Tái cơ cấu ngành than: Ưu tiên dự án trọng điểm

thienlong thienlong @thienlong

Tái cơ cấu ngành than: Ưu tiên dự án trọng điểm

Thực hiện Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp (DN) nhà nước theo Quyết định 314 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 7/2/2013.

23/12/2013 12:06 PM
1,056

Chỉ trong một thời gian ngắn, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã triển khai nhiều giải pháp tái cơ cấu nhằm mục tiêu góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia...

Thực hiện đúng tiến độ

Theo báo cáo của Vinacomin, ngay sau khi có quyết định phê duyệt đề án tái cơ cấu, Vinacomin đã thành lập ban chỉ đạo để triển khai tái cơ cấu ngành than giai đoạn 2012 - 2015. Chỉ trong thời gian ngắn, tập đoàn đã triển khai chuyển đổi 6 công ty TNHH MTV sản xuất than thành chi nhánh của tập đoàn, gồm: Công ty than Mạo Khê, Công ty than Nam Mẫu, Công ty than Dương Huy, Công ty than Thống Nhất, Công ty than Khe Chàm từ ngày 1/8/2013 và hiện nay các công ty này đang hoạt động ổn định và hiệu quả.

Đồng thời, thực hiện quy trình để tiến hành cổ phần hóa Công ty TNHH MTV vật tư, vận tải và xếp dỡ - Vinacomin, Công ty TNHH MTV Kim loại màu Thái Nguyên. Theo lộ trình, 2 đơn vị này sẽ chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, kể từ ngày 01/01/2014. Đối với các trường cao đẳng nghề của tập đoàn, Vinacomin đang xây dựng đề án và đề xuất mô hình tổ chức sau khi hợp nhất các trường để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng kế hoạch…

Đầu tư đổi mới công nghệ, tiết kiệm tài nguyên trong sản xuất đã giúp Vinacomin thành công trong tái cơ cấu

Tính đến tháng 9/2013, tập đoàn đã hoàn thành việc thoái toàn bộ vốn tại Tổng công ty cổ phần bảo hiểm SHB - Vinacomin, Công ty cổ phần phát triển đường cao tốc BIDV… theo nguyên tắc bảo toàn vốn nhà nước và có thặng dư. Ngoài ra, tập đoàn đã lựa chọn được đối tác để chuyển nhượng Công ty TNHH MTV Tài chính Than - Khoáng sản Việt Nam, chuyển nhượng phần vốn tại công ty CP Hàng không VNI. Đối với việc chuyển nhượng các dự án đầu tư ngoài ngành khác (Ngân hàng SHB, Công ty cổ phần SHS, Công ty cổ phần đầu tư phát triển khu kinh tế Hải Hà), tập đoàn đã tiến hành các thủ tục để chuyển nhượng. Tuy nhiên, do điều kiện thị trường chứng khoán không thuận lợi nên việc chuyển nhượng vốn đầu tư tại các dự án này chưa thực hiện được.

Theo đánh giá của Vinacomin, các dự án đầu tư ngoài ngành của tập đoàn được góp vốn với tỷ trọng rất nhỏ so với cơ cấu vốn điều lệ (chiếm khoảng 1,4%), sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp này vẫn có hiệu quả nên việc thu hồi vốn đầu tư của tập đoàn có thể hoàn thành được trong giai đoạn 2013-2015.
Thời gian qua, Vinacomin đã chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu tập đoàn theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, bám sát quan điểm, nội dung và các biện pháp. Kiên quyết chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu tập đoàn thống nhất theo lĩnh vực quản lý, tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt…

Tập trung vào lĩnh vực ngành then chốt

Ông Nguyễn Văn Biên - Phó Tổng giám đốc Vinacomin - cho biết: Song song với việc sắp xếp lại mô hình tổ chức cá0c doanh nghiệp, tập đoàn đã quan tâm chỉ đạo việc tái cơ cấu quản trị doanh nghiệp theo hướng tăng cường công tác quản trị nội bộ, hoàn thiện cơ chế quản lý, đẩy mạnh các giải pháp tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất như sắp xếp lại bộ máy quản lý, tái cơ cấu sản xuất - kinh doanh, theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối quản lý: tại Cơ quan quản lý điều hành của tập đoàn các ban chuyên môn giúp việc từ số lượng 28 ban chuyên môn giúp việc, nay đã giảm xuống còn 23 ban; tại 3 công ty than hai cấp sẽ chuyển về một cấp là chi nhánh của tập đoàn, bỏ cấp trung gian; các công ty than giảm từ 22-25 phòng, ban xuống còn 17-18 phòng, ban, giảm tỷ lệ gián tiếp, phục vụ. Đồng thời, tập trung chỉ đầu tư các dự án trọng điểm như các dự án than, khoáng sản, điện, hóa chất theo quy hoạch, kế hoạch 5 năm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; các dự án đưa công nghệ mới vào sản xuất. Đẩy mạnh việc xã hội hóa đầu tư vào các dự án khai thác, vận chuyển, chế biến than theo hình thức BOT hoặc BT…

Bên cạnh đó, Vinacomin tiếp tục thực hiện đầu tư đổi mới công nghệ, đẩy mạnh sản xuất, tiết kiệm tài nguyên trong sản xuất, nâng tỷ lệ thu hồi than trong khai thác hầm lò, nâng cao phẩm cấp, chất lượng than, tận thu than; khai thác than, khoáng sản phải gắn với công tác bảo vệ môi trường. Các tổng công ty trong Vinacomin đã cân đối nguồn lực hiện có để đầu tư đổi mới công nghệ hợp lý, không dàn trải, đồng thời vẫn đảm bảo mục tiêu từng bước hiện đại hóa công nghệ, đảm bảo an toàn trong sản xuất, quản trị chặt chẽ và tiết kiệm tài nguyên.

Tuy nhiên, để ngành than chủ động trong điều hành sản xuất - kinh doanh, ông Biên kiến nghị, nhà nước cần ổn định các chính sách thuế phí như thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu, thuế, phí môi trường,... ở mức hợp lý thay cho việc điều chỉnh tăng liên tục như thuế tài nguyên, thuế, phí môi trường các năm qua nhằm khuyến khích doanh nghiệp khai thác tiết kiệm tài nguyên và  chủ động điều hành theo quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt vì ngành than có vai trò trụ cột trong việc góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Đặc biệt, trong điều kiện tiêu thụ than khó khăn như hiện nay, tồn kho tăng cao, nhà nước không nên tăng thuế xuất khẩu than và các thuế phí khác. “Rút kinh nghiệm như tháng 7/2013, khi Bộ Tài chính tăng thuế xuất khẩu thì than của Việt Nam không bán được. Sau 2 tháng  đã điều chỉnh lại nhưng đã ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất - kinh doanh của Vinacomin mà sau 4 tháng mới dần ổn định trở lại nhất là việc đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, đời sống cho công nhân mỏ, vốn tuyển đã khó thì cần phải có chính sách phù hợp để ổn định việc làm cho thợ mỏ, ổn định sản xuất, đảm bảo năng lực khai thác than cho nhu cầu trong nước tăng cao trong thời gian tới” -  ông Biên cho hay.

Theo Báo Công Thương

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý