Quan chức trước nghỉ hưu: Cống hiến hay 'lách luật' làm kinh tế?

vuongxinh vuongxinh @vuongxinh

Quan chức trước nghỉ hưu: Cống hiến hay 'lách luật' làm kinh tế?

Những chuyện về cựu Bộ trưởng này, Thứ trưởng kia chuẩn bị bến đỗ cho mình trước khi về hưu đã được báo chí đăng tải khiến dư luận không còn là chuyện lạ.

01/10/2014 08:07 PM
606

Những chuyện về cựu Bộ trưởng này, Thứ trưởng kia chuẩn bị "bến đỗ" cho mình trước khi về hưu đã được báo chí đăng tải khiến dư luận không còn là chuyện lạ. Mới đây, việc chuẩn bị "bến đỗ" của cựu Bộ trưởng bộ Giao thông Vận tải đã làm dư luận giật mình và bàn tán xôn xao hơn bao giờ hết. Họ giật mình bởi cách tìm "bến đỗ" quá "đơn giản" của vị cựu Bộ trưởng này.

"Bến đỗ" của ông cựu Bộ trưởng này lại chính là doanh nghiệp mà khi tại vị, ông đã ký cho thực hiện dự án lớn theo dạng chỉ định thầu. Vậy, chuyện tìm "bến đỗ", "sân sau" của các vị này được nhìn nhận như thế nào?

 - Ảnh 1

Dự án hầm Đèo Cả có “bóng dáng” của nguyên Bộ trưởng bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng.

Ai dại gì “ôm rơm rặm bụng”?

Câu chuyện được nhắc đi nhắc lại suốt những ngày qua liên quan đến một trong những cựu lãnh đạo ngành giao thông – nguyên Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng. Nhậm chức trong giai đoạn mà ngành giao thông bộc lộ khá nhiều vấn đề, do đó nhiều trọng trách nặng nề được đặt lên vai vị Bộ trưởng sinh ra tại vùng đất Thanh Khê (Đà Nẵng). Ngày đó, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, vị cựu Tư lệnh ngành này từng chia sẻ: “Ngồi vào ghế Bộ trưởng bộ GTVT là một “ghế nóng”, trách nhiệm nặng nề, mừng ít, lo nhiều”.

Kết thúc nhiệm kỳ 5 năm, ông Hồ Nghĩa Dũng, được xem là đã làm được khá nhiều việc, để lại không ít dấu ấn đối với ngành giao thông nước nhà. Khi được hỏi, cảm nhận về những lùm xùm liên quan đến việc cựu Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng tham gia ban lãnh đạo doanh nghiệp mà mình từng quản lý sau khi về hưu, nguyên Phó Chủ nhiệm ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng chia sẻ: “Ông Hồ Nghĩa Dũng cũng là một chính khách đàng hoàng và thẳng thắn!”. Dù vị cựu Bộ trưởng đã lên tiếng chính thức rút khỏi ban lãnh đạo doanh nghiệp trên nhưng sự việc đã để lại không ít dư âm và khiến nhiều người phải suy nghĩ.

Câu chuyện bắt đầu khi báo chí đăng tải thông tin về việc cựu Tư lệnh này tham gia hội đồng quản trị của công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả chỉ 8 tháng sau khi thôi giữ chức Bộ trưởng bộ GTVT. Sẽ chẳng có gì phàn nàn nếu như quá khứ không được “xới lại”. Trong thời gian ông Hồ Nghĩa Dũng là bộ trưởng, Bộ này có các quyết định làm căn cứ pháp lý cho dự án của công ty Đèo Cả. Nổi lên trong số đó là quyết định về việc phê duyệt hồ sơ đề xuất dự án, quyết định về việc chỉ định nhà đầu tư công trình xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả...

Trong nền kinh tế thị trường, việc một quan chức nghỉ hưu tham gia ban lãnh đạo doanh nghiệp với tất cả kinh nghiệm mà mình có được là một việc làm đáng khuyến khích. Thế nhưng, lãnh đạo một doanh nghiệp mà mình từng có trách nhiệm quản lý trước đó và liệu hai bên có “lợi ích” gì qua cái bắt tay hợp tác này? Đó là chưa kể, theo quy định của pháp luật, cán bộ, công chức, viên chức sau khi thôi giữ chức vụ không được kinh doanh (được hiểu là không được thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành) trong lĩnh vực mà họ từng có trách nhiệm quản lý theo các thời hạn cụ thể. Như vậy, dù vô tình hay hữu ý thì việc làm của ông Hồ Nghĩa Dũng đã làm phát sinh tình huống gây tranh cãi.

Sau khi báo chí đăng tải, dư luận “nổi sóng”, vị cựu Bộ trưởng đã chính thức đăng đàn giải thích về sự việc này. ông Dũng chia sẻ với PV bản báo: “Khi sự việc diễn ra như thế này, tôi mới thấy có một sơ suất, đó là khi nhận lời làm cố vấn và ủy viên HĐQT của công ty Đèo Cả, tôi chỉ nghĩ đơn giản là mình hiểu về dự án này, thì có thể giúp được anh em, chứ không bao giờ nghĩ đến chuyện kinh doanh hay lợi ích ở đây”. Phía công ty Đèo Cả cũng phát đi thông cáo “minh oan” cho cựu Bộ trưởng. Thế nhưng, sự đã rồi, đã thành dư luận thì khó dập tắt. Sự việc đã ít nhiều để lại những dư âm không hay.

Doanh nghiệp “thơm lây” nhờ “bóng” quan chức?

Câu chuyện về cựu Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng có lẽ chỉ là một trong số không ít những sự vụ liên quan đến hiện tượng quan chức chọn “bến đáp” sau khi nghỉ hưu. Nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đình Hương khẳng định: “Trước đây, hiếm khi xảy ra chuyện này. Những cán bộ diện Trung ương quản lý, nhất là cỡ Bộ trưởng, ủy viên Trung ương, sau khi về hưu đã có nhiều người tham gia công tác hội, còn tham gia điều hành doanh nghiệp thì mới xuất hiện trong những năm gần đây”. ông Nguyễn Đình Hương đã thẳng thắn gọi hiện tượng trên bằng thuật ngữ “dọn đường” và “lót ổ”. “Lúc đương chức tạo “sân sau”, anh lợi dụng chức vụ, quyền hạn để “lót ổ” và rồi “hạ cánh an toàn” vào đó”, ông Hương giải thích.

Từ sự việc của cựu Bộ trưởng GTVT người ta mới giật mình nghĩ đến hiện tượng quan chức tạo “sân sau” khi đương chức, để rồi đến khi về hưu họ sẽ có “bến đáp” an toàn. Trước đó, một nhân vật khác cũng tốn khá nhiều giấy mực của báo giới, đó là vị cựu Bộ trưởng Trần Xuân Giá, nguyên là Chủ tịch HĐQT của một ngân hàng lớn, bị cơ quan chức năng ra quyết định khởi tố. Dư luận ồn ào bởi lẽ, ông là người quá nổi tiếng, từng kinh qua các chức vụ quan trọng của Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế, được coi như “cha đẻ” của Luật Doanh nghiệp 2005. Khi đương chức, ông đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp của một vị chính khách già dặn kinh nghiệm, thế nhưng “đường đi, nước bước” của ông sau khi rời “ghế nóng” đã khiến nhiều người tiếc nuối. Họ thầm tiếc cho một tiếng tăm không trọn vẹn!

Câu chuyện của hai cựu Bộ trưởng không giống nhau về bản chất, nhưng lại có một điểm chung là họ đã lựa chọn “bến đỗ” không phù hợp. Nói như lời một chuyên gia kinh tế, họ đã “hạ cánh” nhưng... không an toàn. Thế nhưng, dường như đó là một hiện tượng xã hội đang có xu hướng phát triển hiện nay.

Không bàn tới chuyện đúng, sai của các quan chức sau khi về hưu chuyển sang làm doanh nghiệp, thậm chí giữ vị trí chủ chốt trong các hiệp hội, nhưng liệu điều đó có ảnh hưởng đến sự công tâm vốn có. Thẳng thắn nhìn nhận về hiện tượng này, nguyên Phó ban Tổ chức Nguyễn Đình Hương nhấn mạnh: “Xã hội khuyến khích những cán bộ như chúng tôi “xắn tay áo” lúc về hưu, cũng để xem năng lực của anh như thế nào khi ra khỏi bộ máy hành chính. Nhưng tuyệt đối không phải xã hội khuyến khích cán bộ “lót ổ” cho mình khi rời nhiệm sở”.

"Bến đáp” của quan chức nghỉ hưu ở đâu?

Năm 2013, phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố báo cáo thể hiện, cả nước hiện có 400 hiệp hội doanh nghiệp, trong đó 83% lãnh đạo hội là cán bộ từng công tác ở cơ quan quản lý và doanh nghiệp Nhà nước, 26 chủ tịch hiệp hội nguyên là Thứ trưởng các Bộ, ngành. Hiệp hội vô tình trở thành “bến đỗ” của quan chức nghỉ hưu.

Theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 102/2007/NĐ-CP quy định thời hạn không được kinh doanh trong lĩnh vực có trách nhiệm quản lý đối với những người là cán bộ, công chức, viên chức sau khi thôi giữ chức vụ thì thời gian không được kinh doanh trong lĩnh vực giao thông vận tải (nhóm 2 gồm các lĩnh vực thuộc các Bộ, ngành: Bộ Bưu chính, Viễn thông; bộ Công nghiệp; bộ Giao thông Vận tải; bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; bộ Tài nguyên và Môi trường; bộ Thủy sản; bộ Xây dựng; Tổng cục Du lịch) từ 12 đến 18 tháng. Như vậy, dù vô tình hay hữu ý thì việc làm của ông Hồ Nghĩa Dũng đã... vi phạm pháp luật (?!)

Dưới góc nhìn khác, TS. Ngô Thành Can (Học viện Hành chính Quốc gia) cho rằng, hiện tượng này bắt nguồn từ chính những kẽ hở của pháp luật. Theo TS. Can, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định thời hạn không được kinh doanh trong lĩnh vực có trách nhiệm quản lý đối với những người là cán bộ, công chức, viên chức sau khi thôi giữ chức vụ. Với từng ngành đều quy định mức thời gian khác nhau. Thế nhưng thực tế đôi khi những người đảm đương chức vụ cao trong bộ máy Nhà nước khi về hưu được mấy tháng, có khi lại sơ suất quên mất quy định này, thành ra lại vi phạm.

Từ thực tế đánh giá, TS. Can cho rằng, từ trước đến nay ở Việt Nam từng có những người đảm trách công việc quan trọng trong bộ máy Nhà nước, về nghỉ hưu lại tham gia vào lĩnh vực lớn như ngân hàng, khai khoáng... "Nói như vậy để thấy hiện nay pháp luật thực tế vẫn còn thiếu đồng bộ, còn nhiều kẽ hở nên chuyện tranh thủ, lợi dụng là có. Thậm chí cả chuyện cố tình tạo ra những "khe hở" để lợi dụng cũng có", vị này cho biết thêm.

Cách đây ít lâu, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm (giai đoạn 1989 – 1997) được bầu làm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Á. Trước đó, ông Phùng Khắc Kế (nguyên Phó thống đốc NHNN) cũng giữ ghế thành viên độc lập tại ngân hàng VPBank từ năm 2010. Gần đây, giới đầu tư còn chứng kiến sự tham gia của ông Lê Đức Thúy, nguyên Thống đốc NHNN với vai trò cố vấn ngân hàng Eximbank hay sự xuất hiện của ông Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia tại Sacombank...

Xem thêm vieo: Bộ trưởng Bộ GD-ĐT giải trình vấn đề -nóng- về kỳ thi QG chung.

Anh Đức - Phạm Hạnh - Hương Lan

Xem thêm video clip : Đồng Tháp: Triệt phá cơ sở sản xuất bột ngọt, xà bông giả

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý