Sân pháp đình đầy nắng

baybeface1 baybeface1 @baybeface1

Sân pháp đình đầy nắng

Để điện thoại chế độ im lặng, vài giờ nữa tôi sẽ ngồi ghế Chủ tọa phiên tòa xét xử một vụ án nghiêm trọng.

13/02/2016 08:15 AM
18

Bao giờ cũng thế, tôi rất thận trọng ở mỗi phiên tòa, khi ngồi ghế Hội đồng xét xử mà tôi vẫn tâm niệm mình có nhiệm vụ phải cầm bó đuốc lớn, để soi sáng tìm ra sự thật, và phải chịu sức nóng rừng rực bởi áp lực làm sao cho bản án được tuyên không sai sót, đúng người, đúng tội…

Màn hình điện thoại bật sáng. Số điện thoại của vợ! Thường thì cô ấy không bao giờ gọi cho tôi, trừ việc khẩn cấp lắm.

 - Anh à, có người đến nhà nói “Tôi là SS3, đến tìm ông Tấn”.

Tôi thoáng nghĩ, rồi trả lời vợ: - Thế à? Anh đang vội. Anh vào phòng xét xử đây!

Phiên tòa kết thúc, lòng nhẹ thênh thênh, dù tôi không thể làm vừa lòng một vài ông chú, bà cô của bị cáo, thậm chí cả vị hội thẩm tham gia xét xử. Tôi nhớ rõ khuôn mặt người mẹ giàn giụa nước mắt nhưng ánh lên niềm hy vọng.

Điện thoại bàn làm việc của tôi hiện số người gọi. Số lạ, nhưng là số nghiêm túc. Số máy điện thoại di động có đăng ký, chứ không phải sim rác.

- Tôi nghe!

- Xin lỗi, có phải ông Tấn đấy không?

Nghe một giọng nói quen quen từ lâu lắm bỗng trở về, qua điện thoại.

- Tôi Tấn đây. Ông là SS3?

Người đàn ông bên kia đầu dây cười khùng khục:

- Rất không hổ danh “Tấn mặt sắt”. Đúng! Tư Sáng đây!

Đúng là anh ta. Một thằng bạn, bạn học, bạn cùng quê đã có bao nhiêu kỷ niệm gắn bó và cũng đã từng làm cho sự nghiệp và công việc của tôi lao đao một thời.

- Nhớ rồi! - Tôi vẫn lạnh lùng, nói một câu để hắn hiểu là tôi vẫn là bạn, không còn giận hắn nữa - Anh đã đến nhà tôi, Rồng đến nhà Tôm có việc gì thế?

Sáng là bạn thông minh, nhiều sáng kiến, kể cả sáng kiến nghịch ngợm động trời.

- Chưa biết ai rồng, ai tôm. Tôi muốn gặp ông về chuyện tình. Tình yêu đờn ông đờn bà! - Tôi có cảm giác Tư Sáng đang nheo mắt cười.

- Giỡn vừa thôi.

- Không giỡn. Ông có món nợ đó. Mà tôi cũng nợ.

- Chuyện gì nói vắn tắt đi.

- Không nói trên điện thoại được! Chiều mai, thứ Sáu, ba giờ tôi sẽ đến phòng của ông. Tiếp nhau được chứ? Thu xếp đi…

Tôi cười: - Thư ký của tôi sẽ trả lời ông.

Sân pháp đình đầy nắng

Ảnh minh họa

Nhiều khi tôi rất khó phân biệt được các tình huống phạm tội qua cáo trạng với một hiện tượng trong đời sống. Mọi thứ cứ chồng chéo, móc nối, liên kết vào nhau. Biết đâu phiên tòa sáng nay tôi vừa tuyên bị cáo 18 năm tù với tội danh giết người, mà lại là con giết cha, vừa vi phạm luật pháp vừa có tội với đạo lý… lại không liên quan đến cú hẹn của Tư Sáng. Đúng rồi, SS3 với Sáng Lỳ bỗng chốc đưa tôi về với quá khứ gần bốn mươi năm trước.

Tôi - Tấn, Sáng và… một người nữa -Nghĩa, là bộ ba chơi với nhau. Sàn sàn tuổi nhau, cùng xóm rồi cùng trở thành ba chiến sĩ liên lạc của tiểu đoàn 309. Thế rồi cùng lên tàu Balan Kilinxki tập kết ra miền Bắc. Sầm Sơn mùa đông lạnh cóng, ba đứa chúng tôi chụm lại thành “tiểu đội Sầm Sơn 3”, tức SS3.

Điều làm tôi nhớ mãi là khi chia tay chúng tôi, có cả con nhỏ Thắm. Những ngày chuẩn bị đi tập kết, nhỏ Thắm cứ bám riết lấy thằng Nghĩa, rồi sụt sùi, còn tặng cho Nghĩa cả khăn mù-xoa, thêu chim hoa, lá cành. Tôi tỉnh queo, nhưng thằng Sáng thì đẫn đờ ra mặt.

Một đêm giá lạnh Sầm Sơn, nhằm lúc Nghĩa ra ngoài, Sáng nói với tôi:

- Ê, thằng Nghĩa có vợ rồi mầy.

- Lấy đứa nào?

- Con Thắm đó.

Tôi ngớ người: - Ờ. Tao cũng thấy con Thắm đeo nó hôm mình qua Chắc Băng. Mà nó có làm đám cưới không ta?

- Làm đàng hoàng. Có cả Ủy ban chứng nhận. Chỉ không có tụi mình thôi.

Ngày đó chúng tôi được đưa về học văn hóa ở trường Bổ túc công nông. Tốt nghiệp bổ túc, tôi được học lớp nghiệp vụ chuyên ngành pháp lý sáu tháng, rồi được đặc cách học khóa đào tạo cán bộ Trung – Cao cấp Pháp lý do chuyên gia Liên Xô trực tiếp giảng dạy. Ra trường trở thành cán bộ Tòa án. Thư ký tòa án vài năm, tôi trải qua nhiều lớp đào tạo, bảo đảm đủ điều kiện quy định, tôi được bổ nhiệm thẩm phán và theo nghiệp xét xử từ đó đến giờ.

Những năm đầu, chúng tôi còn chăm viết thư cho nhau. Về sau do bận học hành, nhiều mối riêng tư khác, thay đổi địa chỉ luôn, thư từ thưa dần. Tôi chỉ biết Nghĩa học giao thông, rồi tham gia quản lý đường sắt Hà Thái. Còn Sáng được đi học ở Liên Xô.

 

Tôi dặn anh em, có người tên Sáng đến gặp thì cho vào. Tôi lục lọi lại trí nhớ, dần dần hình dung ra Tư Sáng - Bùi Quang Sáng, một cán bộ thương nghiệp.

Sau giải phóng tôi về quê, nhưng không biết tin gì về những người bạn của mình. Chiến tranh, ly tán. Má tôi cũng không còn ở làng cũ. Người mà tôi hy vọng và rất muốn gặp là Thắm, thì cũng không gặp được. Chỉ nghe nói Thắm có chồng là sĩ quan quân đội Sài Gòn, rồi lên Sài Gòn sinh sống. Tôi nghĩ Thắm đã di tản theo chồng.

Tôi đang mông lung thì Tư Sáng xuất hiện, đúng giờ và bộ dạng rất trịnh trọng.

Thật ra, tôi đã biết về Sáng: giàu có, thế lực, khôn khéo, chưa bao giờ mắc phải kiện tụng. Hơn nữa, Sáng còn là một nhà hảo tâm danh tiếng trong việc làm từ thiện. Người như thế khó bề mắc lỗi trong đời sống. Tôi chủ động bỗ bã:

- Tôi vẫn theo dõi ông. Và, chắc là ông chẳng bao giờ phải gặp mặt quan tòa?

Tôi nghĩ Sáng sẽ cười phá lên, như bạn bè, như lính tráng hồi xưa. Nhưng không, hắn chỉ hơi hé nụ cười bí hiểm như La Giocond:

- Không ai chắc được điều gì cả đời, anh Tấn. Xin phép anh cho tôi vào chuyện ngay. Có việc này. Việc này đáng lẽ thằng Nghĩa phải gặp anh. Nhưng nó ngại. Đúng ra là nó không dám gặp anh. Anh nhớ Nghĩa chứ?

- Nhớ chứ, sao không dám gặp? Giờ Nghĩa thế nào?

- Nó đang đợi tôi, và Thắm vẫn sống ở Sài Gòn. Này, anh biết không, con trai Thắm phạm tội giết người. Cố ý giết người thi hành công vụ - Tư Sáng thì thào.

- Con trai Thắm? Giết người?

Tôi cố gắng đẩy khỏi ngực mình tảng đá khổng lồ mà Sáng vừa đặt lên.

- Thắm đã lấy chồng, một sĩ quan quân đội Sài Gòn. Họ có hai con với nhau. Thằng phạm tội là đứa nhỏ. Sự vụ mới xảy ra cách đây ít ngày.

- Có phải vụ xô xát ở Công viên Hoa Sen, giữa một nhóm thanh niên với dân phòng và công an?

- Đúng đấy. Một sĩ quan công an bị đâm, theo tôi biết vết thương khá nặng, rất nguy kịch. Cái thằng định giết công an chính là thằng Bửu, con trai của Thắm.

- Thằng bé ấy có sao không? - Tôi buột miệng hỏi

- Nó cũng bị thương. Đang được điều trị và bị canh giữ tại bệnh viện của công an.

- Rắc rối quá? Xử lý sao bây giờ?

- Xử lý sao thì anh, các anh cầm cán cân công lý phải biết cách. Tôi chỉ muốn báo để anh biết. Giờ tôi xin phép.

- Ngồi đã, Tư Sáng. Tôi còn thì giờ mà…

- Nếu vậy thì tôi xin nói nốt: tôi luôn có ý định và rất muốn được gặp anh. Thấy anh vẫn như xưa, tụi tôi rất mừng.

- Anh tưởng tôi không muốn gặp bạn bè hay sao? Ngày mai, tôi muốn gặp Nghĩa và Thắm. Cả hai người.

Sáng xua tay:

- Đừng! Đừng! Nhà họ đang có công an theo dõi.

- Sao thế? Một vụ xô xát thôi mà?

Sáng xuống giọng nói thầm:

- Thằng bé ấy lúc gây án đã nói ra miệng câu “Đòi công bằng cho ba tao”! Vụ án chính trị mất rồi!

Sáng đã ra khỏi phòng, còn tôi bao câu hỏi dồn dập trong đầu: Như thế là Nghĩa đã về với Thắm? Hai người đàn bà, Thắm và Duyên sẽ ăn ở với nhau như thế nào, xung quanh cái trục là Nghĩa?

 

Ký ức lại ùa về. Tôi nhớ rất rõ sau khi học xong lớp đào tạo cán bộ pháp lý do chuyên gia Liên Xô đào tạo, tôi được phân công về công tác ở Tòa án tỉnh, nơi miền quê Trung du yên bình ở phía Bắc, nơi có con đường sắt chạy qua.

Cũng xin nói một chút về ngành Tòa án ngày ấy. Chiến tranh, miền Bắc bom đạn, chiến trường miền Nam kiên cường đánh Mỹ, Toà án cấp tỉnh đã kịp thời xét xử nghiêm bọn phản cách mạng, các hoạt động gián điệp, các hành vi chống phá chính quyền nhân dân. Thời gian sau đó, công việc bớt phức tạp, chúng tôi nhàn nhã hơn nhưng cũng vì thế mà như ngồi chảo lửa. Ở miền Nam hàng ngày đồng bào đang sôi sục cuộc kháng chiến trực diện chiến đấu với kẻ thù, thì ở đây, chúng tôi là những thanh niên khoẻ mạnh, ngày ngày ngoài việc “nghe tin thắng trận”, còn đưa tiễn hàng ngàn bạn trẻ nhập ngũ, lặng lẽ ra chiến trường. Tôi đã làm đơn xin vào chiến trường đánh Mỹ diệt Ngụy, nhưng không được chấp thuận. Có lần Chánh án TAND tỉnh cũng là người miền Nam tập kết ra Bắc đã nói với chúng tôi:

- Các cậu còn trẻ, nhiệm vụ cách mạng còn dài. Trước mắt các cậu có nhiệm vụ hết sức quan trọng. Không thể xao nhãng một giây, một phút bảo đảm hậu phương an toàn, yên ổn. Và ông quay sang hỏi tôi:

- Cậu có biết đá banh không?

- Dạ, thưa anh, em biết đá… tiền đạo.

- Tiền đạo? Thế cậu có biết, để ghi được một bàn thắng vào gôn đối phương khó khăn cỡ nào không? Vậy mà… hậu vệ ngớ ngẩn để thủng lưới nhà thì công lao của tiền đạo có còn gì nữa không?

Rồi Chánh án nhỏ nhẹ: - Tôi cũng muốn vào mặt trận. Nhưng ai cũng không muốn làm hậu vệ thì làm sao thắng nổi đối phương?

Câu nói của Chánh án đã dập tắt ước muốn của tôi được vào chiến trường tham gia cầm súng chiến đấu.

Mà lại nói chuyện trong “cuộc đời làm hậu vệ” của mình, ngày ấy tôi đã suýt để thủng lưới một bàn. Nguyên nhân cũng từ Nghĩa. Mà không chỉ một mình Nghĩa, cả từ Tư Sáng nữa.

Cung đường sắt Nghĩa đang công tác có một đoạn chạy qua tỉnh tôi. Bất ngờ gặp lại Nghĩa, hắn rủ tôi đến khu nhà tập thể của mình, rồi nói:

- Tao sắp cưới vợ!

Tôi giật mình: Nhưng… còn Thắm?

Như cuộn phim chiếu nhanh, tôi nhớ lại hình ảnh Thắm đi bên Nghĩa trên bờ mương Chắc Băng. Lúc đó tôi thấy Thắm đẹp như nàng tiên đồng nội.

 Nghĩa sụp xuống như một ông già. Nghĩa nói:

- Hai năm? Đi tập kết, cấp trên nói sau hai năm sẽ trở về. Tao cũng nói với Thắm như vậy. Mà bây giờ đã hơn mười năm rồi… Tin tức thì biền biệt! - Nghĩa ảo não.

Hai đứa hút hết bao thuốc Tam Đảo, Nghĩa ném cho tôi cái mền:

- Mày ngủ đây với tao đêm nay.

Tôi nằm thao thức. Sáng sớm, Nghĩa kéo chăn, giục tôi dậy:

- Mày đi với tao.

Tôi chưa biết Nghĩa đưa tôi đi đâu. Hai đứa đạp xe theo con đường nhỏ ngoằn ngoèo gập ghềnh vết chân trâu bò, rẽ vào một ngôi nhà lợp rạ, bốc lên một làn khói xanh, yếu ớt. Tôi sẽ rất khó quên buổi sáng ấy, nó vừa thanh bình, mà nó cũng ẩn giấu một cơn sấm sét dữ dội, từ ngôi nhà ấy, từ làn khói lam mong manh ấy. Tôi vào thế bị động, nhưng không thể làm khác được.

Đó là việc mà tôi đành phải đóng vai đại diện “nhà trai” đến ra mắt cho Nghĩa cưới vợ. Nhà ấy là nhà của Duyên. Chi tiết cuộc gặp như thế nào, tôi không còn nhớ, chỉ còn đọng lại những giọt nước mắt của bà mẹ. Mà sau này, tôi mới biết đó là… mẹ chồng của Duyên.

Sau đó ít ngày, Nghĩa chuyển về ở hẳn trong nhà với mẹ con Duyên. Mọi chế độ, tiêu chuẩn gạo, nhu yếu phẩm cán bộ của Nghĩa đều đã được chia sẻ với “ngôi nhà không có đàn ông” ấy.

“Đám cưới” - thời chiến tranh là thế - của Nghĩa Duyên được mười ngày thì tôi nhận được đơn kiện. Người đứng đơn, không phải người thường, mà là tập thể Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên xã.

Họ kiện Nghĩa với tội danh “tằng tịu với vợ bộ đội đi B”!

Những tháng năm ấy, ai còn nhớ, thì các chị vợ bộ đội đi B luôn là mục tiêu theo dõi của đủ mọi con mắt. Các chị bị giám sát bởi đoàn thể, chính quyền, bởi họ hàng bên nội, bên ngoại, bằng bạn bè thương hại và cả những người đố kỵ… Trong nỗi chờ đợi mỏi mòn, các chị còn luôn bị rình rập, dụ dỗ của những con mắt khao khát, thèm thuồng của cánh đàn ông, trong đó không hiếm những kẻ “B quay”. Chính tôi đã ngồi ghế chánh án những phiên tòa lưu động xử vài vụ… tằng tịu với vợ bộ đội.

Tôi viết thư cho Nghĩa trách hắn, sao không nói rõ cho tôi biết. Hắn trả lời: “Mầy cho người đi điều tra, coi có đúng vậy không?”.

Sự thật là chồng Duyên đã hy sinh. Duyên ở với mẹ chồng. Giờ đây, Nghĩa vừa là rể, và cũng là con trai. Một buổi chiều tôi đã ngồi nói chuyện với bà. Bà không khóc, nhưng trong giọng nói chứa chật nhiều nỗi niềm, vừa u uất, vừa hạnh phúc hiếm hoi.

Tôi báo cáo với đảng ủy, ủy ban xã nơi Duyên đang sinh sống. Nói chung cũng chẳng dễ dàng gì. Những ngày ấy, cơ quan tôi cũng sôi sục âm ỉ chĩa mũi nhọn vào tôi. Sóng gió rồi cũng lặng dần.

Nhưng không! Sóng ấy chưa qua hẳn, mà còn đột ngột dấy lên nhằm vào Nghĩa, hay đúng hơn là nhằm cả vào tôi.

Mà oái oăm thay, con sóng ấy có tên là Bùi Quang Sáng, tức Tư Sáng đây bây giờ. Tôi nhận được lá đơn tố cáo Nghĩa và tố cáo cả tôi. Người đứng đơn chính là Bùi Quang Sáng. Sáng tố cáo và sẵn sàng đứng ra làm nhân chứng để chứng minh rằng: Lê Văn Nghĩa đã có vợ ở miền Nam, mà còn cưới thêm vợ. Trong đơn hắn tố cáo tôi với vai trò đồng lõa.

Đơn tố cáo có đoạn: “Chúng tôi, Lê Văn Nghĩa, Trương Thành Tấn và tôi Bùi Quang Sáng, sinh ra và lớn lên cùng một xã là bạn học thuở nhỏ, rồi cùng vào đơn vị sĩ trinh sát thuộc tiểu đoàn 309, Long Châu Sa.

Tôi, Bùi Quang Sáng, cùng với Trương Thành Tấn đã thấy tận mắt Lê Văn Nghĩa đã có vợ ở miền Nam, trước khi tập kết. Tôi và Tấn đã chứng kiến cảnh chia ly bịn rịn giữa người vợ tên là Thắm của Lê Văn Nghĩa. Trong quá trình tập kết ra miền Bắc học tập, công tác, chưa lúc nào Nghĩa bác bỏ người vợ miền Nam của mình.

Vậy mà khi Lê Văn Nghĩa có quan hệ bất chính với cô Duyên – vợ liệt sĩ ở Bắc Thái, thì Trương Thành Tấn – một người làm trong ngành Tòa án, không những không khuyên can, ngăn chặn mà còn đồng lõa. Tệ hại hơn nữa, Trương Thành Tấn còn là người đại diện bên đàng trai để tác thành, làm đám cưới cho họ.

Tôi, vì sự hy sinh vô bờ bến của những người vợ miền Nam, vì sự giữ gìn phẩm chất cán bộ, vì danh dự của người con miền Nam thành đồng, viết đơn này tố cáo hành vi vi phạm Hôn nhân gia đình, vi phạm đạo đức xã hội chủ nghĩa, xúc phạm đến tình cảm và lòng hy sinh cao cả của phụ nữ nói riêng và đồng bào miền Nam nói chung…”.

Đơn gửi đến cơ quan tôi. Gửi cả đến cơ quan đường sắt của Nghĩa. Tôi cũng nhận được cả công văn của Đảng ủy, lãnh đạo xí nghiệp nơi Nghĩa làm việc, với lời lẽ cao thượng và chỉ trích gay gắt. Tất nhiên, họ gửi cả đến cơ quan cấp trên của tôi.

Hồi đó là thế.

Lúc đầu tôi giận Sáng vô chừng, và thật sự hoang mang. Cơ quan họp, chi bộ họp rất căng thẳng. Và tôi tuyên bố: “Tôi xin về Nam!”.

Tôi gửi đơn lên lãnh đạo cơ quan. Tôi nói điều này với Nguyệt - người yêu tôi lúc đó, và là vợ tôi bây giờ. Cô ấy lặng lẽ đi bên tôi và nuốt nước mắt:

- Em sẽ đợi anh!

Đến lúc này trái tim tôi mới thấm hình ảnh và những giọt nước mắt của Thắm ở Chắc Băng hồi ở trỏng.

Vài ngày sau, tôi được Chánh án gọi lên làm việc. Chánh án hỏi  -Cậu muốn trở về trỏng lắm hả? Động cơ cậu trình bày thì chính đáng lắm. Hàng trăm, hàng ngàn cán bộ ta đều có chung ý nghĩ như cậu. Nhưng…

- Dạ… em xin chịu kỷ luật. Em chỉ thấy thương anh Nghĩa và cô Duyên.

- Kỷ luật là kỷ luật thế nào?

Tôi cảm nhận được Chánh án nói bằng một giọng chia sẻ. Tôi tự tin hơn:

- Em xin nhận hình thức kỷ luật thích đáng. Có thể cho ra khỏi ngành. Em muốn được làm bộ đội vào chiến trường cầm súng chiến đấu…

Chánh án đứng lên, đi lại trong lối đi chật hẹp sau bàn giấy:

- Kỷ luật thì dễ. Nếu đã sai thì có kỷ luật cậu cũng không lấy lại cái đúng được. Quan trọng là cơ quan đã xác minh, trường hợp của cậu không đến nỗi như người ta tố cáo, vì vậy không có chuyện kỷ luật. Còn cho cậu vào chiến trường cũng không khó. Nhưng Đảng, Nhân dân và Ngành cần cậu ở đây. Nếu tôi nhớ không lầm, có lần tôi đã nhắc các cậu: Trong đá banh, chúng ta cần tiền đạo để ghi bàn, nhưng ta cũng cần phải có những hậu vệ để bảo vệ thắng lợi…

Tôi không thể nào ngờ được, ngày tôi gặp lại bạn bè sau gần ba mươi năm xa nhau, lại trong một hoàn cảnh trớ trêu thế này. Chúng tôi hội ngộ tại trụ sở Tòa mà tôi là chủ tọa Hội đồng xét xử vụ “Chống người thi hành công vụ” và “Cố ý gây thương tích”. Tôi nhận ra Nghĩa, Duyên và đặc biệt là Thắm, những người liên quan, nhân chứng. Không thấy Tư Sáng, nhưng linh cảm của tôi mách bảo đang ở đâu đó.

Chúng tôi đã nghiên cữu kỹ từng chi tiết buộc tội và cả những tình tiết gỡ tội cho bị cáo, từ hồ sơ của cơ quan điều tra, của viện kiểm sát, và tất nhiên, cả những chứng cứ điều tra có được từ anh em Tòa án chúng tôi.

Tôi đặc biệt chú ý câu nói của bị cáo: Thằng Bửu, sinh năm 1973, năm nay vừa hai mươi hai tuổi: “Tìm lại sự công bằng cho ba tao”.

Nó run rẩy nhận tội theo lời khai trong bút lục. Tôi dõng dạc hỏi:

- Bị cáo hãy cho Hội đồng xét xử biết: động cơ nào để bị cáo đâm anh công an?

- Dạ, thưa Tòa, con… lỡ tay.

- Ai đưa dao cho bị cáo?

- Dạ… một người.

- Bị cáo có biết người đó không?

- Dạ bị cáo không quen biết.

- Đưa lúc nào?

- Dạ, ngay lúc đó.

Tôi yêu cầu thư ký phiên tòa ghi lại, và lưu ý vị Đại diện Viện kiểm sát và các luật sư lời khai trước tòa này của bị cáo Bửu.

Tiếp tục thẩm vấn:

- Bị cáo hãy trả lời: Bị cáo có nói câu “Đòi lại công bằng cho ba” không?

Nó ấp úng:

- Dạ thưa Tòa, bị cáo… không có nói! À mà, có… có ạ.

Tôi nghiêm giọng:

- Bị cáo hãy trả lời: Có nói hay không nói câu “trả thù cho ba tao”?

- Dạ… có! Bị cáo có nói.

- Nói trước hay sau khi đâm?

- Dạ, bị cáo vừa đâm vừa nói.

- Bị cáo có thật sự muốn trả thù cho ba mình không?

- Dạ thưa… Có người đứng sau, đưa cho bị cáo con dao rồi nói “Đâm nó trả thù cho ba mày đi”.

Kết thúc phần tranh luận, tôi cho phép người mẹ nói trước tòa. Áo dài đen, tóc chải mượt, búi thành cụm sau gáy, ánh lên những sợi bạc, bước lên từ ghế nhân chứng:

- Thưa quý Tòa. Tôi là Huỳnh Thị Thắm, năm mươi hai tuổi, mẹ ruột của bị cáo Lê Hoàng Bửu.

- Tòa hỏi: Bà đã nuôi dạy con như thế nào?

- Thưa… Con tôi lớn lên như một đứa trẻ bình thường, không bệnh tật về tâm thần. Cháu ngoan, hạnh kiểm tốt, lực học tốt. Chưa bao giờ bị phê bình, hay phạm lỗi… cho đến khi gây án, bị bắt.

- Tòa hỏi: Ông bà, tức cha mẹ đã quan tâm dạy dỗ con như thế nào?

- Thưa quý Tòa. Ba cháu là sĩ quan cấp bậc đại úy trong quân đội Sài Gòn. Trước khi cách mạng vào giải phóng, ông ấy đã di tản ra nước ngoài, để lại mẹ con tôi ở Việt Nam. Từ đó cho đến nay, tôi nuôi con một mình. Cho đến khi…

Tôi đoán rằng, Thắm sẽ nói tiếp: “Cho đến khi gặp lại Nghĩa, người chồng cũ”, nên đã ngắt lời:

- Thôi được rồi! Tòa hỏi tiếp: sự liên lạc giữa người cha với bị cáo từ khi di tản như thế nào?

Thắm cúi xuống, lặng đi.

- Ông ấy không còn nữa. Theo tin tức chúng tôi có được, thì ông ấy đã bị giết trong một cuộc gây lộn trong quán bar tại Mỹ, từ năm 1978.

- Được rồi, Tòa sẽ kiểm chứng (Thực ra tôi biết tin này rồi). Tức là người cha không trực tiếp tham gia dạy dỗ con? Tòa mời bà về chỗ.

Kết thúc thẩm vấn. Tòa tạm nghỉ. Tôi mệt oải người, đói nhưng không sao ăn nổi miếng cơm. Tôi ngồi lặng đi trong phòng của mình. Và một câu hỏi bất chợt từ linh cảm: Vì sao Tư Sáng lại xuất hiện vào thời điểm này?

Điện thoại rung lên. Tôi choàng mắt và đoán ra ai gọi rồi. Đúng là Tư Sáng. Hình như hắn theo dõi đầy đủ những gì diễn ra tại phiên tòa.

Thấy tôi im lặng, Tư Sáng nói: Anh mệt thì nghỉ đi. Tôi tắt máy đây!

Phiên tòa tiếp tục đến phần dành cho Đại diện Viện kiểm sát và luật sư đối đáp:

Luật sư: - Tôi đề nghị Tòa trả hồ sơ để cơ quan điều tra làm rõ “động cơ gây án” của thân chủ tôi. Trong lời khai trước tòa và cả bút lục, bị cáo đều thừa nhận khi gây án có nói to câu nói mà có những nhân chứng đã nghe được. Đó là câu “Đòi sự công bằng cho ba tao”. Đặc biệt trong lời khai trước tòa, thân chủ tôi đã nói rõ: Có ai đó đưa cho anh ta con dao và bảo: “Đâm chết thằng đó đi, trả thù cho ba mày”. Đề nghị Tòa làm rõ đó là ai?

Không chỉ đến khi luật sư đề nghị, mà tôi đã có quyết định ở trong đầu: Ngày mai nghị án, tôi sẽ đưa ra ý kiến  để Hội đồng trả hồ sơ yêu cầu cơ quan điều tra tiếp tục điều tra động cơ gây án của bị cáo. Nếu linh cảm nội tâm của tôi là đúng thì sẽ có một cáo trạng khác, mà kẻ bị truy tố chính là đã thực hiện âm mưu khiêu khích chính trị, nhằm phá rối tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta không ngừng xây dựng.

Chiến tranh đã đi qua, những vết thương vật chất đã mờ dần, lui về quá khứ. Nhưng mối hận thù chưa hết. Nhiều kẻ bị chặt đứt tham vọng vẫn bày mưu tính kế cho những tham vọng mới. Kinh tế đang dần hồi phục, và phát triển. Trên mặt trận hòa bình, chúng ta đã ghi những bàn thắng to lớn và ngoạn mục. Vì thế những người giữ khung thành không thể để lọt lưới. Không thể cầm hòa và càng không được phép thua trận. Tôi mãi ghi nhớ lời vị Chánh án của tôi như thế.

Tôi nhìn ra sân pháp đình đầy nắng, và ngoài xa lao xao tiếng người xe trôi đi trong thanh bình. Hình như có cả tiếng chim hót líu lo trong tàn cây xanh tỏa bóng. Cuộc sống đáng quý thật. Cuộc sống tự do trong sáng của hàng triệu triệu con người có được, một phần nhờ sự đóng góp của lớp lớp cán bộ Thẩm phán được cầm giữ cán cân công lý như chúng tôi – Tôi luôn tự hào về điều đó.

Rồi đây khi phiên tòa được mở lại, trong phòng xử án nghiêm minh và uy lực, tôi đứng trước các bị cáo dõng dạc, đanh thép đọc lên câu quen thuộc mà tôi từng đọc bao lần, mà lần nào cũng làm tôi xúc động bởi sự thiêng liêng, uy quyền của người được nhân danh công lý. Tôi sẽ bắt đầu: “Hôm nay, tại trụ sở Tòa án nhân dân…”.

Bỗng khuôn mặt Bùi Quang Sáng hiện ra. Không phải đối diện với tôi qua mặt bàn bạn hữu, mà là sau vành móng ngựa.

Tôi lắc đầu, xua đi ám ảnh. Tôi không muốn tin. Nhưng nếu là sự thật, tôi sẽ làm tròn trách nhiệm cao cả của một Thẩm phán được Nhà nước trao quyền bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Tôi sẽ “Nhân danh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Tòa tuyên án…”!

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý