Phim tiền tỷ 'chết' khi ra rạp, ai chịu trách nhiệm?

mesuhao mesuhao @mesuhao

Phim tiền tỷ 'chết' khi ra rạp, ai chịu trách nhiệm?

Bộ phim Sống cùng lịch sử không bán được dù chỉ một vé trong khoảng hai tuần trụ ở Rạp Kim Đồng, ngay trung tâm thủ đô Hà Nội.

19/09/2014 07:37 PM
1,027

phim “chết” ngay khi ra rạp

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Hãng phim truyện Việt Nam cho ra mắt khán giả bộ phim tài liệu Sống cùng lịch sử của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, biên kịch Đoàn Tuấn. Đây là bộ phim được làm hoàn toàn bằng kinh phí Nhà nước cấp với số tiền lên đến 21 tỷ đồng (xấp xỉ 1 triệu USD).

Phim kể về những bạn trẻ đi phượt đến Điện Biên rồi tình cờ được sống lại những phút giây hào hùng của chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Trước khi ra rạp, phim đã được công chiếu cho học sinh, sinh viên trong Tuần phim miễn phí trên cả nước từ ngày 26 đến 30/4. Tuy nhiên, theo tin tức từ báo Tuổi trẻ, đại diện phòng vé Trung tâm chiếu phim quốc gia và rạp Kim Đồng, Sống cùng lịch sử đã “chết” ngay từ khi ra rạp từ ngày 29/8.

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cho biết ông và đoàn làm phim mất một năm để hoàn thành Sống cùng lịch sử với 300 người tham gia.

Tuy nhiên, theo ông, trong số kinh phí 21 tỷ đồng được cấp từ ngân sách nhà nước thì chỉ còn khoảng 13-14 tỷ đồng được dùng trực tiếp vào việc sản xuất phim. Số tiền còn lại dành để chi phí những việc khác của hãng.

 - Ảnh 1

Sống cùng lịch sử được đầu tư kinh phí 21 tỷ đồng, dàn dựng kỳ công.

Vì sao phim "chết"?

Giải thích nguyên nhân về bộ phim do chính mình làm đạo diễn ế khách khi ra rạp, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân nói: “Một mặt, việc truyền thông của phim làm không bài bản, không chuyên nghiệp, kinh phí cho hoạt động quảng bá phim rất ít. Hơn nữa, thói quen của khán giả, khi nghe thấy dòng phim lịch sử Việt Nam là đã không hào hứng xem rồi. Điều này cần được xây dựng từ hệ thống giáo dục về ý thức lịch sử dân tộc”.

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái chưa xem phim nên không bình luận về nội dung và tính nghệ thuật. Tuy nhiên, nhà phê bình cũng đưa ra nhận định: "Theo phỏng đoán của tôi, công tác tuyên truyền quảng bá về một bộ phim mà làm không tốt thì ai có thể đi xem, khi trong thực tế có bộ phim truyện hay được giải vàng hẳn hoi mà làm công tác thông tin không tốt cũng chẳng có ai đi xem nữa là.

Hơn nữa, tên phim ở đây cũng chả có gì là hấp dẫn với tôi, Sống cùng lịch sử, nghe rất khô cứng. Lịch sử nào? Đời Trần hay đời Nguyễn, chống Pháp hay chống Mỹ, nghe chẳng rõ ràng gì hết.

Sau cùng, một bộ phim hay phải được bảo đảm bằng vàng bởi chính nó là tác phẩm điện ảnh hay, kiểu hữu xạ tự nhiên hương, nhưng rất tiếc, phim hay Việt Nam rất hiếm, không thể tự khẳng định theo kiểu tự nhiên nhi nhiên như vậy được.

Vậy thiếu thông tin thì người ta không thể phiêu lưu mà đi xem phim và với thông tin phim ra rạp không bán nổi một vé thì tìm xem làm gì! Thà ở nhà còn hơn rơi vào bi kịch mà nhà báo Thảo Hảo đã viết từ lâu:

Ra về lúc giải lao, vì đã biết trước sau giải lao kịch sẽ đi đến đâu, cho nên ngậm ngùi kết luận: vở kịch đã chỉ đụng đến túi tiền của tôi chứ chưa đụng đến được trái tim tôi!".

 - Ảnh 2

Cảnh trong “bộ phim triệu đô” Sống cùng lịch sử - Ảnh: ĐPCC

Ai chịu trách nhiệm?

Đầu tư hàng chục tỷ tiền đóng thuế của người dân rồi để đắp chiếu, vậy ai sẽ phải chịu trách nhiệm? Về vấn đề này, ông Phan Đình Tân, người phát ngôn của Bộ VH,TT&DL nói trên báo Vietnamnet (sáng 19/9), Cục Điện ảnh trước hết phải trả lời vấn đề này vì trước hết họ chịu trách nhiệm. Ông Tân cũng công nhận, khâu quảng bá của tất cả các phim nhà nước hết sức hạn chế và quá khiêm tốn.

Theo tin tức từ Vietnamnet, Bộ VH,TT&DL chính là chủ đầu tư của các dự án phim nhà nước. Tuy nhiên Bộ VH,TT&DL đã giao cho Cục Điện ảnh làm việc này. Mỗi bộ phim trước khi được đưa vào sản xuất đều phải do liên bộ (Bộ Văn hóa, Bộ Tài chính, Cục Điện ảnh, Cục quản lý giá...) duyệt kinh phí đầu tư.

Song thật kỳ lạ là trong các khoản chi cho phim được nhà nước tài trợ không có khoản nào duyệt cho mục PR (trong khi tại Hollywood, kinh phí quảng bá thường bằng chi phí sản xuất). Phần làm hậu kỳ chỉ được duyệt khoảng 100 triệu đồng. Dự toán kinh phí của các phim cũng dành rất ít cho việc quảng cáo.

Do vậy, nếu đạo diễn hay nhà sản xuất nào xót phim, xót cho công sức của bao người tham gia làm phim thì tự tìm cách vận động quảng bá cho phim, hay tự bỏ tiền túi ra để PR cho phim như trường hợp của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng (Những người viết huyền thoại) hay nhà sản xuất Hồng Ngát (phim Gương trời, Những người con của làng).

Tâm An (Tổng hợp) 

Xem thêm video clip : Đừng nói xa nhau - Giang Tử

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý