Suy thoái kinh tế tại Nhật: Nhiều lao động Việt lao đao

baybykiu baybykiu @baybykiu

Suy thoái kinh tế tại Nhật: Nhiều lao động Việt lao đao

Có bạn ra chợ của người Việt mua thủ lợn, 1 con gà về để tủ lạnh làm thức ăn cho cả tháng, bạn ấy nói 1 tháng chỉ ước lượng tiền ăn trong khoảng dưới 5000 yên (khoảng 800 nghìn đồng tiền Việt)…”, anh Thảo, một lao động Việt đang làm việc tại Nhật cho biết.

19/11/2014 02:05 PM
1,421

Ngày 17/11, Chính phủ Nhật Bản thông báo, nền giải tán Hạ viện vào ngày 18/11 để mở đường cho các cuộc bầu cử Quốc hội sớm vào tháng 12 tới.

Tính theo nhịp độ hàng năm, GDP của Nhật Bản đã giảm 1,6% trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái, trái với dự báo tăng trưởng khoảng 2%.

Trong quý 3 vừa qua, tiêu thụ tư nhân, lĩnh vực đóng góp khoảng 60% nền kinh tế Nhật Bản chỉ tăng 0,4% so với quý trước nhưng yếu hơn so với kỳ vọng tăng 0, 8% của các nhà kinh tế.

Theo các nhà kinh tế, số liệu thất vọng trên có thể dẫn đến việc trì hoãn áp dụng đề xuất nâng thuế tiêu thụ lần thứ hai của Nhật Bản.

Tháng 4 vừa qua, nước này đã nâng thuế tiêu thụ từ 5% lên 8% nhằm cải thiện tình hình tài chính và dường như động thái này vẫn đang tác động lên nền kinh tế. Hiện Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc xem liệu có tiếp tục nâng thuế tiêu thụ lên 10%.

Nền kinh tế lớn thứ 3 này đã thoát khỏi suy thoái trong những tháng cuối của năm 2012 ngay trước khi Thủ tướng Shinzo Abe lên nắm quyền, với một chính sách phục hồi đầy tham vọng.

Tuy nhiên, sau bước khởi đầu đáng khích lệ và đạt tăng trưởng 1,5% năm ngoái, chính sách phục hồi kinh tế của ông Abe đang bị thử thách trong những tháng vừa qua, mà một trong những nguyên nhân chính là việc tăng thuế tiêu thụ hồi tháng 4 vừa qua.

 - Ảnh 1

Thống kê vừa được công bố cho thấy, GDP thực tế của Nhật giảm 1,6% trong quý 3 năm - Ảnh: BI.

Ông Takeuchi Atsuki, Nhà nghiên cứu trưởng, Trung tâm nghiên cứu kinh tế cho biết: “Quy mô tiêu dùng nội địa giảm mạnh như vậy là một điều đáng kinh ngạc. Người dân Nhật Bản đã cắt giảm chi tiêu cho các mặt hàng lâu bền mạnh hơn nhiều so với các dự báo trước đó của chúng tôi. Không chỉ có vậy, tâm lý của người tiêu dùng gần đây cũng đã trở nên bi quan”.

Điểm sáng duy nhất trong nền kinh tế của Nhật Bản trong quý 3 là việc xuất khẩu của các công ty nước này tiếp tục tăng trưởng mạnh nhờ vào đồng yên yếu. Đồng yên có lúc giảm tới 1 USD đổi 101 yên. Xuất khẩu tăng 1.3% so với cùng kỳ năm ngóai, trong khi kim ngạch nhập khẩu chỉ tăng 0.8%.

Ông Takeuchi Atsukicho biết thêm: “Một vài dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Nhật Bản có thể quay lại tăng trưởng nhẹ trở lại trong 3 tháng cuối năm. Lợi nhuận của các công ty xuất khẩu vẫn tăng, và nhu cầu tuyển dụng lao động tại các trung tâm kinh tế lớn như Tokyo vẫn cao”.

Nền kinh tế suy yếu đang gây áp lực lớn lên chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe trong việc có nên giữ nguyên quyết định tăng thuế tiêu thụ đợt 2 lên 10% từ tháng 10/2015 như kế họach đã định hay không.

Lao động Việt Nam tại Nhật lao đao

Suy thoái kinh tế khiến giá trị đồng yên giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của những lao động Việt đang làm việc tại Nhật theo diện tu nghiệp sinh, .

Thảo, một tu nghiệp sinh tại Nhật cho biết: Tu nghiệp sinh khi sang Nhật mất khoảng 14.000 USD. Phần lớn tu nghiệp sinh đi đều phải vay tiền ngân hàng với hi vọng sau 3 năm làm việc sẽ trả được hết nợ và có chút vốn liếng để xây dựng sự nghiệp tại quê nhà. Nhưng suy thoái kinh tế tại Nhật khiến giấc mơ có chút vôn liếng sau thời gian làm việc tại xứ người của những lao động Việt trở nên xa vời vợi.

 - Ảnh 2

Thực đơn 1 tháng của một lao động Việt Nam tại Nhật

“Khi tôi sang Nhật là năm 2013, khi đó, giá 1 yên Nhật khoảng 210 VNĐ, nhưng hiện tại, do tình hình suy thoái, giá 1 yên nhật chỉ dao động quanh ngưỡng 181 VNĐ. Theo dự báo thì giá yên Nhật có khả năng còn xuống thấp nữa trong thời gian tới. Việc giá yên xuống thấp ảnh hưởng rất lớn đến những người đang đi tu nghiệp và du học sinh. Mức lương hàng tháng tôi nhận về khoảng 10 man, tương đương 21 triệu tiền Việt vào năm 2013, nhưng giờ chỉ còn 18 triệu/tháng. Trừ tiền ăn uống, điện nước, chi tiêu cá nhân,… rè xẻn lắm mới mong gửi về cho khoảng 8-9 triệu đồng. Dùng phép tính đơn giản cũng biết, nếu tình hình cứ như thế này, sau 3 năm hết hạn hợp đồng, may mắn thì chúng tôi mới thu hồi được vốn liếng bỏ ra để sang bên này. Vậy coi như 3 năm trời là công cốc”, anh Thảo than thở.

Nhưng anh Thảo vẫn còn may mắn hơn nhiều lao động khác.

Thanh, đang là tu nghiệp sinh tại tỉnh Osaka cho biết, anh sang Nhật đã 6 tháng nhưng chưa bao giờ lĩnh lương trên 15 triệu. Trừ ăn uống chi tiêu, số tiền gửi về cho gia đình trả nợ vẻn vẹn khoảng 5 triệu VNĐ.

“Phải ăn uống kham khổ thì mỗi tháng mới gửi về nhà được 5 triệu. Tôi đang lo sau 3 năm ở xứ người đến số vốn bỏ ra cũng không thu hồi lại được. Ho vọng tình nước Nhật nhanh chóng thoát khỏi suy thoái, chứ cứ tình trạng như hiện nay thì coi như đường về của chúng tôi là một màu tối”, Thanh than phiền.

Với tu nghiệp sinh, cuộc sống đã đến vậy, những bạn trẻ sang Nhật theo diện du học còn khó khăn gấp bội.

“Mỗi tuần chúng tôi chỉ được làm khoảng 24 giờ, thu nhập hiện nay may mắn thì đủ để trang trải cuộc sống, nói gì đến việc gửi về cho gia đình. Nếu 1 năm trước ước mơ của tôi là được sang Nhật để “đổi đời”, thì nay, ước mơ duy nhất của tôi là quy trở lại hơn 1 năm trước để có thể thay đổi quyết định”, Phúc, một du học sinh tại Inuyama cho biết.

Suy thoái kinh tế của Nhật khiến của cả tu nghiệp sinh lẫn du học sinh đều giảm đáng kể, dù nhiều bạn “cày ngày cày đêm” nhưng số tiền kiếm được cũng không thấm tháp là bao. Vì vậy, cách duy nhất để “sống chung với bão” của lao động Việt tại Nhật là thắt chặt chi tiêu ở mức tối đa nhất có thể.

“Thực phẩm thường xuyên xuất hiện trên bàn ăn của chúng tôi là trứng gà, thịt gà. Đây là 2 loại thực phẩm có giá mềm nhất. Các loại như thịt lợn, tôm, cá, cua, mức tươi… chỉ đến xem giá, nhìn cho đã con mắt rồi quay đi. Có bạn ra chợ của người Việt mua thủ lợn, 1 con gà về để tủ lạnh làm thức ăn cho cả tháng, bạn ấy nói 1 tháng chỉ ước lượng tiền ăn trong khoảng dưới 5000 yên (khoảng 800 nghìn đồng tiền Việt)…”, anh Thảo kể.

An Nhiên

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý