Sóng gió lắng yên, Yến Vi lên xe hoa

mesuhao mesuhao @mesuhao

Sóng gió lắng yên, Yến Vi lên xe hoa

Yến Vi hiểu cô không có nhiều cơ hội để đắn đo. Và cô cũng hiểu chắc chắn không có cơ hội nào giúp cô thanh thản trên con đường tương lai, nếu cô vẫn loay hoay trong những nỗi bất tận tự đay nghiến bản thân. Yến Vy chấp nhận lời cầu hôn của người đàn ông đã đến với mình ngay giữa tháng ngày phiền lụy nhất. Một đám cưới rất đơn giản nhưng ấm áp

19/06/2009 04:58 PM
43,074

Lâu lắm rồi tôi mới có dịp quay lại nhà Yến Vy. Đối với tôi, ngôi nhà ấy từng có hai người bạn, Yến Vy và bố của Yến Vy – ông Hùng. Sau khi rời khỏi bục giảng và kinh doanh một thời gian, ông Hùng chỉ còn hai sự quan tâm: bóng đá và cô trưởng nữ nổi tiếng. Tôi vẫn còn nhận ra cái góc nhà, nơi mỗi lần ngồi cùng tôi, ông Hùng luôn nói say sưa về bóng đá. Là một người làm báo, nhưng đôi khi tôi ngớ ra vì ông Hùng cho biết dạo này có ấn phẩm bóng đá nào mới ra mắt, thậm chí cây bút bình luận bóng đá nào đáng để đọc. Đặc biệt, ông Hùng mê danh thủ người Anh – Gary Lineker với lý do rất hào hiệp: “Tài năng anh ta có thể chưa bằng Maradona, nhưng chơi bóng bằng tinh thần cao thượng. Không bao giờ dùng tiểu xảo và không bao giờ chơi xấu đối phương!”. Còn nói về Yến Vy, ông có những nhận xét không chỉ bằng tấm lòng một người cha thương con, mà còn bằng ánh mắt một khán giả khó tính. Lúc bộ phim “Sài Gòn tình ca” bấm máy, ông bình luận: “Tui hy vọng con nhỏ sẽ có bước đột phá mới. Hồi giờ vai Hà trong phim ‘Đâu phải vợ người ta’ là vai khá nhất của nó!”. Tôi chịu, đó là một đánh giá xác đáng. Thế nhưng, đó là cuộc trò chuyện cuối cùng giữa ông và tôi về Yến Vy cũng như về bóng đá.

Khi sự cố đau đớn xảy ra với Yến Vy năm 2005, ông Hùng đã làm mọi cách để giúp con qua cơn nguy khốn, nhưng ông không thể giúp chính mình vượt qua áp lực bẽ bàng. Những ngày tháng lạnh lẽo ấy, tôi không thể nào gọi điện được cho ông. Có lúc sốt ruột, tôi chạy đến, thì thấy ông tựa ông vào tường trong trạng thái chấp chới cơn say. Tôi không thể nào quên được tiều tụy và giọng nói lè nhè van lơn của ông: “Xin các người đừng viết về con gái tui nữa. Nó tuyệt vọng rồi, đừng ép nó chết!”. Câu nói đó cứ lặp đi lặp lại, khiến tôi dù xuất hiện với thiện chí một người bạn, cũng cảm thấy ray rứt như một người có lỗi. Ông lại tiếp tục ngửa cổ uống, thứ ông uống dường như không còn là bia hay rượu nữa, mà là nước mắt. Ông không phải là một con người thất bại, nhưng ông bị trở thành con người sụp đổ. Ông chỉ biết tìm đến chén cay chén đắng, hết ngày này qua ngày khác. Và một năm sau ông đã từ giã dương gian khi mới ngoài 50 tuổi, trong sự nghẹn ngào và ray rứt của những người thấu hiểu và thông cảm với hoàn cảnh gia đình ông.

Ngày đám tang ông Hùng, tôi có đến và đứng lẫn trong những người thương xót ông. Tôi không thể nào vượt qua cảm giác ái ngại của một người làm báo để bước tới thắp cho ông một nén nhang, khi tôi nghe xung quanh râm ran bao lời trách móc: “Các ông bà nhà báo ác quá, dồn người ta đến đường cùng!”. Tôi sợ hãi, tôi xấu hổ, hay nói đúng hơn là tôi cay đắng, khi chứng kiến Yến Vy khóc vật vã bên cái chết u buồn của một người cha nhục nhằn, còn trên các diễn đàn lại sôi sục tranh luận có nên cho cô đóng phim “Trung úy” hay không. Một người hàng xóm của Yến Vy nói với tôi: “Trước ngày ông Hùng mất, vẫn có mấy phóng viên dạo qua dạo lại trước cửa nhà, tụi tui bức xúc quá phải đuổi mắng cho mấy câu!”. Trời ơi, lặn lội với nghề cầm bút, tôi chưa bao giờ thấy tổn thương như thế! Hàng xóm của Yến Vy, những người lam lũ và ít học, họ cũng biết cách tạo thành một phòng tuyến dẫu bé nhỏ và yếu ớt để bảo vệ một con người. Còn dư luận vẫn nhẫn tâm làm một vòng vây lớn, xiết chặt lại, đe dọa và đay nghiến một con người. Các đồng nghiệp của tôi không biết rằng chúng ta cứ hả hê trong cơn hưng phấn đả kích và mỉa mai, vô tình chà đạp lên một tổ ấm hắt hiu đang chênh chao bên bờ vực. Tôi nghĩ mình không thể chịu đựng nỗi dằn vặt để theo đưa ông Hùng đến nơi an nghỉ, nên lặng lẽ ra về!

Sau cái chết của người cha, gia đình Yến Vy giã từ căn nhà cũ nhiều đau thương. Yến Vy cùng mẹ và hai em dọn sang quận 8, căn nhà cũ chỉ dành làm nơi thờ tự người cha quá cố hiền lành và run rủi. Tất cả phải bắt đầu trở lại. Dẫu mất mát và dập vùi, thì Yến Vy và người thân vẫn phải tiếp tục sống. Tôi khâm phục người mẹ của Yến Vy, bà đã đè nén mọi bất hạnh để vực dậy niềm tin cho mỗi thành viên trong nhà. Bà vun vén vốn liếng xây một dãy nhà trọ để kiếm kế sinh nhai, để nuôi hai em của Yến Vy ăn học đến nơi đến chốn, để nuôi Yến Vy qua cơn sóng gió nghiệt ngã. Người đàn bà phúc hậu ấy không còn nước mắt để khóc nữa, hoặc nước mắt của bà đã chảy ngược hết vào trái tim nhẫn nại rồi. Bà nói với tôi, nhiều lần nhìn thấy Yến Vy ngồi như pho tượng trong bóng tối, bà chỉ muốn treo cổ để tự kết thúc những đọa đày tâm can. Nhưng bà không cho phép mình làm vậy, bằng nghị lực của một người mẹ, bà phải kéo con ra khỏi vũng lầy xót xa. Mỗi tối, bà bắt Yến Vy ăn mặc thật đàng hoàng, trang điểm thật tử tế, và bà chở con ra đường. Sau khi cho con đi dạo phố hoặc đi mua vài thứ vật dụng lặt vặt, bà chở Yến Vy về ngôi nhà cũ. Bên khói hương trên bàn thờ người chồng bạc phước, bà bảo Yến Vy rằng, ba con không trách móc lỗi lầm của con, ba con chỉ muốn con xem đó như một sự vấp ngã và học cách đứng lên.

Từng ngày, từng ngày, sự nặng nề vơi bớt, sự nỗ lực của người mẹ dần có tác dụng, Yến Vy sinh hoạt bình thường trở lại. Cô chỉ quẩn quanh trong nhà, tập nấu mấy món ăn đơn giản, còn lại thời gian cô dành đọc sách. Trong một cuộc trò chuyện ngắn ngủi, Yến Vy khoe, trước đây cô rất ngại những cuốn sách dày, nhưng giờ đây có thể đọc hết tiểu thuyết 500 trang trong một tuần lễ. Cô dừng lại rất lâu ở những trang viết về những con người khốn khổ, thua thiệt và chìm nổi. Đặc biệt, cô tìm thấy dưới đáy tủ những tập giáo án ngày xưa của cha mình. Nét chữ to tròn của cha cô hôm nào soạn bài để đi dạy, bây giờ đã cũ sờn và nhòe nhoẹt nhưng vẫn làm cô xúc động. Suốt một thời gian dài, cô không đọc báo cũng không xem phim, nhất là phim Việt Nam. Cô lo lắng vết thương sẽ không thể liền da, nếu trông thấy hình ảnh những đồng nghiệp cũ. Bởi lẽ, thứ ánh sáng mê dụ từ cái máy quay và hiệu lệnh “diễn” ở phim trường thỉnh thoảng vẫn hiện về trong giấc mơ của cô như những vết kim đau nhức buốt! Thậm chí khi tự trang điểm trước gương, cô cũng bất giác giật mình ngỡ đâu đó có cái nhìn soi mói và miệt thị! Và cô cũng không giấu diếm một nỗi hoảng hốt có thật là mỗi khi có tiếng bấm chuông gọi cửa, cô cầu nguyện đừng hiện ra bóng dáng người quen hoặc những câu hỏi tò mò của báo chí!

Lẽ đời, trời cao có đức hiếu sinh. Không dễ tìm được lối đi lên thiên đường, nhưng không phải lối đi nào cũng dẫn đến địa ngục. Trong dịp sinh nhật một người bạn thân, Yến Vy gặp lại người bạn cũ là Việt kiều về thăm quê hương. Người đàn ông ấy đã từng ở cùng khu phố với Yến Vy và đã biết Yến Vy khi cô còn là một nữ sinh. Người đàn ông ấy không có biểu hiện gì khác thường, chỉ thường xuyên động viên cô. Cả hai âm thầm chia sẻ với nhau những niềm vui nho nhỏ phía sau những nỗi buồn dằng dặc. Cô không dám nghĩ đến tình yêu và càng không dám đối mặt với những đổ vỡ có thể xảy ra. Cô như một con chim từng trúng đạn, sợ cành cây cong và sợ bất kỳ cơn gió thảng thốt nào. Mỗi khi nghe nhói lên chút xao xuyến, cô lập tức trốn chạy. Cô nấp vào cái vỏ ốc cô đơn tủi hổ của mình. Cảm giác người đàn ông ấy càng gần gũi mình bao nhiêu thì cô càng hụt hẫng bấy nhiêu. Từ chính sâu thẳm tâm hồn cô, vẫn như có lời nói nào đấy, vẫn như có ánh mắt nào đấy, không tha thứ cho cô. Không ai hiểu điều này, trừ mẹ cô. Bằng rung cảm của một người đàn bà và bằng yêu thương của một người mẹ, bà khẽ khàng khuyên con ngắn gọn: “Mẹ không thể ăn cơm cùng con mãi. Con phải ăn cơm cùng những đứa con của con. Hãy lấy chồng đi!”

Yến Vy hiểu cô không có nhiều cơ hội để đắn đo. Và cô cũng hiểu chắc chắn không có cơ hội nào giúp cô thanh thản trên con đường tương lai, nếu cô vẫn loay hoay trong những nỗi bất tận tự đay nghiến bản thân. Yến Vy chấp nhận lời cầu hôn của người đàn ông đã đến với mình ngay giữa tháng ngày phiền lụy nhất. Một đám cưới rất đơn giản nhưng ấm áp. Đám cưới không nhiều hoa, không nhiều lời chúc phúc. Đám cưới ít tiếng cụng ly, đám cưới ít câu rộn rã. Đám cưới có rất nhiều nước mắt, nước mắt của Yến Vy, nước mắt mẹ của cô, nước mắt của thân nhân vẫn luôn dang tay đùm bọc, và cả nước mắt của những người hàng xóm tốt bụng. Yến Vy tâm sự, cô không có ý định quay lại với nghệ thuật, dù là đóng phim hay ca hát. Đối với cô, sóng gió đã bỏ lại sau lưng. Cô sẽ làm lại một cuộc đời khác ở một miền đất khác. Nơi ấy có thể xa lạ, nơi ấy có thể túng bấn, nơi ấy có thể gian nan, nhưng nơi ấy không khiến những ý nghĩ não nề tiếp tục hành hạ cô.

Tôi không biết nói gì với Yến Vy. Và Yến Vy cũng không muốn tôi viết về cô. Thế nhưng, khi quay lại căn nhà cũ của Yến Vy, nhìn thấy tấm ảnh hiền lành của ông Hùng – cha cô trên bàn thờ, tôi chẳng thể nào cưỡng lại thôi thúc ngồi xuống viết một bài báo nhỏ để chính mình được giải tỏa khỏi cảm giác vướng mắc đeo bám. Tôi, kẻ có mặt trong dư luận ầm ĩ về Yến Vy một dạo, tự thấy mình thiếu kiềm chế khi phản ánh sự cố lầm lạc của Yến Vy! Khi qua đời, ông Hùng chỉ có một mơ ước làm sao Yến Vy yên bề gia thất. Hôm nay, di nguyện ấy đã thành hiện thực. Tôi tin, người đàn ông đã can đảm và bao dung đến với Yến Vy sẽ ở lại cùng với sự mạnh mẽ và độ lượng!

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý