Rau mầm: Cẩn thận nguy cơ gây ngộ độc

baybykiu baybykiu @baybykiu

Rau mầm: Cẩn thận nguy cơ gây ngộ độc

(ĐSPL) Với niềm tin rằng tự mua hạt giống rau mầm về gieo trồng sẽ có rau sạch để ăn. Nhưng ít ai biết rằng không ít loại giống rau mầm trên thị trường là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, đã được xử lý bằng nhiều loại hóa chất...

30/11/2015 10:52 AM
158

Giống rau mầm trôi nổi có hóa chất bảo quản

Thông tin trên báo Tuổi trẻ, người dân thành phố đang quan tâm với việc trồng rau, làm giá đậu xanh… tại nhà để có được bữa ăn sạch. Nhưng ít ai biết rằng không ít loại giống rau mầm trên thị trường là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, đã được xử lý bằng nhiều loại hóa chất.

Để có những bữa rau sạch cho gia đình, chị Phan Minh Trang (Q.9, TP.HCM) thường mua hạt giống về gieo, trong đó có trồng rau cải mầm.

Nhưng chị cho biết: “Tôi ra chỗ bán hạt giống gần nhà, cần mua giống rau nào người ta đưa cho loại hạt đó về gieo thôi. Muốn ăn rau mầm thì ngâm qua mấy giờ, rồi gieo vài ngày thì dùng. Tôi chỉ quan tâm hạt giống đó của Việt Nam là được chứ cũng không biết hạt giống đó sạch hay không, có chất bảo quản gì không”.

“Riêng các loại hạt giống dùng làm rau mầm như rau muống, giá đỗ, đậu đen, đậu tương... bắt buộc không được tẩm bất kỳ thuốc bảo vệ thực vật nào ngoài việc giữ hạt giống ở độ ẩm thấp, theo nguyên tắc là dưới 9%. Sau đó, hạt giống rau mầm được bảo quản ở độ ẩm thấp dưới 30%, nhiệt độ dưới 15 độ, càng thấp càng tốt

Do không biết hạt giống được xử lý bằng hóa chất sẽ tồn dư nếu lấy để sản xuất rau mầm nên không ít người tiêu dùng vẫn vô tư mua hạt giống trôi nổi về làm rau mầm.

Tại một địa chỉ chuyên cung cấp hạt giống “trần” (không bao bì, có thể mua theo ký) trên một con đường ở Q.12 (TP.HCM), nhiều loại hạt giống được đựng trong bao tải, bao nilông, có đủ từ mồng tơi, dưa leo, cải xanh... đến những loại cải mầm, đậu... ngắn ngày. Theo nhân viên bán hàng ở đây, mỗi ngày chị bán cả tạ hạt giống, người dân mua lẻ tẻ thì không thể kể hết.

 - Ảnh 1Phóng to

Loại rau mầm đang được bán trên thị trường. (Ảnh: Tuổi trẻ).

Q.12 giáp với huyện Hóc Môn, là một địa chỉ cung cấp rau nhiều cho TP.HCM nên việc “cháy” hạt giống rau, củ cũng không phải là lạ. Ở đó vẫn có rất nhiều đất trống nên không ít nhà mua về tự trồng để ăn. Không được đóng gói, chỉ “buộc túm” trong túi nilông nhưng người bán cho biết hạt giống này để cả năm vẫn... “năng suất cao, không mối mọt”.

Trong khi đó, dù là hạt giống rau mầm nhưng một số công ty vẫn xử lý bằng chất bảo quản. Thông tin trên bao bì hạt giống rau mầm đỏ (của nhãn hàng M) ghi “hạt giống đã được xử lý để ngừa sâu bệnh, không được ăn”.

Tương tự, mặt sau bao bì hạt giống rau mầm xanh Úc của một công ty cũng ghi “hạt giống chỉ sử dụng cho gieo trồng, không được ăn”. Dù các thông tin đó là rõ ràng, sòng phẳng với người tiêu dùng so với hàng loạt sản phẩm khác, nhưng vẫn không hề ghi khuyến cáo hoặc các chất bảo quản mà họ đã dùng để chống mối, mọt, mốc cho hạt giống...

Để tìm hiểu xuất xứ của các loại hạt giống được đóng gói cẩn thận, đẹp mắt này, chúng tôi đã liên lạc với một công ty, đơn vị sở hữu nhãn hàng “hạt giống chất lượng” được ghi địa chỉ tại Q.12.

Tuy nhiên, cả số điện thoại công ty và số điện thoại kỹ thuật được in trên bao bì thì một số không liên lạc được, còn số kia được Công ty Viễn thông TP.HCM cho biết là “số điện thoại này không có”. Chúng tôi đến địa chỉ được in trên bao bì thì không tìm ra công ty nào có sản xuất hạt giống.

 - Ảnh 2Phóng to

Hầu hết các loại rau mầm đều phải trồng trong môi trường ấm và đây chính là cơ hội cho các loại vi khuẩn phát triển. Nếu quá trình chăm sóc rau không bảo đảm an toàn thì rau cũng sẽ bị nhiễm khuẩn. (Ảnh minh họa).

Có thể gây ngộ độc

Thông tin trên báo Sức khỏe & Đời sống, hầu hết các loại rau mầm đều phải trồng trong môi trường ấm và đây chính là cơ hội cho các loại vi khuẩn phát triển. Nếu quá trình chăm sóc rau không bảo đảm an toàn thì rau cũng sẽ bị nhiễm khuẩn.

Rau mầm còn có thể bị nhiễm khuẩn, nhiễm bẩn do quá trình thu hoạch không bảo quản đúng cách. Bên cạnh đó, còn có nguy cơ từ lượng phân bón thấm vào rau mầm khi người ta cố tình dùng nó để kéo dài ngày thu hoạch.

Ngoài ra, nguy cơ ngộ độc rau mầm còn có thể đến từ chính đặc tính sinh học của hạt giống. Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, trong mầm khoai tây và mầm của các loại dưa dây có chứa độc chất là alkaloid solanine. Khi bị ngộ độc với triệu chứng buồn nôn, tiêu chảy, đau đầu, tức ngực, nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Các loại rau mầm họ đậu giàu dưỡng chất, vitamin thúc đẩy quá trình phát triển và chống lão hóa nhưng một số đậu như đậu ván, đậu mèo, đậu kiếm, đậu trứng chim cũng có hàm lượng lớn glucozid sinh axit cyanhydric giống như trong măng và sắn nên ta không nên ăn rau mầm của những loại này.

Những cây măng mọc ở môi trường không có ánh sáng cũng có thể gây ngộ độc vì trong môi trường này độc tố của măng sẽ cao hơn nhiều.

Cách chọn và chế biến an toàn

Khi chọn mua rau mầm nên chọn sản phẩm có nguồn gốc, uy tín, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Không mua những hộp rau có màu sắc lạ hay lá đã ngả vàng, thân, lá rau to xanh bất thường và quá bóng mượt hoặc gốc mọc ra rễ mới (điều này chứng tỏ rau có độc tố bảo quản). Rau mua về nên sử dụng ngay nếu cần bảo quản phải để trong hộp nhựa hoặc nilon khô ráo, thoáng khí ở nhiệt độ 4 - 5 độ C, tối đa 3 - 4 ngày.

Trước khi sử dụng nên rửa thật kỹ nhiều lần dưới vòi nước đang chảy để loại bỏ các nguy cơ, sau đó ngâm thêm trong nước muối loãng 10 - 15 phút để loại bỏ hóa chất. Rau mầm tốt nhất là được nấu chín, hạn chế ăn sống, nhất là đối với người già, trẻ em và người miễn dịch yếu càng không nên ăn sống loại rau này.

Ngọc Anh (Tổng hợp)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý