Sau Arsenal, đến lượt Dortmund mở Học viện ở Việt Nam

ronandinho ronandinho @ronandinho

Sau Arsenal, đến lượt Dortmund mở Học viện ở Việt Nam

Dortmund, đội bóng hàng đầu của nước Đức, vừa mời nhà báo Vũ Công Lập tới thăm đại bản doanh của CLB và ngỏ ý muốn hợp tác với Tập đoàn Viettel để mở một Học viện bóng đá tại Việt Nam.

30/10/2014 07:36 PM
1,882

Cách đây vài hôm, tiến sĩ Vũ Công Lập, một nhà khoa học đồng thời cũng là một nhà bình luận bóng đá nổi tiếng, đã lên đường đi Đức công cán trong 1 tháng. Trong chuyến đi này, ông Lập có nhiều việc quan trọng, nhưng trong đó có một chuyện mà chắc chắn khi nghe đến, những người yêu bóng đá Việt Nam sẽ rất rạo rực. Đó là ông sẽ có một chuyến đến tận đại bản doanh của á quân Champions League 2013 - Borussia Dortmund.

 - Ảnh 1

Dortmund có hệ thống đào tạo trẻ rất ưu việt.

Dĩ nhiên, nếu là một chuyến đi chơi thì nói làm gì. Ông Lập được vị Giám đốc Diều hành của Dortmund mời qua tham quan và làm việc; một chuyến làm việc được xem là mở màn cho một dự án hấp dẫn: CLB khét tiếng này sẽ mở Học viện đào tạo bóng đá trẻ tại Việt Nam!

Được biết, không phải khơi khơi mà Dortmund mời ông Lập đến tận đại bản doanh của mình. Mọi việc xuất phát từ một lời đề nghị của Tập đoàn Viettel gởi đến CLB này về việc hợp tác mở Học viện bóng đá tại Việt Nam. Đây là một dự án rất hay của Viettel: Khôi phục lại Thể Công!

Như mọi người yêu bóng đá đều biết, Thể Công là một cái tên - thậm chí không phải là một cái tên, mà là hồn, là máu thịt của những người yêu bóng đá Hà Nội thuở xưa, đặc biệt là những người lính. Vì vậy, Thể Công biến mất trên làng bóng Việt là một nỗi đau khó nguôi ngoai của nhiều người.

Nhớ lại cái thời bóng đá Việt Nam bắt đầu bước chân vào con đường chuyên nghiệp, người ta đã dự báo Thể Công khó tồn tại do cơ chế quân đội khó phù hợp với cơ chế bóng đá nhà nghề. Lấy một ví dụ đơn giản nhất: Tiền của quân đội là tiền từ ngân sách, làm sao nuôi được một đội bóng chuyên nghiệp vận hành theo cơ chế thị trường.

Tuy nhiên, bây giờ quân đội có một đơn vị làm kinh tế hết sức thành công, đó là Tập đoàn Viettel. Những người lãnh đạo của Viettel hôm nay cũng như bao người lính khác, luôn khát khao gầy dựng lại Thể Công của một thời vang bóng. Xin đừng nghĩ đó là chuyện sống dựa vào quá khứ, mà hãy nhìn thấy ở đây một con tính của thị trường: ngàn vàng cũng chẳng dễ gầy dựng được thương hiệu sáng giá như Thể Công! Vậy nên, khi những người lính đã biết kiếm tiền bằng kinh doanh, họ hoàn toàn có thể dùng đồng tiền ấy để đầu tư vào một lĩnh vực như bóng đá, nhằm không bỏ phí một thương hiệu quá đẹp.

Và cách làm của những người lính hiện đại trên thương trường hôm nay chẳng giống hôm qua, đó là họ lên kế hoạch đầu tư bài bản không thua bầu Đức. Những người biết sứ mệnh của tiến sĩ Vũ Công Lập (cũng là một người lính) trong chuyến đi Đức lần này đã ví nó chẳng khác nào chuyến đi của ông Đoàn Nguyên Đức đến Anh gặp giáo sư Wenger!

Chúng ta hãy cầu mong cho “mối tình” Viettel-Dortmund sớm đơm hoa kết trái. Kết quả đó không chỉ nhằm giúp thương hiệu Thể Công hồi sinh, mà còn mang ý nghĩa quan trọng đối với bóng đá Việt. Nên nhớ, xét về đào tạo bóng đá trẻ, Dortmund chẳng kém cạnh Arsenal, thậm chí có phần nhỉnh hơn. Hãy cứ nhìn cách Dortmund đánh bại Arsenal cách đây không lâu thì rõ.

Hùng Anh (Tổng Hợp)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý