Phút trải lòng của phạm nhân tuổi rắn đón Tết Quý Tỵ

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

Phút trải lòng của phạm nhân tuổi rắn đón Tết Quý Tỵ

“Mỗi buồng giam đều được trang bị tivi nên khi được nghe lời Chủ tịch nước chúc Tết, chúng tôi ai cũng nước mắt rưng rưng. Tôi nghĩ đến những đứa con…” phạm nhân tuổi Ất Tỵ trải lòng về giây phút bước sang năm mới.

23/02/2013 10:30 AM
1,497

Những ngày Tết Quý Tỵ, không khí xuân đã tràn ngập từng phân trại của Trại giam Quyết Tiến (tỉnh Tuyên Quang). Con đường chính dẫn vào khu trung tâm nhộn nhịp hẳn lên bởi những chiếc xe đưa người từ khắp nơi đến thăm phạm nhân. Trong cảnh tay bắt mặt mừng, không ít người quay đi kéo vạt áo lau vội dòng nước mắt.

Khác với tiếng nhạc đón Xuân rộn rã ngoài sân, trong phòng trực ban ngoài sân của phận trại số 2, phạm nhân Nguyễn Thị Xuân (còn gọi là Bông, SN 1965, trú ở phường Quang Trung, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) ngồi tư lự với đôi mắt u buồn. Gương mặt bầu bĩnh, Xuân tâm sự, Tết năm nay là cái Tết thứ 5 chị phải chịu nỗi nhớ gia đình, nỗi nhớ người thân da diết.

Phạm nhân Xuân mong mỏi ngày trở về cùng 4 đứa con.

Theo lời kể của phạm nhân 48 tuổi, năm nào cũng vậy, qua ngày rằm tháng chạp, gia đình chị lại mang quà Tết đến thăm. Mỗi lần nhìn thấy người mẹ già hơn 70 tuổi không quản đường xá xa xôi, lặn lội từ Tiền Hải (Thái Bình) lên, chị lại quặn thắt lòng, thấy day dứt với tội lỗi mà chị đã gây ra. Từ ngày biết chị mang án “Mua bán người”, “Mua bán trẻ em”, bà chưa một lời trách móc, trái lại, bà luôn lo lắng, ân cần động viên cô con gái thứ 4 trong số 6 người con của bà cố gắng cải tạo thật tốt để sớm trở về đoàn tụ cùng các cháu.

Nhớ lại con đường tội lỗi của mình, Xuân cho biết, 19 tuổi, chị lập gia đình với người đàn ông cùng xã, hơn chị 1 tuổi. Sau khi cậu con trai chào đời, gia đình chị đã chuyển từ Tiền Hải (Thái Bình) lên Thái Nguyên làm kinh tế. Cuộc sống mới nhiều khó khăn nhưng bù lại vợ chồng chị chịu khó, tần tảo nên cũng đủ ăn. Khi đứa con út được 1 tuổi, chị bịn rịn chia tay chồng khi anh quyết định vào Đắc Lắc làm kinh tế mới kiếm ít tiền để 4 đứa con được sống trong căn nhà trang hoàng hơn.

“Chồng đi rồi, tôi luôn tự nhủ mình phải cố gắng chăm sóc, nuôi dạy các con thật tốt để chồng yên tâm làm kinh tế rồi về. Tôi cứ yên tâm ở nhà làm “nền tảng gia đình” như thế mà không mảy may nghi ngờ chồng có người đàn bà khác. Khi hay tin chồng đã có con riêng, quá uất ức, tôi dắt các con về nhà ngoại. Sợ bố mẹ già biết chuyện, tôi lại đưa con lên nhà chị gái ở Yên Sơn, Tuyên Quang tá túc nhờ. Không ngờ chuyến đi đấy đã khiến cuộc đời tôi rẽ sang một ngã rẽ khác”- phạm nhân Xuân kể.

Theo lời kể của phạm nhân tuổi Tỵ, ngày 14/3/1996, khi gần đến Tuyên Quang, Xuân đưa các con vào một quán nước ven đường ngồi nghỉ. Tại đây, chị gặp một người phụ nữ gánh những chiếc đài bé bằng lòng bàn tay của Trung Quốc đi bán. Trong cuộc nói chuyện, người phụ nữ này bảo bà ta đang cần người gánh hàng thuê, nếu chị muốn đi làm thuê kiếm tiền nuôi các con, bà ta sẽ thuê chị mỗi tháng 700.000 đồng.

Hai ngày sau, gửi con về bên ngoại, Xuân yên tâm đi theo người đàn bà và chỉ đến khi thấy một người đàn ông Trung Quốc đòi vào “động phòng” chị mới biết mình bị lừa. Dù cuộc sống gia đình “chồng” mới khá giả, anh ta lại quan tâm, chăm sóc, nhưng chị vẫn nung nấu ý định trốn về Việt Nam với các con.

Hơn một năm sau, khoảng tháng 7/1997, Xuân vay tiền của người một người phụ nữ Việt Nam lấy chồng Trung Quốc gần đó để làm lộ phí về quê. Nhưng người này đặt điều kiện phải đưa người sang Trung Quốc cho chị ta. Ở Việt Nam được một thời gian ngắn, Xuân đến nhà chị gái ở Tuyên Quang, Xuân nhờ tìm một người giúp việc sang Trung Quốc làm. Người chị nghe vậy liền đến nhà dẫn em gái đến nhà một người phụ nữ cùng xóm tên là Loan. Gặp chị Loan, Xuân liền hỏi: “Chị có đi làm với tôi không, công việc là giúp việc gia đình”. Do chị Loan là người có nhược điểm về thể chất: bị điếc và nói ngọng nên khi trao đổi, Xuân phải viết ra giấy. Đọc xong, chị này liền ra ám hiệu là cho con trai 9 tuổi đi cùng. Xuân đồng ý và hẹn gặp hôm sau ra đường quốc lộ đón xe đi sớm.

Như đã hẹn, sáng hôm sau, Xuân và chị gái ra đường quốc lộ để đón xe thì đã thấy 2 mẹ con chị Lan chờ ở đó. Người phụ nữ này đã nhờ chị gái Xuân đi hộ chiếc xe đạp mà mẹ con chị đi từ nhà ra, về cho gia đình.

Chia tay chị gái, Xuân đón xe khách cùng 2 mẹ con chị Loan về bến Gia Lâm - Hà Nội rồi đón ô tô đi Lạng Sơn. Đến chợ Đồng Đăng Lạng Sơn, Xuân tìm và nhờ Hiệp đưa 3 người vượt biên giới sang Trung Quốc. Hiệp nói không thể đi ngay được nên đã đưa cả 3 người ra nhà trọ ở gần đó ngủ.

4h sáng hôm sau, Hiệp đến nhà trọ tìm Xuân và nói rằng anh ta sẽ mua 2 mẹ con chị Loan với giá 1.500 tệ (tương đương với 2,6 triệu đồng) Xuân đồng ý và để Hiệp đưa hai mẹ con chị này sang Trung Quốc. Sau đó, Hiệp bán chị này cho một người đàn ông Trung Quốc làm vợ còn con chị Loan, Hiệp đưa đi đâu thì cả chị này và Xuân đều không biết.

Còn Xuân, người chồng mới đã đồng ý để cô ta đón 4 người con sang ở cùng. Việc làm của Xuân sẽ không bị bại lộ nếu như đầu năm 2008, chị Loan không gặp được một người phụ nữ tốt bụng ở Thị xã Móng Cái Quảng Ninh hay đi buôn bán ở Trung Quốc đưa về nhà và báo tin cho gia đình biết.

Ngày 13/3/2008, chị Loan được gia đình đón về. “Khi gia đình tôi gọi điện báo, khuyên tôi ra đầu thú, tôi cứ nghĩ chỉ cần bồi thường cho chị Loan là xong nên đã nhờ gia đình đưa cho gia đình chị 38 triệu đồng” - Xuân kể.

Cứ nghĩ mọi chuyện đã được giải quyết, Xuân ung dung về Việt Nam thì bị công an ập đến bắt. Với những việc làm của mình, Xuân đã phải trả giá 16 năm tù giam.

Đôi mắt đỏ hoe, Xuân bảo, chị rất ân hận về việc đã gây ra đau khổ cho nhiều người, trong đó có mẹ con chị Loan, vì chị mà họ phải xa người thân. Nhờ cải tạo tốt, Xuân hiện đang là đội trưởng đội 27 phân trại số 2, thành viên của Hội đồng tự quản. Mỗi khi có phạm nhân mới nhập trại, tâm lý thường không ổn định, Xuân thường gọi ra một góc riêng để động viên an ủi, động viên.

Nhớ về những lần đón giao thừa trong trại giam, Xuân bảo chỉ thấy buồn và nhớ nhà. “Mỗi buồng giam đều được trang bị tivi nên khi được nghe lời Chủ tịch nước chúc Tết, cảm nhận được không khí sang Xuân, chúng tôi ai cũng nước mắt rưng rưng. Mỗi người theo đuổi một tâm sự riêng. Tôi nghĩ đến những đứa con, nghĩ về những cái Tết trước đó được sum vầy cùng các con” - phạm nhân tuổi Ất Tỵ trải lòng về giây phút bước sang năm mới.

Xuân về, Xuân cùng nhiều phạm nhân khác có thêm niềm hy vọng, mong muốn sớm được trở về với cuộc sống tự do, đoàn tụ với gia đình. “Em và mọi người dù buồn vì không được vui vẻ bên người thân nhưng ở đây, trong 3 ngày Tết, cán bộ phân trại tổ chức chơi các môn thể dục, thể thao nên cũng bớt buồn. Chỉ mong sẽ không ai dại dột mà phạm tội như mình thế này nữa” – lời Xuân.

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý