Sự xuất hiện của Không quân VN đã thay đổi tương quan ở Trường Sa

mitdac1 mitdac1 @mitdac1

Sự xuất hiện của Không quân VN đã thay đổi tương quan ở Trường Sa

Sau ngày 14/3/1988, các tàu nước ngoài âm mưu sử dụng lực lượng lớn để mở rộng chiếm đóng các đảo và bãi đá ở Trường Sa nhưng sự xuất hiện các máy bay Su22 của ta đã khiến tương quan thay đổi buộc họ phải từ bỏ ý định.

26/08/2014 11:30 AM
856

Vươn cánh ra Trường Sa

Cuối năm 1987, tình hình Biển Đông phức tạp, Trung Quốc rục rịch điều tàu xuống khu vực biển Trường Sa. Đến đầu năm 1988, các tàu Trung Quốc chiếm một số đảo và bãi đá. Lực lượng Hải quân Việt Nam đã nhanh chóng huy động tối đa lực lượng ra để bảo vệ với chiến dịch mang tên Chủ quyền 88 (CQ-88).

Ngày 14/3/1988, hải quân hai nước đã đụng độ với nhau ở bãi Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao trong trận hải chiến Trường Sa. Trận chiến làm 2 tàu Việt Nam bị chìm, 1 tàu phải ủi bãi. Việt Nam mất Gạc Ma và Len Đao, chỉ giữ được đảo Cô Lin. Tuy nhiên, đó chưa phải là kết thúc sự việc. Sau trận chiến, các tàu Trung Quốc vẫn còn đó và có thể chiếm đóng thêm các đảo, bãi đá nếu ta sơ hở.

Mặc dù trong trận hải chiến, các máy bay của ta không xuất hiện nhưng ít người biết từ trước đó mấy tháng, Không quân Việt Nam đã có sự chuẩn bị cho tác chiến ở Trường Sa.

Theo Lịch sử dẫn đường Không quân, ngày 6/11/1987, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra mệnh lệnh bảo vệ quần đảo Trường Sa. Một ngày sau, Tư lệnh Không quân ra lệnh cho Sư đoàn 372 đưa một phi đội Su-22M của Trung đoàn 923 từ Thọ Xuân vào Phan Rang sẵn sàng chiến đấu.  

 - Ảnh 1

Đảo Trường Sa Lớn nhìn từ trên không.

Ngày 14/11/1987, phi đội Su-22M nói trên đã có mặt tại Phan Rang và bắt đầu huấn luyện sẵn sàng chiến đấu tại sân bay này. Cần nói thêm là vào thời điểm đó, việc đưa máy bay vươn tới Trường Sa còn gặp khó khăn lớn ở hệ thống dẫn đường. Theo Lịch sử trung đoàn Không quân 923, các radar dẫn đường không quân của ta lúc đó chỉ có bán kính hoạt động 300 km. Trong khi đó, khoảng cách từ Phan Rang ra Trường Sa vượt quá tầm hoạt động của radar.

Bay trên biển cũng phức tạp hơn rất nhiều so với bay trên đất liền vì nhiều khi bầu trời và mặt biển rất khó phân biệt, có thể nhầm lẫn bất cứ lúc nào.

Công tác huấn luyện cho các phi công Su-22 bay biển đã được Trung đoàn 923 thực hiện theo cách từ từ từng bước. Ban đầu phi công bay ra ngoài biển cách sân bay chừng 100 km và bay dọc theo bờ biển với quãng đường bằng đường bay từ Phan Rang ra Trường Sa. Khoảng cách cứ dần dần tăng lên.

Sau một thời gian huấn luyện, đến 10/3/1988, phi công Vũ Xuân Cương cùng một phi công Liên Xô đã thực hiện được chuyến bay đầu tiên ra Trường Sa. Chỉ 4 ngày sau, trận hải chiến Trường Sa diễn ra. Có lẽ do còn nhiều vấn đề nan giải về kỹ thuật bay và dẫn đường mà không quân Việt Nam trong ngày 14/3 đã không thể hỗ trợ cho lực lượng Hải quân.

Tuy nhiên, theo Wikipedia: Một tháng sau trận hải chiến, quân ta cử một phân đội tàu bí mật ra cắm cờ lên bãi đá Len Đao. Trung Quốc phát hiện và lập tức cử 7 tàu chiến đến uy hiếp định lặp lại kịch bản ngày 14/3 nhưng lần này trên bầu trời xuất hiện 6 chiếc máy bay Su-22 Việt Nam khiến các tàu Trung Quốc phải tản ra và ta thu hồi lại được bãi Len Đao.

Tăng cường lực lượng và diễn tập quy mô

Trên Biển Đông sau trận hải chiến, lực lượng tàu Trung Quốc vẫn còn hiện diện gây áp lực. Do vậy, phía ta cũng tăng cường thêm các máy bay vào Phan Rang. Ngày 24/4/1988, có thêm 3 chiếc Su-22M từ Thọ Xuân bay vào Phan Rang. Đến ngày 10/6/1988, Không quân lại điều vào Phan Rang thêm 10 chiếc Su-22M nữa. Như vậy đến lúc này, số Su-22M ở Phan Rang đã lên tới hơn 20 chiếc, sẵn sàng chiến đấu chi viện cho Trường Sa nếu Trung Quốc tiếp tục phiêu lưu quân sự.

Cùng với việc điều thêm máy bay, Không quân ta cũng tiến một bước quan trọng trong tác chiến ở Trường Sa. Trong hai ngày 24 và 28/6/1988, 2 biên đội Su-22M (mỗi biên đội 2 chiếc) đã lần lượt bay nhiệm vụ ra đảo Trường Sa và đảo An Bang. Điều đáng nói, các phi công ta đã bay được độc lập, không cần phi công Liên Xô bay kèm.

 - Ảnh 2

Một biên đội Su-22 của Không quân Việt Nam đang cất cánh.

Với việc lực lượng Không quân Việt Nam vươn được tới Trường Sa, âm mưu xâm lấn của Trung Quốc đã bị chặn đứng. Bởi vì ở thời điểm đó, Không quân Trung Quốc cũng còn lạc hậu.

Theo như lời viên tướng Raymond Chan kể thì lúc đó các máy bay Trung Quốc nếu cất cánh từ sân bay gần nhất cũng chỉ có thể hoạt động được từ 4 đến 5 phút ở Trường Sa là phải quay về nếu không sẽ hết dầu. Và ông này đã cho biết năm 1988, Hải quân Trung Quốc sợ nhất là gặp Su-22 của Việt Nam.

Tuy vây, trong hai năm 1988 và 1989, Không quân Việt Nam tiếp tục bồi thêm 2 đòn nữa để dập tắt “giấc mơ” của Trung Quốc bằng 2 cuộc diễn tập trên biển.

Vào cuối tháng 10/1988, lực lượng không quân của ta tổ chức một cuộc tập trận với tình huống giả định là bảo vệ Trường Sa. Đợt tập trận này ta huy động nhiều loại máy bay với các nhiệm vụ cụ thể là: Ka-28 có nhiệm vụ tìm kiếm, xác định mục tiêu trên biển, Su-22M tiến công đội tàu hải quân của đối phương, Mig-21 yểm hộ tàu ta trên đường hành quân, Mi-8 làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển và An-26 vận tải tiếp tế cho bộ đội trên đảo.

Trong số này, các máy bay Su-22M là hiện đại nhất lúc đó và là mũi nhọn chủ lực trong tác chiến không đối hải của Không quân ta. Lực lượng Su-22M tham gia diễn tập là Phi đội 1 của Trung đoàn 923. Các biên đội đều thực hiện đúng theo phương án tác chiến và hiệp đồng chặt chẽ với Hải quân. Các phi công đều nhanh chóng phát hiện và công kích chính xác các mục tiêu giả định.

 - Ảnh 3

Ảnh chụp một cuộc tập ném bom trên biển của Không quân Việt Nam những năm gần đây.

Sang năm 1989, từ ngày 21 đến 27/5, quân đội Việt Nam lại tổ chức một cuộc diễn tập lớn với sự hiệp đồng của cả Không quân, Hải quân và các lực lượng Quân khu 7 với đề mục là bảo vệ khu vực dầu khí và thềm lục địa phía Nam.

Đây là một cuộc diễn tập quân sự rất lớn. Trong đó, lực lượng Không quân tham gia gồm toàn bộ Sư đoàn 370 cùng Trung đoàn 918 và một phần lực lượng của Trung đoàn 923 ở Phan Rang.

Các máy bay được sử dụng gồm Mig-21Bis, Su-22M, Su-22M4, An-26, Mi-8. Khác với cuộc diễn tập năm 1988, lần này, có đặt cả tình huống giả định lực lượng địch có sử dụng máy bay và các Mig-21 của ta xuất kích đánh chặn đội hình máy bay của chúng. Theo tài liệu Lịch sử Trung đoàn Không quân 923 thì chính các máy bay Su-22 của đơn vị đã đóng vai “quân xanh” để cho các Mig-21 tập luyện.

Như vậy có thể nói việc Không quân Việt Nam vượt qua khó khăn để vươn tới Trường Sa và chứng tỏ được khả năng tác chiến biển qua các cuộc tập trận sau đó đã làm thay đổi hẳn tương quan giữa ta và Trung Quốc theo hướng có lợi cho ta. Do vậy, có thể nói rằng sự xuất hiện của Không quân Việt Nam đã góp phần quan trọng vào việc ngăn chặn và làm thất bại âm mưu lấn chiếm của Trung Quốc ở Trường Sa.

Trần Vũ

Xem thêm video clip : Clip: Cuộc giải cứu con tin Foley không thành của đặc nhiệm Mỹ

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý