SEA Games 31 và những lo ngại quanh bài toán nghìn tỉ

mu mu @mu

SEA Games 31 và những lo ngại quanh bài toán nghìn tỉ

Mới đây, bộ VHTT&DL làm tờ trình xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ xem xét và đồng ý cho Việt Nam đăng cai Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 năm 2021.

19/04/2015 12:30 AM
541

Mới đây, bộ VH-TT&DL làm tờ trình xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ xem xét và đồng ý cho Việt Nam đăng cai Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 năm 2021. Đây sẽ là lần đăng cai SEA Games lần thứ hai tại Việt Nam (lần đầu SEA Games 22 năm 2003). Tuy nhiên, dư luận đang dấy lên những lo ngại xung quanh việc tổ chức, xây dựng, đầu tư cơ sở vật chất cho đại hội cùng với nguồn kinh phí sẽ phải bỏ ra...

Báo cáo để được duyệt đã, kinh phí thực... tính sau?

Ngày 19/3, ông Chris Chan - Chủ tịch Ủy ban Thể thao và Luật của SEAGF - đã có thư gửi ông Hoàng Tuấn Anh - Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam - về việc xác nhận tổ chức SEA Games 2021. Trong thư, ông Chris Chan cho biết: “Theo Hiến chương SEAGF, SEA Games sẽ được tổ chức hai năm một lần quay vòng đăng cai theo thứ tự A, B, C. Trong cuộc họp hội đồng SEAGF tổ chức tại Singapore ngày 29/4/2014, hội đồng đã thống nhất Malaysia sẽ có trách nhiệm tổ chức SEA Games 29 năm 2017, Brunei tổ chức SEA Games 30 năm 2019, Việt Nam tổ chức SEA Games 31 năm 2021, Campuchia tổ chức SEA Games 32 năm 2023”.

Ông Vương Bích Thắng - Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT cho biết, theo quy trình, sau khi SEAGF có thư yêu cầu Chính phủ Việt Nam xác nhận việc đăng cai SEA Games 2021, bộ VH-TT&DL sẽ làm tờ trình xin ý kiến Thủ tướng. Dự kiến trong tuần tới, bộ VH-TT&DL sẽ gửi tờ trình xin phép Chính phủ cho đăng cai SEA Games 2021. Nếu Thủ tướng đồng ý, Ủy ban Olympic Việt Nam sẽ có câu trả lời với SEAGF trong phiên họp vào ngày 4/6. Trong trường hợp, Việt Nam đồng ý đăng cai, Ủy ban Olympic Việt Nam sẽ được giao quyền xây dựng đề án đăng cai và tổ chức đại hội. Trường hợp Chính phủ không đồng ý cho đăng cai thì Ủy ban Olympic Việt Nam phải thông báo sớm cho SEAGF để họ biết, bố trí quốc gia khác thế chỗ. Trong trường hợp Chính phủ đồng ý, ngành thể thao dự kiến sẽ tổ chức SEA Games 2021 tại TP.HCM, bởi hiện nay chỉ có Hà Nội và TP.HCM là có cơ sở vật chất đáp ứng được nhu cầu tổ chức SEA Games. Do Hà Nội đã đăng cai SEA Games 22 (2003), vì vậy, lần này khả năng cao TP.HCM sẽ được lựa chọn làm nơi tổ chức. Cũng vì thế, các hạng mục đầu tư cho TP.HCM sẽ được đặc biệt chú trọng với hàng loạt các công trình phải đầu tư xây mới, cải tạo, tu bổ...

Số tiền ban đầu dự toán để đầu tư cho các công trình sẽ được sử dụng tại SEA Games 31 là 100 triệu USD (tương đương 2.000 tỉ đồng). Ngoài ra, TP.HCM sẽ dành một khoảng diện tích 300ha để xúc tiến xây dựng khu liên hợp thể thao phục vụ SEA Games và một số giải đấu lớn trong tương lai. Khi những con số này được đưa ra, nhiều người không khỏi lo ngại. Bởi lẽ, nếu so sánh với tổng đầu tư chi phí cho SEA Games 22 (2003), cách đây hơn 10 năm, số tiền đã ở mức 5.000 tỉ đồng. Còn 6 năm nữa để chúng ta đầu tư xây dựng, nếu không tính trượt giá thì con số 2.000 tỉ đồng sẽ xây dựng được bao nhiêu phần trăm cơ sở hạ tầng cần thiết? Đa phần các nhà kinh tế khi được hỏi ý kiến đều lắc đầu: “Đó là con số không tưởng trong thời buổi trượt giá như hiện nay. Nếu đi vào thực tế, số tiền này sẽ đội lên gấp nhiều lần. Đó là chỉ tính đầu tư sửa chữa, chứ chưa nói gì đến xây mới hoàn toàn”. Cũng chính vì vậy, nhiều người đã phải thở dài cho rằng, đây là căn bệnh cố hữu: “Cứ báo cáo với giá rẻ trước, được duyệt đã rồi kinh phí thực thì... tính sau”.

Dùng một lần rồi lại... “đắp chiếu”?

SEA Games 31 tổ chức ở TP.HCM thì sẽ phải xây dựng mới, đầu tư sửa chữa hàng loạt các hạng mục phục vụ thi đấu thể thao. TP.HCM sẽ phải xây một sân vận động mới hoặc tối thiểu phải cải tạo tốt sân vận động (SVĐ) Thống Nhất. Tuy nhiên, nhiều người cũng lo ngại rằng, SVĐ này đã xuống cấp trầm trọng, số tiền bỏ ra để nâng cấp đủ tiêu chuẩn tổ chức một đại hội thể thao tầm cỡ khu vực chắc chắn không hề nhỏ. Bên cạnh đó, SVĐ Thống Nhất còn nằm trong khu vực đông dân cư, rất khó để có thể điều chỉnh dòng người khổng lồ sau mỗi sự kiện tập trung. Ngoài ra, TP.HCM sẽ phải xây thêm một bể bơi đạt chuẩn để tổ chức thi đấu môn bơi lội và môn nhảy cầu. Hiện nay, TP.HCM có bể bơi Phú Thọ, nhưng chưa đạt tiêu chuẩn để tổ chức một đại hội như SEA Games.

Cũng sẽ không có gì để nói nếu như nhìn lại một số công trình nghìn tỉ đồng được xây dựng cách đây không lâu cũng đang trong tình trạng nằm “đắp chiếu” sau khi sứ mệnh phục vụ các kỳ đại hội được hoàn thành. Cụ thể như SVĐ Mỹ Đình, được xây chuẩn bị SEA Games 22 với tổng mức đầu tư hơn 50 triệu USD, hiện nay, mỗi năm cũng chỉ phục vụ được vài lần hết công suất cho một vài giải đấu lớn; thời gian còn lại, một số khu vực tại đây được cho thuê làm quán cà phê, rạp chiếu phim, dịch vụ massage... Ngán ngẩm hơn, khi nhìn lại cung thể thao dưới nước, được xây dựng với mức đầu tư 240 tỉ đồng cũng chỉ để phục vụ cho SEA Games 22, hiện nay mỗi năm chỉ dùng để tổ chức giải bơi lặn 1-2 lần vào mùa hè. Hay trường hợp Cung điền kinh trong nhà, được xây dựng với vốn 540 tỉ đồng, chỉ sử dụng cho giải điền kinh Asian Indoor Games đúng một lần vào 2009... Đây mới chỉ là hệ thống các khu thể thao có vốn đầu tư lớn, các công trình được xây dựng phục vụ SEA Games 22 cũng đang trong tình trạng xuống cấp trầm trọng, thiếu trang thiết bị, thiếu nguồn duy trì bảo dưỡng,...

   - Ảnh 1

Cung điền kinh trong nhà ở Hà Nội giờ đang “đắp chiếu” chờ giải. Trong thời gian đợi chờ được tận dụng làm sân thi đấu quần vợt.

Nhìn lại những con số khủng đã từng đầu tư cho các công trình thể thao tại Hà Nội, không biết bao giờ mới được sử dụng đúng tầm, việc người dân lo lắng cho những công trình sẽ được xây dựng ở TP.HCM nhằm phục vụ SEA Games 31 là hoàn toàn có cơ sở. Nhiều người đặt ra câu hỏi: “Tại sao cứ phải nhất quyết tổ chức ở TP.HCM trong khi Hà Nội đã có sẵn? Trong điều kiện nước ta còn nhiều khó khăn, không thể hoang phí được. Chẳng nhẽ, các công trình được xây dựng ở Hà Nội đã xuống cấp tới mức không thể sử dụng?”.

Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (bộ Tài chính) cho rằng, việc Việt Nam đăng cai tổ chức SEA Games 31 (2021) theo quy trình của SEAGF là hoàn toàn đúng đắn. Bởi lẽ, chúng ta không thể cứ “đem chuông đi đánh xứ người” mãi được. Việc tổ chức SEA Games vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ của Việt Nam đối với cộng đồng ASEAN. Tuy nhiên, việc lựa chọn địa điểm tổ chức và cách thức tổ chức cần phải tính toán một cách chi tiết, chứ không thể vội vàng lên một kế hoạch “không tưởng” như đối với ASIAD 18 được”.

   - Ảnh 2

TS. Vũ Đình Ánh.

Theo ông Ánh, nếu chúng ta bị hạn chế về nguồn kinh phí, có thể tiếp tục tổ chức SEA Games 31 tại Hà Nội, trên cơ sở tận dụng các công trình được xây dựng phục vụ SEA Games 22 trước đó. Tuy nhiên, đây chỉ là cách tính trước mắt. Việc tổ chức ở TP.HCM cũng cần khuyến khích, cân nhắc. Bởi lẽ, tính về lâu dài, TP.HCM được xem là trung tâm kinh tế lớn của cả nước với rất nhiều thuận lợi, việc đầu tư một khu liên hợp thể thao tầm cỡ khu vực là điều trước sau cũng phải làm. “Chúng ta xây dựng cho SEA Games nhưng phải tính toán để sử dụng lâu dài. Bài toán về xã hội hóa lại được đặt lên bàn, rất khó nhưng là việc phải làm chứ không thể hoàn toàn dựa vào nguồn kinh phí Nhà nước. Chúng ta đã xã hội hóa được trên nhiều mặt kinh tế - xã hội thì không lẽ gì lại không thể tiếp tục ở lĩnh vực đầu tư xây dựng các công trình thể thao - văn hóa. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất không phải là xây dựng như thế nào mà là sử dụng ra sao để tận dụng tối đa khả năng của các công trình này, chứ không phải xây xong rồi, sử dụng một lần rồi “đắp chiếu” như các công trình trước kia đã làm”.

“Liệu cơm gắp mắm”

“Việc xây dựng các công trình phục vụ thi đấu thể thao cho SEA Games 31 phải xác định được mục tiêu chính là gì? Chỉ để phục vụ cho một giải đấu hay là nhân cơ hội đó nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng các công trình thi đấu thể thao cho TP.HCM, các nhà tổ chức phải xác định rõ, từ đó “liệu cơm gắp mắm” đầu tư cho phù hợp. Cái nào có thể cải tạo được thì nên cải tạo, cái nào cần thiết xây thì phải xây. Không thể vì lo tốn tiền mà chúng ta không dám làm, cũng không thể phung phí tiền của dân được”, TS. Vũ Đình Ánh chia sẻ.

Đỗ Huệ

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý