Tăng lương tối thiểu năm 2015: Lại có nguy cơ 'lỡ hẹn'

ban ban @ban

Tăng lương tối thiểu năm 2015: Lại có nguy cơ 'lỡ hẹn'

Tăng lương tối thiểu năm 2015 lại có nguy cơ lỡ hẹn do ngân sách năm 2015 còn nhiều khó khăn, bội chi lớn, chi trả nợ tăng cao, chưa bố trí được nguồn để điều chỉnh tiền lương cơ sở.

10/10/2014 05:32 AM
5,967

Theo thông tin trên báo Dân trí, do ngân sách năm 2015 còn nhiều khó khăn, bội chi lớn, chi trả nợ tăng cao, chưa bố trí được nguồn để điều chỉnh tiền lương cơ sở. Đây là nội dung mà Thường trực Chính phủ báo cáo trước Ủy ban Thường vụ sáng nay (9/10) về tình hình thực hiện thu chi Ngân sách Nhà nước và tình hình kinh tế, xã năm 2014 và năm 2015.

Tuy nhiên, xung quanh ý kiến này nhiều đại biểu quốc hội tỏ ra băn khoăn, không tán thành. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: “Năm 2014 đã hoãn tăng tiền lương cơ sở rồi, năm 2015 cũng không thể bố trí ngân sách để tăng lương. Như vậy, dư luận băn khoăn về vấn đề này? Và nếu tăng lương thì tiền ở đâu?”. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đưa ra ý kiến về phiên thảo luận.

Cũng chia sẻ về quan điểm ngân sách không có tiền để tăng lương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: không nên nói “cứng” là không tăng lương mà Bộ Tài Chính cần phải tính toán thêm cách nào đó hay không? Xem thu và chi của chúng ta hiện nay có cân đối hay không?

“Không tăng lương đối với cán bộ công chức thì có thể hiểu được vì họ đã có thu nhập, còn không tăng lương đối với những người được hưởng lương hưu, đối tượng trợ cấp xã hội thì các đồng chí phải xem xét lại”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.

 - Ảnh 1

Do ngân sách năm 2015 còn nhiều khó khăn, bội chi lớn, chi trả nợ tăng cao, nên chưa bố trí được nguồn để điều chỉnh tiền lương cơ sở.

Theo Chủ tịch Quốc hội, cần tính toán lại cơ cấu chi ngân sách hợp lý, bao nhiêu % chi thường xuyên là chi cho lương, còn lại bao nhiêu % là chi để trả nợ nhằm đảm bảo cân đối thu chi hợp lý. “Cơ cấu chi ngân sách hiện nay rất xấu khi đến 72% chi thường xuyên, chỉ còn gần 30% là chi cho đầu tư phát triển và vừa chi trả nợ”.

Chủ tịch cũng nhấn mạnh, chi ngân sách năm sau cần đảm bảo chi 50% là chi thường xuyên, 30% chi đầu tư phát triển và 20% chi cho trả nợ.

Nói thêm về tăng thu để tăng chi, Chủ tịch Quốc hội khẳng định: Tôi tính sơ sơ năm nay thu ngân sách cũng phải lên đến con số 80.000 tỷ đồng, sao chúng ta đặt ra thu ngân sách năm nay chỉ 50.000 tỷ đồng. Nếu không tăng thu được, chúng ta phải vay, đảo nợ khiến bội chi Ngân sách tăng lên. Nếu thu ít, chúng ta lấy đâu để chi, rồi lấy bao nhiêu % trong thu đó để trả nợ nước ngoài, khi trả nợ từ năm 2015 – 2020 là rất lớn. Các đồng chí bảo giảm thuế dẫn đến thất thu, tôi cho rằng không phải, tại sao các nước trong khu vực họ giải quyết cân đối thu chi tốt mà ta lại bội chi.

Ngoài ra, thảo luận về việc hoãn tăng lương cơ sở năm 2015, Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho rằng cần tăng lương tối thiểu theo lộ trình để đảm bảo đời sống cho một bộ phận cán bộ, công chức thu nhập thấp trong bộ máy hành chính.

Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm UBTCNS Quốc hội khẳng định: “Đã đưa ra lộ trình tăng lương thì cần phải sắp xếp thu – chi Ngân sách để tăng cho hợp lý đảm bảo ổn định đời sống nhân dân và an sinh xã hội”.

Cũng tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến của Văn phòng Quốc hội, UB dân tộc Quốc hội đã đưa ra quan điểm tăng lương cơ sở nhưng hiện khu vực hành chính hoạt động kém hiệu quả, cồng kềnh, năng suất lao động thấp, tăng lương cơ sở năm tới cần cân nhắc để phù hợp, đúng đối tượng nhằm đảm bảo kích thích tăng trưởng, đảm bảo khả năng cân đối ngân sách trung và dài hạn để trả nợ quốc gia theo kết hoạch từ năm 2015 – 2020.

 - Ảnh 2

Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho rằng cần tăng lương tối thiểu theo lộ trình để đảm bảo đời sống cho một bộ phận cán bộ, công chức thu nhập thấp trong bộ máy hành chính.

Tin tức trên báo Đất Việt cho biết, không bàn sâu về tăng lương, song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý không nên nói “cứng” là không tăng lương mà cần phải tính toán thêm.

Theo Chủ tịch, cơ cấu chi ngân sách hiện nay rất xấu khi đến 72% chi thường xuyên, chỉ còn gần 30% là vừa trả nợ vừa đầu tư phát triển.

Phải trở lại cơ cấu chi ngân sách 50% chi thường xuyên, 30% chi đầu tư và 20% chi trả nợ, tiết kiệm chi thường xuyên hơn nữa, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Trước đó, ngày 6/8, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã bỏ phiếu thông qua phương án tăng lương tối thiểu vùng từ năm 2015 với tỷ lệ 63% thành viên tán thành.

Trong cuộc họp, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã đưa ra phương án tăng lương tối thiểu cụ thể các vùng như sau: vùng I là 3,2 triệu đồng, vùng II là 2,85 triệu đồng, vùng III là 2,55 triệu đồng, vùng IV là 2,3 triệu đồng.

Tuy nhiên, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã chọn mức thấp hơn, cụ thể, lương tối thiểu Vùng I là 3,1 triệu đồng (tăng 400 ngàn đồng so với năm 2014); vùng II: 2,75 triệu đồng (tăng 350 ngàn đồng); vùng III: 2,42 triệu đồng (tăng 320 ngàn đồng); vùng IV là 2,2 triệu đồng (tăng 300 ngàn đồng).

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, ông Phạm Minh Huân cho biết, phương án này được lựa chọn để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định để tăng lương vào năm 2015 ở khu vực doanh nghiệp.

Nếu phương án đề xuất này được Thủ tướng đồng ý, lương tối thiểu vùng năm 2015 sẽ tăng bình quân khoảng 15,1% so với lương tối thiểu năm 2014.

Ngọc Anh (Tổng hợp)

Xem thêm video clip : Cam Trung Quốc giả mạo cam Hà Giang tràn ngập thị trường

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý