Sẽ phát phiếu thăm dò ý kiến đại biểu QH về điều 60 Luật BHXH

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

Sẽ phát phiếu thăm dò ý kiến đại biểu QH về điều 60 Luật BHXH

Chốt phiên thảo luận tại hội trường sáng 27/5, Phó chủ tịch Quốc hội cho biết QH sẽ phát phiếu thăm dò ý kiến đại biểu rồi mới quyết định có sửa đổi Điều 60 Luật BHXH hay không...

28/05/2015 11:36 AM
245

Tại phiên thảo luận sáng 27/5, các đại biểu Quốc hội đã tranh cãi gay gắt về điều 60 Luật Bảo hiểm Xã hội.

Tại phiên thảo luận, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng, Điều 60 đúng nhưng chưa đủ. Ông Nghĩa nói: "Phản ứng của công nhân tại 5 tỉnh vùng trọng điểm kinh tế phía Nam chúng ta có làm ngơ không? Họ biết là chọn 1 lần là hy sinh. Luật có hiệu lực chúng ta còn sửa được nói gì là luật chưa có hiệu lực”.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) thì thông tin, khi bà gặp công nhân lao động tại khu chế xuất, họ cho rằng Điều 60 và luật Bảo hiểm Xã hội năm 2014 là tiến bộ nhưng còn thiếu.

Công nhân nói rằng có những ngành nghề và khu vực lao động dệt may, da giày rất vất vả, phải tăng ca liên tục. Gần 40 tuổi khó đáp ứng được công việc, lúc đó chủ sử dụng lao động cắt hợp đồng nên khó xin việc ở nơi khác.

Trong khi đó, điều kiện cuộc sống của công nhân lao động nghèo còn thấp, thu nhập không cao trong khi các khoản chi tiêu không hề ít, do đó, họ muốn được nhận bảo hiểm 1 lần để khi cần thiết, họ có một khoản tiền nhất định để trang trải cuộc sống.

“Khi xem xét điều luật này, tôi chưa thực sự hiểu đầy đủ nguyện vọng của người lao động, cứ nghĩ mình làm luật như vậy là vì họ. Nhưng trong từng trường hợp cụ thể thì lại thấy Điều 60 thiếu thực tiễn. Nguyện vọng của người lao động là hợp lý, chính đáng” - bà Tâm nói.

   - Ảnh 1

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị sửa điều 60 Luật Bảo hiểm Xã hội. Ảnh: Người Lao Động

Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị, nên sửa điều 60 theo hướng bổ sung một khoản, đó là để người lao động có quyền lựa chọn hưởng Bảo hiểm Xã hội một lần hay bảo lưu để hưởng lương hưu ngay trong kỳ họp này. Còn nếu chưa sửa được điều 60 thì Quốc hội nên có Nghị quyết riêng cho phép tiếp tục thực hiện c khoản 1 Điều 55 Luật Bảo hiểm Xã hội cũ (năm 2006) cho đến khi sửa luật Bảo hiểm Xã hội năm 2014.

Đề cập đến những "bất công" của chế độ tiền lương hưu cho những người làm việc trong quốc doanh và ngoài quốc doanh, đại biểu Đặng Ngọc Tùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam kiến nghị chưa thông qua Luật Bảo hiểm Xã hội.

Ông Tùng thông tin, trường hợp hai người lao động cùng trình độ như nhau, cùng làm như nhau, cùng đóng bảo hiểm như nhau, và sau 30 năm đóng bảo hiểm xã hội thì người làm việc trong quốc doanh lãnh lương hưu gấp hai lần người làm việc ngoài quốc doanh. "Điều đó không thể chấp nhận được" - ông Tùng nói.

Theo ông, tổ chức công đoàn thấy rằng không những cần thiết sửa điều 60 mà trước đây đã kiến nghị tạm thời chưa thông qua Luật bảo hiểm xã hội. Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất, Quốc hội nên ra nghị quyết để người lao động được quyền chọn lựa hưởng bảo hiểm xã hội một lần, đồng thời lên kế hoạch để sửa Luật bảo hiểm xã hội 2014 một cách toàn diện...

Trong khi đó, đại biểu Hồ Thu Thủy thì cho rằng: “Đừng nhìn nhận một hiện tượng mà đánh giá bản chất, làm méo mó chính sách nhà nước, đi ngược lại quy luật, xu thế các nước phát triển”. Theo đại biểu Thủy, mục tiêu xây dựng Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 hoàn toàn đúng với chủ trương của nhà nước, nội dung điều luật phù hợp với xu hướng phát triển chung, quá trình làm luật đảm bảo chặt chẽ, đúng quy trình...

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy thì nêu ý kiến, cần chú trọng công tác tuyên truyền phổ biến Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 để người lao động nhận thức đầy đủ hơn. “Có phải tất cả người lao động về một lần đều thực sự khó khăn? Liệu số tiền hưởng bảo hiểm xã hội một lần có giải quyết được khó khăn trước mắt của bản thân và gia đình" - bà Thúy đặt câu hỏi và dẫn thông tin báo cáo của Chính phủ trong 5 năm 2010-2014, trong 2,3 triệu người hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì gần một triệu người mới làm việc 1 năm (chỉ được hưởng tối đa 1,5 tháng tiền lương đóng bảo hiểm xã hội).

Bà Thúy đề nghị Quốc hội ra nghị quyết cho phép người lao động sau 1 năm nghỉ việc được quyền lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội hoặc bảo lưu thời gian đóng. Sau thời gian thực hiện và lấy báo cáo tổng kết, sau đó mới xem xét có sửa đổi điều 60 Luật Bảo hiểm Xã hội hay không...

Do các đại biểu chưa thống nhất được ý kiến về đề xuất sửa đổi điều 60 Luật Bảo hiểm Xã hội của Chính phủ, chốt phiên thảo luận tại hội trường sáng 27/5, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tổng kết, nhiều đại biểu muốn Quốc hội có một nghị quyết về việc bảo lưu Điểm c, Khoản1, Điều 55 Luật bảo hiểm Xã hội năm 2006 đến một thời gian nào đó. Sau khi đánh giá tổng kết, thăm dò ý kiến một cách toàn diện đầy đủ đối tượng người lao động, Quốc hội sẽ tính đến việc có sửa hay không sửa Điều 60.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết: "Quốc hội dự kiến gửi phiếu thăm dò ý kiến đến các đại biểu về vấn đề này, sau đó sẽ xem xét quyết định theo ý kiến chung của đại biểu Quốc hội".

Hà An

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý