Sự thật về chiếc túi khót bí ẩn của thầy mo xứ Mường

mesu mesu @mesu

Sự thật về chiếc túi khót bí ẩn của thầy mo xứ Mường

Sự thật về những chiếc đũa thần túi khót của thầy mo ra sao đến nay vẫn còn là bí ẩn ở đất Mường đầy huyền thoại này.

24/05/2015 09:51 PM
434

Ngàn đời nay, người Mường (Phú Thọ) luôn bị lôi cuốn bởi một thứ quyền năng thuộc về thế giới tâm linh, thứ quyền năng ấy họ dành cho những bảo bối, bảo vật kỳ dị của các thầy mo, thầy cúng xứ Mường.

Từ chiếc bu gà “thần thánh”

Nói đến năng lực siêu nhiên của thầy mo, thầy cúng không thể không nói đến đất Mường tại ba huyện Yên Lập, Tân Sơn, Thanh Sơn (Phú Thọ). Họ đều xem nơi đây là vùng đất linh thiêng, nơi âm dương gặp nhau để tạo nên một sức mạnh tâm linh huyền bí. Để tìm lời giải cho những vật báu được người dân ví như "chiếc đũa thần", "cây đèn thần" chúng tôi tìm lên xứ Mường huyện Yên Lập (Phú Thọ).

Anh Nguyễn Văn Cử, người con sinh ra tại xứ Mường, người có thể đọc vanh vách tên các thầy mo, thầy cúng tại Yên Lập cho chúng tôi biết tin tức: "Người Mường vẫn thường kể cho nhau nghe những câu chuyện mang màu sắc thần thoại về phép thuật của thầy mo, thầy cúng.

Không chỉ có vậy, những vật dụng mà các thầy dùng để làm bùa, nèm, chài giống như vật báu vô giá. Đối với các thầy mo, nếu như không có những bảo bối kỳ dị đó thì dù có sở hữu bao nhiêu năng lượng của rừng, những phép nhiệm màu sẽ không thể linh nghiệm.

Những vùng đất như Phúc Khánh, Đồng Thịnh, Nga Hoàng, Lương Sơn... (Yên Lập, Phú Thọ) là nơi ẩn chứa rất nhiều huyền sử về phép thuật bùa chú của người Mường".

Qua câu chuyện với anh Cử, bức màn bí mật về bảo bối kỳ dị đã được vén lên, câu chuyện về "báu vật" mà chúng tôi chỉ được nghe qua những lời kể lúc trà dư, tửu hậu được hé lộ đôi phần. Và chúng tôi cũng ngầm hiểu rằng, anh Cử cũng giống như một thầy mo tại Phúc Khánh, chỉ có điều, anh chưa đủ "duyên" và "năng lượng" để nắm giữ linh hồn ma rừng thôi.

Anh Cử khẳng định: "Thực ra, những bảo bối của thầy mo, thầy cúng cũng là những vật dụng khá quen thuộc với người Mường. Nhưng mỗi thầy đều giữ riêng cho mình một bảo bối khác nhau. Chính những bảo bối đó giúp các thầy có phép thuật, nắm giữ được linh khí của núi rừng.

Những bảo bối "kỳ dị" chính là do tổ tiên truyền lại, vô cùng linh thiêng và có sức mạnh có thể xua đuổi được tất cả các loại ma quỷ. Có thầy chọn cho mình chiếc bu gà treo chính diện bàn thờ, thầy thì giữ những loại xương được gọi là chúa tể của rừng xanh, các loại nanh như nanh chó sói, nanh hổ, gấu.

Nhưng có thầy chỉ giữ và thờ một hòn đá, đồ trang sức của người Mường, một chiếc đũa... Tất cả những vật mà các thầy thờ đều có linh hồn, mang một sức mạnh siêu nhiên".

Cũng theo anh Cử, mỗi thầy khi chọn đồ vật để cúng đều có một lý do riêng sao cho hợp với năng lực của mình nhất, nếu chọn sai, khi làm phép sẽ không có tác dụng. Nếu như thầy cúng chọn nanh thú rừng thì sẽ chọn chiếc nanh bên trái vì họ cho rằng nanh đó có sức mạnh phi thường.

Những chúa sơn lâm cai quản rừng già nên nanh của chúng được coi là "báu vật" vô giá, có tác dụng rất mạnh trong túi phép của thầy mo. Từ lâu, người Mường cũng tin rằng, một khi thầy được mệnh danh như "phù thủy" sở hữu "chiếc đũa thần" thì sức mạnh của các thầy mo sẽ tăng lên rất nhiều, giống như thần rừng, thần núi vậy".

Anh Cử nhớ lại, cách đây không lâu, anh có tìm đến thầy H. tại Nga Hoàng (Yên Lập, Phú Thọ) cách nhà anh 30km. Bước chân vào nhà thầy H., anh thấy trên mái nhà và xung quanh bàn thờ treo rất nhiều bu gà, bên trong bu gà là một tấm vải đủ màu sắc, một cây gậy "thần" được làm từ gỗ quý, nhìn rất lạ, cóá phần bí hiểm.

Anh Cử kể lại: "Sau khi nói ý định muốn nhờ thầy H. giúp đỡ, thầy thắp một nén hương và yêu cầu tôi đặt lễ. Nhìn vào lễ vật với vẻ mặt hài lòng, thầy H. lấy chiếc gậy đập mạnh vào bu gà đang treo lơ lửng trong nhà. Sau đó thầy lấy một miếng vải màu đỏ, ngâm vào chậu nước, dùng nước đó làm phép vẩy quanh người tôi. Theo tôi hiểu thì tất cả những vật dụng được thầy làm lễ chính là "báu vật" để thầy làm phép. Nó còn được ví như "chiếc đũa thần" cầu gì được nấy, có thể biến hóa khôn lường".

Lời nguyền bị con ma bắt?!

Chúng tôi tiếp tục theo chân anh Cử đi tìm sự thực về “đũa thần quyền năng” của người Mường. Anh Cử dẫn đường cho chúng tôi đến gặp người được mệnh danh là "phù thủy" nơi đây, ông cũng là người nắm giữ nhiều bảo bối "lạ".

   - Ảnh 1

Thầy mo Th. nắm giữ nhiều "bảo bối".

Nhà thầy Th. nằm sau một con đập, quanh năm mát mẻ, căn nhà cấp bốn rộng thênh thang. Biết ý định của chúng tôi muốn được "diện kiến" tài nghệ của thầy và nhờ thầy làm lễ cúng, sau khi cầm tờ giấy ghi đầy đủ tên tuổi địa chỉ, thầy kính cẩn đặt lên bàn thờ, rót ba chén rượu và thắp một nén hương sau đó thầy khấn vái, miệng lẩm bẩm.

Thầy dùng một chiếc gậy đã được vót rất cẩn thận, chạm nhẹ vào chiếc đĩa dùng xin âm dương. Thầy Th. giơ chiếc đũa hướng về phía rừng núi và hô lớn rồi dùng chiếc gậy "thần" gõ mạnh thêm ba lần vào chiếc đĩa, sau đó thầy sai vợ xuống bếp lấy một bát nước nhỏ và một ít muối hòa vào nhau.

Chờ thầy hoàn thành màn trình diễn phép thuật, chúng tôi gợi ý muốn xem những bảo bối mà thầy vừa sử dụng. Thầy Th. xua tay tỏ vẻ không đồng ý rồi bảo: "Thầy mo nào cũng phải giấu nghề, nếu để lộ ra thì nó không còn được gọi là linh thiêng".

Nhấp chén trà, ông Th. nói nhiều về những bảo vật giúp một thầy mo trở nên cao tay hơn, làm được nhiều phép thuật hơn và xin phép không "khoe" những "chiếc đũa thần" đó. Thầy Th. tiết lộ thêm, ông còn nhờ vào chiếc gậy "thần" để có thể giao tiếp với thần linh và hiểu được ý nguyện của những vị thượng khách đến nhà thầy. Chiếc gậy "thần" chính là công cụ đắc lực, mang đầy quyền uy để xua đuổi tà ma, làm bùa...

Tất cả những việc mà thầy vừa diễn được lưu truyền như một huyền thoại về ông thầy cao tay tại đất này. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn được xem những vật báu có sức mạnh siêu nhiên thì thầy nhẹ nhàng từ chối: "Người ngoài xem sẽ mất thiêng, và khi thầy làm lễ thì đừng ai đến gần".

Theo lời mo Th., mỗi xóm, bản đều có thầy mo hành nghề cúng bái, bùa chài để mưu sinh. Mỗi thầy mo đều có một "khót" hay còn gọi là túi đồ nghề gia truyền. Túi "khót" ấy không phải ai cũng được đụng đến. Đối với mo Th., “khót” quý như sinh mạng của mình, ngay cả vợ con mo Th. cũng không hề biết trong đó chứa đựng những vật dụng bí mật gì để có thể trừ tà đuổi ma.

Nhấp chén nước, mắt nhìn ra con đường đá sỏi vòng vèo, mo Th. nói: "Khót là túi đồ nghề quý báu của mỗi thầy mo xứ Mường. Nó cũng có một lời nguyền, nếu không được phép của thầy mo mà ai đó tự ý động vào thì sẽ bị ma rừng, ma núi hành hạ, bắt mất hồn. Mỗi lần có khách đến nhà, hay đi cúng bái ở đâu, tôi phải làm lễ sau đó mới dám vào trong lấy túi khót ra. Nhưng thật sự, bản thân tôi cũng không biết sức mạnh của nó tới đâu".

Hủ tục lạc hậu dần được loại bỏ

Trao đổi với PV, bà Cao Kim Hoa, Trưởng phòng Văn hóa huyện Yên Lập (Phú Thọ) cho biết: "Những lời đồn về phép thuật của thầy mo, thầy cúng xứ Mường tồn tại từ nhiều đời nay mà không ai có thể kiểm chứng được. Tuy nhiên, người dân không nên quá đặt lòng tin vào việc cúng bái và coi những đồ vật mà thầy cúng sử dụng mang lại phép thuật thật. Hiện nay, những hủ tục lạc hậu đó đã dần được loại bỏ".

Mai Hằng

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý