Siết hoạt động sàn bất động sản

ban ban @ban

Siết hoạt động sàn bất động sản

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố hiện có trên 50% số sàn bất động sản (BĐS) tạm dừng hoạt động hoặc không có giao dịch. Điều này đặt ra yêu cầu cần có những cơ chế quản lý và hành lang pháp lý để minh bạch hóa và quản lý hoạt động của các sàn giao dịch BĐS.

23/05/2013 03:36 PM
40,018

 

Phát triển nóng, rồi ồ ạt đóng cửa


Nhìn vào những biển hiệu bong tróc, cửa đóng im ỉm của một sàn BĐS nằm trên đường Lê Văn Lương, ít ai biết được đây từng là “thiên đường” của giới BĐS. Trước đây, đoạn đường dài khoảng 500 m tại ngã tư Lê Văn Lương - Vạn Phúc được coi là khu vực sôi động nhất bởi có đến 15 sàn BĐS hoạt động nhộn nhịp nhưng nay, hầu hết các sàn đều đã đóng cửa, chỉ còn 3 sàn duy trì hoạt động nhưng hầu như không có khách đến giao dịch.

 

Thị trường BĐS đóng băng khiến cho các sàn giao dịch ảm đạm, nhân viên ngồi chơi tán chuyện. Ảnh: Lê Phú

 

Chúng tôi dừng lại trước một sàn BĐS với tấm biển to và đẹp nhưng phía bên dưới lại là biển “Mua bán ô tô cũ”, phía trong là một chiếc bàn nhỏ bày đủ các loại nước giải khát với tấm biển “Trà chanh đá”. Một nhân viên trông xe ở đây cho biết, sàn BĐS này đã đóng cửa từ lâu và mặt bằng đã được cho thuê lại nhưng chủ cũ “quên” gỡ biển nên mới có chuyện một cửa hàng có đến ba tấm biển với ba loại hình kinh doanh khác nhau.


“Thời điểm BĐS lên cơn sốt, ở đường này có hàng trăm sàn giao dịch BĐS lúc nào cũng tấp nập người ra kẻ vào. Nhất là vào những ngày thứ 7, chủ nhật, người đến giao dịch đông nghẹt, không có chỗ để xe, phải xếp hàng chờ đến lượt”, một chủ sàn BĐS đã đóng cửa tại đường Lê Văn Lương vừa chỉ tấm biển chưa gỡ trước cửa nhà vừa ngậm ngùi nói.


Theo anh Trần Đức Hải, nhân viên phụ trách kinh doanh Trung tâm giao dịch BĐS trực tuyến nhadat24g.net - một trong vài sàn BĐS còn duy trì hoạt động tại đây, thị trường BĐS đóng băng khiến cho hàng trăm sàn phải đóng cửa. Có những sàn trước đây có 4 - 5 văn phòng giao dịch nhưng giờ cắt giảm nhân viên, chỉ còn lại một văn phòng hoạt động lay lắt. “Trước đây, công ty chúng tôi kinh doanh rất tốt, mỗi tháng có 10 - 20 giao dịch, có những giao dịch là biệt thự, nhà liền kề giá trị lên đến hàng chục tỷ đồng, nhưng giờ mỗi tháng chỉ có 2 - 3 giao dịch, chủ yếu dưới 1 tỷ đồng”, anh Hải cho biết thêm.


Thực tế đáng buồn này cũng diễn ra tương tự tại các tuyến phố từng là “thiên đường” của giới môi giới BĐS như Láng Hạ, Trần Duy Hưng, Nguyễn Thị Định... Đi qua những con phố này, giờ chỉ còn thấy “tàn dư” là những sàn đóng cửa đã lâu, biển hiệu bong tróc, nghiêng ngả...


Theo ông Phan Thành Mai, Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, kinh tế khó khăn, giao dịch BĐS trầm lắng kéo theo hàng loạt sàn BĐS đóng cửa. Ngoài ra, có một nguyên nhân khác là do thời gian qua, sàn BĐS đua nhau nở rộ, trong khi đó việc kiểm soát hoạt động của các sàn lại chưa được các cơ quan chức năng để mắt đến. Diễn biến thị trường thời gian qua đã góp phần thanh lọc những sàn BĐS yếu kém.

 

 

Cần siết lại hoạt động


Ông Phạm Đức Toàn, Giám đốc sàn giao dịch BĐS Ez cho biết, mặc dù đã có quy định các sàn BĐS phải báo cáo giao dịch hàng tháng với Sở Xây dựng, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có cơ quan quản lý nào chịu trách nhiệm giám sát việc này. Bởi vậy mới có tình trạng gần như các sàn không báo cáo với Sở Xây dựng. “Theo Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố có gần 500 sàn BĐS đăng ký hoạt động nhưng trên toàn thành phố hiện chỉ có không quá 10 sàn hoạt động”, ông Toàn đánh giá.


Việc quản lý hoạt động của các sàn đã được đề cập đến trong luật kinh doanh BĐS. Tuy nhiên, để các sàn hoạt đông hiệu quả, cần thiết phải “siết” lại hoạt động của các sàn này. Mới đây, Bộ Xây dựng đã ra thông tư quy định chế độ báo cáo về tình hình triển khai dự án BĐS và tình hình giao dịch BĐS của các sàn. Theo đó, các sàn BĐS phải báo cáo về tình hình giao dịch mua bán vào ngày 25 hàng tháng qua văn bản hoặc qua hộp thư điện tử. Nếu sàn BĐS nào vi phạm, Sở Xây dựng sẽ công khai đăng tải thông tin về hành vi vi phạm của sàn đó trên Website của Bộ Xây dựng, Website Mạng các sàn giao dịch BĐS Việt Nam. Khi vi phạm lần thứ hai, sàn đó sẽ bị đình chỉ hoạt động.


Ông Phan Thành Mai cho biết, trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường BĐS hướng tới nhu cầu thực, các sàn BĐS phải tự cơ cấu lại hoạt động hoặc nộp đơn xin giải thể vì nếu chỉ tồn tại trên giấy thì các sàn sẽ không có hoạt động và không báo cáo hàng tháng; hoặc kết hợp lại với nhau để duy trì hoạt động.


Theo nhiều chuyên gia, đã đến lúc thị trường BĐS cần điều chỉnh toàn diện về cơ cấu sản phẩm, phương thức kinh doanh; trong đó, việc “siết“ lại hoạt động của các sàn BĐS giúp chuyên nghiệp hóa hoạt động giao dịch BĐS là rất cần thiết. “Chúng tôi mong muốn sớm có chế tài quản lý, quy định rõ ràng để chúng tôi tự tin hoạt động tiếp”, ông Toàn cho biết.

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý