Phỏng vấn độc quyền: Ai tiếp tay cho những kẻ giả danh trí thức?

mesu mesu @mesu

Phỏng vấn độc quyền: Ai tiếp tay cho những kẻ giả danh trí thức?

Đằng sau câu chuyện về những tấm bằng không thực chất để tiến thân của nhiều quan chức hiện nay lại là câu chuyện nhức nhối của xã hội.

02/07/2015 07:36 AM
189

Liên tiếp nhiều vụ sử dụng bằng giả được đưa ra ánh sáng

Mới đây, ngày 26/6, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Tĩnh Gia (Thanh Hóa) cho biết, đang làm quy trình cách chức Chủ tịch UBND xã Hải Ninh đối với ông Lê Viết Tứ do gian lận bằng cấp.

   - Ảnh 1

Tấm bằng tốt nghiệp PTTH giả của ông Lê Viết Tứ, chủ tịch UBND xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa.

Trước đó, người dân xã Hải Ninh đã có đơn thư tố cáo ông Tứ (hiện là Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hải Ninh) không có bằng cấp 3 mà dùng bằng giả, khai khống hồ sơ cán bộ. Ông Tứ đã có giải trình về việc này, cho rằng năm 1983 có đi học tại trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) và dạy nghề huyện Tĩnh Gia. Đến tháng 6/1989 ông thi lấy bằng tại trường trung cấp Thủy sản Thanh Hóa. Ông Tứ khẳng định bản thân đã “học thật, thi thật” và được cấp bằng đúng tiêu chuẩn.

Tấm bằng mà ông Tứ đã sử dụng trong suốt nhiều năm ghi rõ ông Tứ sinh tại Tĩnh Gia, Thanh Hóa, là học sinh trung tâm GDTX và dạy nghề Tĩnh Gia trúng tuyển kỳ thi tốt nghiệp BTTHPT tại Thanh Hóa khóa thi ngày 2/6/2009, vào sổ cấp bằng số TG 369 ngày 12/11/2009.

Tuy nhiên, trong công văn trả lời phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Tĩnh Gia vào ngày 13/5, sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, khẳng định không có thí sinh nào là Lê Viết Tứ (có ngày tháng năm sinh và địa chỉ như trên) trúng tuyển vào kỳ thi tốt nghiệp BTTHPT ngày 2/6/2009.

Sau khi có công văn từ phòng Giáo dục- Đào tạo huyện Tĩnh Gia, Ủy ban Kiểm tra huyện Tĩnh Gia đã lập tức đình chỉ công tác của ông Tứ và tiến hành quy trình cách chức đối với ông này. Chuyện quan xã sử dụng bằng cấp giả không phải lần đầu tiên được nhắc tới ở Thanh Hóa, trước đó, trong năm 2014, một số vụ việc tương tự cũng được dư luận đưa ra ánh sáng. Tiêu biểu là trong tháng 8/2014 vụ việc Chủ tịch UBND xã Tiến Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) Hoàng Văn Đồng cũng bị cách chức do sử dụng bằng tốt nghiệp cấp 3 giả mạo; Tháng 3/2014, vụ việc ông Bùi Tuấn Ngọc - nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Định Công (huyện Yên Định) bị kỷ luật vì sử dụng bằng cấp 3 giả cũng gây xôn xao dư luận.

Không chỉ ở Thanh Hóa, tình trạng quan chức địa phương sử dụng bằng giả cũng khá nhức nhối ở nhiều nơi. Mới đây, đầu tháng 5/2015, Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Vang (Thừa Thiên-Huế) cũng phải ra quyết định kỷ luật 3 cán bộ thuộc hai xã Phú Mỹ và Phú Thượng vì hành vi dùng bằng tốt nghiệp THPT giả. Cụ thể, ông Lê Ngọc Kiên (Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thượng) chịu kỷ luật với hình thức cách chức. Riêng hai ông Đào Hữu Truyền (Bí thư Đảng ủy xã Phú Mỹ) và ông Hoàng Công Phương (Phó Chủ tịch HĐND xã Phú Mỹ) cùng chịu mức kỷ luật cảnh cáo. Cá biệt, có trường hợp ông Lê Ngọc Kiên, sau khi bị phát hiện và xử lý kỷ luật với hình thức cảnh cáo cả về mặt Đảng và mặt chính quyền do sử dụng bằng giả vào năm 2013, đã tiếp tục nhờ người quen giúp mình mua thêm một tấm bằng giả nữa nhằm phục vụ cho công tác của bản thân.

Những vụ việc kể trên, theo một số chuyên gia chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm” nhức nhối dư luận mà chưa có biện pháp xử lý triệt để.

Bằng giả leo lên ghế thật

Theo Quyết định số 4/2004 của bộ Nội vụ về tiêu chuẩn trình độ học vấn với các chức danh chủ chốt như Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND, Chủ tịch HĐND cấp xã, nhân sự phải có trình độ tốt nghiệp THPT hoặc bổ túc văn hóa. Có lẽ, đây cũng chính một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc chạy đua bằng cấp giả đã diễn ra âm thầm tại các cơ quan công quyền địa phương trong suốt một thời gian dài.

Mới đây, bên lề kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, ĐBQH Lê Như Tiến cũng phải lên tiếng bày tỏ sự bức xúc trước vấn nạn thuê người học hộ, thi thuê của một bộ phận công chức. Theo ông Tiến, vấn đề này không phải là mới nhưng cho đến giờ vẫn chưa có biện pháp nào để xử lý triệt để. Cứ mỗi đợt chuẩn bị tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm hay chuẩn bị đại hội các cấp thì có tình trạng chạy bằng, thậm chí học giả mà có bằng thật bằng việc nhờ người thi hộ, học hộ.

Liệu rằng, với những tấm bằng mà kiến thức không thật, bằng kinh nghiệm bản thân, sự học hỏi bên ngoài, các vị quan chức này có đủ khả năng để đảm nhiệm chức vụ ở “cái ghế” của mình hay không? Câu hỏi này hiện vẫn chưa có câu trả lời.

   - Ảnh 2

Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương:

Làm rõ trách nhiệm của người đề bạt bổ nhiệm

Trong quá trình đảm nhiệm chức vụ của mình, ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó ban tổ chức Trung ương đã từng ghi nhận nhiều trường hợp cán bộ sử dụng bằng cấp giả để tiến thân. Thậm chí, còn tồn tại hiện tượng “học trường, thi quán”, chỉ ra quán nhậu là có ngay bằng cấp cũng không phải hiếm. “Khai tuổi giả, làm bằng giả, hồ sơ giả, giấy tờ giả,... Bây giờ nhiều cái giả lắm. Nếu không quy trách nhiệm một cách rõ ràng mà chỉ phát hiện đến đâu xử lý đến đấy thì chúng ta vẫn chỉ dừng ở mức sửa từ ngọn chứ chưa chặt từ gốc vấn đề. Cần phải làm rõ trách nhiệm thuộc về ai, những cơ quan, cá nhân có trách nhiệm liên đới trong việc đề bạt, bổ nhiệm. Có như vậy, người ta mới cẩn trọng và biết sợ hơn khi quyết định sử dụng bằng cấp giả”, ông Hương cho biết.

Đại biểu quốc hội Lê Văn Cuông:

Đụng vào đâu phát hiện ra sai phạm ở đó

Theo ông Cuông, việc quan chức sử dụng bằng cấp giả không phải là cá biệt mà còn là căn bệnh chung của xã hội hiện nay khi việc trọng bằng cấp còn quá nặng nề. Chừng nào còn có “cầu” thì chừng đó còn tiếp tục có “cung”, những tấm bằng giả sẽ tiếp tục được sản xuất, lưu hành khi nhu cầu của các quan chức chưa đủ tiêu chuẩn về bằng cấp vẫn còn. “Căn bệnh này phổ biến tới mức đụng vào đâu là phát hiện ra sai phạm đến đó, nếu không đụng đến thì không biết chứ không phải là không có”, ông Cuông bày tỏ quan điểm khi được hỏi về những trường hợp sai phạm tại Thanh Hóa- địa phương mà ông sinh sống. Theo ông Cuông, ở nơi nào thực hiện nghiêm thì sẽ phát hiện ra càng nhiều sai phạm. Căn bệnh trọng bằng cấp cũng tương tự như tham nhũng, thậm chí hậu quả còn nặng nề hơn. Những tấm bằng để tiến thân, không nhằm mục đích để phục vụ cho người dân mà để trục lợi, kiếm tiền bất chính sẽ phải được xóa sổ khỏi hệ thống.

Ông Nguyễn Xuân Dũng, giám đốc sở nội vụ tỉnh Thanh Hóa:

Phải xử lý triệt để để làm gương

   - Ảnh 3

Ông Nguyễn Xuân Dũng.

Trao đổi với PV báo ngày 26/6, ông Nguyễn Xuân Dũng, Giám đốc sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa cho biết, Sở đang đợi kết luận báo cáo từ phía Ủy ban Kiểm tra huyện Tĩnh Gia về trường hợp ông Lê Viết Tứ. Theo phân cấp quyền hạn tại địa phương thì việc xử lý kỷ luật với ông Tứ thuộc về cấp huyện. Tuy nhiên, để xảy ra vụ việc trên địa bàn là thực sự đáng tiếc. Thời gian qua, Thanh Hóa cũng đã thực hiện gắt gao việc kiểm tra bằng cấp của các công chức trên địa bàn và phát hiện, xử lý nghiêm một số vụ việc mà báo chí đã đưa tin. Tuy nhiên, khi được hỏi về trách nhiệm liên đới của những người có liên quan, ông

Dũng cho rằng phải xem xét kỹ xem những người đã trực tiếp tham gia bổ nhiệm ông Tứ có biết về việc bằng cấp giả hay không. Nếu không biết thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm. Còn việc ông Tứ cố tình lừa dối cấp trên, sử dụng bằng giả thì trách nhiệm sẽ càng nặng hơn. Sở Nội vụ Thanh Hóa sẽ có những biện pháp triệt để xử lý tình trạng này.

Đỗ Huệ

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý