Phòng chống tham nhũng: Tài sản quan chức không phải bí mật

daikieu daikieu @daikieu

Phòng chống tham nhũng: Tài sản quan chức không phải bí mật

Người đứng đầu Cục Phòng chống tham nhũng cho rằng, đối tượng có nguy cơ tham nhũng nhiều nhất là quan chức, nhưng việc kê khai tài sản vẫn là hình thức.

15/04/2016 02:49 PM
2

(ĐSPL) - Người đứng đầu Cục Phòng chống tham nhũng cho rằng, đối tượng có nguy cơ tham nhũng nhiều nhất là quan chức, nhưng việc kê khai tài sản hiện nay vẫn là việc hình thức. Tới đây phải sửa luật để công khai bởi tài sản quan chức không phải bí mật quốc gia.

Đừng làm quan chức nữa nếu không công khai tài sản

Tuổi Trẻ đưa tin, tại cuộc họp báo ngày 14/4 của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về kết quả công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng quý 1, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng (PCTN) nhận định công tác PCTN có tiến bộ nhưng vẫn diễn biến phức tạp và chưa thực hiện được mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi.

Ông Đạt cho biết, cuối năm nay tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN, trong đó vấn đề công khai minh bạch tài sản được đặc biệt quan tâm với nhiều hướng sửa đổi.

Người đứng đầu Cục Phòng chống tham nhũng còn khẳng định, đối tượng có nguy cơ tham nhũng nhiều nhất là quan chức, nhưng việc kê khai tài sản hiện nay vẫn là việc hình thức, kê nhưng không công khai được nhiều, được sâu; kê nhưng không có thẩm định, xác minh và kê không trung thực cũng không quản lý được.

“Tới đây phải sửa cái này. Sửa theo hướng kê là phải quản, kê phải công, kê là phải khai mà khai là phải có sự kiểm định, xác minh xem có đúng không. Kê để đấy thì chẳng giải quyết được vấn đề gì”, ông Đạt cho hay.

Cục Phòng chống tham nhũng: Tài sản quan chức không phải bí mật quốc gia​ - Ảnh 1Phóng to

Tham nhũng vẫn còn là hình thức. (Ảnh minh họa)

Ông Đạt còn nói: “Vấn đề kê khai tới đây phải sửa luật để khắc phục được theo hướng kê là phải công khai, còn công khai ở mức độ nào thì tôi cho rằng không phải bí mật quốc gia. Theo quan điểm của đơn vị xây dựng luật trình Quốc hội, trừ những vấn đề thuộc bí mật nhà nước thì mọi cái đều phải công khai hết, anh là quan chức thì phải chấp nhận điều đó, không thì đừng làm quan chức nữa, cơ chế như thế thì công tác PCTN mới hiệu quả”.

Tiền Phong cũng dẫn lời vị Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng cho rằng, còn tiêu tiền mặt thì không thể phòng chống tham nhũng được và cần phải xử lý vấn đề quản lý chi tiêu tiền mặt. “Bởi việc trả lương qua thẻ AMT như hiện nay không quản lý được nguồn thu nhập từ ngoài vào, khi không quản lý được nguồn thu từ bên ngoài thì không thể xử lý được tội hối lộ, nhận phong bì, đấy là thực tế. Tới đây sửa luật phải khắc phục cái này” – ông Đạt nói.

Ông Đạt cũng thông tin thêm, trong thời gian tới khi tổng kết 10 năm Luật phòng, chống tham nhũng, TTCP sẽ công bố 9 nguyên nhân dẫn tới công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu.

Sửa luật tham nhũng: Phòng ngừa là biện pháp cơ bản và lâu dài

Nói đến luật phòng chống tham nhũng, VOV đưa tin, qua tổng kết của các bộ, ngành, địa phương cho thấy, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 đã tạo lập khung pháp lý quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.

Tuy nhiên, nhiều quy định của Luật vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Nhiều vụ án tham nhũng được đưa ra ánh sáng khiến dư luận xã hội băn khoăn trong khi cơ chế khắc phục còn nhiều hạn chế.

Trả lời về vấn đề trên, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho rằng, khi sửa Luật Phòng, chống tham nhũng cần có đánh giá cụ thể mức độ tác động của pháp luật phòng, chống tham nhũng và hậu quả của tham nhũng trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, qua đó tiến hành sửa đổi một cách căn bản hệ thống pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.

Ông Phạm Trọng Đạt còn nhận định: “Muốn sửa chúng ta phải tổng kết như thế nào. Luật còn những vấn đề vướng mắc về mặt pháp luật cần phải sửa đổi. Phải tổng kết được nguyên nhân vì sao phát hiện còn thấp?, giải pháp phòng ngừa còn hình thức?. Thông qua tổng kết có đề xuất với trung ương để đề xuất trung ương, quốc hội có giải pháp như thế nào để thực hiện mục tiêu ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng”.

Bàn về giải pháp, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra Chính phủ cho rằng: bên cạnh nâng cao biện pháp phòng ngừa, thì việc sửa luật cũng cần tính đến mối tương quan giữa các Bộ, ngành để xử lý hành vi tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng nhưng chưa đủ các yếu tố cấu thành tội phạm nhằm tạo hành lang pháp lý quan trọng ngay từ đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, giảm thiểu các nguy cơ phát sinh tham nhũng hoặc dễ dàng phát hiện, ngăn chặn và có biện pháp xử lý kịp thời đối với các hành vi có dấu hiệu tham nhũng: Trước kia, pháp lệnh của chúng ta là chống tham nhũng, nhưng luật của chúng ta hiện nay là Luật phòng, chống tham nhũng, là rất đầy đủ toàn diện, đặc biệt là phương diện phòng ngừa tham nhũng, phù hợp với tinh thần của Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng. Hiện nay có những vấn đề cấp bách, nhưng kể cả những nghị quyết của Đảng, Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng chúng ta vẫn xác định phòng ngừa là biện pháp cơ bản và lâu dài”.

Cũng theo ông Tuấn Anh, sửa đổi toàn diện Luật phòng, chống tham nhũng và xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong công tác phòng chống tham nhũng giai đoạn 2016 – 2020 đang là vấn đề lớn được đặt ra của đất nước hiện nay.

Do đó, Luật cần xem xét và hoàn thiện, chú trọng đến các biện pháp phòng ngừa ngay từ đầu nhằm tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Luật phòng, chống tham nhũng phát huy hiệu quả trong thực tiễn cũng như phù hợp với Công ước của Liên hiệp quốc về phòng, chống tham nhũng.

Đức An (Tổng hợp)

Xem thêm video tin tức:

 

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý