Sản lượng ít, nhu cầu cao nhưng… khó tiêu thụ

nhidong nhidong @nhidong

Sản lượng ít, nhu cầu cao nhưng… khó tiêu thụ

Hàng loạt thông tin về sản phẩm không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm khiến người tiêu dùng rất lo lắng tìm kiếm sản phẩm sạch.

04/12/2013 12:20 PM
1,146

Nhưng nghịch lý trên thị trường là nông sản VietGap (sản phẩm sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) vẫn… bí đầu ra.

Vất vả từ sản xuất đến tiêu thụ

Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện sản lượng tiêu thụ rau mỗi ngày tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố là hơn 217 tấn, gồm 119 tấn rau thường và hơn 98 tấn rau VietGap. Trong số này, các đơn vị sản xuất rau của thành phố cung ứng khoảng 38% tổng sản lượng (46% rau thường và 29% rau VietGap, phần còn lại nhập từ miền Đông, miền Tây). Hiện lượng cung ứng sản phẩm VietGap của các đơn vị sản xuất trên địa bàn chiếm chưa tới 1/3 so với tổng lượng cung ứng đối với mặt hàng rau lá và chỉ khoảng 1/10 mặt hàng rau quả so với nhu cầu tiêu thụ của thành phố. Kênh phân phối chủ lực của sản phẩm VietGap là siêu thị; các kênh phân phối còn lại như chợ, bếp ăn công ty, trường học… chiếm tỷ lệ không đáng kể. Điều này cho thấy tiềm năng dành cho các đơn vị cung ứng sản phẩm VietGap vẫn rất lớn.

Các HTX giới thiệu sản phẩm sản xuất theo VietGap tại hội nghị kết nối và tiêu thụ hàng nông sản tại TP Hồ Chí Minh.

Dù thiếu sản phẩm và nhu cầu sản phẩm sạch của người tiêu dùng rất cao nhưng sản phẩm VietGap lại… khó tiêu thụ. Theo bà Đào, ngoài các khó khăn thuộc về nhà sản xuất liên quan đến phương thức, quy trình thu mua, tiêu chuẩn chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm… thì khi đưa ra thị trường, sản phẩm VietGap còn vấp phải khó khăn là giá rau VietGap cao hơn 10-15% so với các rau thường. Trong khi đó, người tiêu dùng vẫn chưa phân biệt được rau VietGap và các loại rau thường, chưa thấy được sự khác biệt về mức độ an toàn của rau VietGap.

Với sản phẩm thịt lợn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap, ông Nguyễn Phước Trung, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện thành phố có 1 HTX và 30 nhóm sản xuất thịt lợn đạt chứng nhận VietGap (trong khuôn khổ dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm - Lifsap) với sản lượng 31,5 tấn/ngày. Dù giá thành sản xuất thịt lợn VietGap cao hơn khoảng 5% nhưng giá bán cũng chỉ tương đương với thịt lợn thường.

Tìm đầu ra?

Theo khảo sát của Sở Công thương, thì nhu cầu tiêu thụ mặt hàng VietGap những năm tiếp theo đều tăng. Cụ thể, dự báo tổng sản lượng tiêu thụ mặt hàng rau VietGap năm 2014 là 137 tấn/ngày (tăng 39% so với nhu cầu hiện tại) và đến năm 2020 là khoảng 962 tấn/ngày (tăng gần 900%). Theo ông Nguyễn Phước Trung, các HTX trên địa bàn đều đủ năng lực mở rộng sản xuất VietGap để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hồng cũng đánh giá, năng lực của các doanh nghiệp, HTX sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo quy trình VietGap trên địa bàn là rất lớn. Những khó khăn về sản phẩm do giá cao, việc tiêu thụ không ổn định là do thiếu sự kết nối giữa người sản xuất và nhà phân phối. Vì vậy, Phó Chủ tịch chỉ đạo Sở NN&PTNT tăng cường mở rộng, hướng dẫn quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap cho các đơn vị sản xuất trên địa bàn, trong đó chú ý triển khai sản xuất cây giống, con giống; Sở Công thương hướng dẫn các hệ thống phân phối thiết kế khu vực trưng bày dành riêng cho các sản phẩm VietGap nhằm thu hút, tạo điều kiện cho người tiêu dùng lựa chọn, sử dụng các sản phẩm sạch, an toàn. Riêng đối với các nhà cung ứng nông sản phải xem lại hướng sản xuất theo đúng quy trình, theo nhu cầu của người tiêu dùng và đơn đặt hàng. Theo bà Nguyễn Thị Hồng, nếu các bên phối hợp tốt thì chắc chắn VietGap sẽ không còn khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX sản xuất mở rộng sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng được dùng sản phẩm sạch, đạt điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo HNM

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý