Siết chặt an ninh tại các bệnh viện trong mùa dịch

vuongxinh vuongxinh @vuongxinh

Siết chặt an ninh tại các bệnh viện trong mùa dịch

Congly.vn Trước tình hình các loại dịch bệnh, đặc biệt là dịch sởi, ngày 23/4, Bộ Công an ra công điện yêu cầu tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự tại các bệnh viện, giúp ngành y tế thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

24/04/2014 11:32 PM
378

Bất an như… bệnh viện

Theo Bộ Công an, thời gian qua, tình hình các loại dịch bệnh, đặc biệt là dịch sởi đã dẫn đến quá tải tại nhiều bệnh viện. Lợi dụng tình hình đó, tội phạm gia tăng hoạt động, nổi lên chủ yếu là trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cò mồi khám chữa bệnh, gây rối, phá hoại tài sản bệnh viện, hành hung bác sỹ, nhân viên y tế, bắt cóc trẻ em...

Ngoài các vụ lừa đảo tiền bạc, trộm cắp, thời gian gần đây, một loại tội phạm mới xuất hiện và để lại những hậu quả khôn lường cho cả các bệnh nhân lẫn uy tín của các bệnh viện (BV) là bắt cóc trẻ em. Chỉ từ năm 2011 đến nay, cả nước đã có 4 vụ bắt cóc trẻ sơ sinh. Ngày 22/11/2013, một thanh niên phê ma túy xông vào BV Nhi trung ương (Hà Nội) bắt cóc cháu bé 1 tháng tuổi, chạy ra ngoài khá lâu mới bị bắt… Tại TP Hồ Chí Minh, ngày 9/1/2014 xảy ra vụ bắt cóc trẻ sơ sinh tại Khoa phụ sản, BV quận 7 (Thành phố Hồ Chí Minh). Gần đây nhất, ngày 17/3, tại BV Hùng Vương (Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh) lại xảy ra vụ bắt cóc trẻ sơ sinh 1 ngày tuổi. Ngoài ra tại BV Nhi Đồng 1, một bé gái 6 tuổi lại bị bắt cóc khi đi khám bệnh cùng mẹ.

Không chỉ là nơi kẻ xấu dễ xâm nhập, BV còn ẩn chưa nhiều mối nguy từ chính những người nhà đến chăm sóc bệnh nhân với đủ mọi thành phần say rượu, “ngáo đá”, người có tiền án tiền sự… Ngày 3/11/2013, người đàn ông là em bệnh nhân ngang nhiên vào BV Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) giữa ban ngày cắt chân chị gái. Vụ bệnh nhân bị cắt chân ở BV Xanh Pôn cho thấy lực lượng bảo vệ rất bị động, thiếu chuyên nghiệp, không đủ sức giải quyết những tình huống bất ngờ. Khoa Cấp cứu của BV Bạch Mai cũng đã có trường hợp bác sĩ, y tá bị người nhà hành hung, phòng bệnh bị đập phá… Những vụ việc này ảnh hưởng đến tâm lý, tạo áp lực cho bác sĩ, nhân viên y tá, hư hại cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc.

Không chỉ vậy, hàng loạt vụ truy sát nhau của những nhóm côn đồ, gây án mạng tại nhiều BV gây chấn động dư luận trong thời gian qua. Những sự kiện trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an ninh trật tự tại các BV hiện nay.

“Mổ xẻ” nguyên nhân

Tại Hội thảo "An ninh bệnh viện - Thực trạng và giải pháp" do Ban tuyên giáo Trung ương phối hợp với Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức gần đây, ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế cho biết, thời gian qua tình hình mất an ninh bệnh viện trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Trên thực tế và qua phương tiện thông tin đại chúng đã ghi nhận nhiều vấn đề tiêu cực xảy ra trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại các BV, đặc biệt là tại các BV lớn, nơi có số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh đông. Tình trạng “cò” BV, trộm cắp, móc túi, lừa đảo hoạt động hết sức tinh vi. Có nơi các đối tượng gây mất trật tự an ninh hoạt động theo băng nhóm nên rất hung hãn và trắng trợn; việc hành hung nhân viên y tế của người bệnh và người nhà... góp phần gây mất ổn định an ninh tại các bệnh viện.

Tình trạng quá tải tại các bệnh viện đã tạo điều kiện cho tội phạm hoạt động

GS Đào Văn Dũng - Vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội - Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá, sự bất ổn về an ninh, trật tự trong BV không chỉ bởi nạn trộm cắp tài sản mà còn bởi hiện tượng một số bác sĩ câu kết với “cò mồi” để lôi kéo bệnh nhân hoặc do bác sĩ tắc trách để xảy ra những sơ suất đáng tiếc; bệnh nhân, người nhà bệnh nhân bức xúc, kéo đến đập phá, bắt đền BV, hành hung bác sĩ. Bác sĩ hoang mang, không yên tâm công tác; người bệnh mất lòng tin ở người thầy thuốc, ảnh hưởng không tốt tới hiệu quả khám và chữa bệnh.

Ông Lương Ngọc Khuê cho rằng tại các BV, biện pháp bảo đảm an ninh chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, y đức của một số nhân viên y tế làm ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy thuốc, khiến cho nhân dân bất bình, nảy sinh các hành vi quá khích.

Theo GS Đào Văn Dũng, trong việc bảo đảm an ninh bệnh viện, lãnh đạo BV vào cuộc chậm. Trong thời gian gần đây, sau khi xảy ra hàng loạt những vụ mất an ninh, trật tự trong bệnh viện gây chấn động dư luận thì ban lãnh đạo một số BV mới đề cập tới vấn đề này trong các cuộc họp giao ban để rút kinh nghiệm. Điều này được minh chứng rõ rệt ở những vụ việc bắt cóc trẻ sơ sinh dễ dàng vừa qua.

Tăng cường an ninh

Để tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho các y, bác sĩ và bệnh nhân an tâm điều trị, khám chữa bệnh, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an, các đơn vị tăng cường lực lượng để đảm bảo an ninh trật tự tại các BV đang quá tải; phối hợp với ngành y tế tổ chức hướng dẫn bệnh nhân và người nhà không để tình trạng lộn xộn, chen lấn, xô đẩy, gây ồn ào...

Tại BV Xanh Pôn, lực lượng bảo vệ được tăng cường chốt tất cả cửa chính, đội ngũ vệ sĩ sẽ kịp thời can thiệp khi xảy ra sự cố. Hiện BV Phụ sản Hà Nội có 16 bảo vệ/ca/ngày, ngay cả buổi đêm cũng có 8 bảo vệ/ca khắp 30 khoa, phòng. Từ đầu năm 2014, ngoài đường dây nóng để phản ánh về khám chữa bệnh, BV này đã thiết lập đường dây nóng của tổ bảo vệ dán khắp các phòng bệnh.

BS Phạm Văn Dũng - Giám đốc BVĐK Thống Nhất - Đồng Nai cho hay, đứng trước tình hình mất an ninh tại BV, BV đã xây dựng phương án bảo vệ cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng, đồng thời tiến hành giải thể đội bảo vệ của BV. Thay vào đó là hợp đồng với công ty bảo vệ chuyên nghiệp để bảo vệ các vị trí xung yếu như: các cổng ra vào BV, phòng cấp cứu và các vị trí nhạy cảm hay xảy ra trộm cắp như nơi đăng ký khám bệnh, cấp thuốc, phòng khám, đóng viện phí, nơi chờ xét nghiệm… Bình quân mỗi ngày có 11 vị trí được bảo vệ nghiêm ngặt và thành lập các tổ tuần tra thường xuyên 24/24 và tiền hành cho đăng ký số lượng thân nhân bệnh nhân ở lại BV trong đêm.

Bà Lưu Thị Liên - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong thời gian tới Sở Y tế Hà Nội sẽ sử dụng nguồn kinh phí cấp trên và kinh phí BV để lắp camera quan sát tại một số khu vực hay xảy ra mất an ninh trật tự như khoa Khám bệnh, khoa cấp cứu... Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nội sẽ tăng cường lực lượng bảo vệ tại các cổng ra vào, phối hợp chặt chẽ với công an trên địa bàn để kịp thời xử lý các trường hợp gây rối trật tự trong BV.

Cũng theo bà Liên, một trong những lý do khiến tình trạng an ninh BV khó kiểm soát là do có sự móc nối giữa nhân viên y tế với "cò bệnh viện", do vây thời gian tới, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Giám đốc các BV có quy chế riêng về quản lý nhân viên y tế móc nối với "cò bệnh viện" để xử lý nghiêm, đồng thời cải cách khoa khám bệnh nhằm giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, giảm tình trạng lộn xộn tại các phòng khám.

Để củng cố an ninh bệnh viện, Bộ Y tế đã đưa an ninh trật tự là một trong 83 tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, các bệnh viện đang đẩy mạnh công tác đảm bảo an ninh, xây dựng nội quy khám chữa bệnh, giờ thăm nom người bệnh để hạn chế các sơ hở đối tượng xấu, “cò mồi” lợi dụng.

Trung Phương

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý