Rùng mình đường dây “hút máu”

mesu mesu @mesu

Rùng mình đường dây “hút máu”

Dư luận Trung Quốc mới đây không khỏi kinh hoàng khi cảnh sát lật tẩy vụ 10 nạn nhân (trong đó có 7 trẻ vị thành niên) bị một nhóm đối tượng đánh đập và ép hiến máu ở tỉnh Cam Túc.

26/09/2014 10:36 AM
789

Mối lợi lớn khiến bọn tội phạm không từ thủ đoạn nào để ép nạn nhân bán máu và luồn lách các quy định kiểm tra.

Trung tâm ép bán máu

Vụ việc xảy ra từ tháng 10/2013, nhưng đến tháng 5 năm nay mới bị phanh phui khi cơ quan công an nhận tin báo từ một gia đình nạn nhân. Do chịu áp lực phải có 30 chỉ tiêu hiến máu mỗi tháng, Hoàng Đại Hồng - Phó Giám đốc Trung tâm Huyết học Lan Sinh ở Vũ Nam, quận Lương Châu, thành phố Vũ Uy, tỉnh Cam Túc đã đề nghị đối tượng họ Trương trợ giúp và hứa hẹn thưởng 50 NDT nếu giới thiệu được 1 người hiến máu. Nhận được lời nhờ vả, đối tượng họ Trương tìm thêm một số kẻ thất nghiệp tham gia đường dây “cướp” máu.

Với chứng minh thư giả do nhóm tội phạm cung cấp, các nạn nhân đã bị lừa đến Trung tâm Lan Sinh và bị rút 600 CC máu mỗi lần. Có em còn cho biết bị ép hiến máu nhiều lần trong một tháng. Trong khi đó, theo quy định, những công dân khỏe mạnh từ 18-55 tuổi có thể hiến máu tình nguyện 2 lần/tháng, mỗi lần hiến 400 CC máu nhận được 200 NDT tiền bồi dưỡng. Nhóm tội phạm này đã ép 10 nạn nhân hiến máu tổng cộng 48 lần và cướp 10.700 NDT tiền bồi dưỡng.

Nhóm tội phạm này gồm 9 đối tượng trong đó 7 nghi phạm đang bị giam giữ. Liên quan đến Phó Giám đốc Hoàng Đại Hồng, người phát ngôn của Công ty Trung Dược - Công ty mẹ của Công ty TNHH Cổ phần  Kỹ thuật Sinh học Trung Quốc (Trung Sinh), nơi Viện Lan Sinh trực thuộc, vẫn cho rằng “có thể ông ta vô tội”.  Được biết, Trung Sinh là một công ty lớn trong ngành chế phẩm máu của Trung Quốc, có nhiều chi nhánh ở 6 thành phố lớn là Bắc Kinh, Thượng Hải, Trường Xuân, Vũ Hán, Lan Châu và Thành Đô.

Một nhân viên điều tra đánh giá, vụ án 10 học sinh bị ép bán máu trên có tính chất manh động nhất và liên quan tới nhiều nạn nhân ở tuổi vị thành niên nhất trong vài năm gần đây ở Cam Túc. Tuy nhiên, tờ Đại công báo của Hồng Kông cho biết, hành vi ép trẻ bán máu không phải là mới. Tháng 3/2009, tờ Lan Châu buổi sáng đã đưa tin về vụ án 5 đối tượng thất nghiệp 3 lần ép 14 trẻ vị thành niên hiến máu trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10/2008. 4 đối tượng này sau đó bị tuyên phạt 4-6 năm tù với tội danh ép buộc người khác bán máu.

“Thế giới ngầm” buôn bán máu

Trung tâm Huyết học Lan Sinh ở Vũ Nam “dính” bê bối ép các trẻ vị thành niên hiến máu ở tỉnh Cam Túc

Tại Bắc Kinh, mỗi năm tòa án xử nhiều vụ mua bán máu phi pháp. Do lợi nhuận cao nên nhiều “huyết đầu” - kẻ tổ chức đường dây mua bán máu - khó dứt khỏi vòng lao lý, ra tù rồi lại phạm tội. Từ tháng 11/2013 đến nay, Viện kiểm sát Hải Điến (Bắc Kinh) đã tiếp nhận 69 vụ án, liên quan đến 117 đối tượng có hành vi tổ chức bán máu. Theo cơ quan này, số vụ án mua bán máu trái phép đột ngột tăng lên tại Bắc Kinh trong thời gian gần đây. Lý do bởi nhu cầu truyền máu tăng khoảng 10 -15% mỗi năm ở thành phố này, trong khi lượng hiến máu tình nguyện lại ngày càng giảm do già hóa dân số và lượng máu hiến tặng phụ thuộc vào dòng người di cư.

Tháng 6 năm nay, Viện kiểm sát quận Hải Điến đã khởi tố xử lý một “đại án” bán máu. Theo đó, từ tháng 7 đến tháng 12/2013 một nhóm 9 đối tượng với kẻ cầm đầu họ Ban đã bảo kê việc mua bán máu ở một bệnh viện nổi tiếng tại Bắc Kinh (không được truyền thông Trung Quốc nêu tên). Đối tượng họ Ban đã phân chia các nhóm mua bán máu để tránh tình trạng tranh chấp địa bàn. Mỗi ngày, tên Ban nhận 500 NDT từ mỗi nhóm mua bán máu.

Trong giới tội phạm “huyết đầu”, đối tượng tham gia được chia thành 2 loại, một loại chuyên lảng vảng tại bệnh viện tìm kiếm người bệnh đang cần truyền máu. Còn lại là những kẻ chuyên “săn” người có ý định bán máu và gom họ đến bệnh viện hoặc trung tâm huyết học để “hiến” máu. Thống nhất giá cả xong, đối tượng “cò” liên lạc với đồng bọn để sắp xếp người muốn bán máu gặp bệnh nhân. Thông thường, 1.000 NDT mua được 400 CC máu, trong đó kẻ được tìm người bệnh hưởng 400 NDT, kẻ dẫn người bán máu nhận 200 NDT, người bán máu chỉ nhận số tiền còn lại.

Đáng nói là một vài nhân viên của bệnh viện còn tiếp tay cho “cò” máu. “Tôi quen một hộ lý, mỗi lần có người bệnh cần truyền máu là cậu ấy báo tin cho tôi, tôi trả hộ lý 100 NDT và cậu ta đã giới thiệu cho tôi được 20 bệnh nhân” - một “cò mồi” tên Ngô tiết lộ. Ngoài ra, có nhiều tình tiết không ngờ tới khi cơ quan công an khai thác thông tin từ những người bán máu. Người ốm, người không đủ tiêu chuẩn hiến máu (do nặng chưa đến 60 kg) nhưng vẫn bán máu trót lọt nhờ tài “phù phép” giấy tờ và đưa tiền “lót tay” nhân viên y tế của “cò” máu. Thậm chí, trong một vài vụ án, “cò” máu còn dùng thủ thuật cho người bán máu uống loại thuốc bổ gan giảm nồng độ men aminotransferase để người bán máu qua được vòng kiểm tra.

Theo Anninhthudo.vn

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý