Sốt xuất huyết ở đỉnh dịch: Người dân Hà Nội vẫn coi thường muỗi

vuongxinh vuongxinh @vuongxinh

Sốt xuất huyết ở đỉnh dịch: Người dân Hà Nội vẫn coi thường muỗi

(ĐSPL) Đa số những người mắc sốt xuất huyết đều ở độ tuổi từ 15 đến 45 tuổi. Điều đáng báo động là những người ở độ tuổi này thường khá chủ quan trong việc bảo vệ sức khỏe vậy nên tỉ lệ mắc bệnh lại cao hơn so với những lứa tuổi khác.

09/10/2015 09:36 AM
51

Tin tức từ VTV, theo kết quả giám sát bệnh nhân sốt xuất huyết theo nhóm tuổi của bệnh viện Nhiệt đới trung ương, số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhiều thường nằm ở độ tuổi 15 đến 45 tuổi. Cụ thể, độ tuổi từ 15 đến 30 tuổi có 392 ca, độ tuổi từ 31 đến 45 tuổi có 217 trên tổng số 779 ca.

Điều đáng báo động là những người ở độ tuổi này thường khá chủ quan trong việc bảo vệ sức khỏe vậy nên tỉ lệ mắc bệnh lại cao hơn so với những lứa tuổi khác. Bên cạnh đó đây cũng là lứa tuổi lao động chính của gia đình. Vì vậy đại diện bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã khuyến cáo người dân không nên chủ quan trong công tác vệ sinh môi trường xung quanh khu vực sinh sống.

Theo thống kê của bệnh viện Nhiệt đới Trung ương Hà Nội, từ đầu năm đến nay số người bị mắc sốt xuất huyết chỉ rải rác và rất ít, riêng tháng 9 số lượng người mắc bệnh tăng vọt. Chỉ tính riêng trong 5 ngày đầu tháng 10 đã có gần 100 ca nhập viện vì sốt xuất huyết.

Hiện tại, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết mà bệnh viện tiếp nhận từ đầu năm đến nay là 779 ca, trong đó 691 ca bệnh nhân tại Hà Nội, số còn lại là các bệnh nhân từ các tỉnh chuyển lên tuyến trên để chữa trị. Hiện đã có 26 ca chuyển nặng, tuy nhiên chưa có trường hợp nào tử vong.

 - Ảnh 1Phóng to

Bệnh nhân sốt xuất huyết lại tập trung ở độ tuổi từ 15-45.

Số bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại bệnh viện Nhiệt đới Trung ương chủ yếu đến từ các quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Trì, Đống Đa. Trong đó, số bệnh nhân đến từ Hoàng Mai là 186 ca chiếm 26,9%, quận Hai Bà Trưng là 108 ca chiếm 15,6%, quận Thanh Trì có 79 ca và quận Đống Đa có 72 ca đã phải nhập viện. Các quận trên cũng đang được đánh giá là có nhiều ổ dịch và dễ lan rộng.

Hiện các quận huyện trên địa bàn Hà Nội đang thực hiện công tác phòng chống sốt xuất huyết và diệt muỗi, bọ gậy. Ngoài các quận là điểm nóng có nhiều ổ dịch, bệnh viện Nhiệt đới trung ương đều có báo cáo về các ca nhiễm bệnh từ các quận khác như Ba Đình, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Hoàn Kiếm… tuy nhiên số bệnh nhân đều không nhiều.

Liên quan tới phòng chống dịch sốt xuất huyết trong khu dân cư, báo An Ninh Thủ Đô đưa tin trước đó, sẽ xử phạt hành chính gia đình nào không hợp tác phòng dịch sốt xuất huyết. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh thành phố đã chỉ đạo như vậy sau khi trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) tại phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai).

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã thực hiện 490 chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, tổ chức 39 chiến dịch phun hoá chất diện rộng tại 10 quận, huyện trọng điểm về SXH nhưng  mới chỉ có hơn 61.000 hộ gia đình đã được phun xử lý (đạt tỷ lệ 64,6%), vẫn còn hơn 35% số hộ từ chối phun hoá chất, không hợp tác với cán bộ y tế hoặc đi vắng. Riêng phường Hoàng Văn Thụ là một trong những phường trọng điểm về dịch SXH, dù đã thực hiện 4 lần tổng vệ sinh môi trường phòng SXH nhưng số người mắc vẫn gia tăng vì người dân vẫn còn thờ ơ với công tác phòng chống dịch tại cộng đồng.

 - Ảnh 2Phóng to

Chỉ tính riêng trong 5 ngày đầu tháng 10 đã có gần 100 ca nhập viện vì sốt xuất huyết. 

Trước thực trạng trên, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh 8 nhiệm vụ trọng tâm để phòng chống dịch SXH nói riêng và các dịch bệnh nói chung, gồm: thực hiện tốt công tác giám sát, phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng; tăng cường tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường; chủ động trong công tác dự báo để ứng phó có hiệu quả; thực hiện tốt công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân mắc bệnh dịch…

Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu phường Hoàng Văn Thụ và toàn quận Hoàng Mai cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về công tác phòng dịch bệnh; huy động cả hệ thống chính trị, các ban, ngành đoàn thể cùng vào cuộc quyết liệt cùng với ngành y tế Thủ đô dập dịch trong thời gian sớm nhất. Nếu gia đình nào không hợp tác trong công tác phòng dịch SXH cần xử phạt hành chính nhằm hạn chế ca mắc mới, ngăn chặn và khống chế dịch.

Còn theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế chỉ đạo Sở Y tế TP phải “mạnh tay” hơn trong việc phòng chống sốt xuất huyết như thành lập các đội diệt lăng quăng tại phường, xã; truyền thông nguy cơ đến từng hộ gia đình trong vùng có ổ dịch. Sở cần xử phạt hành chính đối với các trường hợp vi phạm trong công tác phòng dịch, Tri thức trực tuyến đưa tin.

Tuy nhiên, việc tuyên truyền, cần phải thay đổi cách làm. Thay cho các hoạt động hô hào quần chúng, thì việc cần làm ngay, đó là tuyên truyền phải đi đôi với cam kết, vận động đi đôi với xử lý và xử phạt.

Đức An (Tổng hợp)

Xem thêm video tin tức:

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý