Tết nghĩa tình trong gia đình cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên

dinhhuong dinhhuong @dinhhuong

Tết nghĩa tình trong gia đình cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên

(ĐSPL) Tết với vị cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên là “Tết sum vầy” và “Tết bè bạn”.

09/02/2016 01:49 PM
21

(ĐSPL) - Tết với vị cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên là “Tết sum vầy” và “Tết bè bạn”.

Dù vòng xoáy công việc có bộn bề, nhưng mỗi dịp Tết đến xuân về, các con cháu trong gia đình cụ lại tụ họp về căn nhà “kỷ niệm”- nơi đại gia đình cùng chung sống trong những ngày Bộ trưởng còn sống, để cùng nhau ôn lại truyền thống của gia đình.

Tết nghĩa tình trong gia đình cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên - Ảnh 1Phóng to

Đám cưới của “ông nghè Tây học” Nguyễn Văn Huyên với tiểu thư lá ngọc cành vàng Vi Kim Ngọc.

Gặp gỡ “Giám đốc bảo tàng gia đình”

Chúng tôi được con trai thứ của cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên PGS.TS. Nguyễn Văn Huy (nguyên Giám đốc bảo tàng Dân tộc học) sắp xếp một cuộc hẹn đầy ý nghĩa tại khuôn viên của bảo tàng gia đình trong những ngày tiết trời đang chuyển mình vào xuân. Trước khi được nghe câu chuyện từ chính PGS. Huy, chúng tôi được đi tham quan nơi lưu giữ tất cả các hiện vật của cha mẹ ông để lại, từ cặp kính, chiếc bút,  những bức thư, những trang bản thảo đang dang dở... Và cả bản gốc các tác phẩm đã xuất bản của cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên. Những kỷ vật dù đã ố vàng theo thời gian, nhưng tới nay vẫn còn nguyên giá trị. “Bảo tàng gia đình là một cách giáo dục con cháu bởi không có gì sinh động hơn những hiện vật mà ông cha mình để lại, nó làm cho mỗi thành viên trong gia đình luôn tự hào về truyền thống của cha mẹ, để mỗi chúng tôi luôn cố gắng ý thức học tập vươn lên trong cuộc sống”, ông Huy chia sẻ.

Trong câu chuyện thân tình quanh chén nụ vối, PGS. Huy chầm chậm kể về truyền thống gia đình mình. Sinh thời, khi GS.TS. Nguyễn Văn Huyên bận với công việc quốc gia đại sự, nếp nhà được vợ là cụ bà Vi Kim Ngọc gìn giữ cẩn trọng. Những gì cụ bà Ngọc lưu giữ đều là những kỷ vật vô giá còn lại cùng với những biến cố của lịch sử. Từ thư từ, đồ đạc, nhật ký, tài liệu của Bộ trưởng Huyên, cả những tài liệu cụ nghiên cứu đến cuốn gia phả, di chúc tổ tiên để lại. Khi cụ ông mất, năm 1976, cụ bà mang tất cả tài liệu đóng thành 9 quyển và gửi lại cho con trai Nguyễn Văn Huy. Đến tháng 12/2014, PGS.TS. Nguyễn Văn Huy đã dày công trình bày tập hợp lại thành một bảo tàng gia đình. Có lẽ sẽ không quá bất ngờ khi nhìn vào di sản vô giá mà PGS.TS. Nguyễn Văn Huy đang gìn giữ về cha mẹ, dòng họ mình. Bởi chính các thành viên trong gia đình đều có ý thức viết tiếp câu chuyện về một gia đình truyền thống hiếu học, một gia đình hạt nhân của người Việt. Trong câu chuyện của PGS.TS. Nguyễn Văn Huy, nếp sống gia đình của vị cố Bộ trưởng hiện lên không phải chuyện về một danh nhân hay một vĩ nhân huyền thoại nào đó trong lịch sử mà đó là một con người, một cuộc đời đã sống, làm việc và cống hiến cho xã hội.

Cụ Nguyễn Văn Huyên vốn sinh trưởng trong gia đình có truyền thống Nho giáo yêu nước, vào đầu thế kỷ XX, bố mẹ cụ đã hướng các con học thành tài. Sau những năm Tây học, cụ Huyên về nước với học vị cao hiếm có thời đó là tiến sỹ của đại học Sorbone. Vào năm 1939, cụ khước từ mọi lời mời làm quan, mà về dạy học ở trường Bưởi. Sự lựa chọn này theo gia phả gia tộc họ Nguyễn đã ghi: “Lấy nghiệp giáo dục để giúp người, đó cũng chính là chí hướng của ông”. Sau đó cụ chuyển về viện Viễn Đông Bác cổ làm công tác nghiên cứu văn hóa, văn minh Việt Nam và giảng dạy bậc đại học. Cũng từ đây, cụ tham gia vào các phong trào của trí thức yêu nước và làm Bộ trưởng bộ Giáo dục trong 29 năm liên tục.

Di sản của cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên để lại không chỉ là con đường giáo dục đổi mới của cụ mà còn là những công trình nghiên cứu đồ sộ về văn hóa, văn minh Việt Nam, đặc biệt là những phong tục, tập quán vùng đồng bằng Bắc Bộ. Cụ không chỉ là một nhà giáo dục mà hơn hết, còn là một nhà văn hóa.

Tết nghĩa tình trong gia đình cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên - Ảnh 2Phóng to

Tân lang tân nương trong ngày cưới.

Nếp nhà, tình bạn trong Tết

Nhắc về gia đình, PGS. Huy trở về với cái tết tuổi thơ: “Nhớ lại ngày bố tôi còn sống, mỗi dịp Tết đến, dù có bận công việc đến mấy cụ đều đi thăm hàng xóm láng giềng và các trẻ nhỏ mồ côi trong làng. Dù không sinh ra và lớn lên ở nông thôn, nhưng cụ vẫn giữ được một nếp truyền thống, giữ tình làng nghĩa xóm. Khoảng năm 1949-1950 gia đình tôi đi tản cư ở vùng Chiêm Hóa. Ở đấy có trụ sở trường đại học Y. Gia đình tôi ở cùng với mấy gia đình trí thức bấy giờ như gia đình GS. Tôn Thất Tùng, GS. Hồ Đắc Di... Ngày Tết còn thiếu thốn nhiều nhưng bố tôi vẫn dành tiền để nấu bánh chưng cho các con có được không khí Tết cổ truyền”. Kể đến đây, đôi mắt ông Huy nhòe đi...

“Sinh thời, bố tôi là người rất coi trọng giá trị văn hoá dân gian, đặc biệt là Tết cổ truyền dân tộc. Dù công việc trong năm có bận rộn ra sao, nhưng sáng mùng 1 Tết, đại gia đình chúng tôi đều tụ họp về căn nhà ở Trần Hưng Đạo. Đứng trước bàn thờ tổ tiên, từng thành viên trong gia đình sẽ chia sẻ với hai cụ về những thành tích đã đạt được, mục tiêu phấn đấu của mình trong năm tới. Với tôi, ngày hôm đó không chỉ là ngày gia đình tụ họp đầu năm mà còn mang ý nghĩa rất lớn. Bố mẹ tôi như muốn nhắc nhở các con hãy cố gắng học tập, rèn luyện giữ vững truyền thống gia đình”, ông Huy xúc động nói.

Tết nghĩa tình trong gia đình cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên - Ảnh 3Phóng to

PGS.TS. Nguyễn Văn Huy kể về truyền thống gia đình với PV.

Nói tới đây, giọng ông Huy như nghẹn lại. Ông kể về tình bạn của cha mình với bạn bè: “Không chỉ vậy, mỗi ngày đầu năm bố tôi đều tới thăm những người bạn cũ... Một người bạn rất tri kỷ với cụ là cụ Nguyễn Mạnh Tường (một luật sư, nhà giáo dục, người nghiên cứu văn học tài ba), không một Tết nào cụ không tới thăm và chúc Tết gia đình. Ngay sau khi bố tôi mất, cụ Tường vẫn tới nhà thăm gia đình, kể lại câu chuyện về tình bạn 50 năm chia sẻ ngọt bùi giữa hai người mà cụ cho là hiếm có”.

“Những câu chuyện của bố mẹ, tổ tiên đã có ảnh hưởng sâu sắc đến các con, đó là gốc rễ văn hóa của một gia đình, lớn hơn là của một dòng họ, của một xã hội”, PGS. TS. Nguyễn Văn Huy nói. Mạch chảy ấy bám rễ sâu trong truyền thống của từng gia đình, để gìn giữ mạch chảy của văn hóa cội nguồn, góp phần làm nên long mạch đất nước.                 

Cố Bộ trưởng dạy con: Làm bất cứ việc gì cũng phải bằng niềm say mê

Sự dấn thân, phụng sự đất nước của vị cố Bộ trưởng đã ảnh hưởng sâu sắc đến thế hệ các con. “Chúng tôi lớn lên từ truyền thống văn hóa gia đình, đi theo một chí hướng, không cầu sung sướng cho bản thân, không tham địa vị mà là những người muốn cống hiến cho xã hội, phụng sự cho đất nước, ứng xử một cách đúng đắn, nhân ái, yêu thương con người. Bố tôi luôn dạy các con rằng: “Dù làm bất cứ việc gì cũng phải bằng niềm say mê, có như thế mới tập trung tư tưởng, trí tuệ sâu sắc, mới cống hiến được cho đất nước””, ông Huy xúc động chia sẻ.

Lại Cường – Phương Anh
Ảnh: Thành Long


Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý