Phật hoàng Trần Nhân Tông biết trước giờ băng hà?

mesu mesu @mesu

Phật hoàng Trần Nhân Tông biết trước giờ băng hà?

Tương truyền khi Phật hoàng Trần Nhân Tông sắp băng hà, mấy ngày liền mây u ám quanh ngọn Yên Tử và đệ tử của ngài trông thấy đôi rồng chầu quanh.

29/05/2015 09:35 AM
681

Cuộc đời kỳ lạ

Ngài tên húy là Khâm, con trưởng vua Trần Thánh Tông và Nguyên Thánh Hoàng thái hậu, sinh ngày mười một tháng mười một năm Mậu Ngọ (1258). Ngài tuy ở vị sang cả mà tâm hâm mộ Thiền tông từ thuở nhỏ. Năm mười sáu tuổi được lập làm Hoàng thái tử.

Ngài cố từ để nhường lại cho em, mà vua cha không chịu. Vua cưới trưởng nữ của Nguyên Từ Quốc mẫu cho Ngài, tức là Khâm Từ Thái hậu sau này. Sống trong cảnh vui hòa hạnh phúc ấy mà tâm Ngài vẫn thích đi tu.

   - Ảnh 1

Dự án tượng đài Trần Nhân Tông tại Yên Tử.

Một hôm vào lúc giữa đêm, Ngài trèo thành trốn đi, định vào núi Yên Tử. Ðến chùa Tháp ở núi Ðông Cứu thì trời vừa sáng, trong người mệt nhọc quá, Ngài bèn vào nằm nghỉ trong tháp. Vị Sư trụ trì ở đây thấy Ngài tướng mạo khác thường, liền làm cơm thết đãi. Vua cha hay tin, sai các quan đi tìm thấy, Ngài bất đắc dĩ phải trở về.

Năm hai mươi mốt tuổi, Ngài lên ngôi Hoàng đế (1279). Tuy ở địa vị cửu trùng, mà Ngài vẫn giữ mình thanh tịnh để tu tập. Thường ngày, Ngài đến chùa Tư Phước trong đại nội tu tập.

Một hôm nghỉ trưa, Ngài thấy trong rốn mọc lên một hoa sen vàng lớn bằng bánh xe, trên hoa sen có đức Phật vàng. Có người đứng bên cạnh chỉ Ngài nói: “Biết ông Phật này chăng? Là đức Phật Biến Chiếu.” Tỉnh giấc, Ngài đem việc đó tâu lên vua cha. Vua Thánh Tông khen là việc kỳ quặc.

Ngài thường ăn chay lạt thân thể gầy ốm. Thánh Tông thấy thế lấy làm lạ, nên hỏi nguyên do. Ngài trình thật với cha. Thánh Tông khóc bảo: “Nay ta đã già, chỉ trông cậy một mình con, con lại làm như thế, làm sao gánh vác được sự nghiệp của Tổ tiên?” Ngài nghe dạy cũng rơi nước mắt.

Con người Ngài rất thông minh hiếu học, đọc hết các sách vở, suốt thông nội điển (kinh) và ngoại điển (sách đời). Những khi nhàn rỗi, Ngài mời các Thiền khách bàn giải về Tâm tông (thiền), tham học thiền với Thượng Sĩ Tuệ Trung, thâm đắc đến chỗ thiền tủy. Ðối với Thượng Sĩ, Ngài kính lễ làm thầy.

Những khi giặc Nguyên sang quấy rối, Ngài phải xếp việc kinh kệ để lo giữ gìn xã tắc. Nhờ tình đoàn kết quân dân, Ngài đã hai lần (1285, 1288) đuổi được quân Nguyên, giữ gìn trọn vẹn đất nước. Dưới triều đại Ngài, hai cuộc hội nghị nổi tiếng được ghi vào sử sách là: Hội nghị các tướng lãnh ở Bình Than, hội nghị những bô lão trong cả nước ở Diên Hồng để bàn mưu kế, tỏ quyết tâm chống giặc.

Năm Quí Tỵ (1293), Ngài nhường ngôi lại cho con là Trần Anh Tông, lên làm Thái thượng hoàng. Ở ngôi Thái thượng hoàng để chỉ dạy cho con được sáu năm, Ngài sắp đặt việc xuất gia.

Ðến tháng mười năm Kỷ Hợi (1299) Ngài xuất gia vào tu ở núi Yên Tử. Ở đây, Ngài chuyên cần tu tập theo hạnh đầu-đà (khổ hạnh) lấy hiệu là Hương Vân Ðại Ðầu-đà. Sau đó Ngài lập chùa, cất tinh xá, khai giảng để tiếp độ chúng Tăng. Học chúng đua nhau đến rất đông. Sau, Ngài đến chùa Phổ Minh ở phủ Thiên Trường lập giảng đường, giảng dạy mấy năm. Ngài lại vân du đến trại Bố Chánh lập am Tri Kiến rồi ở đó...

Biết trước giờ băng

Mùa hạ năm 1308, Phật hoàng Trần Nhân Tông (lúc này đã xuất gia từ lâu) vào núi Yên Tử bảo hết những người cư sĩ theo hầu xuống núi, chỉ để lại 10 thị giả thường theo. Ngài lên ở am Tử Tiêu trên núi Yên Tử để giảng Truyền Đăng Lục cho thị giả Pháp Loa.

Theo sách "91 thiền sư Việt Nam" của Hòa thượng Thích Thanh Từ, từ đây Trần Nhân Tông leo khắp các núi, tìm kiếm các hang động và ở trong thạch động. Thị giả Pháp Loa thấy thế bèn thưa: “Tôn đức tuổi đã già yếu mà xông pha trong sương tuyết, lỡ có bề gì thì mạng mạch Phật pháp trông cậy vào ai?”. Ngài bảo: “Ta thời tiết đã đến, muốn tạo cái kế lâu dài vậy”.

Vẫn theo tài liệu nói trên, ngày mùng 5 tháng 10 năm ấy, người nhà Công chúa Thiên Thụy lên núi bạch ngài rằng: “Công chúa Thiên Thụy bệnh nặng mong được thấy Tôn đức rồi chết”. Ngài bùi ngùi bảo: “Thời tiết đã đến vậy”. Ngày mùng mười ngài về đến kinh, dặn dò xong, ngày Rằm ngài trở về núi.

Phần về câu chuyện Trần Nhân Tông nói với công chúa Thiên Thụy thì sách "Đại Việt sử ký toàn thư" chép như sau: Năm 1308, niên hiệu Hưng Long thứ 16, ngày mồng 3 tháng 11, thượng hoàng băng ở am Ngọa Vân núi Yên Tử. Bấy giờ Thượng hoàng xuất gia, tu ở ngọn Tử Tiêu núi Yên Tử, tự hiệu là Trúc Lâm đại sĩ.

Bà chị là Thiên Thụy ốm nặng, Thượng hoàng xuống núi, tới thăm và bảo: “Nếu chị đã đến ngày đến giờ thì cứ đi, thấy âm phủ có hỏi thì trả lời rằng: Xin đợi một chút, em tôi là Trúc Lâm đại sĩ sẽ tới ngay”.

Nói xong, Thượng hoàng trở về núi, dặn dò người hầu là Pháp Loa các việc về sau, rồi bỗng nhiên ngồi mà hóa. Thiên Thụy cũng mất vào hôm đó”.

Những sự kiện linh ứng

Xung quanh cuộc đời ngài để lại nhiều giai thoại kỳ lạ, theo sách của Hòa thượng Thích Thanh Từ, ngày 19 Phật hoàng Trần Nhân Tông về tới núi Yên Tử. Ngài bèn sai thị giả Pháp Không lên am Tử Tiêu gọi đệ tử Bảo Sát đến gấp.

Hôm sau Bảo Sát quảy gói sang. Đi đến Doanh Tuyền thì thấy một vầng mây đen từ ngọn Ngọa Vân bay qua Lỗi sơn và hạ xuống Doanh Tuyền, nước đầy tràn lên cao mấy trượng, giây lát lại bình xuống. Lại thấy hai con rồng đầu bằng đầu ngựa, ngóc cao hơn trượng, hai con mắt như sao, chốc lát lại lặn xuống. Đêm ấy Bảo Sát nghỉ trong quán trọ dưới núi, mộng thấy điềm chẳng lành.

Ngày 21 Bảo Sát đến được am Ngọa Vân. Trông thấy Bảo Sát, Phật hoàng mỉm cười bảo: “Ta sắp đi đây, nhà ngươi sao đến trễ vậy? Đối với Phật pháp, ngươi có chỗ nào chưa rõ hãy hỏi mau”. Kế đó ngài vì Bảo Sát mà trả lời những điểm còn hoài nghi chưa rõ. Đến đêm ngày 1 tháng 11, ngài hỏi Bảo Sát: “Hiện giờ là giờ gì?”. Bảo Sát bạch: “Giờ Tí”. Ngài nói: “Đến giờ ta đi” rồi sau đó nằm như sư tử lặng lẽ mà tịch.

Sau khi Phật hoàng diệt độ, theo lời di chúc, đệ tử Pháp Loa làm lễ hỏa táng, lượm ngọc cốt có năm màu để vào bình đem về kinh sư. Lại nói chuyện đưa xá lị của Phật hoàng về kinh.

Sách "Đại Việt sử ký toàn thư" chép: “Pháp Loa thiêu xác Thượng hoàng được hơn 3.000 hạt xá lỵ mang về chùa Tư Phúc ở kinh sư. Vua có ý ngờ. Các quan nhiều người xin bắt tội Pháp Loa. Hoàng thái tử Mạnh mới 9 tuổi, đứng hầu bên cạnh, chợt thấy có mấy hạt xá lỵ ở trước ngự, đưa ra cho mọi người xem, kiểm lại trong hộp, thì đã mất một số ít hạt. Vua xúc động đến phát khóc, trong lòng mới khỏi nghi ngờ".

Vua Trần Nhân Tông là một vị vua sáng trong lịch sử nước ta. Khi còn tại vị ngài đã góp công sức vào hai cuộc kháng chiến chống Nguyên lần 2 và lần 3. Đến khi nhường ngôi và xuất gia, ngài quyết chi vào núi tu tập và đã lập ra phái thiền Yên Tử quảng dương Phật pháp và làm sáng danh Phật giáo Việt Nam.

Tóm lại, Trúc Lâm Điều Ngự - Trần Nhân Tông là bậc tôn kính đối với tất cả con cháu chúng ta, và tinh thần của Ngài cần được phát huy đúng mức, nhắc nhở cho con em chúng ta và con cháu mai sau phải luôn nhớ cội nguồn, phải biết trân quí, giữ gìn gia sản quí báu của Tổ tiên, chính đó là nền tảng xây dựng đất nước vững bền.

Nguyễn An

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý