"Sự thay đổi từ tư duy quản lý đơn thuần sang phục vụ"

sakura1 sakura1 @sakura1

"Sự thay đổi từ tư duy quản lý đơn thuần sang phục vụ"

Đó là nhận định của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh về Chính phủ kiến tạo phát triển – Thông điệp mới của Chính phủ.

20/02/2017 04:19 PM
149

Đó là nhận định của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh về Chính phủ kiến tạo phát triển – Thông điệp mới của Chính phủ.

Nghị quyết 100/NQ-CP, ngày 18/11/2016 của Chính phủ về “Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021”, trong đó xác định, “xây dựng tổ chức bộ máy của Chính phủ…với nguyên tắc Chính phủ kiến tạo phát triển” – một thông điệp mới đang được dư luận quan tâm, đồng tình, ủng hộ.

Nhân dịp Chính phủ ban hành Nghị quyết 100/NQ-CP nêu trên, Phóng viên có cuộc phỏng vấn ông Lê Đức Vinh – Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa về nguyên tắc xây dựng tổ chức “Chính phủ kiến tạo phát triển”.

"Sự thay đổi từ tư duy quản lý đơn thuần sang phục vụ" - Ảnh 1

Ông Lê Đức Vinh - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, nguồn: Internet.

PV: Cần hiểu về nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển” như thế nào cho phù hợp với tinh thần Nghị quyết 100/NQ-CP?

Ông Lê Đức Vinh – Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa: Vừa qua, tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ vào tháng 4 năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “Chính phủ đẩy mạnh việc chuyển phương thức chỉ đạo điều hành từ mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo và phục vụ”.  Nếu như trước đây, chúng ta hay nói nhiều đến xây dựng Chính phủ kháng chiến, chính phủ kiến quốc thì ngày nay, việc nhấn mạnh phương châm “Chính phủ kiến tạo phát triển” chính là một bước chuyển quan trọng để hướng đến mục tiêu xây dựng một Chính phủ đáp ứng kịp thời những yêu cầu, đòi hỏi của thời kỳ phát triển công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng, kết hợp với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. “Chính phủ kiến tạo phát triển” đòi hỏi Chính phủ phải tạo mọi điều kiện để phát triển môi trường đầu tư nhưng đồng thời cũng phải bảo đảm dân sinh, nâng cao chất lượng đời sống văn hoá của nhân dân.

Có nhiều cách hiểu khác nhau về “Chính phủ kiến tạo phát triển”, thế nhưng tựu chung lại, “Chính phủ kiến tạo phát triển” chính là việc Chính phủ thực hiện chức năng hành pháp bằng những công cụ và phương thức quản lý của mình, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân phát huy mọi tiềm năng phát triển mà không bị ảnh hưởng bởi các rào cản về cơ chế, chính sách. Nói một cách khác, việc thực hiện “Chính phủ kiến tạo phát triển” chính là sự thay đổi từ tư duy quản lý đơn thuần sang tư duy phục vụ trong quản lý.

PV: Nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển” trong xây dựng tổ chức bộ máy cần hiểu cụ thể như thế nào trong điều kiện cụ thể tại địa phương?

Ông Lê Đức Vinh – Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa: Đối với Khánh Hoà, xét trên phương diện xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước, việc hiểu và vận dụng nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển” cũng đồng nghĩa với việc hoàn thiện về tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, minh bạch, có sự phân định rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp hành chính cũng như của từng cơ quan, đơn vị nhằm hướng đến mục tiêu chuyển đổi từ tư duy quản lý đơn thuần sang tư duy phục vụ trong quản lý, góp phần đáp ứng kịp thời đòi hỏi của thực tiễn trong thời kỳ mới.

Là một tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ, với lợi thế về du lịch biển, việc thực hiện “Chính phủ kiến tạo phát triển” phải gắn liền với việc phát triển bền vững của địa phương. Theo đó, phải đảm bảo phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hoá – hiện đại hoá nhưng phải đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường (đặc biệt là môi trường biển), ứng phó với biến đổi khí hậu và những vấn đề toàn cầu khác mà nhà nước ta đã cam kết; đồng thời bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân.

Tại địa phương, việc xây dựng và hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước luôn tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật đồng thời đảm bảo đáp ứng kịp thời yêu cầu của tình hình thực tiễn tại địa phương. Chẳng hạn, trên cơ sở các quy định hiện hành và đề xuất của các cơ quan, đơn vị trong thực tiễn quản lý, ngày 09/09/2016, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ về phân cấp quản lý nhà nước. Theo đó, tỉnh đã mạnh dạn phân cấp, uỷ quyền cho UBND cấp huyện thực hiện một số nội dung thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Điều này không chỉ góp phần nâng cao tính linh hoạt chủ động của chính quyền địa phương mà còn góp phần giải quyết công việc nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm cho công dân, tổ chức.

Như vậy, trong bối cảnh hiện nay, việc không ngừng hoàn thiện tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, minh bạch; tăng cường phân cấp, uỷ quyền trên cơ sở phân định rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị chính là một bước đệm quan trọng để vận dụng và thực hiện có hiệu quả nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển” hướng đến mục tiêu đáp ứng kịp thời những yêu cầu, đòi hỏi của thời kỳ phát triển công nghiệp hoá – hiện đại hoá và hội nhập quốc tế sâu rộng, kết hợp với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời bảo đảm đời sống an sinh xã hội cho nhân dân.

PV: Với cách hiểu trên về nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển”, đánh giá, nhìn lại thực tiễn xây dựng tổ chức bộ máy của địa phương thời gian qua, Ông đánh giá như thế nào về những mặt tồn tại, hạn chế?

Ông Lê Đức Vinh – Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa: Trong thời gian qua, việc xây dựng tổ chức bộ máy tại địa phương đã cơ bản đáp ứng được những yêu cầu, đòi hỏi của tình hình địa phương. Tuy nhiên, đời sống xã hội luôn vận động, biến đổi không ngừng, kéo theo đó là những phát sinh mới, những yêu cầu mới cần được giải quyết. Trong khi đó, hệ thống pháp luật lại chưa thể “đón đầu” những yêu cầu này, vì vậy dẫn đến những hạn chế tồn tại nhất định trong công tác quản lý nhà nước. Công tác xây dựng tổ chức bộ máy cũng không ngoại lệ.

Thực tế đã cho thấy, tổ chức bộ máy tại địa phương dù đã được tổ chức theo đúng quy định của pháp luật (Nghị định 24/2014/NĐ-CP, Nghị định 37/2014/NĐ-CP và các quy định liên quan) nhưng vẫn chưa có sự phân định rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan, đơn vị. Từ đó, dẫn đến sự lúng túng, đùn đẩy về trách nhiệm của các cơ quan khi có vấn đề cần giải quyết (vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, vấn đề quản lý các Trạm y tế, Trung tâm Y tế,…)

Những tồn tại, hạn chế này chính là một rào cản lớn trong việc thực hiện nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển”.

PV: Thời gian tới, căn cứ vào những nội dung trong Nghị quyết 100/NQ-CP, địa phương có xây dựng một chương trình hành động riêng, để xây dựng tổ chức bộ máy theo nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển”? Nếu có, đơn vị nào sẽ được giao chủ trì và dự kiến khi nào sẽ được ban hành?

Ông Lê Đức Vinh – Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa: Trong thời gian tới, căn cứ vào những nội dung của Nghị quyết 100/NQ-CP và chỉ đạo cụ thể của Chính phủ, đồng thời căn cứ vào tình hình thực tiễn tại địa phương, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo xây dựng chương trình hành động riêng để hoàn thiện, xây dựng tổ chức bộ máy theo nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển”. Nếu thực hiện, Sở Nội vụ sẽ là đơn vị chủ trì và tiến độ thực hiện theo yêu cầu của Chính phủ.

PV: Trân trọng cám ơn Chủ tịch.

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý