Sức sống mới ở Dak Tuor

mesu mesu @mesu

Sức sống mới ở Dak Tuor

Congly.vn Chúng tôi đến với buôn Dak Tuor (xã Cư Pui, Krông Bông, Đắk Lắk) vào một ngày cuối tháng Tám, khi không khí của ngày lễ Quốc khánh đang rộn ràng khắp buôn làng.

05/09/2014 01:44 PM
636

Nơi đây đã bảo vệ, che chở, nuôi giấu cán bộ của Tỉnh ủy Đắk Lắk những năm kháng chiến chống Mỹ, Ngụy cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Buôn Dak Tuor, thời Mỹ - Ngụy đã trải qua rất nhiều trận đánh lớn, thời kỳ ấy, cơ sở vật chất của ta còn nghèo nàn, cuộc sống rất cực khổ. Cái đói, cái rét luôn rình rập xung quanh, nhưng vì cuộc kháng chiến trường kỳ, hơn nữa đây lại là nơi trú ẩn của cán bộ đầu não tỉnh nên bà con nhân dân đặc biệt nêu cao tinh thần đoàn kết và cảnh giác với bọn địch.

Trong sâu thẳm ánh mắt, bà H’Brê Mdrang (SN 1951) nhớ lại: Từ những năm 1971 đến năm 1975, thôn có hang động lớn, là nơi trú ngụ an toàn nên toàn thể bà con nhân dân cũng như lãnh đạo Tỉnh ủy chọn làm nơi hoạt động cách mạng lâu dài. Tại đây, cán bộ và nhân dân cùng ăn - ngủ - nghỉ, dân làng vừa bí mật làm nương rẫy, vừa bí mật phục vụ cho bộ đội và cán bộ Tỉnh ủy. Trong kháng chiến, toàn bộ nhân dân trong buôn một lòng theo Đảng và phục vụ cách mạng… Mặc dù nạn đói rét hoành hành, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc nhưng khi nghe tin cơ quan Tỉnh ủy chuyển về đây thì dân làng mỗi ngày ăn ít hơn một tý, nhường cơm sẻ áo cho cán bộ. “Dân ăn gì thì cán bộ ăn nấy, có măng ăn măng, có sắn ăn sắn…”, bà Mdrang bùi ngùi kể.

Sự trỗi dậy của một làng quê nghèo khi trở thành buôn kết nghĩa với Tỉnh ủy

Ông Y Ngôm Byă năm nay đã 70 tuổi là du kích đồng thời còn là giáo viên thời kỳ kháng chiến chống Mỹ - Ngụy không giấu được cảm xúc, ông bùi ngùi: “Dân ta biết ơn Đảng nhiều lắm, dù đang phải bí mật để làm cách mạng nhưng các cán bộ Tỉnh ủy vẫn giúp đỡ và cùng nhân dân phát triển kinh tế. Thời gian từ năm 1970 đến 1975, tại đây đã diễn ra ba cuộc chiến khốc liệt, hàng trăm, hàng nghìn người dân và bộ đội đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh, đập tan mọi âm mưa của kẻ địch…”.

Trận đánh năm 1971, bọn địch đã dùng máy bay để ném bom và càn quét cán bộ cách mạng, chúng còn cho người bí mật theo dõi nhân dân để tìm ra chỗ ẩn náu của cán bộ. Nhưng với sự giác ngộ cao, bà con nhân dân đã từng bước loại bỏ bọn chúng bằng những vũ khí thô sơ như gậy gộc và vài khẩu súng trường. Trận đánh năm 1973, khi bọn địch đang cầu cứu chi viện từ Nha Trang lên, nhận biết được trước, Tỉnh ủy đã lãnh đạo nhân dân đứng lên đánh chặn phủ đầu, không cho chúng tiếp viện. Qua trận này, chúng ta đã thu được rất nhiều lương thực cũng như vũ khí đạn dược, điều quan trọng là nhân dân càng quyết tâm, càng đoàn kết hơn trong cuộc kháng chiến chống giặc để giành độc lập vào trận đánh cuối cùng năm 1975.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui ghi nhận những đổi thay của buôn làng

Trận đánh ngày 9/5/1975, quân và nhân dân ở đây đã giải phóng được H9 (nay là huyện Krông Bông) sớm nhất tỉnh Đăk Lăk.

Buôn Dak Tuor hiện có trên 50% gia đình chính sách có công với cách mạng, đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên trước đây là một trong những buôn nghèo nhất tỉnh. Năm 2002, Văn phòng Tỉnh ủy và Ban Tự quản buôn đã tổ chức lễ kết nghĩa nhằm triển khai chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước là góp phần chăm lo đời sống vật chất, thắt chặt tình đoàn kết giữa cán bộ công chức với đồng bào dân tộc thiểu số trong buôn. Từ đó đến nay, Văn phòng Tỉnh ủy đã cử 12.000 lượt cán bộ về buôn kết nghĩa để phối hợp với các cơ quan, đơn vị và các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức nhiều chương trình giúp đỡ buôn kết như: Xây đập bảo đảm nước tưới cho hơn 100ha cây trồng; sửa chữa 7 ngôi nhà dột nát; tặng 20 con bò cái sinh sản cho các hộ nghèo (trị giá 200 triệu đồng); xây nhà văn hóa cộng đồng, lớp mẫu giáo và xây dựng nhiều ngôi nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo, gia đình chính sách trong buôn…

Nhìn lại chặng đường đấu tranh và phát triển, ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui cho biết: “Dak Tuor là một buôn giàu truyền thống cách mạng, buôn có tới trên 50% gia đình chính sách, hai Mẹ Việt Nam Anh hùng. Một khi ý Đảng đã thuận lòng dân, thì nhân dân sẽ không ngại khó, ngại khổ, một lòng theo Đảng, cùng với nhân dân cả nước tiến lên xây dựng đất nước ngày càng to đẹp hơn, giàu mạnh hơn…”. 

Trần Sỹ - Lê Thảo

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý