Thái Bình: Suýt mất mạng vì một mũi tiêm

vuongxinh vuongxinh @vuongxinh

Thái Bình: Suýt mất mạng vì một mũi tiêm

Được cấp cứu tại BVĐK tỉnh Thái Bình vì đau bụng, ông Nhân được tiêm một mũi giảm đau. Sau tiêm, cánh tay của ông tím đen, sưng tấy, hôn mê đe dọa tính mạng.

28/03/2015 07:36 AM
849

Được người nhà đưa đến cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Thái Bình vì cơn đau bụng dữ dội không rõ nguyên nhân, ông Hoàng Văn Nhân (SN 1964) được tiêm một mũi giảm đau. Sau mũi tiêm này... cánh tay của bệnh nhân tím đen, sưng tấy dẫn đến hôn mê đe dọa đến tính mạng.

Tiêm thuốc giảm đau, thối... bắp tay

Tại phòng 419, khoa Liền vết thương, viện Bỏng Quốc gia, ông Hoàng Văn Nhân vừa trải qua một cuộc phẫu thuật ở cánh tay bên phải. Xung quanh chỗ tiêm, thịt thâm đen một vùng vì đã hoại tử. Ông sẽ phải phẫu thuật ít nhất một lần nữa vì còn rất nhiều phần thịt bị hoại tử chưa được cắt bỏ.

Với dáng vẻ tiều tụy vì phải chịu đựng cơn đau dài ngày, ông Nhân cho biết: “Cuộc phẫu thuật vừa qua đã cắt mất một đoạn gân dài và nhiều phần thịt hoại tử nên bây giờ tôi rất đau dù việc phẫu thuật đã xong từ mấy hôm trước. Tuy nhiên, sắp tới, tôi sẽ phải phẫu thuật thêm một lần nữa vì phần thịt hoại tử còn rất nhiều. Sau đó tôi sẽ tiếp tục chờ để được ghép da”.

Bà Nguyễn Thị Hường (vợ ông Nhân, 47 tuổi) buồn rầu chia sẻ: “Hiện tại, BVĐK tỉnh Thái Bình đã có thông tin với gia đình tôi. Họ mong muốn được giải quyết nội bộ. Bên cạnh đó, họ cũng mong gia đình tôi rút lại đơn trước đây đã gửi lên bộ Y tế. Chờ đến khi ông nhà tôi bình phục sức khỏe, chúng tôi sẽ gặp gỡ với đại diện bệnh viện xem họ giải quyết thế nào?”.

 - Ảnh 1

Bà Hường đang chăm sóc chồng tại viện Bỏng Quốc gia.

Trước đó vào đêm 5/2, ông Nhân bị đau bụng. Cơn đau ngày càng dữ dội nên đến khoảng 3h sáng, gia đình phải đưa ông vào BVĐK Thái Bình cấp cứu.

Lúc đầu, các bác sỹ nghi bệnh nhân đau ruột thừa. Khi có kết quả chụp chiếu, bác sỹ thông báo bệnh nhân bị đau cầu thận. Ngay sau đó, bệnh nhân được điều dưỡng Phạm Thị Thu Hà tiêm cho một mũi thuốc nói là thuốc giảm đau vào bắp tay phải. Sau mũi tiêm này, bệnh nhân đỡ đau được đưa về nhà.

Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau đó, chỗ tiêm của ông Nhân có biểu hiện sưng và đau. Ngày 9/2, vết tiêm sưng to và càng đau hơn, gia đình đưa ông Nhân trở lại BVĐK Thái Bình. Tới nửa đêm, ông Nhân được chuyển lên BV Bạch Mai cấp cứu.

Từ ngày 14 - 24/2, ông Nhân được điều trị tại BV Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng phải thở oxy, cánh tay phải tím đen từ bắp xuống cánh tay. Đến ngày 10/3, bệnh nhân được đưa quay lại BV Bạch Mai để mổ chỗ vết tiêm và trở lại BV Nhiệt đới Trung ương sau ca mổ thành công. Ngày 17/3, bệnh nhân được chuyển sang BV Bỏng Quốc gia để điều trị vết hoại tử.

 - Ảnh 2

Viện Bỏng Quốc gia, nơi ông Nhân đang điều trị.

Ngồi chăm sóc chồng, bà Hường ngậm ngùi: “Hơn một tháng qua, gia đình tôi vô cùng khổ cực, lo lắng cho tính mạng của chồng tôi. Tại sao một mũi tiêm giảm đau lại khiến chồng tôi ra nông nỗi như vậy? Hơn một tháng điều trị, sức khỏe ông ấy đã sụt đi bao nhiêu.

Đến nay, gia đình tôi vẫn chưa được BVĐK Thái Bình giải thích thỏa đáng. Số tiền điều trị lên đến 62 triệu đồng, chưa kể đến số tiền được bảo hiểm y tế chi trả. Bác sỹ trực tiếp điều trị cho chồng tôi vừa cho biết thêm rằng không biết đến khi nào bệnh tình của ông nhà tôi mới thuyên giảm. Chúng tôi vô cùng lo lắng”.

“Sau khi chồng bà nhập viện Bỏng Quốc gia, gia đình tôi có quay lại BVĐK Thái Bình hỏi nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng. Thậm chí, điều dưỡng tiêm cho chồng tôi còn thách thức gia đình tôi cứ việc kiện ra tòa nếu muốn”, bà Hường nói.

Video xem thêm:

Bệnh viện 'xịn' chứa nhiều bác sĩ 'dởm'

Có thể quá trình tiêm không được vô khuẩn?!

Điều dưỡng tổng hợp Nguyễn Văn Nam, người chăm sóc điều trị cho bệnh nhân Nhân cho biết, rất khó xác định nguyên nhân gây nên vết thương. Tuy nhiên, các bác sỹ cũng đặt nghi ngờ khả năng quá trình tiêm không được vô khuẩn bởi trước khi tiêm, bệnh nhân không bị va chạm gì. “Chúng tôi chưa từng tiếp nhận ca nào tiêm thuốc giảm đau mà bị sưng tấy như trường hợp này. Mặc dù bệnh nhân bị sỏi thận nhưng thuốc giảm đau Diclophelac không có chống chỉ định với bệnh nhân. Với trường hợp này, chúng tôi không xác định được nguyên nhân. Tất cả chỉ là nghi ngờ”, ông Nam cho biết.

Ths-BS Trần Thị Hải Ninh - phòng Kế hoạch Tổng hợp - BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương - cho biết, theo hồ sơ bệnh án của bệnh nhân Hoàng Văn Nhân, trước khi cấp cứu, bệnh nhân có biểu hiện đau bụng từng cơn, đi ngoài phân sệt 2 - 3 lần/ngày. Bệnh nhân được tiêm thuốc giảm đau Diclophelac vào mặt sau tay phải, sau đó xuất hiện sưng nề, tấy đỏ lan từ vai xuống cánh tay. Quá trình điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương kéo dài do cơ thể bệnh nhân đáp ứng lâm sàng chậm. Theo kết luận, bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn viêm mô tế bào cánh tay nhưng không rõ nguyên nhân vì sao.

Sự việc xảy ra đã hơn một tháng, nhưng tới ngày 18/3, đại diện lãnh đạo BVĐK Thái Bình mới lên BV Bỏng Quốc gia thăm hỏi ông Nhân với tư cách cá nhân, tình cảm. “Chúng tôi đang chờ sức khỏe chồng tôi bình phục rồi sẽ gặp và trao đổi với lãnh đạo BVĐK Thái Bình xem họ xử lý ra sao?”, bà Hường bức xúc nói.

Đã có hướng giải quyết cụ thể

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, BSCKII Giang Hoài Nam, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Thái Bình cho biết, ban Giám đốc bệnh viện đã chỉ đạo cho Phó Giám đốc trực tiếp giải quyết việc này. “Hiện tại, chúng tôi đang chờ sức khỏe của ông Nhân bình phục rồi sẽ trực tiếp lên trao đổi giải quyết. Chúng tôi đã lên BV Bỏng Quốc gia thăm hỏi ông Nhân. Được biết, tình trạng sức khỏe của ông đang dần bình phục”, ông Nam nói.

Cù Hiền

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý