Phạt ngân hàng nếu để máy ATM hết tiền: Ai sẽ kiểm tra?

mesu mesu @mesu

Phạt ngân hàng nếu để máy ATM hết tiền: Ai sẽ kiểm tra?

Ai sẽ kiểm tra, giám sát khi các cây ATM hết tiền? Khi xảy ra trường hợp như vậy, người dân sẽ báo lỗi cho ai?

21/12/2014 07:59 PM
600

Theo Điều 28, Nghị định 96 của Chính phủ, vào ngày 12/12 tới đây, ngân hàng nào để máy giao dịch tự động ATM hết tiền, hoặc không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng sẽ bị phạt đến 15 triệu đồng. Vào thời điểm các dịp lễ, tết đang gần kề, quy định này đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của dư luận và nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của người dân. Tuy nhiên, vấn đề lớn được đặt ra: Ai sẽ kiểm tra, giám sát khi các cây ATM hết tiền? Khi xảy ra trường hợp như vậy, người dân sẽ báo lỗi cho ai?

 - Ảnh 1

Thất vọng khi cây ATM hết tiền...

Phải tạo dựng được niềm tin!

Trao đổi với PV, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong bày tỏ: "Lâu nay, chúng ta vẫn rất bực mình, khó chịu khi đi rút tiền mà các cây ATM hết tiền. Thậm chí, có khi không rút được tiền nhưng tài khoản vẫn bị trừ tiền,… Khi gặp những sự cố như vậy, người dân chỉ biết nhắm mắt xuôi tay, chẳng biết thông báo đến ai. Đây là một điều rất bất cập trong hệ thống các ngân hàng nhà nước cũng như ngân hàng thương mại. Khi người dân bỏ tiền ra để đăng ký dịch vụ của ngân hàng, họ có quyền được hưởng chất lượng dịch vụ tốt nhất. Bởi vậy, quy định xử phạt này là rất cần thiết và rất đúng thời điểm. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể nói trước được mức xử phạt 15 triệu đồng là hợp lý hay chưa. Vì thực tế, với các ngân hàng đây không phải là số tiền lớn nhưng đây là lần đầu tiên chúng ta áp dụng hình thức xử phạt này nên hãy coi đó là mức thử nghiệm, sau đó mới có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất".

Ông Nguyễn Minh Phong cũng khẳng định: "Đây là quy định có sức răn đe với các ngân hàng, mục đích là để cải thiện chất lượng dịch vụ, nhất là trong dịp lễ, tết đang gần kề. Phạt tiền chỉ là một phần của câu chuyện. Điều quan trọng ở đây là thương hiệu, uy tín dịch vụ của ngân hàng, để từ đó giữ được khách hàng. Bởi xu hướng giao dịch qua thẻ ATM cũng như các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đã và đang trở thành phương tiện thanh toán phổ biến trong xã hội hiện nay. Tuy nhiên, để làm được điều này, điều các ngân hàng cần quan tâm đầu tiên là biện pháp để các cây ATM luôn có tiền: Tiến hành sửa chữa, nâng cấp các cây ATM đã xảy ra sự cố, áp dụng, lắp đặt các công nghệ hiện đại tiện ích, phục vụ nhu cầu người sử dụng, liên kết, phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng khác,…".

Cũng theo ông Phong, để các máy ATM không bị hết tiền không khó, nhất là hiện nay, việc thanh khoản ở các ngân hàng rất dồi dào, trang thiết bị công nghệ ngày càng được nâng cấp hiện đại hơn. Các ngân hàng luôn luôn phải có đội tiếp quỹ, kiểm quỹ, thay quỹ ATM; hệ thống công nghệ thông tin theo dõi thường trực để biết được tài khoản của từng máy còn bao nhiêu tiền và dự đoán khả năng bao lâu thì hết tiền; sự liên kết giữa các ngân hàng với nhau để sẵn sàng cho khách hàng rút tiền khi có nhu cầu. Mỗi ngân hàng đều có ban quản lý ATM, ban quản lý này phải có trách nhiệm thường xuyên giám sát tất cả các hoạt động của các máy ATM trên địa bàn để thực hiện tốt nhất.

 - Ảnh 2

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: “Chúng ta nên công khai xử phạt ngân hàng đã để cây ATM hết tiền...”.

Công khai xử phạt để nâng cao hiệu quả

Trước những lo ngại của người dân trong vấn đề xử phạt, ông Nguyễn Minh Phong cho biết: "Trong hệ thống quản lý của các ngân hàng, họ sẽ biết lý do các cây ATM hết tiền và hết tiền khi nào. Tuy nhiên, chúng ta nên công khai việc xử phạt: Cây ở vị trí nào xảy ra sự cố, thuộc hệ thống ngân hàng nào, lý do tại sao xảy ra sự cố. Như thế, vừa thuyết phục người dân, vừa có sức răn đe mạnh mẽ với chính ngân hàng đó và các ngân hàng khác. Họ sẽ mất dần uy tín, khách hàng nếu cứ để tình trạng như vậy xảy ra. Hơn thế, tại hệ thống mỗi cây ATM, các ngân hàng nên có số đường dây nóng để khi gặp những trường hợp như vậy, người dân có thể thông báo đến các đơn vị liên quan. Nhưng quan trọng là số điện thoại đường dây nóng ấy phải liên tục có người trực 24/24h, người giải đáp các thắc mắc của người dân, không thể để xảy ra tình trạng đường dây nóng lại thành "nguội". Bởi vậy, sự chuẩn bị chu đáo, kỹ càng là điều các ngân hàng cần làm. Chính sách quy định là vậy, quan trọng là các ngân hàng sẽ triển khai thực hiện nó như thế nào. Điều này chúng ta sẽ chỉ biết kết quả rõ ràng nhất trong những ngày thực hiện sắp tới".

"Việc khách hàng gặp quá nhiều rắc rối với các cây ATM cho thấy rất cần một chế tài để giảm bớt tình trạng này, song để nghị định này thực sự đi vào cuộc sống cần phải có sự phối hợp của cả tập thể, chứ không phải của riêng cá nhân nào. Trong điều kiện cạnh tranh như hiện nay, ngân hàng nào có dịch vụ tốt hơn sẽ thu hút được khách hàng hơn chứ không phải đơn giản chỉ là chuyện phạt hay không phạt", ông Phong khẳng định.

Minh Hồng

Xem thêm video: Hành trình phá án: Bí ẩn từ chiếc thẻ ATM.

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý