Rước họa vào thân vì cầu "thần dược" chốn tâm linh

mesu mesu @mesu

Rước họa vào thân vì cầu "thần dược" chốn tâm linh

(ĐSPL)  Lợi dụng đầu xuân, nhiều người tìm tới chốn tâm linh để cầu bình an, sức khỏe, các tệ nạn chèo kéo khách mua chim phóng sinh... bán thần dược, sung dược xuất hiện nhan nhản.

02/03/2015 11:12 PM
509

Rước họa vào thân vì cầu "thần dược" chốn tâm linh - Ảnh 1

Tắc kè bay đang được săn bắt, tận diệt với mật độ kinh khủng hơn bao giờ hết vì người mua quá nhiều.

Thuốc của “thần y”?

Theo ghi nhận của PV Báo Đời sống và Pháp luật, tại một số di tích, danh lam thắng cảnh mang yếu tố tâm linh ở các tỉnh thành phía Nam, đặc biệt nhất là tại Chùa Bà (Bình Dương), Miếu bà chúa Xứ (An Giang), Núi Bà Đen (Tây Ninh)... có lượng người du xuân rất đông.

Theo quan niệm của nhiều người, thì đầu năm mới tìm đến các đình, chùa, miếu mạo là để cầu may, bình an và làm ăn phát đạt. Nhưng, có một điều mà hầu như ai cũng mong muốn chính là sức khỏe. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng lừa đảo, giả danh thầy thuốc đến các nơi này để bán “thần dược”.

Tại khu vực Núi Bà Đen, những ngày đầu xuân lúc nào cũng kẹt cứng người. Dù đơn vị quản lý núi đã có nhiều biện pháp nhưng do lượng người quá đông nên ai cũng phải chen lấn. Vừa bứt ra khỏi nơi thờ Bà, bước xuống tam cấp thì nghe anh Trần Thanh Hồng (ngụ Q.8, TP.HCM) chia sẻ, vừa có người tiếp cận giới thiệu bài thuốc gia truyền giúp nam giới cải thiện sinh lý. Anh này nói, có bài thuốc của một lương y nổi danh nào đó, từng ngự trên Núi Bà Đen này sáng chế ra. Nguyên liệu là những cây thuốc quý trong khu vực!

Anh Hồng cho biết, khi hỏi giá bao nhiêu thì người đó nói, thấy anh là người thật thà, lại thành tâm kính lễ, chỉ lấy anh 200 ngàn đồng một gói. Gói thuốc này, anh sẽ uống trong vòng một tuần, sau ăn, ngày nào cũng uống. Khi đang ngã giá, thoáng thấy bảo vệ của Khu di tích núi Bà, dù người này chưa bán được hàng nhưng cũng tỏ ra bận bịu, làm bộ lấy chiếc điện thoại trong túi áo ra nghe rồi chuồn mất dạng.

Để tìm hiểu thêm thông tin, PV xuống núi, lân la khu vực gần các bãi giữ xe của Khu di tích Núi Bà Đen và tình cờ gặp một đối tượng khác, tên Hùng, quảng cáo bán “thần dược” chữa đau bao tử (dạ dày, gout và đau gai cột sống...). Hùng cho biết, thuốc này là của một lương y trong hội Y học cổ truyền tỉnh Tây Ninh, rất nổi tiếng.

PV hỏi, lương y nào, ở đâu thì Hùng tỏ ra ấp úng và đánh trống lảng. Trong suốt cuộc trò chuyện, Hùng liên tục “nổ tung trời” về công dụng của loại thuốc đông y, với những cây thuốc quý được tìm từ trong các khu rừng sâu của khu vực Tây Ninh, Bình Phước.

Tuy nhiên, khi PV nhìn kỹ thì thấy một số lát vỏ cây có màu trắng, cùng ít lá cây trà (giống cây trà Hoàn Ngọc) và một loại hạt nhỏ. Hùng cho biết, một gói thuốc, sắc uống trong một tháng, chữa bệnh gout có giá 300 ngàn đồng. Nếu lấy từ năm gói trở lên thì giá sẽ giảm còn 250 ngàn đồng/gói.

Để tìm thêm thông tin, PV hỏi tiếp nhưng Hùng khôn khéo từ chối và tỏ ra khó chịu. Đến khi PV hỏi, bán ở đây, anh có được ai cho phép không, Hùng dằn mặt: “Mua thì mua không thì thôi, đừng có vặn vẹo, hỏi lằng nhằng...”, rồi vùng vằng bỏ đi.

“Sung dược” bủa vây du khách

Tương tự, vào những ngày đầu xuân này, tìm đến khu vực Chùa Bà (Bình Dương), người đi lễ cũng đông như kiến. An ninh trật tự ở đây khá tốt, vé số được quy hoạch ngồi trước cửa ra vào. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng vé số, bán nhang dạo, chim phóng sinh... trà trộn vào bán trong sân chùa. Ở đây, tìm người bán “thần dược” khó hơn các nơi khác. Gần nửa ngày nhưng PV chỉ thấy có một người tàn tật đi bán cây hoa nở ngày đất.

Anh Hòa, người bán cây này cho biết, nó là “thần dược” chữa được bệnh gout, hiện đang rất được ưa chuộng. Hòa nói, ở Sài Gòn người ta tìm mà không có phải lên tận các tỉnh khác như Bình Phước, Đồng Nai mới mua được.

Về giá cả, loại “thần dược” này cũng không rẻ chút nào. Hòa nói, vì khan hiếm và là “thần dược” nên giá cây hoa nở ngày đất loại khô là 250 ngàn đồng/kg. Dù nói khan hiếm nhưng Hòa cho biết, muốn mua bao nhiêu cũng có.

Bên cạnh các điểm trên, thì việc bán “thần dược” ở các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng diễn ra khá rầm rộ. Đặc biệt, trước các đình, chùa, miếu mạo... luôn có những người chở theo nhiều bình rượu ngâm các loại động, thực vật quý hiếm đi bán. Gặp khách nam giới, nhất là những người trung niên là họ chào mời ngay.

Khi PV vừa đặt chân tới khu vực gần Miếu bà chúa Xứ (An Giang) thì thấy một người chở ba bình lớn và hai bình nhỏ, bên trong ngâm nhiều thứ nào rắn hổ mang, rắn cạp nong, bọ cạp. Hỏi một bình có giá bao nhiêu, người đàn ông cho biết, nếu lấy bình lớn thì 1,2 triệu đồng. Bình nhỏ có giá 700 ngàn đồng. Đây là những bình rượu đã ngâm được hai năm.

Bên cạnh đó là các loại “sung dược” như bọ cạp, rít, nhện hùm, bổ củi... cũng được bày bán nhan nhản. Tập trung nhiều nhất vẫn là khu vực Tịnh Biên (An Giang), giáp với nước bạn Campuchia. Nói về những bài thuốc dạo kiểu này, lương y Đinh Công Bảy, hội Dược liệu TP.HCM cho rằng, đó chỉ là lời quảng cáo của những người bán hàng.

Cũng theo lương y Đinh Công Bảy, việc chữa bệnh bằng đông y, hay sử dụng một bài thuốc, cây thuốc nào đó thì phải có sự tư vấn, thăm khám của các lương y, thầy thuốc, chứ không thể nghe lời ai đó mà tự ý sử dụng. Tốt nhất là mọi người nên tìm đến các thầy thuốc, lương y có uy tín, làm ăn đàng hoàng để có được sự tư vấn chính xác nhất.

Đồng quan điểm, tiến sỹ Đào Đại Cường, nguyên giảng viên trường đại học Y dược TP.HCM cũng cho biết, việc sử dụng các loại “thần dược”, “sung dược” không rõ nguồn gốc, có thể dẫn đến mắc các loại bệnh khác như thường. Ví như khi mua “thần dược” có ngâm chim, rắn,... nếu không được xử lý đúng cách, kỹ lưỡng, thì các loại ký sinh trùng có thể vẫn còn bám vào. Vì vậy, khi uống vào có thể làm cho cơ thể có tác dụng ngược lại.

Dạo quanh một số chùa, đình, miếu tại khu vực TP.HCM, PV cũng ghi nhận một số người mang “thần dược” đi bán. Bên cạnh đó, theo tìm hiểu của PV, tình trạng này ở phía Bắc cũng khá phổ biến. Vì vậy, người tiêu dùng cần phải tỉnh táo khi mua các bài thuốc “thần dược”, “sung dược” kiểu này.

Theo tìm hiểu của PV, tại lễ hội Yên Tử (TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) đang xuất hiện nhiều đối tượng bán các loại “thần dược” tăng cường sinh lý, tiêu mỡ giảm béo, men gan cao... Thậm chí, tại khu vực bên ngoài nơi tổ chức lễ hội cũng xuất hiện nhiều quầy bán “thần dược” chữa bách bệnh. Chưa hết, tại lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội) cũng xuất hiện hàng loạt quầy bán thuốc đông y được quảng cáo là “thần dược” chữa bệnh vô cùng hiệu quả. Giá bán các loại “thần dược” tại lễ hội Yên Tử, chùa Hương từ 30 – 150 ngàn đồng/gói.

CHÍ THANH - XUÂN HOA

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý