của người dân đối với “cửa công” trước đó lại đưa ra những con số trái ngược và có độ biến thiên nhanh tới mức khó tin. Cuối 2011, ông Đinh Duy Hòa, Vụ trưởng vụ Cải cách hành chính (bộ Nội vụ) vẫn còn khẳng định, tuyệt đại đa số người dân, doanh nghiệp hiện hành không hài lòng với các dịch vụ công. Theo đó, chưa có tới 20% người dân khi được hỏi bày tỏ sự hài lòng.

Tháng 8/2013, ngân hàng Thế giới và ba tỉnh Thanh Hóa, Phú Thọ, Bình Định đã thí điểm thực hiện thu thập ý kiến phản hồi của người sử dụng các dịch vụ hành chính công. Theo đó, trên 80% cá nhân, tổ chức thể hiện sự hài lòng đối với các dịch vụ công liên quan đến lĩnh vực đất đai, xây dựng, y tế, văn hóa, đầu tư. Tuy nhiên, cũng thời gian này, Thứ trưởng bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết, theo đánh giá chung, mức độ hài lòng của người dân cả nước về chất lượng dịch vụ công hiện nay chỉ vào khoảng 40%.

Những con số “đẹp” và “xấu” phần nào phản ánh được mức độ hài lòng của người dân với chốn “cửa công”. Tuy nhiên, cũng bởi “xấu” và “đẹp” lại vênh nhau quá nhiều, người dân lo ngại về tính chân thực và hiệu quả của các cuộc khảo sát, âu cũng là dễ hiểu.

Đề án đã duyệt rồi thì phải làm thôi?

Theo PGS.TS Trần Hữu Tri, nguyên Viện trưởng viện Khoa học hành chính, cần xem lại mục tiêu của khảo sát để tiếp tục, nếu mục đích chỉ tìm ra định lượng ở một mức độ phù hợp hơn. “Nếu với 15.000 phiếu để đánh giá toàn quốc thì không làm được, bởi từ mẫu nhỏ này phải tiến tới một mẫu lớn có tính đại diện và khảo sát trên một lĩnh vực cụ thể, nếu khảo sát quá nhiều vấn đề sẽ khó để đưa ra một kết quả chính xác được”, ông Tri khẳng định.

Vì vậy, cần kết hợp thêm các hình thức đánh giá khác bởi các phương án đánh giá khác nhau nhiều khi chỉ có thể đưa ra một bức tranh toàn cảnh để người ta có thể hình dung ra vấn đề đang có nguy cơ xảy đến để có những nghiên cứu sâu hơn.

Chỉ có 15.000 phiếu với 6 lĩnh vực để đánh giá thì quá nhỏ so với số dân cả nước (90 triệu dân), tính đại diện cũng không cao, nếu chỉ một lĩnh vực thì có thể có độ tin cậy cao hơn. Việc khảo sát còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như đặc điểm của khu vực khảo sát, về phong tục tập quán, trình độ dân trí, trình độ kinh tế của từng nơi khảo sát khác nhau.

Cần hết sức cân nhắc. “Nói chung các đề án đã duyệt rồi thì phải làm thôi, tuy nhiên, vấn đề là kết quả của cuộc khảo sát sẽ có tác động như thế nào đối với vấn đề định hướng chính sách, đóng góp vào chương trình cải cách Chính phủ giai đoạn 2011 – 2020. Cần phải có nhiều cuộc hội thảo để có một cách nhìn tổng thể”, ông Tri cho biết.

Chưa điều tra cũng đã thấy sự phiền toái!

Ngay sau khi công bố kế hoạch khảo sát 15.000 phiếu được đưa ra, nhiều người đã lập tức bày tỏ ý kiến. Độc giả Thanhbinh đặt câu hỏi: “15.000 phiếu cho 108 xã, 36 huyện, vậy mỗi nơi được khoảng 104 tờ; chia đều cho 3 dịch vụ/nơi, vậy mỗi dịch vụ khảo sát được cầm 35 tờ, thời gian kết quả khảo sát là 5 tháng, liệu có hiệu quả?”.

Độc giả Quốc Huy lại thắc mắc: “Chưa điều tra cũng thấy sự phiền toái khi phải làm các thủ tục hành chính. Nếu phát phiếu thì ai phát, nộp lại cho ai, phiếu có được kiểm tra và ghi nhận một cách trung thực?”. Hay các ý kiến khác: “Xong rồi lại rút kinh nghiệm, đâu lại hoàn đấy(?)”; “Chưa khảo sát thì người dân cũng đoán được kết quả rồi, quan trọng là giải pháp nào để người dân đỡ khổ hơn với HÀNH và CHÍNH?”; “Vì sao không khảo sát trên online cho tiết kiệm và được nhiều người tham gia hơn?”...

TS. Ngô Thành Can, phó khoa tổ chức và Quản lý nhân sự, học viện Hành chính Quốc gia: Liệu có được khảo sát nghiêm túc?

TS. Ngô Thành Can, Phó khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự, học viện Hành chính Quốc gia tỏ ra băn khoăn là liệu quá trình giám sát, thực thi khảo sát có được thực hiện một cách có trách nhiệm và nghiêm túc hay không.

“Mỗi một đợt khảo sát đều tốn chi phí của ngân sách Nhà nước một khoản không nhỏ. Tuy số chi phí này đều được bộ Tài chính quản lý rất chặt nhưng thực tế, có những cuộc điều tra xã hội học không đem lại kết quả như mong muốn bởi đối tượng được hỏi lại được trả tiền và đa phần lại là chỗ quen biết với người của cơ quan hành chính. Thậm chí, có những trường hợp còn lợi dụng khoản kinh phí cho điều tra xã hội học làm tư lợi, “đẻ” ra khảo sát để lấy tiền. Vì vậy, tôi hy vọng đợt khảo sát này sẽ được thực hiện nghiêm túc để số tiền bỏ ra không phải là vô ích. Đồng thời, những kết quả hậu khảo sát sẽ được cơ quan chức năng xem xét để điều chỉnh xã hội cho phù hợp”, ông Can bày tỏ.

TS.Lê Bạch Dương, Viện trưởng viện Nghiên cứu và Phát triển xã hội: Thực tế hành chính công của chúng ta khá tệ hại

   - Ảnh 2

TS. Lê Bạch Dương.

15.000 phiếu thì trung bình mỗi tỉnh thành sẽ có 1.500 phiếu, việc có mang tính đại diện hay không phụ thuộc rất nhiều vào chiến lược chọn mẫu của các đơn vị thực hiện. “Nhiều khi một mẫu chỉ khoảng hơn 1.000 phiếu nhưng việc phản ánh lại rất tốt. Trong nghiên cứu xã hội học thì việc chọn mẫu phù hợp vẫn là quan trọng hơn cả. Nếu việc chọn mẫu sai thì số lượng phiếu là 50 ngàn hay 1 triệu phiếu đi chăng nữa, thì kết quả phản ánh khó có sự chính xác, lúc đó kết quả đó chẳng nói lên điều gì cả”, ông Dương cho biết.

Thời gian qua, qua cảm nhận của đa số người dân thì thực tế hành chính công của chúng ta khá tệ hại. Việc đo sự hài lòng thì cũng rất khó có thể đánh giá hợp lý. Có nhiều mức độ khác nhau về đánh giá, rất hài lòng, hài lòng và hơi hài lòng hoặc không hài lòng đều có những mức độ phản ánh khác nhau về hành chính công.

Những con số được công bố về sự hài lòng thời gian qua có thể thấy hành chính công của chúng ta rất có vấn đề. Những con số không hài lòng đáng báo động cho nền hành chính. Điều cần thiết là phải có những biện pháp tích cực từ phía các cơ quan chức năng phù hợp với tình hình thực tiễn hơn.

H.Thỵ - L.Cường

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý