Sự thật quanh huyền thoại “rốn cô tiên” trên đèo Dốc Bụt

mesu mesu @mesu

Sự thật quanh huyền thoại “rốn cô tiên” trên đèo Dốc Bụt

(ĐSPL) Ít ai biết rằng, tại khu vực giáp ranh giữa Cẩm Phả và Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) lại có một cái lỗ thông ra biển được mệnh danh là “rốn cô tiên”.

29/01/2015 10:45 PM
839

Đã có rất nhiều sự việc kỳ lạ xảy ra trên vùng rốn thiêng nên người dân không dám mạo phạm mà thay nhau hương khói và bảo vệ như báu vật của làng. Một đồn mười, mười đồn trăm, ai cũng bảo miếu rất thiêng, nhưng khi được hỏi tất cả đều nói không biết nguồn gốc cái miếu có từ bao giờ và những chuyện kỳ bí cũng chỉ được nghe truyền lại...

 - Ảnh 1Phóng to

Vọng gác thờ “rốn cô tiên”.

Huyền tích vùng đất “rốn cô tiên”

Không ai biết từ khi nào khu vực giáp ranh trên có một cái lỗ rất đặc biệt, cạnh đó là chiếc miếu thờ, là nơi dừng chân của các bác tài xe khách, xe hàng khi chạy trên quốc lộ 18. Họ dừng chân để thắp nén nhang, cầu may mắn cho cuộc hành trình. Người này đồn người kia, số lượng xe đỗ xuống nghỉ chân ngày càng đông. Ai cũng bảo miếu rất thiêng, nhưng tất cả cánh lái xe này đều nói họ không biết nguồn gốc cái miếu có từ bao giờ.

Để tìm hiểu về sự tích này, chúng tôi đã tìm gặp ông Trần Hữu Thỉnh, trưởng khu 1, phường Hà Phong, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh, ông Thỉnh cho biết: Trước đây khu vực này rất hoang vu, ít người sinh sống. Con đường độc đạo nối 2 địa danh phải đi qua Dốc Bụt. Trên đỉnh Dốc Bụt có một cái lỗ thông ra biển, đó chính là “rốn cô tiên”. Nơi đây được coi là báu vật gắn với truyền thuyết về sự tích huyền bí của người dân tộc Dao. “Những người dân ở khu vực này đa số là dân di cư từ vùng khác đến nên không nắm rõ được sự tích, chỉ có cộng đồng người Dao sống ở trong làng còn nhớ”, ông Thỉnh cho biết.

 - Ảnh 2Phóng to

Ông Trần Hữu Thỉnh, trưởng khu 1, phường Hà Phong, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh.

Nói rồi ông Thỉnh đưa chúng tôi đến gặp ông Trương Bình Minh, tổ 27, khu 3, phường Hà Phong, thành phố Hạ Long, người nắm rõ về sự tích “rốn cô tiên”. Ông là già làng của người Dao, đồng thời là Trưởng Đình làng Lộ Phong. Ông Minh cho biết, trước đây, khu vực làng Lộ Phong vẫn là miền đất hoang vu. Diện tích làng bao gồm rất nhiều khu trong phường Hà Phong bây giờ. Đình làng Lộ Phong và “rốn cô tiên” đều nằm trong sự tích liên quan đến báu vật của làng.

Theo ông Minh, khoảng 600 năm trước, người Dao đã quần tụ và sinh sống tại đây. Cộng đồng người Dao từ già đến trẻ đều thuộc làu về sự tích “rốn cô tiên”. Sự tích đó được kể lại như sau: Một lần Phật tổ đi qua nơi đây, thấy phong cảnh hữu tình nên đã ngự lãm ở Đèo Bụt. Để tỏ lòng thành kính với Phật tổ, 7 cô tiên đã lấy nước lành dâng lên ngài. Tuy nhiên, một cô làm vỡ chén ngọc nên bị phạt �� lại. Thật kỳ lạ, sau đó tại Dốc Bụt, người ta phát hiện một cái lỗ thông ra biển, dân làng đã thử thả quả bởi, rải trấu xuống đó thì chỉ vài ngày sau lại thấy nó trôi ra cửa biển Hạ Long. Để tưởng nhớ các nàng tiên, người dân địa phương đã dựng một cái vọng thờ. Có người lý giải rằng, nơi đó là do cô tiên bị phạt đã xấu hổ nên đào lỗ chui ra biển. Biết khu này là nơi linh thiêng, dân làng đã dựng một ngôi đình để thờ thần hoàng làng, đó là đình làng Lộ Phong bây giờ.

 - Ảnh 3Phóng to

Ông Trương Bình Minh, Trưởng đình làng Lộ Phong.

Theo ông Minh thì làng Lộ Phong ngày trước đã được nhận 2 sắc phong quý giá: Sắc phong của vua Tự Đức (1887) và Đồng Khánh (1888). Nội dung của sắc phong xác nhận đây là mảnh đất hội tụ linh khí của đất trời, nơi ngự của phật, sự xuất hiện của tiên, thần hoàng làng có công với nước, bảo vệ dân. “Làng lộ phong là nơi gió mát, nhiều vua chúa, phật tổ ở lại. Đó là miền đất linh thiêng”, ông Minh nói.

Cũng theo ông Minh, thần hoàng làng đã giúp Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán để giành thắng lợi trong trận quyết chiến trên sông Bạch Đằng (năm 938). Tại đây vẫn còn di tích của các cuộc chiến trên sông Bạch Đằng. Đó là một cái đồi vọng gác và một khẩu súng đại bác nằm trên địa bàn khu 6 bây giờ. Tại khu 5 còn có cây thị rất lớn, là nơi cho dân ta tránh giặc. Trên địa bàn còn có một ngôi chùa cổ, (tương truyền đó là chùa thờ phật tổ).

 - Ảnh 4Phóng to

Đình làng Lộ Phong.

Ngoài ra, tại vùng đất này còn rất nhiều câu chuyện kỳ lạ trong thời chiến. Đây từng được coi là địa chỉ đỏ thời kỳ cách mạng chống Pháp. Thực dân Pháp luôn lùng sục khắp nơi, thả mưa bom bão đạn để ngăn chặn sự tiếp viện cho vùng Mỏ. Thế nhưng hầu hết bom đạn bắn không trúng vào các di tích ấy. Vì thế mà tính mạng của các chiến sỹ và bà con dân tộc vẫn được bảo toàn.

Tai nạn chỉ là sự ngẫu nhiên

Ông Minh cho hay, người dân tộc Dao nơi đây vẫn một lòng sùng tín những di tích trên địa bàn. Ngay cả những câu chuyện liên quan đến di tích cũng được dân làng tin tưởng tuyệt đối. Chuyện là năm 1920, thời kỳ Pháp có làm con đường đi qua khu vực mà không tránh “rốn cô tiên”. Không hiểu vì lý do gì mà công nhân làm đường bị ốm liên miên. Sau này trong quy hoạch mở quốc lộ 18, con đường này cũng đi qua “rốn cô tiên”. Có lần xe công nông chở rác lấp xuống thì tự nhiên dân làng có rất nhiều người bị tai nạn. Cũng năm đó, có hai vợ chồng đi qua khu vực Dốc Bụt cũng gặp tai nạn chết. Thế là cả cộng đồng người dân tộc Dao đã kéo nhau đến để gặp những người thi công. Họ yêu cầu vét hết rác trên miệng “rốn cô tiên”, đồng thời phải đôn lại như cũ. Tuy nhiên, theo một số người dân thì những tai nạn ấy chỉ là những sự trùng hợp ngẫu nhiên trên đoạn đường dốc.

Thế rồi, cuộc sống dần phát triển, vùng đất hoang vu ấy đã có rất nhiều người sinh sống. Người dân ở các thành phố đã di cư về tạo lập khu kinh tế mới. Làng quê đã trở thành phố phường đông vui. Người dân đi xây dựng khu kinh tế mới đã hòa nhập với người bản địa. Tuy nhiên, những nét văn hóa của người dân gốc nơi đây vẫn được lưu giữ. Điều đó thể hiện rõ nhất qua việc bảo vệ di tích “rốn cô tiên” và đình làng Lộ Phong. Hiện nay, dân lái xe đi qua khu vực này cũng dừng lại để thắp nén nhang trước vọng thờ của các nàng tiên để cầu may mắn trên mỗi chuyến đi.

Từ đời này qua đời khác, cộng đồng người Dao sinh sống tại đây đã cùng nhau bảo vệ đình làng Lộ Phong và “rốn cô tiên” như báu vật của làng. “Chúng tôi đã sưu tầm và nộp hồ sơ liên quan đến cụm di tích đình làng Lộ Phong và “rốn cô tiên” lên sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh để xin công nhận di tích lịch sử văn hóa”, ông Minh nói.

Địa bàn hoạt động của “băng cướp áo mưa” một thời

Ông Nguyễn Văn Xiển, khu 1, phường Hà Phong cho biết: Trước đây, khu vực này chủ yếu là địa bàn sinh sống của người dân tộc Hoa và dân tộc Sán Dìu. Tình trạng trộm cướp xảy ra thường xuyên. “Băng cướp áo mưa” là một nhóm thảo khấu tập hợp với nhau để trấn lột người đi đường. Cứ mỗi lần ra tay cướp giật là chúng lại dùng áo mưa để che kín người. Hình ảnh nhóm cướp mặc áo mưa đã trở thành nỗi ám ảnh cho những ai đi qua khu vực này. Cứ đêm tối xuống thì dân làng không dám đi ra khỏi nhà. Người gánh hàng, chở hàng đi qua khu vực đó mà gặp cướp thì chỉ có đường ngoan ngoãn nộp lại hàng cho chúng.

THẾ HOÀNG

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý