Rừng 'chảy máu', người Bana lập 'chiến luỹ' vây bắt lâm tặc

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

Rừng 'chảy máu', người Bana lập 'chiến luỹ' vây bắt lâm tặc

Bức xúc trước việc hàng đêm, xe chở gỗ của lâm tặc ngang nhiên vượt trạm bảo vệ rừng, nhóm thanh niên người dân tộc Bana ở làng Kon Sơ Lăl, xã Hà Tây, huyện Chư Păh (Gia Lai) đã dựng rào chiến lũy.

24/04/2015 10:33 AM
380

Dân dựng “chiến lũy” bắt xe gỗ lậu

Từ Tết Nguyên đán tới giờ, người dân làng Kon Sơ Lăl hàng đêm bị đánh thức bởi tiếng xe chở gỗ gầm rú ở con đường chính của xã. Sự việc nhanh chóng được báo lên chính quyền địa phương nhưng chờ mãi không thấy động tĩnh gì từ lực lượng chức năng, xe gỗ vẫn ngang nhiên hoạt động. Bức xúc trước thực trạng cánh rừng trong xã ngày càng bị “xẻ thịt”, người dân quyết định phục bắt để làm bằng chứng.

Dân làng vây bắt xe gỗ lần 1 rồi lần 2 đều không thành. Các xe gỗ thường đi có đôi, trên xe luôn có khoảng 5 người. Khi bị vây bắt, các xe gỗ này rú ga bỏ chạy, dân làng không đuổi kịp. Có xe còn lao thẳng vào người dân để bỏ chạy. Đến lần thứ 3, người dân lên kế hoạch tác chiến, phân công nhiệm vụ rõ ràng. Trong đó, thanh niên được giao nhiệm vụ theo dõi xe gỗ, chỉ cần phát hiện từ xa là đánh kẻng báo động, đón lõng xe gỗ của lâm tặc.

   - Ảnh 1

Nhiều người dân tham gia bắt gỗ do lâm tặc vận chuyển.

Rạng sáng ngày 18/4, sáu thanh niên được cắt cử theo dõi xe gỗ, phát hiện 2 chiếc xe chở gỗ lậu chuẩn bị đi vào làng. Ngay lập tức, tiếng kẻng trong ngôi nhà rông vang lên, mọi người ùa ra lập chướng ngại vật đón lõng xe. Bàn ghế, gậy gộc được giăng ra giữa đường, 2 xe chở gỗ tiến đến gặp phải chướng ngại vật liền bị dân làng bắt lại. Trên xe chất đầy những khúc gỗ to, tròn vừa mới đốn hạ còn rỉ mủ cây. Hai xe gỗ trên được các thanh niên hạ xuống sân nhà rông trong làng.

Cũng theo một thanh niên trong làng, khi người dân ra vây giữ xe gỗ thì lái xe đã gọi điện cho ai đó. Một lúc sau, người đàn ông địa phương thường được gọi tên ABoy đến thương lượng đề nghị thả cho hai xe gỗ đi, đồng thời đưa cho người dân 5 triệu đồng nhưng người dân không đồng ý. Dân làng chỉ muốn dùng số gỗ bắt được này để làm bằng chứng chứng minh về việc phá rừng đang diễn ra thường xuyên ở địa bàn xã.

Sau khi dùng tiền để xin chuộc lại gỗ không được chấp nhận. Hai lái xe đã cho xe đổ toàn bộ 10 lóng gỗ đường kính từ 40-80cm dài 3-4m xuống khu vực nhà rông làng Kon Sơ Lăl rồi lái xe bỏ chạy. Cũng theo người dân ở đây, những đối tượng phá rừng chủ yếu người trong xã, có một số đối tượng từ tỉnh Kon Tum đến.

Kiểm lâm không kiểm soát nổi?

Để kiểm chứng cho việc phá rừng, thanh niên trong làng đã dẫn phóng viên vào tận hiện trường. Ngay từ đầu rừng, một con đường lớn hiện ra dẫn sâu vào lõi rừng. Những thanh niên này cho biết, đường được lâm tặc mở để vận chuyển gỗ. Còn đường vào khu rừng tự nhiên mà trước đây có rất nhiều gỗ sao, gỗ dầu. Sau hơn 2 tiếng đi bộ là đến bãi đáp của lâm tặc. Một thanh niên (xin được giấu tên) cho biết, trước đây lâm tặc hoạt động rầm rộ, từ khi bị làng bắt được 2 xe gỗ nên lâm tặc thấy động đã tháo chạy, bỏ lại nhiều lóng gỗ.

Tại hiện trường, có vô số gốc gỗ lớn hàng trăm năm tuổi, chủ yếu là gỗ sao đã bị đốn hạ vết cưa còn mới, những cây gỗ được sơ chế thành từng bãi ngay tại chỗ khiến khu rừng trông giống như một đại công trường. Những cây bị chặt hạ có đường kính từ 60cm trở lên, có nhiều gốc cây phải vài ba người mới ôm xuể. Có nhiều lóng gỗ đã được xẻ thành hộp chờ vận chuyển. Đặc biệt, có một con đường đang được mở nhằm vận chuyển số gỗ này ra khỏi rừng.

   - Ảnh 2

Những khúc gỗ tròn vừa được khai thác xong đã bị dân trong làng bắt giữ.

Theo người dân, rừng bị phá như thế dân ai cũng biết, nhiều lần các xe gỗ vận chuyển qua trạm kiểm lâm có người gác nhưng không thấy kiểm lâm viên nói gì.

Người trong làng chỉ cần lên rừng chặt 1 cây gỗ về làm nhà là bị phát hiện, lập biên bản. Lâm tặc chặt cả cánh rừng, làm đường lớn vận chuyển gỗ lậu không một cán bộ nào biết, hay họ làm ngơ(!?). Xã có 2 trạm chốt chặn trên các tuyến đường, xe chạy qua trước mặt trạm bảo vệ rừng như đi vào chốn không người.

Sau khi bắt giữ được số gỗ trên, các thanh niên trong làng đã thay nhau canh giữ. Theo anh A Rủi (SN 1989), họ phải quyết tâm giữ bằng được số gỗ này để làm bằng chứng cho việc phá rừng. Làng không muốn giao số gỗ trên cho kiểm lâm mà muốn giao cho các cơ quan luật pháp như công an, Viện Kiểm sát.

Ông Yưuh - Trưởng thôn Kon Sơ Lăl cho biết, đoạn đường đi qua thôn là độc đạo nếu muốn đi ra ngoài. Xe chở gỗ qua đường trung tâm xã, sau theo đường đất chở về tỉnh Kon Tum. Cứ ba bốn hôm là xe gỗ chạy qua làng.

Video tham khảo:

'Bắt tận tay' lâm tặc ngang nhiên 'xẻ thịt' rừng

Xe chạy vào rạng sáng lúc mọi người còn yên giấc ngủ. Từ đầu năm 2015, làng được xã giao gần 1.000ha để quản lý bảo vệ. Quý I vừa rồi, làng nhận được hơn 50 triệu đồng tiền công bảo vệ rừng, số tiền này làng chưa biết sử dụng như thế nào nên đã gửi vào ngân hàng. Sau khi nhận nhiệm vụ, làng đã lập tổ bảo vệ rừng đi kiểm tra, lần nào cũng phát hiện lâm tặc nhưng chỉ đuổi được hôm đó, hôm sau lại khai thác. Có hôm dân làng còn bị lâm tặc chửi bới lại nên rất bức xúc. Đặc biệt gần đây, lâm tặc khai thác nhiều dân làng quyết định phục bắt.

Ông Yưuh cũng khẳng định, 2 xe gỗ bị bắt và hàng chục xe gỗ trước đây đều cùng 1 người chở. Mặc dù trạm bảo vệ rừng có người trực nhưng xe gỗ vẫn chở qua.

Không chỉ người dân làng Kon Sơ Lăl khẳng định mà ông Đinh Sứk - Chủ tịch UBND xã Hà Tây – cũng khẳng định khu rừng trên là nơi giáp ranh của huyện Chư Păh (Gia Lai) với huyện Kon Rẫy (Kon Tum) là thường xuyên. Gỗ chủ yếu đi bằng đường sông, đường bộ ít hơn. Lực lượng xã khó bắt được gỗ vì địa hình hiểm trở, sóng điện thoại không có nên không liên lạc được giữa các lực lượng.

Ông Nguyễn Quốc Thuận, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Păh cho biết, địa điểm bị khai thác gỗ thuộc tiểu khu 185, đã giao cho xã quản lý nên xã phải chịu trách nhiệm. “Con đường lâm tặc mở vào rừng không thuộc trách nhiệm của chúng tôi. Từ tháng Hai tới giờ cứ tối thứ Sáu là chúng tôi rút toàn bộ người ra khỏi trạm đặt ở làng Kon Sơ Lăl. Có thể lâm tặc lợi dụng thời gian này để vận chuyển”, ông Thuận nói.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Ngọc Cư - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Chư Păh - cho biết, đoàn Kiểm lâm của Hạt kết hợp với chính quyền địa phương của xã trong ngày hôm nay đã đến hiện trường nơi xảy ra sự việc. Nơi phát hiện rừng bị chặt là tiểu khu 187 thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Păh chứ không phải tiểu khu 185 của xã Hà Tây quản lý như thông tin ban đầu. Do trời mưa to, đường vào khó khăn nên đoàn vẫn chưa kiểm kê được số cây bị đốn hạ.

Ông Cư cũng khẳng định, ngày 22/4, kiểm lâm sẽ phối hợp với công an huyện và dân làng Kon Sơ Lăl lên thực địa để kiểm kê. Gốc nào mới, gốc nào cũ sẽ được tính toán rồi mới biết bao nhiêu gỗ bị khai thác để phục vụ điều tra. Nếu mức độ lớn Hạt sẽ đề nghị khởi tố hình sự các đối tượng liên quan.

Chí Dũng

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý